Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/10/2017

Thế giới báo động về người Rohingya nhưng không ai muốn giúp

RFI tiếng Việt

UNICEF báo động về số phận trẻ em Rohingya (RFI, 20/10/2017)

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm nay 20/10/2017 báo động, đã có gần 340.000 trẻ em người Rohingya tị nạn tại Bangladesh từ cuối tháng Tám, hiện đang thiếu thốn thực phẩm, nước uống và thuốc men. Và mỗi tuần lại có thêm 12.000 em gia nhập các trại tị nạn.

ro1

Ảnh một trại tị nạn người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 20/10/2017. Reuters/Jorge Silva

Tác giả bản báo cáo, ông Simon Ingram, đã đi thị sát hai tuần tại các trại tị nạn ở Cox’s Bazar, nói với báo chí : "Đây không phải là một vấn đề ngắn hạn sẽ sớm chấm dứt. Điều cốt yếu là các biên giới nhất thiết phải mở cửa, trẻ em phải được bảo vệ, và những em bé sinh ra tại Bangladesh phải được làm khai sinh".

Ông Ingram nhấn mạnh : "Nếu không có giấy tờ chứng minh, các em hoàn toàn không có được cơ hội hòa nhập vào xã hội sau này".

Người Rohingya theo đạo Hồi, được công nhận là một trong những sắc tộc thiểu số tại Miến Điện từ năm 1948, nhưng đến năm 1982 đã bị tước mất quyền này, trở này những người vô tổ quốc.

Cho đến nay, đã có gần 600.000 người Rohingya từ Miến Điện chạy sang Bangladesh, từ khi quân đội Miến Điện tung ra chiến dịch truy quét phe ARSA (Đạo quân cứu rỗi người Rohingya tại Arakan) để trả đũa việc phe ly khai này tấn công vào một số đồn cảnh sát.

Nhiều vụ sát hại, tra tấn, đốt nhà của người thiểu số Rohingya đã diễn ra, khiến Liên Hiệp Quốc lên án đây là một chiến dịch thanh lọc chủng tộc. Amnesty International kêu gọi trừng phạt quân đội Miến Điện.

Thụy My

*****************

Khủng hoảng Rohingya : Hai quan chức Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện (RFI, 19/10/2017)

Cộng đồng quốc tế tiếp tục có những phản ứng trước cuộc khủng hoảng sắc tộc ở Miến Điện. Hôm qua 18/10/2017, hai quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc lên tiếng khẳng định rằng, chính quyền Miến Điện đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế, thất bại trong việc bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo Rohingya khỏi bạo lực, và kêu gọi quốc tế xem xét về khả năng coi cuộc truy bức sắc tộc này là tội ác chống nhân loại hay không.

ro2

Người Rohingya vượt biên giới sang tị nạn tại Palang Khali, gần Cox's Bazar, Bangladesh. (Ảnh chụp ngày 19/10/2017) - Reuters

Trong một thông cáo chung, ông Adama Dieng, quan chức phụ trách ngăn chặn nạn diệt chủng, và ông Ivan Simonovic, cố vấn đặc biệt về trách nhiệm bảo vệ, đã viện dẫn 3 tội ác mà quân đội Miến Điện đã phạm phải, và phải bị trừng phạt theo luật pháp quốc tế, đó là tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh.

Hai quan chức theo dõi vấn đề nhân quyền ở Miến Điện thậm chí đã chỉ trích sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong chính nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền và duy trì hòa bình. Họ kêu gọi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi cần phải có những biện pháp tức thời nhằm ngăn chặn bạo lực tại bang Rakhine, và yêu cầu Naypyidaw để Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập tại bang Rakhine.

Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên tiếng bày tỏ sự "quan ngại đặc biệt" đối với cuộc khủng hoảng tị nạn của sắc dân thiểu số theo Hồi giáo này, đồng thời lên án lãnh đạo quân đội Miến Điện, phải chịu "trách nhiệm" về thảm trạng này. Tuy nhiên, khác với hai quan chức phụ trách nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ phần nào bày tỏ sự thông cảm đối với chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Ông Tillerson cho biết đã điện đàm trao đổi với nhà lãnh đạo dân sự Miến Điện, và hiểu được vị thế khó khăn của "một chính phủ có quyền lực bị chia sẻ", nơi mà quân đội vẫn nắm giữ quyền lực quan yếu trong vấn đề an ninh.

Cuộc truy bức sắc tộc do quân đội tiến hành ở Miến Điện nổ ra khi những chiến binh Hồi giáo Rohingya tấn công lực lượng cảnh sát hôm 25/08/2017. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi bùng phát bạo lực, đã có trên 580 000 người Rohingya phải tị nạn sang quốc gia láng giềng Bangladesh.

Duy Anh

Quay lại trang chủ
Read 716 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)