Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/11/2017

'Bị hãm hiếp' trong quân đội Bắc Hàn

BBC tiếng Việt

Một cựu nữ binh sĩ Bắc Hàn kể rằng cuộc sống cho phụ nữ trong quân đội Bắc Hàn gian khổ đến mức rất nhiều người tắt kinh.

bachan1

Một nữ binh sĩ Bắc Hàn tại bờ sông Áp Lục (2014)

Bà cho biết tình trạng hãm hiếp cũng xảy ra thường xuyên với những đồng đội của bà.

Trong suốt 10 năm, bà Lee So-yeon ngủ ở ngăn dưới của chiếc giường tầng, trong một căn phòng bà chia sẻ với hơn 20 phụ nữ khác. Mỗi người được giao một cái tủ nhỏ để đựng quân phục. Trên nóc tủ, họ giữ hai bức ảnh đóng khung. Một bức là ảnh của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Il-sung, còn bức thứ hai là của người con trai ông, Kim Jong-il, nay đã quá cố.

Rời Bắc Hàn đã gần mười năm nay, bà So-yeon vẫn nhớ như in mùi của doanh trại bê tông nơi bà từng ở.

"Chúng tôi đổ mồ hôi nhiều.

Cái đệm chúng tôi nằm làm từ vỏ trấu. Vậy nên mùi của cơ thể thấm vào đệm. Đệm không phải làm bằng bông. Vì nó làm bằng vỏ trấu, mùi mồ hôi và các mùi khác thấm vào đấy. Không lấy gì làm dễ chịu".

Một trong những lý do của tình trạng này là thiếu chỗ tắm giặt.

"Là phụ nữ, một trong những điều khổ nhất cho chúng tôi là không được tắm rửa đàng hoàng", bà Lee So-yeon nói.

"Vì không có nước nóng. Họ nối vòi nước vào dòng suối và chúng tôi dùng nước chảy trực tiếp từ suối ra. Đôi khi chúng tôi có cả ếch nhái hay rắn chảy qua vòi".

Là con gái của một giáo sư đại học, bà So-yeon, nay 41 tuổi, lớn lên ở phía bắc của Bắc Hàn. Trong gia đình bà, nhiều phụ nữ đã vào quân ngũ, và khi nạn đói tàn phá đất nước vào những năm 1990, bà xung phong đi bộ đội - chỉ với suy nghĩ sẽ được đảm bảo có một bữa ăn hàng ngày. Hàng ngàn phụ nữ trẻ khác cũng xin nhập ngũ vì lý do tương tự.

"Nạn đói kéo theo một giai đoạn hết sức khó khăn cho phụ nữ ở Bắc Hàn", bà Jieun Baek, tác giả cuốn sách North Korea's Hidden Revolution (tạm dịch "Cuộc cách mạng Ẩn giấu của Bắc Hàn"). "Nhiều phụ nữ phải gia nhập lực lượng lao động và nhiều người phải chịu đối xử tàn tệ, đặc biệt là quấy rối và bạo lực tình dục".

Có tin được những người đào tẩu ?

Các tác giả Juliette Morillot và Jieun Baek nói rằng lời kể của bà Lee So-yeon là khớp với lời kể của những người khác mà họ được nghe. Tuy vậy họ cảnh báo cần phải thận trọng với những người đào tẩu.

"Có nhu cầu rất lớn để nắm bắt thông tin từ Bắc Hàn", bà Baek nói. "Điều này gần như khuyến khích những người đào tẩu phóng đại câu chuyện khi kể với truyền thông, đặc biệt nếu họ được trả hậu hĩnh. Nhiều người đào tẩu không muốn phát biểu với truyền thông chỉ trích mạnh "những người đào tẩu chuyên nghiệp". Chúng ta cần lưu ý điều này".

Thông tin từ các nguồn chính thức của Bắc Hàn thì thường mang tính chất tuyên truyền thuần túy.

Bà Lee So-yeon không được trả tiền cho cuộc phỏng vấn với BBC.

Lúc đầu, phấn khích vì tinh thần yêu nước và sứ mệnh tập thể, cô gái Lee So-yeon 17 tuổi yêu thích cuộc sống trong quân đội. Cô rất thích cái máy sấy tóc được phát, mặc dù cô hiếm khi dùng nó vì mất điện thường xuyên.

Lịch sinh hoạt hàng ngày cho nam và nữ gần như giống nhau. Phụ nữ thường có thời gian tập luyện thể chất ngắn hơn một chút - nhưng họ được yêu cầu làm những công việc thường nhật như lau dọn và nấu nướng, những công việc mà các binh sĩ nam không phải làm.

"Bắc Hàn là một xã hội trọng nam truyền thống và vai trò truyền thống của nam và nữ vẫn tiếp tục", bà Juliette Morillot, tác giả cuốn 'Bắc Hàn qua 100 câu hỏi' được xuất bản bằng tiếng Pháp, nói. "Phụ nữ vẫn được coi là ttukong unjeongsu, hay "người lái vung nồi" và có nghĩa 'chỗ của họ là ở trong bếp".

Chương trình huấn luyện vất vả và chế độ ăn uống thất thường ảnh hưởng đến cơ thể của bà Lee So-yeon và các đồng đội.

"Sau sáu tháng đến một năm thực hiện nghĩa vụ, chúng tôi không có kinh nguyệt nữa do thiếu dinh dưỡng và môi trường căng thẳng", bà nói.

"Các nữ binh sĩ nói họ mừng là họ không bị hành kinh nữa. Họ nói họ thấy mừng vì tình hình đã tệ rồi sẽ còn tệ hơn nếu họ có kinh nguyệt".

Những ai đào tẩu

Có khoảng 70% những người đào tẩu Bắc Hàn là nữ - con số mà một số người cho là do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đối với phụ nữ.

Quá nửa số người này trong độ tuổi 20 và 30, một phần là do người trẻ tuổi có thể bơi qua sông và chịu đựng chặng đường gian khổ tốt hơn.

Bà So-yeon nói trong thời gian bà đi bộ đội, quân đội Bắc Hàn không cung cấp băng vệ sinh, và bà cùng các nữ đồng đội không có sự lựa chọn nào ngoài việc tái sử dụng băng vệ sinh.

"Cho đến ngày nay, phụ nữ vẫn dùng băng vệ sinh bằng vải bông truyền thống", bà Juliette Morillot cho biết. "Phụ nữ phải giặt băng vệ sinh hàng ngày mà lại không để đàn ông không nhìn thấy. Họ phải dậy sớm để giặt chúng".

Bà Morrillot vừa trở về sau một chuyến đi Bắc Hàn và có nói chuyện với một vài nữ binh sĩ. Bà xác nhận rằng họ thường mất kỳ kinh nguyệt.

"Một trong những cô gái tôi hỏi chuyện, mới 20 tuổi, kể cho tôi cô phải huấn luyện nhiều đến nỗi cô bị tắt kinh trong hai năm liền", bà nói.

bachan2

Một nữ quân nhân Bắc Hàn -SIPA PRESS/REX/SHUTTERSTOCK

Mặc dù bà Lee So-yeon tình nguyện tham gia quân đội hồi những năm 1990, đến năm 2015, nhà nước tuyên bố tất cả phụ nữ ở Bắc Hàn phải đi nghĩa vụ quân sự 7 năm khi 18 tuổi.

Đồng thời, chính phủ Bắc Hàn cũng có một động thái bất thường - tuyên bố họ sẽ phát một loại băng vệ sinh cao cấp có tên Daedong cho hầu hết các đơn vị nữ.

"Đây có thể là một cách chuộc lại tình hình tồi tệ trước đây", bà Jieun Baek nói. "Tuyên bố này có lẽ là để sửa sai điều được nhiều người biết là điều kiện cho phụ nữ trong quân đội trước đây rất tệ. Cũng có thể đây là cách động viên tinh thần để nhiều phụ nữ nghĩ "Chúng ta sẽ được chăm sóc [trong quân đội]".

Gần đây, vài đơn vị không quân nữ cũng được phát mỹ phẩm cao cấp mang nhãn hiệu Sản phẩm Bình Nhưỡng, sau khi ông Kim Jong-un kêu gọi mỹ phẩm Bắc Hàn cạnh tranh với các nhãn hiệu quốc tế như Lancome, Chanel và Christian Dior hồi năm 2016.

Tuy vậy, các nữ binh sĩ đóng quân ở vùng nông thôn không phải lúc nào cũng có toa lét riêng để dùng. Một số người kể với bà Morillot họ thường phải đi vệ sinh trước mặt nam giới, khiến họ cảm thấy vô cùng dễ tổn thương.

Nghĩa vụ quân sự ở Bắc Hàn

Phụ nữ Bắc Hàn phải đi nghĩa vụ quân sự ít nhất là bảy năm, còn nam giới 10 năm. Đây là quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc lâu nhất thế giới.

Ước tính có khoảng 40% phụ nữ trong độ tuổi 18 đến 25 trong quân ngũ. Con số này được trông đợi là sẽ tăng, vì nghĩa vụ quân sự mới trở thành bắt buộc cho phụ nữ cách đây hai năm.

Chính phủ Bắc Hàn nói khoảng 15% ngân quỹ nhà nước được chi cho quân đội, nhưng các viện nghiên cứu cho rằng con số này có thể lên tới 40%.

Những học sinh có năng khiếu đặc biệt, chẳng hạn về thể thao hay âm nhạc, có thể được miễn nghĩa vụ quân sự.

Quấy rối tình dục là chuyện phổ biến, cả hai tác giả Baek và Morillot đều nói.

Bà Morillot nói khi bà đề cập đến chuyện cưỡng hiếp trong quân đội với các nữ binh sĩ, "hầu hết các cô đều nói chuyện đó xảy ra với người khác". Không ai trong họ nói chuyện này đã xảy ra với mình.

Bà Lee So-yeon cũng nói bà không bị hãm hiếp trong quân đội từ năm 1992 đến 2001, nhưng nhiều đồng đội của bà bị.

"Người chỉ huy đại đội ở trong phòng ông ta tại đơn vị của chúng tôi sau khi đã hết giờ huấn luyện. Ông ta hãm hiếp các nữ binh sĩ dưới quyền. Chuyện này diễn ra và lặp đi lặp lại mà không chấm dứt".

Quân đội Bắc Hàn nói họ xử lý nghiêm chuyện lạm dụng tình dục, và những người phạm tội hiếp dâm phải chịu án tù tới bảy năm.

"Nhưng hầu hết không có ai chịu đứng ra làm chứng. Vì thế đàn ông thường không bị trừng phạt", bà Juliette Morillot nói.

bachan3

Đội nữ quân nhân Bắc Hàn - Reuters

Bà Morillot nói thêm việc không ai lên tiếng về lạm dụng tình dục trong quân đội xuất phát từ "tư tưởng gia trưởng trong xã hội Bắc Hàn". Cũng vì tư tưởng này mà phụ nữ trong quân đội phải làm các việc vặt hàng ngày.

Phụ nữ xuất thân từ gia đình nghèo được tuyển dụng vào các lữ đoàn xây dựng, và được xếp cho ở tại các doanh trại hay lán nhỏ. Đây là những phụ nữ đặc biệt không an toàn, bà nói.

"Bạo lực gia đình vẫn được chấp nhận rộng rãi, và không được báo cáo, nên tình trạng cũng tương tự trong quân đội. Nhưng tôi phải nhấn mạnh là bạn cũng thấy văn hóa (quấy rối tình dục) tương tự trong quân đội Nam Hàn".

Bà Lee So-yeon, người làm trung sĩ trong một đơn vị tín hiệu đóng ở gần biên giới Nam Hàn, cuối cùng rời quân đội ở tuổi 28. Bà thấy nhẹ người là có thời gian dành cho gia đình, nhưng cũng cảm thấy bà không dễ thích nghi với cuộc sống ngoài quân đội, và gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Đến năm 2008, bà quyết định chạy trốn sang Nam Hàn.

Lần đầu chạy trốn, bà bị bắt tại biên giới Trung Quốc và đưa đi tù một năm.

Đến lần thứ hai, không lâu sau khi ra tù, bà bơi qua sông Đồ Môn và vào Trung Quốc. Tại đó, ở biên giới, bà hẹn gặp với một người môi giới và người này thu xếp đưa bà vào Nam Hàn từ Trung Quốc.

Megha Mohan (BBC, Stories)

Quay lại trang chủ
Read 688 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)