Việt-Trung tránh ‘gây hấn’ vì Biển Đông (VOA, 14/11/2017)
Việt – Trung ngày 12/11 tránh ‘gây hấn’ vì Biển Đông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngỏ lời sẵn sàng làm trung gian hòa giải các tranh chấp lãnh hải.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong lễ chào đón ông Tập ngày 12/11/17
Quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh đặc biệt căng thẳng kể từ tháng bảy khi Trung Quốc áp lực Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí tại một vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông.
Truyền hình nhà nước Việt Nam loan tin ông Tập nói với lãnh đạo Việt Nam rằng Trung Quốc muốn làm việc cùng với Đông Nam Á tiến tới Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.
Tân Hoa xã nói Việt-Trung nhất trí giải quyết thỏa đáng tranh chấp hàng hải và tìm cách duy trì hòa bình, ổn định.
Kể từ khi Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, xích lại gần hơn với Trung Quốc, Việt Nam trở thành thách thức chính của Trung Quốc trong khu vực.
Áp lực từ Trung Quốc ép Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí ở Biển Đông hồi tháng 7 đã đẩy quan hệ hai nước cộng sản anh em xuống một mức thấp hơn.
Cả Chủ tịch Trung Quốc lẫn Tổng thống Donald Trump đều có các cuộc họp song phương với giới chức Việt Nam theo sau thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương tại Đà Nẵng.
Ông Trump nói với Chủ tịch nước Việt Nam rằng ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và nhận xét rằng lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có vấn đề.
Trong thông cáo chung, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Việt Nam còn nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tiếp cận tự do và mở rộng tại Biển Đông và nói rằng các bên cần phải chấm dứt hành động leo thang.
Theo Reuters
********************
Biển Đông qua chuyến thăm của Trump và Tập ? (BBC, 13/11/2017)
Các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí được về việc kiểm soát các vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói.
Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa (XINHUA)
Hai bên đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trên biển và phấn đấu cùng nhau giữ gìn hòa bình, ổn định, Tân Hoa Xã hôm 13/11 đưa tin.
Tuyên bố chung của hai bên nói sẽ "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Ông Tập vừa rời Hà Nội ngày 13/11, kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày tới Hà Nội.
Chủ tịch đồng thời là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chung Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và kế hoạch Hai Hành lang Một Vành đai Kinh tế của Việt Nam, cùng một loạt các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác.
'Cứ nói với tôi'
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra lời đề nghị về vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông.
Ông Trump, người cũng vừa có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội ngay trước ông Tập, hôm Chủ Nhật nói ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên đang tranh chấp chủ quyền trên biển, trong đó có cả Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi ông Tập tới Hà Nội, ông Trump nói với Chủ tịch Trần Đại Quang về việc ông có thể làm trung gian trong tranh chấp Biển Đông
"Nếu như tôi có thể giúp trung gian hoặc phân xử, thì cứ nói với tôi", Reuters dẫn lời ông Trump nói với Chủ tịch Trần Đại Quang tại cuộc họp ở Hà Nội.
"Tôi là một nhà trung gian đàm phán, một người phân xử rất giỏi", vị tổng thống Hoa Kỳ nói.
Ông Trump thừa nhận rằng quan điểm của Trung Quốc tại Biển Đông, theo đó Bắc Kinh đòi chủ quyền với hầu hết vùng biển này, là vấn đề.
Không chỉ lên tiếng, chính quyền ông Trump còn có những hành động cụ thể ở Biển Đông.
Trong năm nay, Hoa Kỳ đã tiến hành bốn chiến dịch tuần tra nhằm thực thi quyền tự do đi lại trên biển ở các khu vực sát với các đảo do Trung Quốc quản lý.
Trang web của báo South China Morning Post phát hành tại Hong Kong, ngày 13/11 bình luận rằng lời đề xuất của ông Trump sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu và điều này sẽ phủ bóng xuống quan hệ của ông với ông Tập.
Báo này cũng viết rằng ông Trump đã đưa ra lời đề nghị chỉ vài giờ trước khi ông Tập chính thức bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ nhì trong vòng ba năm qua tới Việt Nam, quốc gia mà báo này gọi là "chống đối to tiếng nhất đối với các tuyên bố của Trung Quốc trong việc mở rộng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại vùng biển có tranh chấp".
Tuy nhiên, South China Morning Post viết rằng Chủ tịch Việt Nam đã không trả lời trực tiếp lời đề nghị của ông Trump.
Báo này dẫn lời Chủ tịch Trần Đại Quang nói : "Chính sách của chúng tôi là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình" theo cách "tôn trọng trình tự ngoại giao và trình tự pháp lý, phù hợp với luật quốc tế".
Bình luận với BBC về chủ đề Biển Đông, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng vấn đề này gần đây "tạm thời ổn định", và đó là điều có thể "tạm vui mừng".
Trong ba vấn đề chính với Trung Quốc do "lịch sử để lại", Tiến sĩ Thái nói với BBC, hai nước đã giải quyết được hai, gồm chủ đề biên giới trên bộ và việc phân định vịnh Bắc Bộ.
Như vậy, nay 'chỉ còn vấn đề biên giới trên biển Đông' với nhiều "bất đồng, khác biệt về quan điểm, hành động và lợi ích", ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Việt Thái ra tín hiệu tốt là "cả hai đều có những nỗ lực to lớn" để giải quyết vấn đề này "từng bước".
"Chủ trương của hai nhà nước là nếu chưa giải quyết được thì khu biệt lại để quản lý", ông phân tích.
Việc Trung Quốc gây áp lực khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở khu vực có tranh chấp tại Biển Đông hồi tháng 7 cũng được South Morning Post nhắc tới, bên cạnh các vụ biểu tình bạo lực chống Trung Quốc để phản đối vụ hạ đặt giàn khoan HD981, mà theo báo này là đã phủ bóng, làm lu mờ chuyến đi Việt Nam của ông Tập hồi 2015.
Trả lời BBC, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason ở Hoa Kỳ nói :
"Các ông Clinton và Obama đi Trung Quốc thì đều có cơ hội nói chuyện với giới trẻ. Ông Trump đi Châu Á lần này thì không hề gặp nói chuyện với giới trẻ, không hề nói về nhân quyền".
"Ông Trump chỉ tập trung vào hai vấn đề là Bắc Triều Tiên và thương mại mà thôi".
"Tín hiệu ông Trump đưa ra là ông nhường vai trò lãnh đạo cho ông Tập Cận Bình. Ông Trump thì đứng ngoài hoàn toàn các vấn đề như ấm nóng khí hậu, toàn cầu hóa", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
***********************
Vấn đề Biển Đông 'tạm ổn định' (BBC, 13/11/2017)
Chủ đề Biển Đông gần đây "tạm thời ổn định", theo nhận định của Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, và đó là điều có thể "tạm vui mừng".
Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam
Trong ba vấn đề chính với Trung Quốc do "lịch sử để lại", Tiến sĩ Thái nói với BBC, hai nước đã giải quyết được hai, gồm chủ đề biên giới trên bộ và việc phân định vịnh Bắc Bộ.
Như vậy, nay 'chỉ còn vấn đề biên giới trên biển Đông' với nhiều "bất đồng, khác biệt về quan điểm, hành động và lợi ích", ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Việt Thái ra tín hiệu tốt là "cả hai đều có những nỗ lực to lớn" để giải quyết vấn đề này "từng bước".
"Chủ trương của hai nhà nước là nếu chưa giải quyết được thì khu biệt lại để quản lý", ông phân tích.
"Điều quan trọng nhất là phải thống nhất nhận thức giữa các bên, và cùng tiếp cận trên một nền tảng, như vậy chúng ta mới giải quyết được", Tiến sĩ Thái nói thêm.
Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt - Trung, ông nhìn nhận có những thời kỳ "quan hệ rất thân mật" giữa hai nước, "nhưng cũng có những thời kỳ quan hệ xuống mức rất thấp, những năm 70 đến 90, đó là những chương buồn trong quan hệ".
Việt Nam và Trung Quốc mới bình thường hóa quan hệ từ năm 1991 và mối quan hệ này "dần dần trở lại quỹ đạo", ông Thái nhận xét.