Trung Quốc quan ngại về thỏa thuận đầu tư Philippines-Đài Loan (RFI, 09/12/2017)
Trung Quốc ngày 08/12/2017 cho biết đặc biệt lo ngại về việc Philipinnes ký một thỏa thuận đầu tư với Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan thuộc Trung Quốc nên không được phép thiết lập quan hệ chính thức với các nước khác.
Kho cảng Cao Hùng, Đài Loan, ngày 07/08/2017. Reuters/Tyrone Siu
Đài Bắc cho biết đại diện Đài Loan tại Philippines đã ký kết thỏa thuận với chính quyền Manila hôm thứ Năm 07/12. Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Cảnh Sảng nói Trung Quốc không có vấn đề với quan hệ thương mại "bình thường" mà các nước đã có với Đài Loan, nhưng phản đối mọi trao đổi chính thức.
Trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh phát biểu : "Chúng tôi rất quan ngại rằng Philippines ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư với Đài Loan hoặc các văn bản hợp tác chính thức khác". Trung Quốc hy vọng rằng Manila sẽ tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Hoa" và tránh việc mối quan hệ giữa Philippines với Đài Loan sẽ làm hỏng quan hệ Bắc Kinh-Manila,
Các quan chức ngoại giao của Philippines và Phòng Thương mại Và Công nghiệp không bình luận ngay lập tức về thông tin trên. Cho tới nay, theo truyền thống, Đài Loan và Philippines vẫn có mối quan hệ kinh doanh và hợp tác văn hóa chặt chẽ, mặc dù Manila đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc vào năm 1975.
Thùy Dương
******************
Nhật Bản mua tên lửa có khả năng tấn công Triều Tiên (VOA, 08/12/2017)
Nhật Bản sắp mua các tên lửa hành trình tầm trung, loại được bắn từ máy bay, có khả năng bắn tới Triều Tiên. Đây là thương vụ vũ khí gây tranh cãi tại quốc gia đã từ bỏ quyền phát động chiến tranh, theo Reuters.
Máy bay tàng hình F-35A. Nhật Bản cho biết ý định gắn tên lửa phối hợp tấn công JSM vào máy bay F-35A của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera đã không đề cập đến Triều Tiên khi loan báo kế hoạch mua vũ khí và cho biết các tên lửa mới này sử dụng cho mục đích quốc phòng, còn Nhật Bản vẫn dựa vào Hoa Kỳ để tấn công bất cứ căn cứ địch quân nào.
"Chúng tôi có kế hoạch giới thiệu tên lửa phối hợp tấn công JSM sẽ được gắn trên máy bay tàng hình F-35A như những tên lửa có thể tấn công rộng hơn phạm vi các mối đe dọa của đối phương", Reuters dẫn lời ông Onodera phát biểu tại một cuộc họp báo.
Nhật Bản cũng đang tìm cách gắn tên lửa không-đối-địa JASSM-ER của hãng Lockheed Martin của Mỹ vào máy bay tiêm kích F-15.
JSM, được thiết kế bởi công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy, có tầm hoạt động 500 km. Trong khi đó, JASSM-ER có thể đạt mục tiêu 1.000 km.
Kế hoạch mua tên lửa có thể sẽ phải đối mặt với những chỉ trích từ các đảng đối lập tại Quốc hội Nhật Bản, đặc biệt là từ phía các chính trị gia lo ngại về thay đổi của Nhật Bản trong việc từ bỏ quyền phát động chiến tranh, đã được ghi trong Hiến pháp nước này sau Đệ nhị Thế chiến.
Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng do tên lửa đạn đạo Triều Tiên đã khiến các chính trị gia Nhật Bản gấp rút thúc đẩy chuẩn bị một lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn, có khả năng ngăn chặn Triều Tiên tấn công.
Lực lượng tên lửa của Nhật Bản bị giới hạn trong phạm vi phòng không và chống tàu nhỏ với tầm bắn dưới 300 km (186 dặm).
Thay đổi này cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên đã dẫn đến những đề xướng về khả năng tấn công trong chiến lược quân sự của Nhật.
Gần đây, Triều Tiên đã phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo sang Nhật. Tuần trước, Bình Nhưỡng thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đạt tới độ cao hơn 4.000 km trước khi rớt xuống biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
******************
Bộ trưởng quốc phòng Nhật : Tokyo chuẩn bị trang bị tên lửa tầm xa (RFI, 08/12/2017)
Ba ngày sau tiết lộ của báo chí, ngày 08/12/2017 Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera chính thức thông báo kế hoạch trang bị tên lửa không đối địa. Mục tiêu đề ra nhằm đối phó với đe dọa quân sự của Bắc Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và ngoại trưởng Taro Kono tại Tokyo ngày 29/11/2017. STR / AFP
Thông tín viên đài RFI từ Tokyo, Frédéric Charles tường trình :
"Nhật Bản sẽ trang bị cho chiến đấu cơ loại tên lửa tầm bắn 1000 cây số, có khả năng bắn tới các cơ sở hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên, điều mà hiện tại Tokyo không thể thực hiện, do quy định trong bản Hiến Pháp chủ hòa, theo đó tầm bắn tối đa bị giới hạn ở mức 300 km.
Về giới hạn nói trên của bản Hiến Pháp, Bộ trưởng quốc phòng, Itsunori Onodera, đáp lại rằng, tên lửa Mỹ sẽ cho phép Nhật Bản đáp trả trước đe dọa Bắc Triều Tiên mà mối đe dọa đó thì lại nằm ngoài tầm 300 cây số như quy định của Hiến Pháp.
Ngoài ra, bộ Quốc Phòng Nhật còn dự trù mua tên lửa tầm bắn 500 cây số của tập đoàn chế tạo vũ khí Na Uy, Kongsberg. Loại tên lửa này đang được trang bị cho loại máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Không quân Nhật Bản đang đặt mua 42 chiếc F-35.
Tokyo quyết định tăng tốc trang bị các phương tiện tấn công qua việc tăng ngân sách quốc phòng. Đa số dân Nhật tán đồng việc trang bị tên lửa có thể bắn tới Bắc Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ thử nghiệm hỏa tiễn, mà hai trong số đó đã bay ngang qua Nhật Bản".
Thanh Hà
************************
Bình Nhưỡng : Chiến tranh với Mỹ sẽ xảy ra (RFI, 07/12/2017)
Theo Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên, một cuộc chiến tranh với Mỹ "không thể tránh được. Vấn đề là lúc nào ?"
Bắc Triều Tiên chào mừng thành công của vụ thử tên lửa với màn pháo hoa trên quảng trưởng Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, ngày 01/12/2017. KCNA/via Reuters
Các cuộc tập trận của liên quân Mỹ-Hàn cộng với lời đe dọa "tấn công phòng ngừa" của Washington làm cho nguy cơ chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên trở thành "sự thật". Ẩn số duy nhất là "khi nào thì chiến tranh bùng nổ ?». Trên đây là thẩm định của Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên do hãng thông tấn nhà nước KCNA trích dẫn ngày 07/12/2017.
Bình Nhưỡng cho biết thêm là "không sợ chiến tranh và sẵn sàn đáp trả vũ khí hạt nhân của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân".
Đe dọa an toàn hàng không dân dụng
Trong khi đó, các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, vi phạm nghị quyết ngăn cấm của Liên Hiệp Quốc, bị cộng đồng quốc tế lẫn giới hàng không dân dụng lên án. Theo AFP, nhiều máy bay của Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản trong đêm 29/11/2017 đã nhìn thấy ánh sáng phát đi từ tên lửa của Bắc Triều Tiên bị bốc cháy khi trở vào bầu khí quyển.
Điều nguy hiểm là từ năm 2014, Bình Nhưỡng không loan báo trước các vụ thử nghiệm. Ngày 28/07/2017, 323 hành khách trên chuyến bay Air France AF 293 thoát hiểm nhờ may mắn. Một tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng bay lên, chỉ cách chiếc máy bay của Air France có 100 km. Nếu chuyến bay AF 293 khởi hành từ Tokyo đi Paris bị trễ 10 phút thì không biết chuyện gì đã xảy ra.
Sau vụ này, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế, cơ quan đặc trách an toàn hàng không trực thuộc Liên Hiệp Quốc, lên án các vụ phóng tên lửa không báo trước và đã kêu gọi Bắc Triều Tiên tôn trọng các luật định quốc tế để tránh chuyện không may.
Tú Anh