Trung Quốc phản ứng việc Mỹ cảnh cáo chuyện Biển Đông (BBC, 24/01/2017)
Trung Quốc là một trong số các nước có tuyên bố chủ quyền đối với từng phần Biển Đông
Trung Quốc xác quyết 'chủ quyền không thể tranh cãi' đối với nhiều vùng ở Biển Đông sau khi chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ chặn việc Bắc Kinh chiếm lãnh thổ trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ 'tiếp tục cương quyết bảo về quyền của mình trong khu vực'.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer hôm thứ Hai nói rằng Hoa Kỳ sẽ 'đảm bảo rằng chúng ta sẽ bảo vệ quyền lợi của mình tại đó'.
Chính quyền của ông Barack Obama từ chối bênh các phe trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhưng hồi năm ngoái đã gửi máy bay ném bom B-52 và tàu khu trục hải quân tới khu vực.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là John Kerry đã lên tiếng về điều mà ông gọi là "sự gia tăng tình trạng quân sự hóa từ dạng này sang dạng khác" trong khu vực.
Một số quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông giàu trữ lượng tài nguyên, đồng thời là nơi có tuyến giao thông đường biển quan trọng.
Tân tổng thống Hoa Kỳ đã có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, và ông Spicer nói với các phóng viên rằng "Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng chúng ta bảo vệ lợi ích của mình" tại Biển Đông.
"Nếu các hòn đảo đó thật ra là vùng biển quốc tế chứ không phải là thuộc về Trung Quốc, thì chúng ta sẽ đảm bảo rằng chúng ta bảo vệ quyền lợi quốc tế, không để nước khác chiếm lấy", ông nói, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Truyền thông Trung Quốc nói rằng các bình luận của ông Spicer khiến Washington đang 'tuyên chiến'.
Nhưng chính phủ Trung Quốc ra phản ứng chừng mực hơn, nói rằng Hoa Kỳ "không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc "cam kết theo đuổi các đàm phán hòa bình với toàn bộ các quốc gia có liên quan" trong cuộc tranh chấp, và nói Bắc Kinh "tôn trọng các nguyên tắc tự do đi lại và bay phía trên các vùng biển quốc tế".
Tuy nhiên, bà nói : "Quan điểm của chúng tôi là rất rõ ràng. Hành động của chúng tôi là hợp pháp".
Các nước trong vùng đã có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông từ hàng thế kỷ qua, nhưng căng thẳng liên tục dâng lên trong những năm gần đây.
Các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền từng phần hoặc toàn bộ đối với các đảo, các vùng nước ở Biển Đông.
Trung Quốc củng cố tuyên bố của mình bằng cách bồi đắp cơi nới đảo, xây dựng các công trình trên đảo, và tuần tra trên biển, trong khi chính quyền cũ của Hoa Kỳ nói họ phản đối việc hạn chế tự do đi lại và các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, cho dù của bất kỳ bên nào. Tuyên bố của Mỹ được nhiều người cho là nhắm vào Trung Quốc.
Những xích mích đã làm dấy lên quan ngại rằng khu vực này đang trở thành điểm nóng gây ra những hậu quả toàn cầu.
************************
Biển Đông : Trung Quốc có khả năng quân sự trả đũa Hoa Kỳ (RFI, 24/01/2017)
Tàu sân bay Trung Quốc Lieu Ninh (Liaoning) cùng các khu trạm đi tập trận tại khu vực gần Biển Đông, hồi tháng 12/2016 Reuters
Bắc Kinh là kẻ thù của Washington ? Nước Mỹ của Donald Trump lên giọng với Trung Quốc, ngăn cản anh khổng lồ Châu Á khống chế Biển Đông, tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Theo giới chuyên gia Tây phương, Trung Quốc tuy yếu hơn Mỹ nhưng có phương tiện đối phó. Vấn đề là nếu xảy ra xung đột trực diện, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Biển Đông là khu vực nhạy cảm từ bốn thập kỷ qua. 80% diện tích vùng biển chiến lược với con đường hàng hải huyết mạch của kinh tế thế giới bị Trung Quốc xem là ao nhà. Trung quốc xây dựng, gia cố các đảo lớn nhỏ thành căn cứ quân sự, khu du lịch để khẳng định chủ quyền. Nếu tổng thống Barack Obama trước đây lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thì với Donald Trump, Hoa Kỳ tiến thêm một bước. Không kể thái độ công khai thân thiện với Đài Loan, chính quyền mới tại Washington qua phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer ngày 23/01/2017 cảnh báo Trung Quốc : Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách không cho Trung Quốc xâm hại quyền lợi quốc tế tại Biển Đông. Hai tuần trước, ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson báo trước "không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo lấn chiếm".
Phản ứng của Bắc Kinh không gây ngạc nhiên : kiên quyết bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng ý thức sức mạnh quân sự của mình có giới hạn. Theo nhà phân tích chiến lược Pháp Valérie Niquet được AFP trích dẫn, chính quyền Bắc Kinh biết là nếu xung đột trực diện với Mỹ thì sẽ thua. Do vậy, Trung Quốc dùng mưu mẹo khác, triển khai một lực lượng hải thuyền có khả năng phản ứng nhanh và làm cho Mỹ phải do dự trước viễn ảnh một cuộc chiến tranh tốn kém lớn tại Châu Á.
Quân đội Trung Quốc hiện nay đã có trong tay 61 tàu ngầm trong đó có bốn chiếc chạy bằng điện hạt nhân, 19 chiếc khu trục hạm và 54 tàu tuần dương.
Bị Mỹ hù dọa, Trung Quốc cũng cố gắng phô trương gân bắp. Hải quân loan báo vừa đưa vào hoạt động khu trục hạm Xining (Tây Ninh), được xem là tối tân nhất với khả năng diệt "hàng không mẫu hạm". Ngoài ra, Trung Quốc còn có những tên lửa chống hạm (DF-21 và DF-22) có thể buộc tàu chiến Mỹ không dám tiến gần.
Với một tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất và lỗi thời mua lại của Ukraina, Trung Quốc dư sức hù dọa các quốc gia Đông Nam Á nhưng chắc chắn không thể đọ sức với hải quân Mỹ. Tuy nhiên, nếu biết cách tổ chức, với những phương tiện này, Trung Quốc vẫn có thể làm cho Mỹ e dè, theo nhận định của chuyên gia Nhật Bản Noburu Yamaguchi, đại học Tokyo.
Với nhịp độ chạy đua vũ trang để trỗi dậy làm đại cường, Trung Quốc đã tiến những bước rất dài trong hai thập niên qua nhưng vẫn không thấm vào đấu với tiến bộ quân sự của Mỹ. Phải mất thêm từ 20 đến 30 năm, Trung Quốc mới có hy vọng thu ngắn khoảng cách nhưng vấn đề là Hoa Kỳ không đứng yên, theo thẩm định của giáo sư James Char, đại học Nam Dương (Nanyang) ở Singapore.
Cho dù Trung Quốc phô trương tên lửa liên lục địa DF-41 có tầm phóng 14.000 km, trang bị 12 đầu đạn nguyên tử, đủ sức làm cho nước ngoài "kính nể" như Hoàn cầu Thời báo nhận định, Bắc Kinh vẫn phải cân nhắc lợi hại trước siêu cường.
Một nhược điểm mà Trung Quốc không thể che dấu là quân đội không có kinh nghiệm chiến trường và thiếu tinh tường kỹ thuật mới (chiến tranh với Việt Nam năm 1978 là trận cuối cùng).
Biết đánh thì không thắng mà đe dọa suông thì càng bị chính quyền Donald Trump xem thường.
Theo chuyên gia Valérie Niquet được trích dẫn bên trên, Bắc Kinh đứng trước một ván cờ tế nhị. Nếu lỡ bước khiêu khích làm Hoa Kỳ phải can thiệp thì hậu quả sẽ khó lường.
Tú Anh
***************************
Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc chiếm lãnh thổ ở hải phận quốc tế (VOA, 24/01/2017)
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc.
Tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 cam kết Mỹ sẽ ngăn không cho Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong các khu vực hải phận quốc tế ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng "Hoa Kỳ sẽ đảm bảo bảo vệ các lợi ích của mình tại đây".
Vẫn theo lời người phát ngôn Spicer, vấn đề đặt ra là liệu các đảo đó thật ra nằm trong lãnh hải quốc tế và không phải là một phần thuộc Trung Quốc hay không, nếu đúng vậy, thì Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng họ bảo vệ không để cho các lãnh thổ quốc tế bị một nước nào chiếm dụng.
Tuyên bố được đưa ra đáp câu hỏi liệu tân Tổng thống Donald Trump có đồng ý với phát biểu tuần trước của người được đề cử chức Ngoại trưởng, Rex Tillerson, rằng chớ để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng trên Biển Đông.
************************
Quan hệ Trung Quốc, Philippines sắp gặp thử thách (VOA, 24/01/2017)
Mối quan hệ non trẻ giữa Trung Quốc và Philippines - hai nước có tranh chấp chủ quyền hàng hải - đối mặt với một thử thách trong năm nay vì những tranh cãi mới liên quan đến việc Bắc Kinh xây đảo trong vùng biển tranh chấp, và kỳ vọng về việc tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á.
Quan hệ Philippines-Trung Quốc sẽ có nhiều vấn đề hơn nếu Hoa Kỳ can thiệp, và chính phủ Hoa Kỳ đã cho thấy một số dấu hiệu là sẽ tìm cách tranh thủ Manila để xây dựng một mối quan hệ quân sự vững chắc hơn dưới quyền Tổng thống Trump.
Ông Carl Baker, giám đốc đặc trách các dự án của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Honolulu, cho rằng Philippines sẽ gặp khó khi tìm cách thao túng thế đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về sự chiếm đóng của Trung Quốc trong vùng biển này.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Australia, nói Tổng thống Philippines Duterte có lẽ sẽ để cho ông Trump đóng quân ở Philippines để chống lại Trung Quốc.
Ông Thayer nói : "Trong dài hạn, mọi việc rất khác. Tăng cường sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ sẽ mất nhiều năm. Điều đó sẽ không xảy ra tức thời. Tôi thấy rõ là ông Trump thật sự theo đuổi việc tiếp cận thị trường và giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ với Trung Quốc".
Ralph Jennings
********************
Tân tư lệnh hải quân Trung Quốc : ‘Khắc tinh’ của Việt Nam ? (VOA, 24/01/2017)
Phó Đô đốc Trung Quốc Thẩm Kim Long (thứ hai từ phải sang) trong một lần lên thăm chiến hạm Mỹ USS Blue Ridge hồi năm 2015.
Trung Quốc mới đây đã bổ nhiệm Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, người từng dẫn dắt Hạm đội Nam hải, vốn bảo vệ các vùng lãnh hải như biển Đông, làm tân chỉ huy của lực lượng hải quân nước này.
Tờ China Daily đưa tin hôm 20/1 rằng ông Thẩm, 60 tuổi, lên thay Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi, 71 tuổi, để "lãnh đạo lực lượng hải quân lớn nhất Châu Á".
Tin cho hay, Hạm đội Nam hải từng tham gia trận hải chiến với quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa năm 1974, làm hơn 70 binh sĩ phía Việt Nam hy sinh, và cũng từng tham chiến tại quần đảo Trường Sa năm 1988.
Tư liệu - Hải quân Trung Quốc đứng trước tàu Đại Khánh ở San Diego. Trung Quốc đã bổ nhiệm cựu chỉ huy Hạm đội Nam hải Thẩm Kim Long làm tân tư lệnh hải quân nước này.
Ông Dương Danh Dy, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng Bắc Kinh bổ nhiệm những người có kinh nghiệm về biển Đông đảm nhiệm các cương vị trọng yếu của hải quân cho thấy họ "rõ ràng coi trọng" vùng biển này, và theo ông, "muốn bành trướng hơn nữa, bá quyền hơn nữa".
Cựu quan chức ngoại giao Việt Nam này nói thêm :
"Trung Quốc họ phải làm như vậy. Muốn hay không muốn, họ phải điều những người quen thuộc với chiến trường biển Đông để đối phó với Việt Nam, đối phó với các nước khác. Cho nên họ phải tìm những người quen thuộc chiến trường đó thôi".
Ông Renato DeCastro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, cũng có đồng quan điểm với ông Dy. Học giả này nói thêm rằng động thái của Bắc Kinh cho thấy rằng biển Đông "sẽ là một trong các ưu tiên của hải quân Trung Quốc".
Theo ông DeCastro, việc bổ nhiệm trên "gây quan ngại cho Việt Nam, chứ không phải Philippines" vì Manila gần đây đã xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Ngoài Phó Đô đốc Thẩm Kim Long, Trung Quốc còn bổ nhiệm các quan chức lãnh đạo các hạm đội Nam Trung Hoa [biển Đông], Bắc Trung Hoa và Hoa Đông, theo Global Times.
Một số tờ báo ở trong nước cũng đưa ra bình luận về động thái của Bắc Kinh. Tờ Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam viết : "Các ‘thế lực đang lên’ trong bộ máy lãnh đạo hải quân Trung Quốc giữ vai trò nền móng cho chiến dịch đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) ở Biển Đông".