Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/11/2017

Số phận người Rohingya vẫn trong đường hầm

RFI tiếng Việt

LHQ thúc giục Miến Điện ngưng đàn áp người Hồi Giáo Rohingya (RFI, 17/11/2017)

Cộng đồng Hồi Giáo nhập trận bảo vệ người Rohingya Miến Điện. Một nghị quyết do Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo đệ trình đã được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc biểu quyết ngày 16/11/2017, yêu cầu chính quyền Miến Điện chấm dứt chiến dịch quân sự ở bang Rakhine, đã làm cho 900.000 người thiểu số theo đạo Hồi chạy sang Bangladesh.

rohingya1

Người tị nạn Rohingya Miến Điện tại khu lều tạm Palong Khali, gần Cox' Bazar, Bangladesh, ngày 16/11/2017. Reuters/Navesh Chitrakar

Theo Reuters, nghị quyết bảo vệ người Rohingya được 135 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 26 nước vắng mặt. Trong số 10 nước chống có Nga, Trung Quốc, Syria và ba nước Đông Nam Á ủng hộ chính quyền Miến Điện là Việt Nam, Cam Bốt và Philippines.

Nghị quyết do Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (57 thành viên, trụ sở đặt tại Ryad, Ả Rập Xê Út) bảo trợ lên án "hành động sử dụng vũ lực không tương xứng để trấn áp người Rohingya" và kêu gọi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gửi đặc sứ sang tận nơi theo dõi tình hình.

Trong phần phát biểu, đại sứ Miến Điện cho rằng tình hình đã ổn định sau khi chính phủ đã có những nỗ lực tích cực.

Trái lại, đại sứ của Ả Rập Xê Út thẩm định một giải pháp lâu dài đòi hỏi Miến Điện phải công nhận quyền chính đáng của sắc tộc Rohingya được mang quốc tịch Miến Điện như mọi công dân khác.

Nghị quyết không có tính trói buộc của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ được đưa thảo luận trong phiên họp khoáng đại vào tháng 12/2017.

Tú Anh

*********************

Hồ sơ Rohingya : Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với quân đội Miến Điện (RFI, 15/11/2017)

Ngay sau hội nghị ASEAN tại Philippines, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Miến Điện vào hôm nay, 15/11/2017, với mục tiêu gây sức ép lên chính phủ và quân đội nước này nhằm chấm dứt bạo lực ở bang Rakhine.

rohingya2

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi họp báo chung tại Naypyitaw, ngày 15/11/2017. Reuters/Aye Win Myint

Trong chuyến dừng chân một ngày, ngoại trưởng Mỹ muốn tỏ thái độ cứng rắn đối với giới lãnh đạo quân đội Miến Điện, bị quốc tế cho là phải "chịu trách nhiệm về thảm kịch người Rohingya" hiện nay.

Theo chương trình, ngoại trưởng Mỹ có cuộc tiếp xúc kín đầu tiên với lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, để yêu cầu ông chấm dứt tình trạng bạo lực ở bang Rakhine và cho tiến hành một cuộc "điều tra đáng tin cậy" về các tội ác ở đấy, như ông Tillerson giải thích trước khi lên đường.

Miến Điện, theo ông, đã "tiến bộ nhiều trong những năm qua, và không ai muốn thấy những thành tựu bị xóa bỏ chỉ vì đối sách không thích hợp trước một cuộc khủng hoảng như hiện nay".

Theo AFP, vào cuối tháng 10, ông Tillerson đã đánh giá "thế giới không thể chỉ đứng nhìn trước những hành vi dã man được nêu lên…".

Quân đội Miến Điện mới đây đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc sau một cuộc điều tra nội bộ và khẳng định là chiến dịch chỉ nhắm vào những phần tử Rohingya nổi dậy. Nhưng tại các trại tị nạn ở Bangladesh, người Rohingya đều nói đến những vụ sách nhiễu, giết người mà họ là nạn nhân.

Theo giới quan sát, Hoa Kỳ và quốc tế hiện nay đang lâm vào một tình thế khó khăn vì muốn giữ một thế cân bằng, không muốn gây sức ép quá lớn đối với bà Aung San Suu Kyi, phân biệt rõ chính quyền dân sự của bà với quân đội.

Washington vừa qua khẳng định tiếp tục hậu thuẫn cho bà và hoan nghênh quyết định của chính quyền cho phép người tị nạn trở về Miến Điện.

Trong cuộc họp báo chung với bà Aung San Suu Kyi hôm nay, ông Tillerson cho là trước mắt, ông không tán đồng các biện pháp trừng phạt mới đối với Miến Điện, và sẽ xem xét rất cận thận vấn đề một khi ông trở về Washington.

Một nhà sư chống người Rohingya bị cầm tù

Cũng tại Miến Điện, một trong những tu sĩ Phật Giáo cực đoan và có ảnh hưởng lớn vừa bị cầm tù và truy tố về tội xúi giục bạo động do ông đã tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Rangoon vào năm ngoái 2016.

Nhà sư Parmaukkha bị câu lưu cuối tuần qua và bị tạm giam trong khi chờ đợi phiên xét xử vào ngày 21/11. Theo AFP, vào hôm qua, 14/11, tòa án Rangoon đã bác bỏ đơn xin tại ngoại hầu tra của nhà sư này.

Tu sĩ Parmaukkha là người sáng lập phong trào cực đoan Mabatha, tổ chức biểu tình vào tháng 4/2016, phản đối Mỹ sử dụng từ ‘Rohingya’ chỉ người Hồi Giáo ở Rakhine. Theo những phần tử Phật Giáo cực đoan, phải gọi họ là người Bangladesh mới đúng. Nhà sư Parmaukkha khi đến tòa án, khẳng định ông chỉ "bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Mai Vân

*******************

Quân đội Miến Điện phủ nhận "thanh lọc chủng tộc" người Rohingya (RFI, 14/11/2017)

Quân đội Miến Điện bác bỏ mọi cáo buộc "thanh lọc chủng tộc" mà đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nêu lên trong báo cáo ngày 13/11/2017. Thông báo của quân đội Miến Điện được đưa ra ngay trước chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, dự kiến bắt đầu từ ngày 15/11.

rohingya3

Trại tị nạn dành cho người Rohingya tại Cox's Bazar sát biên giới Miến Điện - Bangladesh. Ảnh ngày 13/11/2017. Reuters

Đang có mặt tại Philippines, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã gặp bà Aung San Suu Kyi ngày 14/11 bên lề thượng đỉnh ASEAN và yêu cầu cố vấn Nhà nước Miến Điện cho phép hơn 600.000 người Hồi Giáo Rohingya tị nạn tại Bangladesh được hồi hương.

Cũng chỉ vài giờ trước chuyến viếng thăm Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, quân đội Miến Điện đã cách chức vị tướng phụ trách bang Rakhine, nơi xảy ra cuộc khủng hoảng người Rohingya.

Từ Rangun, thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou cho biết thêm chi tiết :

Không có bất kỳ lý do chính thức nào được công bố để giải thích quyết định thay đổi này. Tướng Maung Maung Soe từng là người đứng đầu các chiến dịch quân sự tại bang Rakhine. Quân đội Miến Điện cũng tự điều tra các chiến dịch này trước những lời cáo buộc sử dụng bạo lực.

Bản báo cáo của quân đội công bố ngày 13/11 ghi rõ : Không có bất kỳ viên đạn nào nhắm bắn vào người Rohingya vô tội ; không có bất kỳ hành vi xâm hại tình dục nào ; không một đền thờ Hồi Giáo nào bị đốt cháy.

Quân đội khẳng định đã thu thập chứng cứ từ hơn 2.800 người sống tại các ngôi làng của tộc người thiểu số Rohingya. Theo quân đội Miến Điện, những cáo buộc sử dụng bạo lực nhắm vào thường dân là hoàn toàn vô căn cứ.

Bản báo cáo này được công bố ngay trước chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ông đến thủ đô Napidaw thứ Tư 15/11 và có hai cuộc gặp gỡ : một với cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và cuộc gặp thứ hai là với người đứng đầu quân đội. Ngoại trưởng Mỹ có lẽ sẽ gửi tới giới quân sự Miến Điện một thông điệp mạnh mẽ. Cách đây vài tuần, ông Tillerson từng tuyên bố rằng quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Hồi Giáo Rohingya tại nước này".

Thu Hằng

******************

Myanmar chịu áp lực về khủng hoảng Rohingya tại Hội nghị ASEAN (RFA, 14/11/2017)

Đại diện Liên Hiệp Quốc lên tiếng về khủng hoảng Rohingya tại Hội nghị Cấp cao ASEAN đang diễn ra tại Manila, Philipines.

rohingya4

Người tị nạn Rohingya lội bộ qua con kênh nước nông sau khi vượt qua sông Naf để vào Bangladesh hôm 16/10/2017 - AFP

Hãng AP loan tin cho biết vào chiều tối ngày 13 tháng 11, trong bài phát biểu trước sự có mặt của lãnh tụ Aung San Suu Kyi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Ông nhấn mạnh rằng nỗ lực đảm bảo cho những người này được trở về quê hương một cách an toàn và được sống trong một môi trường hòa bình là hết sức cần thiết.

Bà Suu Kyi cũng gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bên lề Hội nghị, tuy nhiên ông Tillerson đã từ chối trả lời báo chí trước câu hỏi rằng ông có thông điệp gì nhắn nhủ tới lãnh tụ Suu Kyi hay không.

Bà Suu Kyi cũng từ chối trả lời câu hỏi người Hồi giáo Rohingya có phải là công dân của Myanmar hay không.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông đã nói chuyện với bà Suu Kyi liên quan đến cuộc khủng hoảng Rohingya ở bang Rakhine, nói thêm rằng đây là một mối quan ngại lớn không chỉ với Canada mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ông tiết lộ rằng Canada luôn muốn tìm cách giúp đỡ Miến Điện giải quyết tình hình bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp cũng như sự an toàn của mọi công dân.

Quay lại trang chủ
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)