Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/01/2017

Kết hợp chiến lược mới trên Biển Đông sau khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc khuyến cáo Nhật Bản không được xen vào chuyện Đài Loan (RFI, 23/01/2017)

bd1

Hệ thống tên lửa chống hạm Nhật Bản ở căn cứ Naha, Okinawa. Ảnh ngày 11/11/ 2013. TORU YAMANAKA / AFP

Bình luận về cuộc tập trận của quân đội Nhật Bản, theo kịch bản Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 22/01/2017 yêu cầu Tokyo không nên nhúng tay can thiệp vào "chuyện nội bộ của Trung Quốc". Đài Loan cũng đang tiến hành một cuộc tập trận bằng đạn thật "với qui mô lớn nhất" theo kịch bản chận đánh một cuộc đổ bộ từ Hoa Lục.

Theo Kyodo, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu Nhật Bản "thận trọng trong lời nói và hành động" vì Đài Loan là "chuyện nội bộ" của Trung Quốc. Tokyo không nên có "động thái phá hoại hoà bình".

Hãng Kyodo, trong bản tin ngày 18/01 cho biết, từ ngày 22 đến 26/01, bộ Quốc Phòng Nhật sẽ tiến hành một cuộc diễn tập, nhưng trên máy tính, chiến thuật đối phó với tình huống xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Đài Loan, để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh quốc gia.

Trước khi bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản ứng, bộ Quốc Phòng nước này cho biết "kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích" làm hại quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Không hẹn mà gặp, cả Nhật Bản và Đài Loan đều tiến hành tập trận đương đầu với Trung Quốc.

Theo AFP, Đài Loan huy động hải lục không quân, nhảy dù, thiết giáp, hỏa tiển phòng không, tên lửa chống hạm. Hàng chục ngàn quân nhân trừ bị cũng tham gia. Cuộc tập trận bằng đạn thật, được thông báo "lớn nhất từ 10 năm nay" bắt đầu từ thứ tư tuần trước, tiếp theo một loạt động thái biểu dương lực lượng của Bắc Kinh bày tỏ bất bình trước thái độ trọng thị của lãnh đạo mới tại Washington đối với tổng thống Thái Anh Văn.

Tú Anh

**********************

Đài Loan ca ngợi quan hệ với Mỹ sau khi Donald Trump nhậm chức (RFI, 22/01/2017)

bd2

Ảnh minh họa : Donald Trump trên trang nhất nhật báo Đài Loan ngày 21/01/2017. Reuters

Sau khi dự lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, cựu thủ tướng Đài Loan, đặc phái viên của chính quyền Đài Bắc, hôm thứ Sáu, 20/01/2017, đã tuyên bố là quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ lên tới "mức cao lịch sử".

AFP ngày 21/01 cho biết, ông Du Tích Khôn (Yhu Shyi Kun), nguyên là thủ tướng Đài Loan trong giai đoạn 2002 – 2005, đã dẫn đầu một phái đoàn 11 thành viên dự lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump tại Washington.

Việc Hoa Kỳ mời Đài Loan đến tham dự sự kiện này đã làm cho Trung Quốc nổi giận và làm dấy lên một cuộc khẩu chiến đi kèm hăm dọa, vì Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một tỉnh của Hoa Lục và đe dọa nếu cần sẽ dùng vũ lực đánh chiếm.

Trung Quốc đã chính thức yêu cầu Washington không mời phái đoàn Đài Loan tới dự lễ nhậm chức. Ngay lập tức, cựu thủ tướng Đài Loan Du Tích Khôn tố cáo chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có "đầu óc hẹp hòi".

Cho dù rất bực tức, ông Du Tích Khôn vẫn luôn tỏ ra tươi cười hôm thứ Sáu, sau khi cùng với phái đoàn bao gồm các nghị sĩ của bốn chính đảng Đài Loan tham dự lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ.

Bản thân ông Du Tích Khôn là thành viên và trước đây là chủ tịch đảng Dân Tiến (hiện đang cầm quyền tại Đài Loan). Đảng này lo ngại về quan hệ với Trung Quốc và chủ trương Đài Loan có quyền tự trị.

Quan hệ tuyệt vời.

Cựu thủ tướng Đài Loan tỏ ra hào hứng về việc ông đã được đón tiếp tại Washington và nói : "Có thể nói là vào lúc này quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ đang rất tốt".

Gần như ngay sau khi đắc cử tổng thống hồi tháng 11/2016, Donald Trump đã làm cho Bắc Kinh nổi đóa, khi ông nhận điện thoại chúc mừng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen)

Từ năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo ở Bắc Kinh là chính phủ duy nhất của "một nước Trung Hoa".

Thế nhưng, Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979 cho phép Hoa Kỳ duy trì cách tiếp cận "lấp lửng" trong quan hệ với Đài Loan, cụ thể là Washington vẫn có quan hệ thương mại và bán vũ khí cho Đài Bắc.

Tuy Washington không công khai thừa nhận bà Thái Anh Văn là một nguyên thủ quốc gia, nhưng Bắc Kinh vẫn rất tức giận, tố cáo Hoa Kỳ không tôn trọng chính sách "một nước Trung Hoa", vi phạm thủ tục lễ tân, khi tổng thống đắc cử Donald Trump chấp nhận điện đàm với lãnh đạo Đài Loan.

Vào lúc đó, ông Trump tỏ ra không quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc và một số chính trị gia bảo thủ Mỹ đã ca ngợi ông bảo vệ một đồng minh dân chủ.

Đầu tháng Giêng 2017, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh Hoa Kỳ, trên đường công du Châu Mỹ Latin và tại sân bay, bà đã gặp thống đốc tiểu bang Texas Greg Abbott và Thượng nghị sĩ Ted Cruz.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn AFP, ông Du Tích Khôn nói rằng, quyết định của tổng thống Donald Trump nhận điện thoại của bà Thái Anh Văn cũng như cho bà quá cảnh Hoa Kỳ là những tín hiệu cho thấy quan hệ giữa Washington và Đài Bắc đang được sưởi ấm.

Ông nói : "Bà Thái Anh Văn đã được đón tiếp tốt và ở cấp cao tại Hoa Kỳ và trước đó là cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và tổng thống Thái Anh Văn, những động thái đó nâng cao sự hiện diện của Đài Loan" trên trường quốc tế.

Một nước Trung Hoa

Khi được hỏi là ông đã có các cuộc gặp với các quan chức trong chính quyền mãn nhiệm của Barack Obama) hay chính quyền mới của Donald Trump hay không, ông Du Tích Khôn tỏ ra thận trọng.

Ông trả lời, "theo các chuẩn mực và sự thông cảm giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, thì nếu chúng tôi có các cuộc gặp với các thành viên của chính quyền Mỹ, chúng tôi cũng không thể tiết lộ".

Cựu thủ tướng Đài Loan cũng nói là tổng thống Trump, vốn nổi tiếng với những thông điệp thất thường trên mạng xã hội Twitter, đã nói rằng Hoa Kỳ cần xem xét lại chính sách "một nước Trung Hoa".

Tuy hoan nghênh về điều này, nhưng cựu thủ tướng Du Tích Khôn cho biết là một số người tại Đài Loan lo ngại vì trong các thông điệp trên Twitter sau đó, ông Trump dường như gợi ý là ông có thể sử dụng vấn đề quan hệ với Đài Loan để "mặc cả" với Trung Quốc.

Hồi tháng 12/2016, ông Trump nói với báo Wall Street Journal rằng "mọi thứ đều trên bàn đàm phán, kể cả chính sách một nước Trung Hoa" và gợi ý là Trung Quốc có thể bảo vệ chính sách này nếu đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Theo ông Du Tích Khôn, một số nhóm tư vấn bảo thủ tại Washington có thể có ý tưởng muốn ông Trump "bán đứng Đài Loan" thế nhưng, ông tin tưởng rằng Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan cấm làm việc này.

Một lo ngại khác của Đài Loan, đó là sự xóa bỏ hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, một hiệp định tự do mậu dịch mà ông Obama chủ trương và bảo vệ nhưng ông Trump muốn xóa bỏ.

Cựu thủ tướng Đài Loan nói, "dưới thời chính quyền Obama, mọi người rất mong muốn ký kết TPP. Đài Loan và Mỹ đều hiểu rằng Đài Bắc sẽ là một thành viên của TPP".

Mối đe doạ thường trực và phi lý

Tuy nhiên, nếu TPP bị xóa bỏ, cựu thủ tướng Đài Loan hy vọng là Hoa Kỳ và Đài Loan có thể ký một hiệp định thương mại riêng rẽ và các nhà đầu tư Đài Loan có thể giúp ông Trump thực hiện được lời hứa là tạo công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.

Ông Du Tích Khôn cũng phàn nàn là 23 triệu dân Đài Loan luôn phải sống với "một mối đe doạ thường trực và phi lý" của Trung Quốc bởi vì Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là thành viên. Ông nhấn mạnh, "cả Đài Loan và Hoa Kỳ là thành viên của một liên minh dân chủ. Chúng tôi cùng chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và hòa bình. Chúng tôi cũng có và bảo vệ những giá trị tương tự".

Khi được hỏi là ông có nghĩ là một ngày nào đó, Đài Loan sẽ trở thành một quốc gia "bình thường", có đầy đủ chủ quyền ? Cựu thủ tướng Đài Loan mỉm cười và nói : "Chúng tôi thực sự hy vọng như vậy".

Đức Tâm

Quay lại trang chủ
Read 707 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)