Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/02/2020

Điểm báo Pháp - Trung Quốc bắt người dám nói "sự thật mất lòng"

RFI tiếng Việt

Virus corona - Covid-19: Trung Quốc bắt người dám nói "sự thật mất lòng"

Trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" toàn dân chống dịch, Bắc Kinh không chấp nhận bất kì tiếng nói chỉ trích nào. Bộ máy kiểm duyệt liên tục phải xóa những lời bình luận bất bình, phẫn nộ sau khi hai bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) và Lưu Trí Minh (Liu Zhiming) lần lượt qua đời vì nhiễm virus corona mới.

covid1

Chân dung chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường phố Thượng Hải, ngày 10/02/2020. Reuters/Aly Song

Đối với những người dám công khai lên tiếng chỉ trích cách quản lý khủng hoảng Covid-19, chính quyền bắt giữ hoặc cưỡng ép "cách ly" dịch bệnhtại nhà. Đó là trường hợp mà luật gia Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) đang phải trải qua.

Nhật báo Le Monde (ngày 20/02/2020) cho biết "Bắc Kinh đang bịt miệng hai nhà đối lập". Luật gia 46 tuổi Hứa Chí Vĩnh bị bắt, cùng với vợ, ngày 15/02/2020, ở nhà luật sư Dương Bân (Yang Bin) ở Quảng Châu, nơi ông ẩn náu sau khi bị truy nã vì tham gia một cuộc họp kín với khoảng 20 luật gia và nhà đấu tranh nhân quyền về "quá độ dân chủ tại Trung Quốc" vào tháng 12/2019 ở Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến). Ngay sau đó, bốn người tham gia cuộc họp nay đã bị bắt, trong đó có luật sư Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, vì bảo vệ nhân quyền.

Trước đó, ông Hứa Chí Vĩnh từng bị kết án bốn năm tù vào năm 2014 vì "gây rối trật tự công cộng". Được trả tự do ngày 15/07/2017, ông tiếp tục đấu tranh vì một Nhà nước pháp quyền và lên án nạn tham nhũng. Ngay cả trong thời gian bỏ trốn, ông cũng lên án cách xử lý khủng hoảng Covid-19 của chính quyền, đồng thời kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức. Khi ông Hứa Chí Vĩnh bị bắt, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lo ngại ông sẽ bị kết án nặng dù lý do bắt giữ vẫn chưa được công bố.

Trường hợp thứ hai là giáo sư luật Hứa Chương Nhuận, bị ép cách ly tại nhà từ ngày 16/02 và bị cấm mọi hình thức trao đổi với bên ngoài. Một nhân chứng cho nhật báo Anh The Guardian biết : "Họ giam ông ấy ở nhà, lấy lý do là ông phải bị cách ly" do vị giáo sư vừa từ tỉnh An Huy (Anhui) trở về. Ngày 04/02, ông đăng trên mạng bài viết : "Cảnh báo virus : khi giận dữ mạnh hơn nỗi sợ", một bài chỉ trích ảnh hưởng mạnh đến chính quyền. Ngay khi đăng bài viết này, ông đã biết trước "sẽ bị trừng phạt. Và có thể đây là bài viết cuối cùng của tôi".

Giáo sư Hứa Chương Nhuận từng giảng dạy tại đại học Thanh Hoa danh tiếng. Tháng 07/2018, ông đăng một bài viết chỉ trích Hiến pháp được sửa đổi cho phép chủ tịch Tập Cận Bình có thể nắm quyền trọn đời. Từ đó, vị giáo sư luật bị cấm giảng dạy.

Sau hai tuần để thả nổi một số lời chỉ trích cách giải quyết khủng hoảng, đến đầu tháng Hai, Bắc Kinh thông báo tăng cường kiểm soát Internet và mạng xã hội. Theo tổng kết của tổ chức phi chính phủ China Human Rights Defenders ngày 07/02, có 351 người bị "trừng phạt" vì đã "phát tán tin đồn sai lệch" về virus corona mới.

Bên cạnh việc kiểm duyệt, theo xã luận của Le Monde, chính quyền Bắc Kinh quyết tâm lấy lại quyền kiểm soát thông tin. Cả một bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản được đưa vào cuộc để "hướng dẫn công luận và tăng cường kiểm soát thông tin". Bất kỳ lời chỉ trích nào cũng không được chấp nhận, như trường hợp ba nhà báo của Wall Street Journal bị trục xuất khỏi Trung Quốc, theo thông báo ngày 19/02, dù ba nhà báo này không liên quan đến bài viết "Người bệnh thực sự của Châu Á", được đăng trong mục Ý Kiến của Wall Street Journal.

Doanh nghiệp Pháp tại Trung Quốc lao đao vì Covid-19

Nền kinh tế Trung Quốc gần như chững lại từ bốn tuần nay khiến các doanh nghiệp Pháp tại đây, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mất khoảng 50% doanh thu trong quý I năm 2020.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : "Doanh nghiệp Pháp tại Trung Quốc chịu sức ép lớn vì virus corona mới". Tất cả mọi lĩnh vực đều bị tác động, nhưng nặng hơn cả là ngành dịch vụ do "tất cả các chuyến du lịch bị hủy, chúng tôi không còn việc làm", theo giải thích của bà Emilie Chaudouard, điều hành văn phòng du lịch TravelStone ở Bắc Kinh. Hiện tại, họ chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế để tránh biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Trong trường hợp khả quan, họ hy vọng có thể hoạt động bình thường trở lại vào giữa tháng Ba.

Virus corona mới cũng khiến ngành thời trang Ý lao đao, với doanh thu giảm khoảng 30% trong quý I năm 2020, theo nhật báo kinh tế Les Echos. Chỉ riêng giới khách hàng Châu Á, đặc biệt là du khách Trung Quốc, mang lại khoảng 40% doanh thu cho lĩnh vực này. "Có đến 80% người mua và các nhà điều phối ngành thời trang Trung Quốc sẽ không đến" Ý để tham dự các cuộc trình diễn thời trang, nên các nhà tạo mẫu đã tổ chức chiếu trực tiếp trên mạng những buổi trình diễn này.

Kinh tế Đông Nam Á đối mặt với cú sốc Covid-19

Các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động về kinh tế nặng nề do dịch Covid-19, vì vừa ở sát Trung Quốc vừa phụ thuộc vào cường quốc thứ hai thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tác động nặng nề đến mức nào, còn tùy thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh, theo nhận định của Le Monde.

Thiệt hại trước mắt là ngành du lịch và công nghiệp gia công. Nền kinh tế Thái Lan vốn đã đìu hiu với mức tăng trưởng chỉ đạt 2,4% năm 2019, mức thấp nhất kể từ 5 năm gần đây, giờ phải hứng thiệt hại về lượng du khách Trung Quốc sụt giảm : Họ chiếm đến 1/3 tổng số du khách nước ngoài trong năm 2019. Thêm vào đó, do sợ lây nhiễm, người dân Bangkok cũng đóng cửa ngồi nhà, khiến hoạt động kinh doanh trì trệ.

Singapore có thể sẽ mất khoảng 30% du khách. Ngày 18/02, chính phủ đảo quốc dự kiến chi hơn 4 tỉ euro, gồm tiền hoàn thuế hoặc các khoản vay với lãi suất ưu đãi, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động từ nguồn cung cấp Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng tăng trưởng của Singapore sẽ bị mất từ 0,5 đến 1 điểm.

Đối với Indonesia, hiện là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, cuộc khủng hoảng dịch tễ tại Trung Quốc xảy ra không đúng thời điểm, vì nền kinh tế nước này, trong năm 2019, đã phải hứng hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và giá nhiên liệu sụt giảm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Indonesia, chủ yếu về dầu lửa, khí đốt, than đá, dầu cọ… Với cuộc khủng hoảng dịch tễ này, khối lượng xuất khẩu sẽ còn giảm bớt trong năm 2020, theo đánh giá của Helmi Arman, nhà phân tích của Citi Indonesia.

Quỹ Carnegie nhận định "rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc trông cậy quá nhiều vào Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của họ". Việt Nam là một ví dụ điển hình, lĩnh vực sản xuất của nước này, liên hệ quá chặt chẽ vào thị trường Trung Quốc và là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, giờ trở thành một trong những nước bị tác động trực tiếp nhất.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu vào các nước ASEAN. Liệu sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc có khiến các nước Đông Nam Á xem xét lại mô hình kinh tế mà ASEAN đang theo đuổi kể từ khi Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới ? Theo Le Monde, trước mắt, chính phủ các nước ASEAN sẽ xem xét hạ lãi suất và hạ giá đồng tiền để hàng xuất khẩu của họ trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới hết, các nước ASEAN chỉ còn cách gồng mình chờ những ngày tươi đẹp hơn.

Liên Hiệp Châu Âu bất đồng về ngân sách 2021-2027

Cứ khi bàn đến ngân sách là bất đồng lại nổi lên trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong hai ngày 20 và 21/02/2020, lãnh đạo của 27 nước họp tại Bruxelles để bàn về ngân sách 2021-2027. "Một thượng đỉnh bế tắc chính trị", theo nhật báo La Croix, và cũng là nhận định của Le Monde, Le Figaro Libération.

Le Figaro cho rằng khi bàn về ngân sách Châu Âu, có những ưu tiên mới nhưng cũng có cả những tranh cãi từ xưa. Tìm được tiếng nói chung về thỏa thuận ngân sách cho đến năm 2027, đối với Le Figaro, dường như là điều không dễ dàng.

Libération cũng cho rằng cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên về ngân sách, sau Brexit, sẽ thất bại. Đối với nhật báo thiên tả, khi bàn về "Ngân sách Liên Hiệp Châu Âu : Thời điểm thanh toán lẫn nhau". Các nước giầu ích kỉ muốn cắt bớt ngân sách của khối, trong khi những nước còn lại tìm cách thúc đẩy tăng ngân sách để phát triển một dự án Châu Âu.

Còn theotheo Le Monde"giữa khối 27 nước là mối quan hệ quyền lực và mặc cả ngân sách". Khoản ngân sách 1.095 tỉ euro, chiếm khoảng 1,074% GDP của toàn khối, so với mức 1,16% trong giai đoạn 2014-2020. Trong đó, khoảng 65% sẽ được dành cho các chính sách lớn của Liên Hiệp Châu Âu, như nông nghiệp, các quỹ liên kết, phần còn lại sẽ dành cho chi phí hoạt động của các cơ quan của khối, nghiên cứu, kỹ thuật số, quốc phòng, nhập cư, chương trình trao đổi Erasmus…

Bốn nước Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch không muốn chi hơn 1% GDP của Châu Âu, trong khi 17 nước "Hữu nghị liên kết" thì muốn duy trì ngân sách dành cho các dự án liên kết, mà những nước này được hưởng nhiều hơn. Trong bối cảnh này, Đức và Pháp tỏ ra kín tiếng. Thực ra, giữa hai nước đầu tầu hiện có một số bất đồng, như Pháp muốn thúc đẩy một chiến lược phòng thủ chung Châu Âu, trong khi Đức, nước đóng góp đến hơn 1/5 ngân sách của Liên Hiệp, thì không muốn chi thêm.

Trong một bài viết khác, Le Monde nhận định : "Sau Brexit, Đông Âu mất một đồng minh, nhưng sức ảnh hưởng lại gia tăng". Một số trọng trách trong khối, hoặc trên thế giới hiện đang nằm trong tay của các chính trị gia Đông Âu, như tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Thế giới là bà Kristalina Gẻogieva, người Bulgaria, chức chưởng lý Châu Âu có thể sẽ được trao cho bà Laura Kovesi, người Romania, đứng đầu đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP, cánh hữu và trung hữu), chiếm đa số ở Nghị Viện, là một người Ba Lan.

Chuyện về một phụ nữ Bắc Triều Tiên

Nhật báo La Croix giới thiệu cuốn sách "Mijin, lời xưng tội của một phụ nữ Bắc Triều Tiên theo Công giáo" của nhà báo Dorian Malovic và nhà nghiên cứu Juliette Morilott.

Minjin sinh năm 1969 trong một gia đình cán bộ ở Bắc Triều Tiên. Bà biết cách tuân theo điều lệ, quy tắc, và được coi là một công dân mẫu mực, thậm chí được tín nhiệm để được tuyển "theo dõi bí mật", rồi dần được giao một số trọng trách. Thế nhưng, chỉ một lần phản đối công an, bà có nguy cơ bị đi trại cải tạo, nên bà đã trốn sang Hàn Quốc và hiện sống ở Seoul. Minjin cho biết "đã phải quyết định bỏ trốn trong khi không hề có ý định từ bỏ Tổ quốc".

Qua lời kể của Mijin, hai tác giả miêu tả lại một xã hội nơi sự nghi ngờ ngự trị, "mỗi người phải biết tỏ ra thanh đạm, nói dối và che đậy". Như Minjin, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên rời tổ quốc trong vòng 30 năm gần đây.

Thu Hằng

Điểm báo Pháp - Trung Quốc bắt người dám nói "sự thật mất lòng"

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)