Bangladesh-Miến Điện : Thỏa thuận về người Rohingya còn nhiều hoài nghi (RFI, 26/11/2017)
Hôm 25/11/2017, Bangladesh đã công bố nội dung thỏa thuận đã ký với nước láng giềng Miến Điện cách đó 3 ngày. Đó là thỏa thuận về việc hồi hương của những người Rohingya đã phải trốn chạy bạo lực từ bang Arakan - Miến Điện. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đang đặt ra nhiều hoài nghi.
Người tị nạn Rohingyas chờ phân phát thực phẩm trong trại Moynarghona, gần Cox's Bazar bên biên giới Bangladesh, ngày 24/11/2017. Reuters/Susana Vera
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Sarah Bakalogou giải thích :
Đó là một thỏa thuận chỉ liên quan tới những người đã chạy sang Banglasdesh từ ngày 09/10/2016 cho tới nay. Để quay trở về Miến Điện, người tị nạn Rohingya phải trình giấy tờ chứng minh họ đã cư trú tại Miến Điện. Đây là một trong những điều đầu tiên khiến người ta đặt câu hỏi : Trong số họ có bao nhiêu người khi chạy nạn sang Banladesh mang theo giấy tờ đó để bây giờ có thể trình ra cho chính quyền Miến Điện ?
Miến Điện khẳng định trong thỏa thuận là một khi người Rohingya hồi hương, chính quyền sẽ phối hợp với Bangladesh để tìm giải pháp lâu dài, tránh để tình trạng này tái diễn. Nhiều biện pháp sẽ được thực hiện để người tị nạn không phải ở trong những trại tạm cư quá lâu.
Giờ đây, điều mà người tị nạn muốn biết là liệu và nếu có thì khi nào làng của họ sẽ được dựng lại ? Liệu họ có lấy lại được đất đai không ? Người Rohingya cũng sẽ được cho phép đi lại tự do trong bang Arakan, nhưng thỏa thuận nói rõ là, phải theo quy định hiện hành.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong công tác tổ chức hồi hương cho người Hồi Giáo thiểu số Rohingya. Theo thỏa thuận, Bangladesh sẽ kêu gọi sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc. Còn Miến Điện chỉ tuyên bố là họ sẽ nhờ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn giúp đỡ nếu cần, và vào một thời điểm thích hợp.
Thùy Dương
******************
Bangladesh nói UNHCR sẽ góp phần giúp hồi hương người Rohingya (VOA, 26/11/2017)
Bangladesh và Myanmar đã đồng ý nhận sự giúp đỡ của cơ quan người tị nạn Liên Hiệp Quốc để hồi hương hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya đã chạy lánh bạo lực ở Myanmar, Bangladesh cho biết hôm thứ Bảy.
Người tị nạn Rohingya vượt sông Naf ngăn cách Bangladesh và Myanmar. (UNHCR/Andrew McConnell)
Hơn 6000.000 người Rohingya đã tìm nơi nương náu ở Bangladesh kể từ khi quân đội ở nước Myanmar đa phần theo Phật giáo tiến hành một cuộc phản công tàn bạo nhắm vào làng mạc của họ ở phía bắc bang Rakhine, theo sau những vụ tấn công của những phần tử chủ chiến người Rohingya nhắm vào một căn cứ lục quân và các đồn cảnh sát vào ngày 25 tháng 8.
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một trầm trọng, hai chính phủ hôm thứ Năm đã ký một thỏa thuận nhất trí rằng việc hồi hương người Rohingya về Myanmar sẽ bắt đầu trong vòng hai tháng.
Bất định về việc liệu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) sẽ có vai trò nào hay không đã khiến các tổ chức nhân quyền lên tiếng yêu cầu phải có những người theo dõi ngoài cuộc để bảo đảm người Rohingya được hồi hương.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Dhaka, Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali bảo đảm rằng UNHCR sẽ góp phần.
"Cả hai nước đều nhất trí nhận sự giúp đỡ của UNHCR trong quá trình hồi hương người Rohingya", ông Ali nói. "Myanmar sẽ nhận sự hỗ trợ theo yêu cầu của họ".
Bước đột phá ngoại giao này diễn ra ngay trước chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Francis tới Myanmar và Bangladesh từ ngày 26 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 nhắm mục tiêu thúc đẩy "hòa giải, tha thứ và hòa bình".
Trong khi bạo lực ở Rakhine phần lớn đã chấm dứt, người Rohingya vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Myanmar, nói rằng họ hầu như không tiếp cận được các nguồn sinh kế như nông trại, ngư trường và thị trường.
Hàng ngàn người Rohingya, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, vẫn bị mắc kẹt trên các bãi biển gần biên giới, chờ thuyền đưa họ đến Bangladesh.
Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã mô tả các hành động của quân đội Myanmar là "thanh lọc sắc tộc", và các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc lực lượng an ninh thực hiện những hành vi tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, phóng hỏa và giết người.
Mỹ cũng cảnh báo họ có thể áp đặt chế tài lên với những người chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền bị cáo buộc.
*************************
Miến Điện : Người Rohingya hồi hương sẽ ở trong các trại tạm cư (RFI, 25/11/2017)
Hôm 25/11/2017, chính phủ Bangladesh thông báo là những người Rohingya từ Bangladesh hồi hương về Miến Điện theo thỏa thuận giữa hai nước sẽ ở trong các trại tạm cư trong một thời gian, bởi vì các làng của họ đã bị đốt sạch.
Người Rohingya ở trại tỵ nạn Kutupalong, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 24/11/2017. Reuters/Susana Vera
Ngoại trưởng Bangladesh A.H. Mahmood Ali đã thông báo như trên với các phóng viên sau khi hôm thứ Năm vừa qua, nước này và Miến Điện vừa thông báo đã đạt thỏa thuận về việc hồi hương khoảng hơn 600 ngàn người Rohingya chạy lánh nạn sang nước láng giềng, do bị quân đội Miến Điện truy bức, đàn áp, trong một chiến dịch mà Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ xem là một cuộc thanh lọc sắc tộc. Thỏa thuận, với nội dung còn mơ hồ, theo dự kiến sẽ bắt đầu được thực hiện trong vòng hai tháng tới.
Theo văn bản thỏa thuận được chính phủ Dacca công bố hôm nay, phía Miến Điện phải tái lập cuộc sống bình thường ở bang Rakhine và khuyến khích những người đang tị nạn ở Bangladesh tự nguyện trở về nhà của họ hoặc về một nơi an toàn gần nhà họ.
Thế nhưng, hôm qua, Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc HCR đã cho rằng những điều kiện chưa hội đủ để bảo đảm cho việc hồi hương "an toàn và bền vững" những người thiểu số Hồi giáo này.
Thỏa thuận về việc hồi hương người Rohingya được Bangladesh và Miến Điện thông báo chỉ vài ngày trước khi giáo hoàng Francis đến thăm hai nước này kể từ ngày 27/11.
Thanh Phương