Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/12/2017

Điểm báo Pháp - Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng đầu về nhiệt điện

RFI tiếng Việt

Trung Quốc, nhà xuất khẩu hàng đầu về nhiệt điện

Thượng đỉnh Vì Một Hành Tinh (One Planet Summit) là chủ đề chính trên các trang báo Pháp ngày 12/12/2017. La Croix trên nền ảnh mầu xanh lá đưa tít : "Tài chính chuyển sang mầu xanh". Le Figaro trên trang nhất ghi nhận : "Khí hậu : các doanh nghiệp trên tuyến đầu".

nhietdien1

Nhà máy nhiệt điện chạy than của tập đoàn năng lượng Ngoại Cao Kiều (Waigaoqiao) tại Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 06/03/2017. Johannes EISELE / AFP

Hai năm sau thượng đỉnh khí hậu Paris COP 21, tổng thống Pháp hôm nay tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh mới tại Paris nhằm huy động mọi tác nhân trong lĩnh vực nhà nước và tư nhân cùng chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, ngành năng lượng Pháp tham gia như thế nào vào công cuộc chống biến đổi khí hậu ? Les Echos tìm cách giải đáp "Sáu câu hỏi về bước chuyển đổi đầy tham vọng của EDF trong năng lượng mặt trời".

Libération trên trang nhất đăng ảnh tổng thống Macron đạp xe trên phố và bình luận : "Bảo vệ môi trường bất đắc dĩ". Bởi vì trước sự thoái lui của Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris được ký cách đây hai năm, và một số nước Châu Âu thì không còn hăng hái, Emmanuel Macron buộc phải lèo lái con thuyền chống biến đổi khí hậu.

Dù chưa bao giờ tỏ thiện chí ủng hộ "môi trường xanh", nhưng trong lần thượng đỉnh khí hậu này, "Macron trải thảm xanh", đặt trọng tâm vào nguồn tài chính cho việc chuyển tiếp năng lượng. Libération nghi ngờ đặt câu hỏi : "Liệu đó có thật sự là một cú thúc đẩy hay đơn giản chỉ là công cụ tuyên truyền ?".

Trung Quốc : "Đen người, Xanh ta"

Về phần mình, Le Monde trên trang nhất thông báo mở một hồ sơ dài 10 trang về khí hậu mang tựa đề "Bão tố trên hành tinh". Trong số các bài, đáng chú ý nhất là bài viết có tựa đề : "Trung Quốc trên con đường than đá".

Tờ báo cho biết, Trung Quốc lànước phát thải khí CO2 hàng đầu thế giới, và đang đầu tư rất nhiều để phát triển năng lượng sạch trên lãnh thổ quốc gia, nhưng lại xây dựng rất nhiều nhà máy nhiệt điện khắp thế giới.

Vốn là "đế chế" của nhà máy nhiệt điện dùng than đá (đáp ứng tới 58% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia), Trung Quốc đang thực hiện nhiều nỗ lực to lớn để chuyển đổi xu hướng này. Năm 2016, Trung Quốc chỉ "bổ sung" 48 gigawatt nhiệt điện vào tổng sản lượng điện quốc gia và có kế hoạch giới hạn nguồn nhiệt điện này ở mức 1100 gigawatt vào năm 2020.

Nếu như hàng trăm nhà máy nhiệt điện vẫn sẽ được xây dựng ở Trung Quốc, thì điều đáng báo động là các tập đoàn Trung Quốc tài trợ và xây dựng loại nhà máy này khắp nơi trên thế giới. Và dự án "Con đường tơ lụa mới" nhằm nối liền Trung Quốc với Châu Âu, được tiến hành từ năm 2013, là một trong những yếu tố thúc đẩy "Con đường than đá" của Bắc Kinh.

Le Monde nêu ra nhiều ví dụ. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện công suất 450 megawatt ở Tuzla cho công ty điện lực quốc gia Bosnia-Herrzégovina (11/2017), nhà máy nhiệt điện Hamrawein của Ai Cập (2016) và một loạt các nhà máy khác ở Châu Á, cũng như ở Iran, Gruzia, Malawi hay Kenya…

Một chuyên gia Đài Loan, thuộc tổ chức phi chính phủ Bankwatch, khẳng định Trung Quốc chắc chắn đứng đầu thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đá và tài trợ cho các dự án này ở bên ngoài biên giới. Viện Nghiên Cứu Môi Trường Thế Giới (Global Environmental Institute) hồi tháng 05/2017, ước tính đến cuối năm 2016, tại 25 quốc gia, Trung Quốc đang tiến hành 106 dự án nhà máy nhiệt điện dùng than đá.

Trong số này, có 52 dự án trong giai đoạn chuẩn bị và 54 nhà máy đang được xây dựng. Như vậy, các dự án của Bắc Kinh chiếm tới một phần ba tổng số các nhà máy nhiệt điện mới, được xây dựng trên toàn thế giới.

Le Monde trích dẫn nhận xét của chuyên gia Jean-François Huchet, thuộc Inalco, các tập đoàn lớn của Trung Quốc buộc phải vươn ra bên ngoài để tìm kiếm dự án, bởi vì nhu cầu năng lượng trong nước giảm và sự chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.

Vào năm 2009, khi thực hiện kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc đã dự tính xây dựng quá nhiều nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng tỏ ra quyết tâm kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng loại nhà máy này.

Quyết định của các nhà tài trợ quốc tế, như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Châu Âu, không chu cấp tài chính cho các dự án nhà máy nhiệt điện nữa, đã mở ra một đại lộ thênh thang cho các tập đoàn Trung Quốc. Những doanh nghiệp này tranh thủ nguồn tài chính của Bắc Kinh, nhân danh kế hoạch "Con đường tơ lụa mới", để thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài.

Năm 2016, tổ chức phi chính phủ Mỹ Hội Đồng Bảo Vệ Các Nguồn Tài Nguyên Thiên Nhiên (Natural Resources Defense Council - NRDC) đã tố cáo Trung Quốc và Hàn Quốc tài trợ mạnh mẽ cho các dự án nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài. Cụ thể, Trung Quốc tài trợ 3,49 tỷ euro, Nhật Bản 3,63 tỷ euro.

Giới chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ cũng nghi ngờ Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, do Trung Quốc khởi xướng năm 2016, sẽ tài trợ cho các dự án tương tự, thông qua các quỹ đầu tư.

Theo các chuyên gia của Bankwatch, hai ngân hàng hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc – China Development Bank (CDB) và Exim Bank - đã có những chính sách tài trợ ngược lại với những cam kết được đưa ra trong cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015, trước Hội nghị Khí hậu Paris.

Theo các chuyên gia đó, cần nhanh chóng kiểm soát các khoản đầu tư của Nhà nước vào những dự án phát thải nhiều CO2. Mặc dù có một quy định buộc các doanh nghiệp phải cung cấp tất cả các thông tin liên quạn đến những dự án gây ra các tác động lớn về môi trường và đối với con người, hai ngân hàng nói trên cũng như các ngân hàng thương mại Trung Quốc, thường xuyên cất giấu nhiều thông tin.

Sự thâm nhập của các nhà sản xuất và tài chính Trung Quốc vào vùng Balkan đã gây bất ngờ, đặc biệt là Châu Âu. Trong năm 2013, Trung Quốc tiến hành nhiều dự án trong khu vực, mở đàm phán tại Monténégro, Serbia, Bosnia, Rumani. Nhiều dự án được trình bày như là sự hỗ trợ về công nghệ sạch. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đó chỉ là giả hiệu : đó là những công nghệ giúp kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy nhiệt điện hiện hữu.

Trung Quốc : Tập Cận Bình đưa tôn giáo vào khuôn phép

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lĩnh vực xã hội. Le Figaro có bài điều tra đề tựa "Tại Trung Quốc, chính quyền tăng cường kiểm soát tôn giáo".

Trên nguyên tắc, chính quyền kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tôn giáo. Nhưng theo quan sát của thông tín viên nhật báo tại Bắc Kinh, Phật giáo và Lão giáo được đối xử ưu ái hơn so với Cơ Đốc Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo Tây Tạng, được cho là "chịu nhiều ảnh hưởng của nước ngoài". Vì sao lại có sự phân biệt đối xử này ?

Bởi vì, với chính quyền Trung Quốc, Phật giáo ít nhiều cũng mang đậm nét đặc trưng Trung Hoa. Đặc tính này có thể giúp bù đắp cho sự thiếu vắng tinh thần ở một bộ phận lớn người dân Trung Quốc, chỉ chạy theo đồng tiền, chứ không còn tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản. Thêm vào đó, các lãnh đạo Phật giáo lại chấp nhận phục tùng hơn những tôn giáo khác.

Vì vậy, khi đề cao đạo Phật, Tập Cận Bình cùng một lúc muốn thuyết phục những người theo Công giáo từ bỏ sự độc lập về tinh thần của mình và tuân theo những chỉ dẫn của đảng cộng sản, như nhận định của ông Willy Lam, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông.

Trong khi đó với các tôn giáo khác, chính quyền Bắc Kinh theo dõi nghiêm ngặt và "trấn áp" thẳng tay. Vào tháng 9/2017, Trung Quốc ban hành các thông tư nghiêm cấm nhận tiền quyên góp từ nước ngoài và đưa ra những mức phạt nặng trong trường hợp tổ chức các sự kiện trái phép.

Quan ngại tình hình tại Tân Cương, nơi tập trung gần 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo, Trung Quốc cho triển khai nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt và tăng cường các lệnh cấm.

Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ với các nhà sư Tây Tạng và dọa dẫm các linh mục công giáo "trái phép", những người từ chối tuyên thệ trung thành với nhà nước. Dấu hiệu cho thấy rõ thái độ nghi kỵ này là tại Chiết Giang, hơn một ngàn thánh giá trên nóc nhà thờ, phần đông là đạo Tin lành, đã bị gỡ bỏ trong vài năm gần đây, vì chính quyền địa phương cho rằng quá "lòe loẹt".

Theo quan sát của ông Willy Lam, sự việc cho thấy một nỗi ám ảnh lớn của đảng cộng sản Trung Quốc trước việc "cộng đồng Công giáo, có tổ chức, có thể sẽ vượt quá con số 90 triệu tín đồ trong chưa đầy mười năm. Một con số gần như ngang bằng với số đảng viên hiện nay của đảng Cộng sản Trung Quốc".

Với đà tăng như hiện nay, Trung Quốc gần như chắc chắn là quốc gia có đông tín đồ công giáo nhất hành tinh từ nay đến năm 2030, vượt qua cả Hoa Kỳ, theo như ông Yang Fenggang.

Hoa Kỳ mệt mỏi sau 70 năm cầm còi tại Cận Đông

Về thời sự quốc tế, mục Ý Kiến của Le Figaro có bài bình luận của nhà báo Renaud Girard về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của tổng thống Mỹ Donald Trump. Bài viết mang tựa đề "Chấm dứt vai trò trọng tài của Hoa Kỳ tại Cận Đông".

Nhà báo Renaud Girard đặc biệt quan tâm đến thông báo chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jérusalem. Theo ông, tuy tuyên bố này đáp ứng đề nghị của Quốc Hội Hoa Kỳ cách nay 20 năm, nhưng lại đặt ra hai vấn đề lớn về ngoại giao.

Trước tiên, quyết định này đi ngược lại nội dung tất cả các văn bản của Liên Hiệp Quốc mà Hoa Kỳ đã ký. Kế hoạch chia sẻ Palestine năm 1947 (lúc đó dưới sự ủy trị của Anh) dự tính đến việc có một Nhà nước Do Thái và một Nhà nước Ả Rập và Jérusalem có quy chế quốc tế, với tư cách là thành phố thánh địcủa ba tôn giáo lớn cùng tôn thờ một chúa, đó là Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.

Thế nhưng, sau thất bại một loạt các nghị định của Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận Oslo, Cận Đông chưa bao giờ có hòa bình. Do đó, khi công nhận Jérusalem là thủ đô của Israel, Donald Trump đã phá hủy con đường đàm phán nhằm đạt một hiệp ước hòa bình giữa Israel và Palestine, mà Hoa Kỳ đã đỡ đầu ngay từ thủa ban đầu.

Vấn đề thứ hai đặt ra chính là quyết định đó đã chấm dứt vai trò trọng tài của Mỹ trong cuộc xung đột này. Cho đến lúc này, dù là nước bảo trợ cho Israel từ năm 1948, Hoa Kỳ vẫn luôn duy trì vị thế cân bằng, cho phép Mỹ trở thành một nhà "trung gian hòa giải nghiêm túc".

Giờ đây với việc Hoa Kỳ chấm dứt vai trò trọng tài của mình trong cuộc xung đột triền miên thì đây quả thật là một tin xấu cho khu vực.

Nghi án Nga can thiệp bầu cử : Mỹ điều tra về Assange

Trong bản báo cáo được giải mật và công bố hồi đầu tháng Giêng 2017, trước khi Donald Trump nhập chức tổng thống, các cơ quan CIA, FBI và an ninh quốc gia NSA Mỹ đã kết luận rằng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Matxcơva đã can thiệp để tạo thuận lợi cho Donald Trump thắng đối thủ là Hillary Clinton, bị đánh giá là không có lợi cho các lợi ích của Nga.

Nằm trong tầm ngắm của các cơ quan điều tra liên bang có nhiều chính khách Mỹ đã tiếp xúc với Julian Assange, sáng lập viên WikiLeaks. Giới điều tra nghi ngờ là website WikiLeaks đã chủ ý làm việc cho Nga và nhóm cộng sự vận động tranh cử của Donald Trump, khi website này cho đăng vào tháng 07/2016, nhiều tài liệu gây bất lợi cho Hillary Clinton.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 715 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)