Quốc hội Việt Nam thừa nhận sự quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 06/12/2017)
Quốc hội Việt Nam nói rằng Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong việc sử dụng nhiều biện pháp để chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Những người biểu tình phản đối Trung Quốc với các biểu ngữ "Gạc ma, đất nước không quên' trong một cuộc tập trung ở Hà Nội hôm 14/3/2016 kỷ nhiệm trận chiến ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988. AFP
Nhận định này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đưa ra trong một báo cáo vào ngày 5 tháng 12 và được báo chí Việt Nam trích dẫn.
Báo cáo này ghi rõ là Trung Quốc đã sử dụng cả biện pháp đâm chìm tàu Việt Nam để ngăn cản các hoạt động của Việt Nam trên biển.
Ngoài ra, báo cáo nói thêm là Trung Quốc cũng gia tăng liên tục việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam để đánh trộm hải sản.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Bắc Biển Đông hiện do Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn, là nơi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đoạt lấy quần đảo này từ Miền Nam Việt Nam sau một trận hải chiến hồi năm 1974.
Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trung Quốc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào trong một đơn vị hành chính mà họ đơn phương lập ra để kiểm soát khu vực rộng lớn ở Biển Đông gọi là tỉnh Tam Sa.
Đối Với Việt Nam, Hoàng Sa là một huyện trực thuộc Thành phố Đà Nẵng, còn Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Trong thời gian mấy năm gần đây Trung Quốc thực hiện nhiều nổ lực gầy dựng sức mạnh quân sự ở những nơi họ đang chiếm đóng thuộc hai quần đảo này bằng cách xây đắp những đảo nhân tạo, triển khai máy bay chiến đấu hiện đại ra hai quần đảo này.
Vào đầu tháng 12 này, Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận đã đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa.
****************
Tư lệnh Hải quân Liên Bang Nga thăm Việt Nam (RFA, 06/12/2017)
Đô đốc Vladimir Ivanovich Korolev, Tư lệnh Hải quân Liên Bang Nga đã đến Việt Nam hôm thứ Tư 5/12, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam.
Lễ đón Đô đốc Vladimir Ivanovich Korolev tại cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam ngày 4/12/2017 - Courtesy baochinhphu.vn
Phát ngôn viên Hải quân Nga cho báo chí biết thông tin vừa nói hôm 6/12.
Theo chương trình làm việc, Đô đốc Vladimir Ivanovich Korolev sẽ gặp một số lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam, thăm Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam tại Hải Phòng, thăm Học viện Hải quân, thăm một chiến hạm và một tàu ngầm thuộc Hải quân Việt Nam.
Được biết, chuyến thăm của vị Tư lệnh Hải quân Liên Bang Nga theo lời mời từ phía Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước mua nhiều vũ khí của Nga, đặc biệt là 6 tàu ngầm Kilo mà Nga đã chuyển giao cho Việt Nam và gần đây là các chiến hạm Gepard. Nga cũng giúp đào tạo các thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
*******************
Nga đào tạo ‘chuyên ngành đặc biệt’ cho Hải quân Việt Nam (VOA, 06/12/2017)
Tư lệnh Hải quân Nga Đô đốc Vladimir Korolev khẳng định Hải quân Nga sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo, hợp tác về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, và "hỗ trợ xây dựng Hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại".
Đô đốc Hải quân Nga Vladimir Korolev và Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam Phạm Hoài Nam, ngày 4/12/2017. (Ảnh : Thanh Niên)
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, chiều 5/12, tại Hà Nội, Đô đốc Korolev đã gặp Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước.
Hãng Thông Tấn TASS của Nga dẫn lời đại úy Igor Dygalo, người phát ngôn Hải quân Nga, nói rằng chuyến công du của Đô đốc Korolev đến Việt Nam kéo dài từ ngày 4 đến 8 tháng 12, là do phía Việt Nam mời.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 6/12 nói chuyến công du này nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hải quân hai nước.
Theo báo VietnamNet, trong cuộc gặp với chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân Việt Nam chiều 4/12 tại thành phố Hải Phòng, Đô đốc Korolev nói Nga sẵn sàng "hỗ trợ xây dựng Hải quân Việt Nam chính quy, hiện đại".
Báo Thanh Niên trích lời ông Nam đánh giá cao Hải quân Nga đào tạo cán bộ và học viên giúp Hải quân Việt Nam, nhất là về các chuyên ngành đặc biệt. Tuy nhiên, báo này không nêu rõ ‘chuyên ngành đặc biệt’ là gì.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam đề xuất việc thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa Hải quân hai nước để khi tàu Nga đi qua vùng biển Việt Nam và nếu có yêu cầu, thì Hải quân Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ, theo VietnamNet.
Trong chuyến công du kéo dài một tuần, Đô đốc Korolev và đoàn công tác sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Bộ Quốc phòng ; thăm một số đơn vị Hải quân Việt Nam và tham quan di tích lịch sử ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hòa, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
Hãng Thông tấn TASS nói ông Korolev sẽ thăm Học viện Hải quân Việt Nam, thăm một tàu chiến và một tàu ngầm của Việt Nam trong chuyến công du này.
Truyền thông trong nước trích lời Đô đốc Korolev nói ông mong muốn Hải quân Việt Nam cử đại biểu tham dự hội nghị quốc tế và cử đại diện tham gia các kỳ hội thao do Hải quân Nga tổ chức.
Việt Nam loan báo đã đặt mua bốn tàu khu trục Gepard có trang bị ngư lôi chống tàu ngầm của Nga. Theo đó, ba chiếc đã về đến Việt Nam và chiếc thứ tư, tính đến sáng ngày 6/12 đang được tàu vận tải Rolldock Star vận chuyển ở ngoài khơi Istanbul, sau khi khởi hành từ Novorossiysk của Nga vào chiều ngày 4/12.
Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đây nói với báo chí : "Việc Nga giao tàu khu trục cho Việt Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam".