Mỹ sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn 'vô điều kiện' (BBC, 13/12/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Mỹ "sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào" với Bắc Hàn mà không cần điều kiện.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại diễn đàn Hội đồng Đại Tây Dương
Tuyên bố của ông dường như lùi bước khỏi yêu cầu trước đó rằng Bắc Hàn phải giải giáp trước khi tiến hành đàm phán.
"Chúng ta hãy cứ gặp nhau đã và nói chuyện về thời tiết nếu quý vị muốn", ông nói trong một diễn đàn chính sách ở Washington DC.
Việc Bắc Hàn theo đuổi công nghệ vũ khí hạt nhân dẫn tới các lệnh trừng phạt nặng nề do Mỹ ban hành chống lại chế độ này.
Trong một diễn biến khác, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman, người vừa mới đến thăm Bình Nhưỡng, nói với phóng viên rằng các quan chức Bắc Hàn bày tỏ "việc ngăn ngừa chiến tranh rất quan trọng".
Quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn trở nên căng thẳng sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây và cuộc khẩu chiến giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phát biểu tại diễn đàn Hội đồng Đại Tây Dương hôm 12/12, ông Tillerson nói rằng Mỹ "đơn giản là không thể chấp nhận Bắc Hàn vũ trang hạt nhân".
Tuy nhiên, dường như ông muốn làm dịu đi lập trường của Mỹ về các cuộc đàm phán khả dĩ trong tương lai khi nói : "Chúng ta hãy gặp nhau, không câu nệ hội nghị bàn tròn hay bàn vuông nếu đó là điều quý vị hứng thú".
"Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu bày ra một bản đồ, về những gì chúng ta có thể sẵn lòng làm".
Ông cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt kinh tế và biện pháp ngoại giao sẽ tiếp tục cho đến khi "có chuyển biến".
****************
Hoa Kỳ "sẵn sàng" nói chuyện với Bắc Triều Tiên vô điều kiện (RFI, 13/12/2017)
Theo AFP, hôm qua, 12/12/2017, Washington cho biết sẵn sàng đối thoại với Bắc Triều Tiên "không điều kiện tiên quyết", nhưng vẫn tỏ quyết tâm không loại trừ giải pháp quân sự để đạt mục tiêu buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu về quan hệ Hoa Kỳ - Bắc TT tại một diễn đàn ở Washington, ngày 12/12/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Trong cuộc họp báo tại Washington hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thông báo : "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán ngay khi Bắc Triều Tiên muốn". Ông Tillerson nói thêm Hoa Kỳ "sẵn sàng mở cuộc đàm phán đầu tiên không điều kiện tiên quyết". Ngoại trưởng Mỹ giải thích giờ đây sẽ là không thực tế khi áp đặt Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí trước thì mới ngồi vào bàn đàm phán, bởi vì Bắc Triều Tiên đã lún quá sâu vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Tuyên bố của lãnh đạo Ngoại giao Hoa Kỳ ngay lập tức được giới quan sát xem là dấu hiệu thay đổi căn bản lập trường của chính quyền Trump đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ngay sau phát biểu của ông Tillerson không lâu, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định "quan điểm của tổng thống Donald Trump về Bắc Triều Tiên là không thay đổi". Nhưng bà Sanders không nói rõ quan điểm của tổng thống là gì.
Cho đến giờ, chính quyền Donald Trump vẫn từ chối đàm phán với Bắc Triều Tiên nếu không có điều kiện tiên quyết là bán đảo Triều Tiên phải được giải trừ hạt nhân. Còn với cá nhân tổng thống Donald Trump, người ta vẫn chỉ biết đến quan điểm của ông qua màn khẩu chiến nảy lửa, dọa nạt, sỉ vả lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cách đây hơn một tháng. Có lần ông viết trên twitter rằng "thương lượng (với Kim Jong-un) chỉ làm mất thời gian".
Trung Quốc và Nga hoan nghênh quan điểm mới của Mỹ
gay sau tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Tillerson, cả Bắc Kinh lẫn Mátxcơva đều lên tiếng hoan nghênh động thái được cho là nhằm giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết là nước ông hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giảm nhẹ căng thẳng, và hy vọng rằng cả Bình Nhưỡng lẫn Washington có thể nhân nhượng lẫn nhau để có đối thoại hữu ích.
Còn tại Nga, điện Kremlin cũng có phản ứng tương tự. Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitry Peskov đã ghi nhận một tuyên bố "xây dựng", trái với những lập luận hung hăng từng được nghe thấy cho đến gần đây.
Moskva không ngần ngại cho rằng việc Washington thay đổi giọng điệu phù hợp với những lời kêu gọi liên tiếp của Nga, đề nghị Mỹ bớt cứng rắn trong phản ứng chống lại chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên.
Phản ứng của Moskva được đưa ra vào lúc một phái đoàn bộ quốc phòng Nga vừa đến Bình Nhưỡng trong một chuyến thăm mà nội dung không được tiết lộ.
Trước lúc ngoại trưởng Mỹ Tillerson tỏ ý sẵn sàng đối thoại, Bắc Triều Tiên một lần nữa lại tiếp tục giọng điệu hiếu chiến. Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, trong một buổi lễ vào hôm qua 12/12, lãnh đạo Kim Jong-un đã khẳng định rằng Bắc Triều Tiên sẽ "vinh quang tiến bước và nhảy vọt thành cường quốc hạt nhân và quân sự mạnh nhất thế giới".
Phát biểu nhân một hội nghị quốc phòng kết thúc hôm qua, ông Kim Jong-un còn loan báo là nước ông sẽ sản xuất nhiều vũ khí và thiết bị mới hơn nữa. Thông điệp cứng rắn được đưa ra ít hôm sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa liên lục địa Hwasong 5 và khoe rằng đó là hỏa tiễn có thể mang một đầu đạn hạt nhân cực mạnh dội xuống bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ.
Anh Vũ, Trọng Nghĩa
********************
Hoa Kỳ đề nghị Bắc Hàn đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết (RFA, 13/12/2017)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm thứ ba ngày 12/12 cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng nói chuyện với Bắc Hàn mà không cần điều kiện tiên quyết, khác hẳn với yêu cầu từ trước đến nay của Mỹ là Bắc Hàn phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân như một phần của điều kiện đàm phán.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson phát biểu tại diễn đàn về quan hệ Mỹ và Nam Hàn ở Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington DC hôm 12/12/2017 - AFP
Ngoại trưởng Rex Tillerson đưa ra đề nghị này trong bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) ở Washington DC.
Phát biểu từ người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đưa ra chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Bắc Hàn cho biết nước này đã thử thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên Nhà Trắng sau đó lại đưa ra tuyên bố nói rằng cái nhìn của Tổng thống Donald Trump đối với Bắc hàn là không thay đổi.
Trước đó Tổng thống Trump đã nói những nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng Tillerson với Bình Nhưỡng là phí thời gian. Tổng thống Mỹ cũng cam kết là Hoa Kỳ sẽ không cho phép Bắc Hàn thực hiện những nỗ lực có được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể với tới Mỹ.
Trong khi đó, đại diện của Liên Hiệp quốc Jeffrey Feltman, người vừa trở về từ Bình Nhưỡng nói với báo giới rằng Bình Nhưỡng nói muốn ngăn chặn chiến tranh nhưng lại không đưa ra một đề nghị đàm phán chắc chắn nào.
Tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Trung Quốc và Nga.
Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc chú ý đến phát biểu của Ngoại trưởng Tillerson và bày tỏ hy vọng là Mỹ và Bắc Hàn sẽ có những bước tiến có ý nghĩa hướng tới đối thoại.
Từ Moscow, Nga, người phát ngôn điện Kremli, Dmitry Peskov nói với báo chí rằng tuyên bố mới của Mỹ mang tính xây dựng và gây ấn tượng đối với Nga hơn là những phát biểu mang tính đối đầu từ trước đến nay. Nga vì vậy hoan nghênh đề nghị mới.
Mặc dù đưa ra đề nghị đàm phán, Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm thứ ba cũng cảnh báo những nỗ lực của quốc tế nhằm cô lập Bắc Hàn bao gồm lệnh cấm vận về kinh tế sẽ tiếp tục cho đến khi ‘quả bom đầu tiên được thả’ và Washington không thể chấp nhận một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân.
Ông nói thêm, cánh cửa đàm phán với Bắc Hàn tuy vậy vẫn mở và còn mở rộng hơn so với trước kia.