Chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào (RFI, 17/10/2017)
Theo Bloomberg, hôm 17/10/2017, Bắc Triều Tiên cảnh cáo chiến tranh nguyên tử "có thể nổ ra bất cứ lúc nào", trong bối cảnh Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu một trong những cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi bờ biển cả phía đông lẫn phía tây bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim In Ryong, phó đại sứ Bắc Triều Tiên trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York (UN)
Ông Kim In Ryong, phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 16/10 tuyên bố nước mình đã hoàn toàn trở thành "một cường quốc hạt nhân, sở hữu những phương tiện đa dạng" và cảnh báo "toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn" của Bình Nhưỡng. Ông cũng tự cho Bắc Triều Tiên là "một cường quốc nguyên tử có trách nhiệm".
Phó đại sứ Bắc Triều Tiên nói thêm : "Một khi không tham gia các hành động quân sự của Mỹ chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thì chúng tôi không có ý định sử dụng vũ khí nguyên tử hay đe dọa nước khác".
Những tuyên bố trên cũng giống như những lời cảnh báo trong vài tháng qua của Bắc Triều Tiên, vào lúc căng thẳng gia tăng với chính quyền Donald Trump. Chế độ Bình Nhưỡng nhiều lần nói rằng cần có vũ khí hạt nhân để ngăn ngừa bị Mỹ tấn công.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia về quốc phòng Bruce Bennett nhận định : "Bắc Triều Tiên phải phóng đại tối đa, vì họ nghĩ nếu có nhiều người lo sợ, thì sẽ tránh được những hành động của Mỹ-Hàn. Vấn đề là Bắc Triều Tiên thường sử dụng những từ ngữ khoa trương, nay họ bị sốc khi thấy người Mỹ cũng dùng phương pháp tương tự".
Ông Donald Trump từng tuyên bố giải pháp quân sự là một chọn lựa, còn ngoại trưởng Rex Tillerson hôm Chủ Nhật 15/10 nói rằng tổng thống muốn ông xúc tiến các hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng "cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống".
Thụy My
*****************
Châu Âu tăng cường trừng phạt quân đội Bắc Triều Tiên (RFI, 17/10/2017)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 16/10/2017 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt nhắm vào quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời gây áp lực lên một số nước nhằm thúc đẩy áp dụng chặt chẽ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Việt Nam.
Bắc Triều Tiên phô trương vũ khí. Ảnh minh họa. Reuters
Thông cáo của Hội Đồng Châu Âu cho biết quân đội Bắc Triều Tiên và bộ Quốc Phòng của nước này đã được thêm vào danh sách đen, có nghĩa là tài sản tại 28 nước EU sẽ bị phong tỏa. Các biện pháp này nhằm gây thêm sức ép để Bình Nhưỡng phải tôn trọng các cam kết về giải trừ hạt nhân.
Thông cáo giải thích, Quân đội Nhân dân Triều Tiên bị cho vào danh sách đen vì đang kiểm soát các đơn vị hỏa tiễn nguyên tử và vũ khí quy ước ; cùng với bốn định chế, công ty khác của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ tham gia các hoạt động nguyên tử. Ba cá nhân trong đó có hai lãnh đạo phụ trách đạn dược của bộ Công Nghiệp Quốc Phòng không chỉ bị phong tỏa tài sản mà còn bị cấm nhập cảnh vào EU.
Các doanh nghiệp Châu Âu bị cấm xuất khẩu dầu và đầu tư vào Bắc Triều Tiên, cấm gởi tiền mặt quá 5.000 euro so với hiện nay là 15.000 euro. Các nước Châu Âu nhất trí không gia hạn hợp đồng đối với lao động Bắc Triều Tiên, biện pháp này chủ yếu nhắm vào vài trăm lao động làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Ba Lan.
Liên Hiệp Châu Âu cũng quyết định "tiến hành các bước phối hợp kể từ cuối tuần này" đối với 25 quốc gia, để các nước này áp dụng nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhằm làm cạn nguồn tài chính của Bình Nhưỡng. Trong số đó EU đặc biệt muốn gây áp lực lên Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritréa, Angola, đảo quốc Fidji.
Danh sách đen của EU hiện có 104 cá nhân và 63 định chế được cho là có liên quan đến chương trình đạn đạo và nguyên tử của Bắc Triều Tiên.
Thụy My
********************
Tổng thống Nga ký sắc lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 17/10/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh dầy 39 trang áp đặt một số lệnh cấm đối với Bắc Triều Tiên, chiểu theo nghị quyết 2321 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được thông qua ngày 30/11/2016, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt một số trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Reuters/Sergei Karpukhin
Trang web Tân Hoa Xã (Xinhua) của Trung Quốc, trích thông tin từ cổng tài liệu tư pháp của Nga ngày 16/10/2017, cho biết Moskva cũng sẽ tạm ngừng chương trình hợp tác khoa học và kỹ thuật với các cá nhân và cơ quan đại diện của Bắc Triều Tiên.
Cũng trong ngày 16/10, chủ tịch Thượng Viện Nga, Valentina Matviyenko, đã thất bại khi tìm cách đứng ra làm trung gian đối thoại giữa các nghị sĩ đại diện của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bên lề diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới (IPU) tại Saint-Peterbourg.
Theo thông cáo của Thượng Viện Nga được AFP trích dẫn, các đại biểu Bắc Triều Tiên khẳng định "chưa đến lúc đàm phán với Hàn Quốc". Tại diễn đàn trên, phó chủ tịch Quốc hội Bắc Triều Tiên, Ahn Dong Chung, cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Bình Nhưỡng là "kiểu khủng bố Nhà nước".
Ông khẳng định : "Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ bàn về quyền có vũ khí nguyên tử của mình", chừng nào Mỹ còn tiếp tục "đe dọa tấn công nguyên tử và áp dụng chính sách hiếu chiến"đối với Bình Nhưỡng. Ông nói thêm : "Dân tộc và quân đội Bắc Triều Tiên sẵn sàng tăng cường thêm sức mạnh hạt nhân của mình".
Thu Hằng
********************
Mỹ-Hàn tập trận chung, Trung Quốc kêu gọi tự chế (VOA, 17/10/2017)
Có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, các nhà phân tích cảnh báo.
Máy bay Mỹ-Hàn tập trận ngày 18/9/2017 nhằm đáp ứng những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn gần đây nhất của Triều Tiên.
Trung Quốc ngày 16/10 kêu gọi tự chế trên bán đảo Triều Tiên khi Hàn quốc và Hoa Kỳ bắt đầu 5 ngày tập trận hải quân trong vùng biển kế cận.
Cuộc tập trận trùng hợp với một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18/10, và các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể xem cuộc tập trận này là một cử chỉ không thân thiện.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 40 chiến hạm của cả hai nước, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan, sẽ tham gia các cuộc diễn tập ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để đáp ứng trước những đe dọa của chương trình hạt nhân và phi đạn Triều Tiên.
Bắc Kinh cảnh báo là căng thẳng tiếp tục tại bán đảo Triều Tiên không có lợi cho bên nào cả.
"Chúng tôi hy vọng là tất cả các bên liên hệ có thể tự chế và làm việc để tình hình hiện tại giảm bớt căng thẳng và tái tục đối thoại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
Cuộc tập trận, chấm dứt vào ngày 21/10 bắt đầu 2 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc để chọn lãnh đạo kế tiếp trong năm năm tới.
Những cuộc tập trận này diễn ra không chỉ tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên mà còn ở phần phía Tây mà Trung Quốc gọi là Hoàng Hải.
Chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Cát Lâm, ông Wang Sheng, nói cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể là một cách gây áp lực đối với Trung Quốc trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức thăm Bắc Kinh vào tháng tới. Nếu như vậy, cuộc tập trận này sẽ có ảnh hưởng ngược.
Trong năm 2010, Trung Quốc phản đối cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải sau khi hộ tống hạm Cheonan bị đánh chìm mà Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Bắc Kinh im lặng không phản đối những cuộc tập trận tương tự diễn ra cách đây 1 năm.
Triều Tiên gọi những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ là "diễn tập chiến tranh".
Các nhà phân tích Trung Quốc nói có nhiều khả năng Triều Tiên có thể xem cuộc tập trận tuần này là cơ sở để thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nữa.
Các nhà lập pháp Nga trở về sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng trước đây trong tháng cho hay Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm phi đạn tầm xa có thể bắn tới bờ biển phía tây nước Mỹ.
Thêm vào đó, các giới chức tình báo và các nhà phân tích Hàn Quốc nói Triều Tiên có thể cố ý thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn trùng hợp với Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Bình Nhưỡng có lịch sử thực hiện các vụ thử nghiệm khi Trung Quốc đang tổ chức một sự kiện quan trọng để bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc hiện đang cộng tác với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế để làm áp lực lên Triều Tiên", ông Cai Jian, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán nói. "Do đó lần này căng thẳng sẽ rất cao".
(Nguồn SCMP/The Korea Times online)