Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/10/2017

Trung Quốc trước những vấn đề khó có đồng thuận

RFI tiếng Việt

Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ (RFI, 22/10/2017)

Dự án Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, tổ chức hồi tháng 5/2017, bị nhiều nước châu Âu và Ấn Độ tẩy chay. Gần đây, Bắc Kinh tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại với Ấn Độ để kéo New Delhi vào một dự án, mà Trung Quốc coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

tq1

Công trình nghệ thuật ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017. Reuters

Báo Ấn Độ The Indian Express, ngày 21/10/2017, dẫn lời một quan chức vụ châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng "trao đổi sâu" với phía Ấn Độ, để xua tan các lo ngại từ phía New Delhi. Giới chức nói trên bày tỏ hy vọng là Ấn Độ "hiểu" lập trường của Trung Quốc, và tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một trong các lo ngại lớn của New Delhi là chủ quyền của Ấn Độ tại vùng Cachamir tranh chấp, sẽ bị xâm phạm trong trường hợp Trung Quốc triển khai dự án cùng với Pakistan tại vùng lãnh thổ này. Quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc trấn an New Delhis là dự án hoàn toàn không liên đến các vùng lãnh thổ tranh chấp, và "không ảnh hưởng đến lập trường vốn có" của Bắc Kinh về cao nguyên Cachemire.

Theo chuyên gia Bộ ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã có những tuyên bố tích cực về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại xuyên châu Á nói trên, và Bắc Kinh hy vọng New Delhi cũng làm tương tự.

Tuyên bố của quan chức Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng cộng sản hôm thứ Tư vừa qua, nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường.

Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây xấu đi trầm trọng với cuộc đối đầu tại vùng biên giới Doklam, khởi sự hồi tháng 6/2017, ít tuần sau hội nghị quốc tế Một Vành Đai, Một Con Đường, bị tẩy chay, và chỉ chấm dứt, cuối tháng 8, trước thềm thượng đỉnh của BRICS, mà Trung Quốc đăng cai. Bắc Kinh không muốn New Delhi tẩy chay nốt thượng đỉnh này.

Ấn Độ là một đối tác quan trọng mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn tranh thủ. Đúng ngày khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc, 18/10, ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã có tuyên bố về Ấn Độ, ca ngợi mối quan hệ sâu sắc giữa "hai nền dân chủ lớn nhất thế giới", đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có những hành động "thách thức luật pháp quốc tế, gây bất ổn thế giới".

Trọng Thành

***********************

Bắc Triều Tiên "tự đẩy mình vào chỗ chết" nếu thử tiếp tên lửa (RFI, 22/10/2017)

Tham vọng làm chủ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên dường như ngày càng đẩy đồng minh Trung Quốc, và trước hết là lãnh đạo Tập Cận Bình, vào thế kẹt. Đúng vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại Hội, một học giả Trung Quốc cho biết nếu thử tên lửa thêm một lần nữa, chế độ Bình Nhưỡng sẽ "tự đẩy mình vào chỗ chết".

tq2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, theo dõi vụ bắn thử tên lửa Hwasong-12, ngày 16/09/2017KCNA via Reuters

Báo mạng Anh Quốc Express, ngày hôm nay, 22/10/2017 dẫn lại một cuộc phỏng vấn "gây sốc", của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, với BBC. Vị giáo sư này cho hay Bắc Triều Tiên "đang tìm đến cái chết" khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã kết thúc, "chủ tịch Tập Cận Bình đã ngán ngẩm với các hành xử bất định của nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un".

Trong một lần gần đây, lãnh đạo Trung Quốc cho biết đã "sôi lên vì giận", sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí mới ngay vào lúc Trung Quốc chuẩn bị đón một hội nghị quốc tế toàn cầu quan trọng (ngụ ý nhắc đến vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên ngay trước thượng đỉnh của nhóm BRICS tổ chức tại Hạ Môn-Xiamen hồi đầu tháng 9).

Theo báo mạng Anh Quốc, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Max Baucus, từng cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có một lần duy nhất sử dụng "ngôn từ không mang tính ngoại giao", đó là khi nói về Kim Jong-un.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có thể từ bạn thành thù

Học giả Chong Sho Hu nhận định là việc quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chuyển từ bạn thành thù không phải là điều không thể xảy ra, bởi trong lịch sử Bắc Kinh đã từng có lúc coi những quốc gia một thời đồng minh chí cốt, như Liên Xô và Việt Nam, là kẻ thù, chiến tranh đã xẩy ra giữa hai bên.

Giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh còn nói thêm là "Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình thế hết sức mong manh. Chưa từng có quốc gia nào phải chịu các trừng phạt quốc tế nặng nề như vậy". Ông ví Bình Nhưỡng như "mấp mé bên miệng vực", chỉ cần "một làn gió nhẹ" cũng đủ tiêu vong.

Học giả Chong Sho Hu được coi là người có quan hệ mật thiết với các cơ quan ngoại giao, quốc phòng Trung Quốc.

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên dường như tạm lắng lại trong thời gian Đảng cộng sản Trung Quốc họp Đại Hội 19. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố sau Đại Hội, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ gia tăng áp lực lên chủ tịch Trung Quốc, buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt tham vọng hạt nhân.

Theo lãnh đạo CIA Mỹ, Mike Pompeo, phát biểu hôm thứ Năm, 19/10, Bắc Triều Tiên chỉ còn "vài tháng nữa" là làm chủ được vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hoa Kỳ, mà đây là điều mà tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận.

Cựu tổng thống Carter muốn đến Bình Nhưỡng

Tại Mỹ, nhiều người vẫn muốn tìm giải pháp ngoại giao. Theo Reuters, cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 93 tuổi, cho biết ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng, nhân danh chính quyền Trump để đối thoại với Bắc Triều Tiên.

Cựu tổng thống Mỹ Carter cho rằng căng thẳng hiện nay, với các cuộc khẩu chiến và ngờ vực gia tăng, có thể khiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên chọn giải pháp tấn công phủ đầu, do sợ bị Mỹ tấn công trước. Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, một phần lãnh thổ hải ngoại, thậm chí lãnh thổ Bắc Mỹ có thể bị tấn công hạt nhân.

Cũng theo ông Jimmy Carter, ở Washington người ta có xu hướng đáng giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong lúc trên thực tế, chính quyền Kim Jong-un không còn duy trì quan hệ với Bắc Kinh, như dưới thời Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng đến Bình Nhưỡng năm 1994 để đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành - ông nội Kim Jong-un - để thúc đẩy một thỏa thuận đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, ít tuần trước khi Kim Nhật Thành qua đời.

Trọng Thành

****************

Trung Quốc : Lòng dân không "đỏ" như ý Đảng (RFI, 22/10/2017)

Cứ mỗi năm năm, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lại được tiến hành trọng thể, với sự hỗ trợ rầm rộ của bộ máy tuyên truyền. Tuy vậy AFP ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, chỉ có một nhúm người về hưu đến Thượng Hải, thăm địa điểm tổ chức đại hội lần đầu tiên của "đảng lớn nhất thế giới", được chế độ khoác cho màu sắc thiêng liêng của lòng ái quốc.

tq3

Ảnh Tập Cận Bình, Mao Trạch Đông ở Thượng Hải với khẩu hiệu "Học tập đồng chí Lôi Phong". Ảnh chụp ngày 26/09/2017. Reuters/Aly Song

Chính trong thành phố tô giới của Pháp trước đây, mà Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ta năm 1921 đã họp hội nghị đầu tiên thành lập ra đảng cộng sản, để rồi sau đó lên nắm quyền vào năm 1949.

Gần một thế kỷ sau, tòa nhà âm u bằng gạch khiêm tốn vẫn ngự trị ở trung tâm một khu phố gồm các cửa hàng sang trọng và các nhà hàng thời thượng, như một biểu tượng cho "nền kinh tế thị trường theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa", được những người kế nhiệm Mao lập nên.

Cai Tian, một khách tham quan "trẻ", "mới có" 46 tuổi thú nhận : "Ngày nay chẳng còn mấy ai quan tâm đến nơi này, chỉ có những người già nhất mới đến thôi. Người dân không dân tộc chủ nghĩa lắm đâu, hằng ngày họ chỉ nghĩ đến việc làm và cuộc sống".

Cách đó hơn một ngàn cây số, tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình sắp được Đại hội Đảng 19 tiếp tục giao phó nhiệm vụ lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, chế độ Trung Quốc đã nỗ lực lay động lòng ái quốc, thách thức các nước láng giềng, từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho đến các nước ven Biển Đông.

Trong bài diễn văn tràng giang đại hải hôm khai mạc Đại hội 18/10/2017, Tập Cận Bình nhiều lần nêu ra "sự phục hưng vĩ đại" của Trung Hoa, sau những ô nhục phải chịu đựng từ thế kỷ 19, trong cú sốc đối đầu với nền văn minh phương Tây.

Nhưng một nghiên cứu về dư luận gần đây cho thấy việc tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc chỉ có tác dụng hạn chế lên người dân, tuy đã được đẩy lên cao độ hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Công trình do giáo sư Alastair Johnston, trường đại học Havard chủ trì, được công bố vào đầu năm nay khẳng định : "Theo nhiều tiêu chí, thì mức độ dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã khựng lại hoặc thụt lùi từ năm 2009. Rõ ràng là những người trẻ ít mang đặc tính này hơn so với người lớn tuổi".

"Wolf Warrior 2" (Chiến binh sói 2), một bộ phim hành động dân tộc chủ nghĩa, trong đó một đội đặc nhiệm Trung Quốc đã chiến thắng các nhân vật phản diện phương Tây, mùa hè này đã đánh bại tất cả các kỷ lục ở rạp chiếu. Hàng đàn hàng lũ những kẻ khẩu chiến trên mạng xã hội, trong đó có không ít dư luận viên được Nhà nước trả công, luôn sẵn sàng "ném đá" những ai có vẻ thiếu tôn trọng tổ quốc. Nhưng các nỗ lực này cùng với chế độ kiểm duyệt siêu gắt gao cũng không loại trừ được những quan điểm khác biệt - theo nghiên cứu của Viện Mercator, công bố trong tháng này.

Các tác giả bản báo cáo cho biết : "Rất lạ lùng là không có ý thức hệ nào thống trị trên các diễn đàn Trung Quốc, nơi mà người ta tranh cãi gay gắt về quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội".Những cảnh báo của chế độ về "các lực lượng thù địch" dường như không được chú ý lắm trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Các chuyên gia cảnh báo, tình cảm dân tộc vẫn có thể trỗi dậy trong trường hợp xảy ra căng thẳng với các nước khác, hay khủng hoảng kinh tế.

Bắc Kinh nhiều khi làm ngơ để cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng lên, nhất là đối với Nhật Bản. Nhưng chính quyền cũng lo ngại các vụ biểu tình chống Nhật chẳng hạn, quay ngược lại chống chính phủ, nên nhanh chóng huýt còi.

Nhà Trung Quốc học Kaiser Kuo, phụ trách mục Sinica trên trang web SupChina.com nhấn mạnh : "Chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi, và Bắc Kinh cố ngăn chận".

Năm ngoái, khi Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, những người biểu tình - cho rằng phía sau quyết định này có bàn tay của Washington - đã tấn công vào các nhà hàng KFC ở nhiều thành phố. Tiếp đó có một cuộc tranh luận trên mạng về "yêu nước một cách thiếu suy nghĩ", rồi đến lượt báo chí kêu gọi những người này quay về nhà.

Kaiser Kuo giải thích : "Chắc chắn đa số giới trẻ nhận ra rằng sở dĩ Trung Quốc thịnh vượng là nhờ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nên họ không chấp nhận ý thức hệ cứng rắn".

Thụy My

***********************

Biển Đông : Trung Quốc lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải (RFI, 22/10/2017)

Hạm đội Nam Hải thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - lực lượng chuyên trách các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông, đang được bổ sung một đơn vị cứu hộ mới. Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện và khả năng của mình trong vùng biển đang có tranh chấp.

tq4

Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. Reuters/Guang Niu

Như vậy là hạm đội Nam Hải sẽ có hai đơn vị cứu hộ. Báo Straits Times, hôm nay 22/10/2017, cho biết là theo các chuyên gia quân sự, đơn vị mới này sẽ tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở vùng biển xa hơn nữa của hải quân Trung Quốc. Còn một chuyên gia quân sự giấu tên nói với tờ Global Times là đơn vị cứu hộ mới có thể tăng khả năng phòng thủ của Hạm đội Nam Hải dọc theo bờ biển và trên biển, cũng như trong chiến đấu.

Nhiệm vụ chính của đơn vị cứu hộ hàng hải bao gồm triển khai các thiết bị cứu hộ, thiết bị lặn và các thiết bị khác trong mọi trường hợp khẩn cấp, để giảm thiểu tổn thất trong các tai nạn và bảo vệ các kỹ sư hàng hải. Đơn vị này cũng có thể tham gia vào các hoạt động cứu nạn trên biển.

Hạm đội Bắc Hải của Hải Quân Trung Quốc đã thành lập một đơn vị như vậy vào năm 2011, vì hạm đội Bắc Hải chịu trách nhiệm về các hoạt động cứu hộ trên tất cả các khu vực pháp lý của hải quân Trung Quốc. Các nguồn lực của hạm đội này đã được nâng cao trong quá trình hải quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trong những năm gần đây.

Theo hình ảnh vệ tinh mà các cơ quan tư vấn nước ngoai thu thập được, Trung Quốc đã triển khai hầu hết các tàu ngầm hạt nhân tiên tiến ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều tàu ngầm trong khu vực đã làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Theo ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói : "Khi xảy ra tai nạn, tàu ngầm không thể dựa vào đơn vị cứu hộ của Hạm đội Bắc Hải".

Ông Ke Hehai, chính ủy của đơn vị, trong một phiên họp nghiên cứu báo cáo chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình trong phiên khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 giải thíchlà việc thành lập đơn vị cứu hộ mới cho hạm đội Nam Hải nằm trong khuôn khổ "cuộc cải cách quân sự mới nhất".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 738 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)