Mỹ-Nhật-Hàn : "Bắc Triều Tiên là mối họa lớn chưa từng có" (RFI, 24/10/2017)
Chương trình hạt nhân quân sự của Bắc Triều Tiên tạo thành một "mối đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có" cho Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lời khẳng định này đã được bộ trưởng Quốc Phòng ba nước đưa ra sau cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng tại Philippines.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tham dự Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Clark, phía đông Manila (Philippines), ngày 24/10/2017. NOEL CELIS / AFP
Trong một thông cáo công bố ngày 24/10/2017, bộ trưởng Quốc Phòng của ba nước Mỹ, Nhật và Hàn đồng lên án với "những lời lẽ mạnh mẽ nhất" các hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên. Đồng thời cả ba bộ trưởng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và đạn đạo bị cấm đoán "một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và vĩnh viễn".
Cả ba nước đồng minh này cũng cam kết gia tăng áp lực ngoại giao lên Bình Nhưỡng, khẳng định thực thi các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên, gia tăng trao đổi thông tin và tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo quân đội nước này sẽ tiến hành hai ngày thao dợt hoạt động dò tìm và giám sát tên lửa với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm chuẩn bị đối phó khả năng Bắc Triều Tiên bất ngờ bắn tên lửa. Địa điểm thao dợt diễn ra ngoài khơi Hàn Quốc và Nhật Bản.
Về phía nước Anh, trong bài phát biểu tại Luân Đôn, bộ trưởng Ngoại Giao Boris Johnson tuyên bố là vẫn nên dự phòng giải pháp quân sự trong việc xử lý hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông nhìn nhận rằng đây cũng là một giải pháp không một ai mong muốn.
Minh Anh
****************
Trung Quốc khẳng định vẫn duy trì đối thoại với Bắc Triều Tiên (RFI, 21/10/2017)
Bên lề Đại Hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, Ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày hôm nay 21/10/2017 đã mở họp báo để nói thêm về đường lối đối ngoại của Đảng – tức là của cả Trung Quốc. Một điểm nổi bật được chú ý là lời khẳng định rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc hội đàm và duy trì các cuộc tiếp xúc và đối thoại với Đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) Bắc Triều Tiên.
Quách Nghiệp Châu (Guo Yezhou), phó ban Đối Ngoại Đảng cộng sản Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 21/10/2017 ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Reuters/Jason Lee
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Quách Nghiệp Châu (Guo Yezhou), phó ban Đối Ngoại Đảng cộng sản Trung Quốc, đã cho rằng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là láng giềng, có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, do đó việc duy trì và củng cố quan hệ đó mang "ý nghĩa quan trọng" cho hòa bình, ổn định khu vực.
Lời khẳng định trên đây được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng đang gặp khó khăn do việc Bắc Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp thái độ không hài lòng của Trung Quốc.
Đối với ông Quách Nghiệp Châu, hoạt động trao đổi giữa hai đảng đóng vai trò quan trọng việc phát triển các mối quan hệ giữa hai nước nói chung, và hoạt động đó vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, quan chức này đã tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi là lần gần đây nhất mà trưởng ban Đối Ngoại Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tống Đào (Song Tao) gặp một quan chức Bắc Triều Tiên là khi nào.
Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên theo nghị quyết Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho dù vẫn chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc tập trận, góp phần làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Trong khi đó thì Hoa Kỳ và các đồng minh luôn cho rằng Trung Quốc nên kiên quyết hơn trong việc kềm chế Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, một quan chức Mỹ xin giấu tên vào hôm qua xác định rằng tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc kềm chế Bắc Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, nhân chuyến công du lần đầu tiên tới Châu Á trong tư cách Tổng thống Mỹ của ông Trump vào tháng tới, các nhà quan sát nhận định ngoài những vấn đề liên quan tới hợp tác kinh tế và an ninh khu vực, vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Trump.
Ngược lại, về phía Bắc Triều Tiên, ông Choe Son Hui, lãnh đạo bộ phận phụ trách Bắc Mỹ tại bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, đã tái khẳng định hôm qua rằng vũ khí nguyên tử là "vấn đề mang tính sống còn" của Bắc Triều Tiên. Điểm đáng chú ý là theo lời quan chức này, Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân.
Trọng Nghĩa
*****************
Úc lên tiếng về thư Bắc Hàn gửi các nước "kêu ca" về Hoa Kỳ (RFA, 20/10/2017)
Thủ tướng Australia hôm 20 tháng 10 gọi bức thư mà Bắc Hàn gửi tới quốc hội nước này và một số nước khác là những lời ba hoa nhắm vào Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vì Bình Nhưỡng đang bắt đầu cảm thấy bị o ép do các lệnh cấm vận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) trước một cuộc họp ở New York hôm 4/5/2017 - AFP
Bức thư của Ủy ban Đối ngoại Bắc Hàn có tựa ‘thư mở gửi quốc hội các nước khác’ tấn công Tổng thống Trump vì bài phát biểu của ông ở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước khi ông dọa sẽ phá hủy Bắc Hàn nếu bị gây hấn.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói bức thư thực chất không nói gì nhiều về Australia mà chỉ là những lời khoa trương nói xấu Tổng thống Mỹ. Ông nói đây cũng là điều thường thấy ở Băc Hàn khi nước này thường xuyên nói xấu và phàn nàn về Tổng thống Donald Trump. Thủ tướng Australia cũng chỉ ra rằng Bắc Hàn chính là nước đã không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi dọa sẽ bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Nhật Bản, Nam Hàn và Mỹ.
Trước đó Bắc Hàn cũng đã đe dọa sẽ bắn tên lửa đến Australia, nước đồng minh của Mỹ.
*****************
Kim Jong-un và Trump : Cặp đôi làm Tập Cận Bình khốn khổ (RFI, 18/10/2017)
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được tái nhiệm chức tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (đảng cộng sảnTrung Quốc) trong vài ngày nữa, nhưng hai nhân vật không thể nào đoán định được là Kim Jong-un và Donald Trump, có thể thêm một lần nữa làm hỏng mất ngày vui của ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong buổi khai mạc Đại hội lần thứ 19 của đảng cộng sảnTrung Quốc. Ảnh tại Bắc Kinh ngày 18/10/2017. Reuters/Jason Lee
đảng cộng sảnTrung Quốc từ hôm nay 18/10/2017 khai mạc Đại hội lần thứ 19, kéo dài một tuần lễ. Nếu không có sự cố gì xảy ra, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục ở ngôi vị tối cao tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Nhưng sự kiện này có thể bị quấy đảo bởi ông chủ Nhà Trắng, thường bất chợt tung ra những tin Twitter đả kích chính sách thương mại của Bắc Kinh chẳng hạn, hoặc sự bất lực trước tham vọng nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Về phần lãnh đạo Bắc Triều Tiên, có thể cố tình chiếm mất ngôi vị vedette trên mặt trận truyền thông của ông Tập, qua việc cho thử một quả bom nguyên tử, hay bắn vài hỏa tiễn đạn đạo trong lúc Đại hội 19 đang họp.
Những giả thiết xấu này của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã từng xảy ra trong quá khứ.
Hồi tháng Năm, trong dịp khai mại hội nghị thượng đỉnh vừa mang tính ngoại giao vừa thương mại về "Con đường tơ lụa mới" do Bắc Kinh tổ chức, một hỏa tiễn của Bình Nhưỡng đã thu hút mọi sự chú ý. Đồng thời ông Donald Trump còn tố cáo Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Triều Tiên – đã không nỗ lực đúng mức để kiểm soát người hàng xóm thích quấy nhiễu.
Đến tháng Chín, lại diễn ra một kịch bản tương tự : Kim Jong-un ra lệnh thử bom nguyên tử, vào đúng ngày ông Tập Cận Bình tiếp đón các đối tác khối BRIcộng sản, nhóm năm quốc gia mới nổi.
Nhiều nhà phân tích lý giải hành động của Bắc Triều Tiên là một sự đối đầu với Tập Cận Bình. Hoặc là một cách để gây áp lực lên Trung Quốc, để Bắc Kinh thuyết phục Washington nên mở đối thoại với Bình Nhưỡng.
Giáo sư Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe) chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh cho rằng, một vụ thử bom nguyên tử trong thời gian diễn ra Đại hội đảng cộng sảnTrung Quốc "trước hết là làm mất thể diện. Việc này sẽ có ảnh hưởng tai hại cho ông Tập Cận Bình, vào thời điểm mấu chốt".
Nếu tại Trung Quốc, quyền lực của Tập chủ tịch là không thể bàn cãi, thì ảnh hưởng của ông Tập đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên hiện nay tỏ ra hạn chế. Lời kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên của ông Tập Cận Bình bị cả Donald Trump và Kim Jong-un phớt lờ. Hai lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng cùng lao vào một cuộc khẩu chiến đáng ngại.
Hoa Kỳ cũng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc "mỗi bên nhường một nửa" : Bình Nhưỡng ngưng thử hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử, đổi lấy việc quân đội Mỹ-Hàn ngưng tập trận.
Sau khi bị ông Trump chỉ trích mạnh mẽ, Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt tăng cường do Liên Hiệp Quốc quy định vào tháng trước. Quan hệ với Washington nhờ đó được sưởi ấm đôi chút, thế nên tổng thống Mỹ sẽ đi thăm Bắc Kinh vào tháng 11 tới.
Nhưng Kim Jong-un thì Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp, và quan hệ Trung-Triều có vẻ đang ở mức thấp nhất kể từ bảy thập niên qua.
Ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về chính sách nguyên tử tại trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định : "Có thể Bắc Triều Tiên sẽ lại cho bắn tên lửa đạn đạo tầm xa mới" trong dịp Đại hội trọng đại của đảng cộng sảnTrung Quốc.
Lợi ích của Bình Nhưỡng nếu phóng hỏa tiễn vào lúc này, là chỉ gây ra phản ứng tương đối nơi Trung Quốc, đang quá bận bịu với công việc hệ trọng trong nội bộ, không thể tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia Triệu Thông, "Đối với Bình Nhưỡng, tốt nhất là thử hỏa tiễn trước khi Đại hội Đảng 19 kết thúc".
Nhưng một số nhà phân tích khác phân vân về tác động đối với các lãnh đạo Trung Quốc, nếu Bắc Triều Tiên bắn tên lửa.
Nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ (Yang Xiyu), Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, thuộc bộ Ngoại Giao cho rằng : "Các vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, dù được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào đi nữa". Đồng thời Bình Nhưỡng "cũng giống như một con kiến cố gắng làm chuyển động một cây cổ thụ" - ông ví von. "Đại hội Đảng lần thứ 19 là một sự kiện rất trọng đại tại Trung Quốc. Những hành vi của Bắc Triều Tiên không thể làm khuấy động được".
Thụy My
*****************
Tấn công tin tặc : Nguồn thu ngoại tệ hữu hiệu của Bắc Triều Tiên (RFI, 21/10/2017)
Tin tặc Bắc Triều Tiên lại tấn công. Theo tiết lộ của các chuyên gia thuộc công ty an ninh mạng Anh Quốc BAE Systems, những tin tặc này đã suýt thành công trong việc tấn công một ngân hàng Đài Loan.Tìm kiếm ngoại tệ dường như là một trong những động lực chính của các tin tặc Bắc Triều Tiên vào lúc các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh mẽ đang bóp nghẹt nguồn tài chính của chính quyền Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên bị cáo buộc tiến hành nhiều vụ tấn công tin tặc có quy mô lớn.(Photo by SSPL/Getty Images)
Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias giải thích vụ việc :
"Vào đầu tháng 10, tin tặc Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc ra lệnh chuyển 60 triệu đô la của ngân hàng Đài Loan Far Eastern International, khi chúng tấn công vào hệ thống chuyển tiền ngân hàng quốc tế SWIFT.
Vụ trấn lột tin học này đã được ngăn chặn kịp thời : ngân hàng đã kịp hủy bỏ 99% các khoản chuyển tiền. Nhiều chuyên gia của công ty BAE Systems khẳng định các thông tin về cách thức hành động và mã tin học cho thấy lại một lần nữa, dường như vụ này do nhóm "Lazarus" thực hiện.
Các hacker trong nhóm Lazarus bị cáo buộc có liên hệ với chế độ Bình Nhưỡng. Chính những hacker này đã đánh cắp 81 triệu đô la của ngân hàng trung ương Bangladesh hồi năm 2016 và đó là trường hợp đánh cắp ngân hàng qua mạng đầu tiên do một Nhà nước điều phối.
Nhóm Lazarus cũng bị nghi ngờ đã tấn công, nhưng không thành, các ngân hàng Mehicô, tại Ba Lan hoặc tại Philippines. Bắc Triều Tiên đã liên tục khẳng định không có liên hệ với nhóm này".
Vẫn theo Frédéric Ojardias, tấn công tin học dường như trở thành một nguồn thu ngoại tệ mới đối với chế độ Bắc Triều Tiên.
"6 000 hacker do Bình Nhưỡng đào tạo bị nghi ngờ đã đánh cắp hàng chục triệu đô la, qua các vụ tấn công ngân hàng và các website cá cược trực tuyến hoặc thông qua "ransomware", một dạng vi rút tin học ngăn chặn máy tính của bạn hoạt động chừng nào bạn chưa trả tiền chuộc.
Các hacker này cũng bị cáo buộc đã tấn công trong thời gian gần đây ba wesite trao đổi tiền kỹ thuật số (tiền ảo) bitcoin của Hàn Quốc. Báo New York Times đã đăng một phóng sự điều tra cho thấy không phải tất cả các tin tặc này đều hoạt động từ Bắc Triều Tiên. Nhiều kẻ trong số này hoạt động tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Theo một cựu điệp viên Anh Quốc được tờ báo trích dẫn, các vụ tấn công tin học ngân hàng này có thể mang về cho Bình Nhưỡng mỗi năm một tỷ đô la. Có thể thẩm định này là phóng đại vì số tiền này tương đương một phần ba thu nhập xuất khẩu của Bắc Triều Tiên".
Làm thế nào mà Bắc Triều Tiên lại có được khả năng tấn công tin học dường như ngày càng tinh vi ? Frédéric Ojardias giải thích tiếp :
"Cách nay khoảng 15 năm, chính Kim Jong Il, thân phụ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay đã quyết định đào tạo các đơn vị hacker tinh nhuệ, bằng cách xác định và tuyển dụng các sinh viên có khả năng nhất.
Tấn công tin học có nhiều điểm lợi : ít tốn kém nhưng lại có thể gây ra những thiệt hại đáng kể cho một quốc gia thù địch, trong một chừng mực nhất định, khó nhận diện…Và Bắc Triều Tiên lại rất ít bị tổn thương do các cuộc tấn công tin học vì nước này ít kết nối với mạng toàn cầu.
Khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã bắt đầu sử dụng đến hacker để có được ngoại tệ, trong lúc Bắc Triều Tiên, do tiến hành chương trình hạt nhân, ngày càng bị bóp nghẹt bởi các biện pháp trừng phạt. Do vậy, các vụ tấn công tin học này sẽ còn tiếp tục xẩy ra".
"Đường ống dầu Hữu Nghị", cốt lõi của cuộc chiến trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên
Than đá, sắt thép và thậm chí cả hải sản, danh sách các sản phẩm bị Liên Hiệp Quốc cấm trong trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên ngày càng dài. Thế nhưng, cho đến lúc này, Trung Quốc lo ngại thấy chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, đã từ chối sử dụng vũ khí dầu lửa chống lại đồng minh truyền thống. Trong danh sách các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên, chính quyền Bắc Kinh đã công khai gạt bỏ đường ống dẫn dầu dài 30 km, chạy từ Đan Đông, Trung Quốc tới Sinuiju ở Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên Heike Schmidt cho biết thêm thông tin :
"Đường ống dầu Hữu Nghị" cốt lõi của cuộc chiến trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Đi vào hoạt động từ năm 1975, hệ thống ống dẫn này có khả năng chuyển tải 520 ngàn tấn dầu mỗi năm, theo số liệu của China National Petroleum, tập đoàn năng lượng khổng lồ Trung Quốc. Thế nhưng, mỗi năm, có bao nhiêu tấn dầu thực sự được chuyển qua hệ thống ống dẫn đó ? Về điểm này, Trung Quốc tỏ ra rất bí mật.
Theo giới chuyên gia, 90% khối lượng dầu lửa mà Bình Nhưỡng mua của Trung Quốc được chuyển tải qua hệ thống này tới nhà máy lọc dầu duy nhất của Bắc Triều Tiên – nhà máy hóa chất Ponghwa. Theo Viện Nautilus, từ cơ sở này, dầu lửa được cung cấp trực tiếp cho quân đội, hiện tiêu thụ tới 1/3 tổng khối lượng dầu lửa nhập khẩu. Cơ quan tư vấn của Mỹ cho rằng cấm nhập khẩu dầu lửa sẽ gây ra hậu quả tệ hại đối với Bắc Triều Tiên nhưng không có hiệu quả trong việc kìm hãm, ít ra là trong ngắn hạn, cuộc chạy đua cuồng nhiệt của chính quyền Bình Nhưỡng nhằm chế tạo vũ khí nguyên tử.
Thường dân lãnh đủ
Bởi vì trong trường hợp này, Bình Nhưỡng sẽ áp dụng chiến lược "Songun – Quân đội trước tiên" : khối lượng dầu lửa thay vì dành cho tiêu thụ của người dân, ngay lập tức sẽ bị cắt giảm để quân đội Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục có nguồn cung ứng đầy đủ. Hiện nay, với mức tiêu thụ vẫn như mọi khi, quân đội Bắc Triều Tiên dường như có khá đủ dự trữ để dùng trong vòng một năm và có thể chiến đấu trong vòng một tháng trước khi rơi vào tình trạng thiếu thốn dầu lửa.
Ngoài các lý do chính trị giải thích sự ngần ngại của Trung Quốc trong việc ngừng cung cấp dầu, thì còn có một yếu tố kỹ thuật cần phải tính tới : "Hệ thống ống dầu Hữu Nghị", hoạt động từ 40 năm qua, có nguy cơ bị hư hỏng và không thể nào sửa chữa được".
Trung Quốc tăng cường tuyên truyền
Tại Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo phổ biến nhất nước vừa tung ra ấn bản bằng tiếng Anh trong chương trình ứng dụng dành cho điện thoại thông minh. Thật ra, ấn bản cho smartphone bằng tiếng Hoa đã có từ ba năm qua, nhưng theo nhận định của thông tín viên RFI tại Thượng Hải, Angelique Forget, việc cho ra đời phiên bản tiếng Anh sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh gởi các thông điệp tuyên truyền ra quốc tế.
"Nhân Dân Nhật Báo, tiếng Hoa gọi là Renmin Ribao, là nhật báo có số ấn hành nhiều nhất nước. Cơ quan báo chí chính thức của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ báo phản ảnh những định hướng như mong muốn của nhà nước trong các bài xã luận cũng như cả trong thứ bậc thông tin.
Lãnh đạo nhật báo, ông Dương Chấn Vũ (Yang Zhenwu), vốn cũng là đảng viên, hoan nghênh việc đưa ra một ứng dụng bằng tiếng Anh. Theo ông, ʺđây là một bước đi chiến lược, cho phép tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên quốc tế. Chúng ta phải biết là hình ảnh Trung Quốc hiện nay là do những tập đoàn truyền thông nước ngoài tạo raʺ
Vào năm 2016, nhân chuyến đi thăm hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi truyền thông Trung Quốc ‘xúc tiến các giá trị xã hội dân chủ’ và ‘phải kể về lịch sử Trung Quốc’ trong cũng như ngoài nước.
Bắc Kinh hiện đã có sẵn một kênh tuyên truyền khổng lồ ra quốc tế : mạng lưới kênh truyền hình CGTN, được phát bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Ả Rập, Tây Ban Nha và Nga. Bởi vì, đối với Tập Cận Bình, ʺTrung Quốc cần biết nhiều hơn về thế giới, và thế giới phải biết nhiều hơn về Trung Quốcʺ".
Thái Lan : Hút thuốc trên bãi biển bị phạt nặng
Chính quyền Thái Lan vừa ban hành lệnh cấm hút thuốc ở các bãi biển trên toàn quốc. Mọi vi phạm lệnh cấm có nguy cơ bị phạt nặng. Quyết định này được đưa ra sau việc hàng ngàn tàn điếu thuốc lá được tìm thấy trên bãi biển Patong nổi tiếng, trên đảo du lịch Phuket.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường thuật :
"Nguyên nhân tức thì của lệnh cấm hút thuốc trên bãi biển đơn giản chỉ nhằm bảo vệ môi trường. Gần đây, có một chiến dịch quét dọn trên bãi biển Patong nổi tiếng, nằm trên đảo du lịch Phuket, phía nam Thái Lan. Và trong chiến dịch này, chừng 140.000 tàn điếu thuốc lá đã được thu lượm. Ngay sau chiến dịch này quyết định cấm hút thuốc đã được đưa ra. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng ngay từ đầu tháng 11/2017, tức là đầu mùa cao điểm du lịch, bắt đầu từ cuối tháng 10 cho đến cuối tháng 2 đầu tháng 3.
Trong trường hợp vi phạm, mức phạt sẽ rất nghiêm khắc. Những ai bị bắt quả tang đang hút thuốc tại một trong những bãi biển có thể sẽ phải chịu phạt 2 500 euro hay một mức án tù giam một năm. Biện pháp này có hiệu lực ở 20 bãi biển đẹp nhất nước. Đó là những bãi biển nằm tại những điểm du lịch tiếng tăm nhất của Thái Lan, như là Pattaya, Phuket, Hua Hin, Krabi Samui và Phang-Nga.
Tuy nhiên có một điểm quan trọng cần nêu rõ, những người hút thuốc sẽ hoàn toàn không bị ngược đãi. Tại mỗi bãi biển, đều có một khoảng chu vi nhất định, được trang bị thùng rác, ở đó những người đi nghỉ cố thể sẽ được phép.
Cũng nên thêm rằng liên quan đến thuốc lá điện tử, vapoter vẫn luôn bị cấm tại nhiều điểm ở Thái Lan. Sau khi lên cầm quyền lãnh đạo vào năm 2014, quân đội đã tiến hành một chiến dịch quét dọn rộng lớn. Một trong những biện pháp đầu tiên của chính quyền quân sự là cấm ghế nằm nghỉ và dù che nắng trên bãi biển. Tiếp đến, còn có một chiến dịch bài trừ những hàng quán vỉa hè, nhất là ở Bangkok.
Đương nhiên trong trường hợp cấm hút thuốc ở các bãi biển, các lý do môi trường và vệ sinh là hoàn toàn chính đáng nhưng với việc cấm để ghế nghỉ và dù che nắng thì không thể hiểu được".
Catalunya đòi độc lập, du lịch lãnh hậu quả
Cuộc đấu tay đôi giữa Catalunya chủ trương độc lập và chính quyền trung ương Madrid sẽ chưa biết lúc nào kết thúc. Nhưng ngành du lịch của vùng tự trị bắt đầu phải hứng chịu những hệ quả đầu tiên.
Toàn cảnh du lịch bắt đầu phủ màu u ám. Hoạt động du lịch trì trệ kể từ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập được tổ chức ngày 01/10/2017 : -15% trong vòng hai tuần đầu tháng 10 so với cùng kỳ năm 2016. Vương Cung Thánh Đường Sagrada Familia tại Barcelona và những bãi biển ở Costa Brava, những điểm du lịch thu hút đông khách tham quan nhất bắt đầu thất thu.
Đây cũng chính là kết quả một cuộc điều tra do Exceltur, liên đoàn doanh nhân trong lĩnh vực du lịch tiến hành và công bố vào ngày 17/10. Điều tra dự phóng trong những tháng sắp tới, triển vọng cho lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Catalunya cũng không mấy gì sáng sủa (du lịch chiếm 12% Tổng sản phẩm nội địa của Catalunya).
Số lượng đặt phòng khách sạn và giao thông sẽ giảm chừng 20% từ đây đến cuối năm, so với cùng kỳ năm 2016, tức mức thất thu ước tính chừng 1,2 tỷ euro. Một số doanh nghiệp đã quyết định tạm ngưng những dự án đầu tư dự kiến trong những tuần sắp tới. Hiện chưa có doanh nghiệp nào trong lĩnh vực du lịch quyết định rời bỏ Catalunya. Nhưng liên đoàn Exceltur dự báo là tình thế có thể thêm nghiêm trọng.
Hoạt động du lịch Catalunya rất có thể sẽ giảm mất 30% nếu như tình hình bất ổn cứ kéo dài. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng sa thải lao động, vốn dĩ tuyển dụng trực tiếp hay gián tiếp đến hơn 400 000 người ở Catalunya. Những tháng sắp tới sẽ mang tính quyết định do có nhiều hội thảo ngành nghề sẽ được tổ chức cũng như có nhiều ngày nghỉ lễ.
Hiện tại, tác động lên nền kinh tế từ cuộc trưng cầu dân ý còn quan trọng hơn cả từ các vụ tấn công khủng bố ở Barcelona và Cambrills. Sau vụ khủng bố ngày 17/08, doanh số lĩnh vực du lịch giảm 5% trước khi phục hồi nhanh chóng.
Minh Anh