Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/12/2017

Hù Đài Loan, Bắc Kinh giúp Bắc Triều Tiên

RFI tiếng Việt

Trung Quốc tập dượt "bao vây hải đảo" gần Đài Loan (RFI, 12/12/2017)

Thêm một bước căng thẳng mới giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Trung Quốc cho biết đang gia tăng các hoạt động "trắc nghiệm khả năng bao vây hải đảo" gần Đài Loan, theo một nguồn tin quân sự được Reuters trích dẫn hôm nay, 12/12/2017.

tq1

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Bột Hải. Ảnh ngày 07/08/2017.Reuters

Theo phát ngôn viên Không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa, ngày 11/12, các chiến đấu Su-30, J-11, oanh tạc cơ H-6K và máy bay trinh sát đã tham gia các cuộc tuần tra "thường lệ" và "có kế hoạch" để "bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".

Các cuộc tập dượt được mô tả là để "trắc nghiệm khả năng chiến đấu và bao vây hải đảo"được tiến hành ở hai nơi : eo biển Miyako, nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan ở phía bắc và eo biển Bashi, giữa Đài Loan và Philippines ở phía nam.

Các hoạt động quân sự này của Hoa lục được tiến hành ba ngày sau khi một đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, đe dọa sẽ "giải phóng" Đài Loan bằng vũ lực nếu chiến hạm Mỹ đến thăm hải đảo.

Tuy nhiên, theo Reuters, Đài Bắc không tỏ ra một chút lo sợ. Bộ trưởng quốc phòng Phùng Thế Khoan (Feng Shih Kuan) cho biết máy bay và chiến hạm Đài Loan được bố trí theo dõi các động thái quân sự của Trung Quốc, nhưng không thấy gì đáng báo động.

Thứ Sáu tuần trước, trong một cuộc tiếp xúc với sinh viên Trung Quốc và một số kiều dân Đài Loan tại Mỹ, tham tán công sứ Lý Khắc Tân tuyên bố : "Ngày nào một chiến hạm Mỹ ghé cảng Cao Hùng, thì ngày đó giải phóng quân Trung Quốc sẽ thống nhất lãnh thổ bằng quân sự".

Tháng 9 năm nay, Quốc hội Mỹ khi thông qua ngân sách quốc phòng 2018 đã cho phép hải quân Mỹ giao lưu với hải quân Đài Loan và chiến hạm đôi bên thăm viếng lẫn nhau.

Tú Anh

*******************

Trung Quốc xây trại tị nạn đề phòng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ (RFI, 12/12/2017)

Ít nhất 5 khu tạm cư đang được lặng lẽ xây dựng tại tỉnh biên giới Cát Lâm (Jilin) để Trung Quốc có thể đối phó với làn sóng di dân Bắc Triều Tiên trong trường hợp chế độ Kim Jong Un sụp đổ. Thông tin trên mới đây được một số trang mạng phương Tây đăng tải.

tq2

Ảnh chụp ngày 21/11/2017, tại một Đặc khu Kinh tế của Bắc Triều Tiên ở biên giới Trung Quốc. Ed JONES / AFP

Trang mạng The Guardian của Anh hôm nay, 12/12/2017, dẫn nguồn từ một số tài liệu phát tán trên các mạng xã hội, trong đó có những trang mạng Trung Quốc hải ngoại, cho biết "vì lý do căng thẳng tại biên giới, đảng ủy và chính quyền huyện Trường Bạch (Changbai) đã đề xuất xây năm trại tị nạn trên địa bàn huyện". Tuy nhiên, trang báo Anh cho biết chưa kiểm chứng được thông tin này.

Năm khu trại nằm trải dài trên 1.416 km biên giới với Bắc Triều Tiên, trong đó có ít nhất ba khu đã được nhật báo The New York Times nêu tên vào tuần trước : Changbai Riverside, Changbai Shibalidaogou và Changbai Jiguanlizi. Ngoài ra, các trại khác được dự định xây ở thị xã Đồ Môn (Tumen) và Hồn Xuân (Hunchun), đều ở tỉnh Cát Lâm.

Những thông tin trên được nêu trong một tài liệu lưu hành nội bộ, và dường như bị lộ từ tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Mobile. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng từ chối khẳng định với báo giới về sự tồn tại của các khu tị nạn, vì ông "chưa thấy các báo cáo như vậy". Câu hỏi của các nhà báo nước ngoài cũng bị loại khỏi biên bản chính thức của Bộ Ngoại giao về cuộc họp báo, vì bị coi là nhạy cảm về mặt chính trị hoặc bất lợi.

"Trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên tác động đến cứu trợ nhân đạo"

Trên lĩnh vực cứu trợ nhân đạo tại Bắc Triều Tiên, trong phiên họp hàng năm của Hội Đồng Bảo An ngày 11/12/2017 về tình trạng nhân quyền ở nước này, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhận định các biện pháp trừng phạt kinh tế "kìm hãm các chiến dịch cứu trợ của Liên Hiệp Quốc" tại quốc gia khép kín này.

Cuộc họp thường niên đã diễn ra (với 10 phiếu ủng hộ tại Hội Đồng Bảo An) bất chấp nỗ lực ngăn cản của Trung Quốc. Theo trợ lý đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, "ưu tiên của Hội Đồng Bảo An là hòa bình và an ninh quốc tế" và "không nên biến thành một diễn đàn nói về nhân quyền". Ông cũng cho rằng cuộc họp này là "phản tác dụng", trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 785 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)