HRW lên án chương trình thu thập ADN tại Tân Cương (RFI, 14/12/2017)
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ngày 13/12/2017 lên án chính quyền Bắc Kinh thu thập ADN và nhiều dữ liệu thống kê sinh học của toàn bộ dân cư vùng Tân Cương bất chấp công ước quốc tế.
Cảnh sát giữ an ninh buổi cầu nguyện Eid al-Fitr tại nhà thờ Hồi giáo Id Kah ở Kashgar, Tân Cương. Ảnh chụp ngày 26/06/2017. Johannes EISELE / AFP
AFP cho biết lời cáo buộc này được đưa ra vào lúc cảnh sát Tân Cương đang tiến hành thu thập các hình ảnh, dấu vân tay, chụp ảnh mầu mắt và nhiều thông tin hành chính các hộ gia đình. Trong khi đó, cơ quan y tế tập hợp các mẫu ADN và dữ liệu mẫu máu trong khuôn khổ chương trình của chính phủ "kiểm tra sức khỏe toàn diện".
Theo nhận định của tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, hành động này của chính quyền Tân Cương là "một sự vi phạm trắng trợn nhân quyền". HRW cáo buộc chính quyền Tân Cương đã tiến hành chương trình này một cách "lén lút", dưới vỏ bọc "chương trình sức khỏe miễn phí".
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, đã chỉ trích cáo buộc này của HRW là "sai lệch". Còn chính quyền Tân Cương không bình luận gì về những lời tố cáo trên.
Minh Anh
*******************
Ít nhất 6.700 người Rohingya tại Miến Điện thiệt mạng trong 1 tháng (RFI, 14/12/2017)
Theo báo cáo của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (MSF) công bố ngày 14/12/2017, trong vòng một tháng, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2017, đã có "ít nhất 6.700 Rohingya bị sát hại" tại bang Rakhine, miền Tây Miến Điện. Số nạn nhân có thể còn "cao hơn thế nhiều".
Người tị nạn Rohingya sau khi vượt dòng sông Naf đến Bangladesh, Teknaf, ngày 27/11/2017. Reuters/Susana Vera
Tổ chức MSF trong bản báo cáo ghi nhận : Hơn 70% các ca tử vong vì bạo hành, trong số này có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi ; 6.700 người Rohingya bị sát hại, trong đó có 730 trẻ em.
Báo cáo này căn cứ trên lời kể của hơn 11.000 người Rohingya tị nạn tại Bangladesh. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại Liên Hiệp Quốc thường xuyên đưa ra con số 640.000 người tị nạn chạy sang Bangladesh, nhưng chưa từng nhắc tới số ca tử vong.
Ông Sidney Wong, đại diện của MSF, trong cuộc họp báo tại Rangun lưu ý : Có nhiều trường hợp cả một gia đình bị quân đội Miến Điện nhốt ở trong nhà rồi phóng hỏa và "hầu như gia đình nào cũng đều có một hoặc nhiều thành viên bị bạo hành" ; "69% các ca tử vong bị bắn, 9% bị thiêu sống, và 5% bị đánh đập đến chết".
Tới nay, quân đội Miến Điện bác bỏ mọi các buộc của cộng đồng quốc tế về một cuộc "thanh lọc chủng tộc" nhắm vào cộng đồng người Rohingya, theo đạo Hồi. Quân đội Miến Điện khẳng định có chưa tới 400 người Rohingya thiệt mạng, tất cả đều là "quân khủng bố".
Thanh Hà