Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/11/2017

Hun Sen xóa bỏ thể chế dân chủ vừa tròn 26 tuổi

Tổng hợp

Châu Âu và Mỹ kêu gọi Cam Bốt hủy quyết định giải tán đảng đối lập (RFI, 17/11/2017)

Ngay sau khi Tòa án tối cao Cam Bốt ra phán quyết giải tán Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, đảng đối lập chính tại quốc gia này, vào ngày 16/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ kêu gọi Phnom Penh hủy quyết định nói trên, bị lên án là phản dân chủ. Bruxelles để ngỏ khả năng trừng phạt Cam Bốt về thương mại.

kampu1

Biểu ngữ có hình ông Kem Sokha, lãnh đạo Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, tại Phnom Penh, ngày 17/11/2017. Reuters/Samrang Pring

AFP cho hay, tối 16/11, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi "chính phủ hoàng gia Cam Bốt hủy các biện pháp mới đây chống lại đảng Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, trả tự do cho lãnh đạo của đảng này, ông Kem Sokha, cho phép các đảng phái đối lập, xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông tiếp tục hoạt động". Hoa Kỳ lên án Cam Bốt thụt lùi về dân chủ, và báo trước sẽ chấm dứt ủng hộ Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Cam Bốt, bởi trong tình trạng hiện nay, "cuộc bầu cử năm tới (2018) sẽ không mang tính chính đáng, không tự do và không công bằng".

Về phần mình, một người phát ngôn của Liên Hiệp Châu Âu cũng nhấn mạnh là cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt năm 2018 sẽ không có tính chính đáng, nếu không có sự tham gia của đảng đối lập chính, Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt. Liên Hiệp Châu Âu cũng cảnh báo : "việc tôn trọng nhân quyền" là một điều kiện tiên quyết để bảo đảm Cam Bốt có thể tiếp tục được hưởng các điều kiện thương mại ưu đãi của Liên Âu.

Theo phán quyết của Tòa án tối cao Cam Bốt, Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt phải giải thể, do bị khép tội âm mưu tổ chức dân chúng nổi dậy. Hậu quả là đảng này mất đi toàn bộ 489 lãnh đạo dân cử địa phương và 55 ghế nghị sĩ. Các ghế dân biểu bị trống tại Quốc hội sẽ được phân phối cho các đảng nhỏ thân chính quyền.

Trả lời phỏng vấn RFI, nhà chính học Mỹ gốc Cam Bốt Sophal Ear, Đại học Los Angeles, cho biết một số đảng nhỏ đã nhận tiền của chính quyền Hun Sen để kiện đảng đối lập, và kết quả là họ đã "thành công".

Theo ông, quyết định của Tòa án tối cao Cam Bốt trên thực tế chính là quyết định của thủ tướng Hun Sen, bởi chánh tòa là thành viên ban lãnh đạo Đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền. "Chúng ta đang chứng kiến những giờ phút cuối cùng của nền dân chủ tại Cam Bốt", ông nói.

Theo các nhà quan sát, cho đến nay, được chính quyền Trung Quốc chống lưng, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen tỏ ra không mấy quan tâm đến các áp lực từ phương Tây. Sau vụ chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt bị bắt, hơn một nửa nghị sĩ đảng này đã phải chạy ra nước ngoài để tránh đàn áp, thủ tướng Cam Bốt đe dọa các nghị sĩ đối lập nào không tuân phục sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Trọng Thành

***************

Tòa Campuchia giải thể đảng đối lập chính (BBC, 16/11/2017)

Tòa Tối cao Campuchia đã giải thể đảng đối lập chính, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), trong bối cảnh bầu cử sẽ diễn ra năm 2018.

campu1

Thủ tướng Hun Sen nói ông dám cược cuộc đời mình rằng phe đối lập sẽ bị tòa cấm hoạt động

Phe đối lập, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP), bị cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền - điều mà đảng này bác bỏ và gọi cáo buộc đó là có động cơ chính trị.

Thẩm phán xem xét vụ việc là đảng viên của đảng cầm quyền, và được trông đợi là sẽ ra phán quyết có lợi cho chính phủ.

Chủ tịch Tòa tối cao, Dith Munty, là thành viên đảng cầm quyền.

Khi loan báo quyết định, chánh án Dith Munty nói CNRP đã thừa nhận tội âm mưu làm cách mạng khi không gửi luật sư tới tòa.

CNRP trước đó tuyên bố bản án bị định sẵn.

Tòa cũng quyết định cấm 118 thành viên CNRP hoạt động chính trị trong 5 năm.

Hơn một nửa nghị sĩ của CNRP trước đó đã chạy khỏi Campuchia vì sợ bị bắt.

Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố các ghế của CNRP sẽ được chia lại cho các đảng thân chính phủ sau vụ giải tán.

Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích vụ kiện, vốn được đưa ra ngay trước khi có kỳ tổng tuyển cử vào năm 2018.

Đảng CNRP được coi là đối thủ cạnh tranh với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hiện đang cầm quyền.

CNRP đã giành thêm được lợi thế trước CPP trong kỳ bầu cử 2013, và là thách thức to lớn nhất cho đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập niên nay.

Hồi đầu năm, CNRP thắng thêm ghế ở kỳ bầu cử địa phương, vốn được cho là chỉ dấu về kết quả kỳ bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào 7/2018 tới đây.

Tuy nhiên, nếu tòa ra phán quyết bất lợi thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc giải thể đảng CNRP, và các chính trị gia của đảng này sẽ bị cấm hoạt động trong vòng năm năm.

Chính phủ bị cáo buộc là đã trấn áp những tiếng nói chỉ trích và bất đồng chính kiến.

Hồi tháng Chín, lãnh đạo của CNRP Kem Sokha đã bị bắt, bị cáo buộc tội âm mưu cùng Hoa Kỳ lật đổ chính phủ. Ông bị cáo buộc tội phản quốc.

campu2

An ninh được thắt chặt bên ngoài trụ sở Tòa Tối cao

Hôm thứ Năm, an ninh được thắt chặt bên ngoài trụ sở tòa án tại thủ đô Phnom Penh, với cảnh sát chống bạo động được triển khai tại đó.

Nhiều đường phố chính của thủ đô bị chặn trong buổi sáng.

Thủ tướng Hun Sen trước đó kêu gọi các nhà lập pháp CNRP hãy bỏ đảng trước khi tòa ra phán quyết.

Ông cũng nói ông tin chắc rằng đảng CNRP sẽ bị giải tán, và nói thêm rằng "tôi dám đánh cược cuộc đời mình rằng điều này sẽ xảy ra".

Hun Sen, một cựu chỉ huy thời Khmer Đỏ và là người đã nắm quyền cai trị Campuchia từ hơn 30 năm nay, là một trong các nguyên thủ tại nhiệm lâu nhất thế giới.

Ông đã đem tới một giai đoạn hòa bình, phát triển kinh tế nhanh chóng cho đất nước, nhưng cũng bị các nhóm nhân quyền, trong đó có Human Right Watch, chỉ trích là một nhà lãnh đạo tàn nhẫn, luôn sử dụng tòa án và các lực lượng an ninh để gạt bỏ và hăm dọa các thành phần chính trị đối lập.

Hồi 2015, lãnh đạo của CNRP khi đó là ông Sam Rainsy đã phải bỏ chạy sang Pháp để khỏi bị bắt về cáo buộc tội phỉ báng.

Ông đã ra khỏi CNRP hồi tháng 2, nhưng hôm thứ Tư tuyên bố sẽ quay trở lại hoạt động chính trị.

kampu3

Ông Kem Sokha (trái) bị cáo buộc tội phản quốc

Trong những tháng gần đây, chính phủ Hun Sen cũng đã tấn công vào các nhóm có liên hệ với Hoa Kỳ, trong đó có cả các tờ báo và các tổ chức NGO, một phần trong chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích và bất đồng.

Hồi tháng 9, một trong những tờ báo độc lập cuối cùng ở Campuchia, Cambodia Daily, đã bị buộc phải đóng cửa sau khi chính phủ đòi họ phản trả một khoản thuế khổng lồ.

Chính phủ trước đó đã đe dọa sẽ đóng cửa các tờ báo nào giới chức thấy là làm phương hại tới "sự ổn định" ở Campuchia.

********************

Đảng đối lập Campuchia đối mặt với nguy cơ giải tán trong tuần này (RFA, 15/11/2017)

Đảng cứu quốc Campuchia (CNRP), đảng đối lập tại nước này có khả năng sẽ bị giải tán vào ngày thứ năm, 16/11 sau khi có phán quyết của Tòa tối cao.

kampu4

Chủ tịch đảng cứu quốc Campuchia (CNRP Son Chhay (phải) và người phó bà Mu Sochua (giữa) đứng cùng với những người ủng hộ trong một cuộc tập trung bên ngoài tòa phúc thẩm ở Phnom Penh hôm 26/9/2017- AFP

Người đứng đầu đảng CNRP, ông Son Chhay hôm 15 tháng 11 cho báo giới biết ông không có hy vọng là phán quyết của tòa sẽ khác so với những gì Thủ tướng Hun Sen mong muốn, và vì vậy nhiều khả năng CNRP sẽ bị giải tán.

Ông Son Chhay giải thích hệ thống tòa án của Campuchia không độc lập với chính phủ cho nên việc giải tán đảng theo mong muốn của Thủ tướng là điều gần như chắc chắn.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã cáo buộc đảng CNRP có kế hoạch lật đổ chính phủ và đề nghị tòa ra phán quyết giải tán đảng. Chính phủ của ông Hun Sen cũng nói đã có hơn 20 bằng chứng chắc chắn chứng minh đảng CNRP có kế hoạch nổi dậy.

Đảng CNRP đã bác bỏ cáo buộc này.

Thủ tướng Hun Sen đã cầm quyền ở Campuchia trong suốt 32 năm qua. Chiến dịch đàn áp ở Campuchia nhắm vào đảng đối lập của Thủ tướng Hun Sen đã bị quốc tế chỉ trích. Quốc tế cho rằng ông Hun Sen đang muốn giành chiến thắng chắc chắn trong cuộc bầu cử vào năm tới, kéo dài những thời gian nắm quyền của mình ở xứ Chùa tháp.

Trong khi đó, cựu lãnh đạo đảng CNRP đang sống lưu vong là ông Sam Rainsy hôm 15/11 tuyên bố ông sẽ trở lại chính trường.

Ông Rainsy viết trên facebook rằng ông sẽ lại trở thành thành viên của đảng CNRP bắt đầu từ ngày 15/11 trở đi dù cho đảng này có bị giải tán đi chăng nữa.

Ông Sam Rainsy đã từ chức lãnh đạo đảng CNRP hồi đầu năm nay. Người thay ông nắm quyền lãnh đạo đảng là ông Kem Sokha. Chính phủ Campuchia đã bắt ông Kem Sokha hôm 3 tháng 9 với cáo buộc tội phản quốc.

Ông Sam Rainsy hiện đang ở Washington, Hoa Kỳ.

Quay lại trang chủ
Read 706 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)