Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/12/2017

Trung Quốc muốn làm chủ đường ra Thái Bình Dương

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Philippines ngày càng ngả theo Trung Quốc (RFI, 18/12/2017)

Chính quyền Philippines của tổng thống Duterte càng lúc càng nói theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Ví dụ mới nhất là phản ứng của Manila trước bản báo cáo ngày 14/12/2017 của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), theo đó trong năm 2017, lợi dụng việc quốc tế dồn chú ý vào bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã tiếp tục phát triển thêm các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông.

tbd1

Tổng thống Philippines (P) đón tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Malina ngày 15/11/2017. DONDI TAWATAO / POOL / AFP

Trung tâm AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tại Washington, đã dẫn các hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh, cho thấy Trung Quốc đã mở rộng và xây dựng thêm khoảng 290.000m2 trên nhiều đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, đặt ra-đa cao tần và các cơ sở có thể dùng cho quân sự.

Một cách cụ thể, Bắc Kinh đã tập trung củng cố và mở rộng ba thực thể tạo thành điều được giới chuyên gia quân sự gọi là tam giác sắt chiến lược của Trung Quốc tại Trường Sa bao gồm Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief).

Một hệ thống ra-đa được thiết lập ở phía bắc đá Chữ Thập, một đường hầm được hoàn tất trên đá Xu Bi, có thể dùng để trữ đạn dược và hệ thống ra-đa. Còn trên đá Vành Khăn, Bắc Kinh đã xây thêm hầm chứa đạn dược, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và ra-đa. Đó là chưa kể đến các công trình khác ở Hoàng Sa, cụ thể là trên đảo Cây và đảo Tri Tôn.

Hình ảnh vệ tinh chụp rất rõ, các công trình mới đều nổi bật khi so sánh với những bức ảnh chụp vào đầu năm ngoái. Thế nhưng đối với ngoại trưởng Philippines Cayetano ngày 15/12 vừa qua, thì trong thời gian gần đây, Trung Quốc không hề chiếm đóng hay củng cố thêm một thực thể mới nào tại Biển Đông.

Về các công trình xây dựng của Trung Quốc bị trung tâm AMTI vạch trần, ngoại trưởng Philippines không phủ nhận, nhưng lại giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự việc khi cho rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất có hoạt động xây dựng tại Biển Đông. Theo ông, nhiều nước khác, trong đó có Philippines, "vẫn tiếp tục xây dựng tại những vùng họ đã chiếm giữ. Trên đảo Pag-asa, chúng ta (tức Philippines) cũng đang tu bổ. Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc cũng tu bổ, và ai cũng nói rằng việc đó chỉ mang tính chất phòng thủ mà thôi".

Một dấu hiệu thứ hai cho thấy là Manila vào lúc này hoàn toàn đi theo lập luận của Trung Quốc về Biển Đông là sự kiện hôm 15/12/2017, các quan chức quốc phòng Philippines và Trung Quốc có cuộc họp quan trọng tại Philippines để bàn về các biện pháp tăng cường quan hệ quốc phòng song phương. Theo báo chí Philippines, bản báo cáo của AMTI về hoạt động của Trung Quốc không hề được nêu lên trong cuộc họp.

Theo các nhà phân tích, sự kiện Manila đi theo lập trường của Trung Quốc từng được thể hiện rõ nét nhân Hội nghị ASEAN tháng 8 vừa qua tại Manila, khi Philippines, trong tư cách chủ tịch khối nước Đông Nam Á đã tìm cách loại bỏ hai từ ngữ "quân sự hóa – militarization" và "cải tạo, bồi đắp đảo đá – land reclamation" trong bản Thông Cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN.

Trên vấn đề này, hôm 15/12 vừa qua, ông Cayetano đã công nhận rằng chính ông đã không muốn đưa hai từ ngữ này vào khi soạn thảo văn kiện này, vì theo ông "điều đó không phù hợp với thực tế… Trung Quốc không còn bồi đắp đảo đá nữa". Có điều là khi đa số các thành viên ASEAN đòi đưa hai từ ngữ đó vào Thông Cáo Chung, ông đã đành phải chấp nhận.

Thái độ theo đuôi Bắc Kinh của Manila trong vấn đề Biển Đông đã tạo nên phản ứng bất bình trong dư luận Philippines. Trong một bài phỏng vấn vào hôm nay, 18/12/2017, chuyên gia Philippines Richard Heydarian đã tỏ ý quan ngại trước thông tin từ trung tâm AMTI liên quan đến việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở thường trực tại Biển Đông.

Đối với chuyên gia tên tuổi này, các hoạt động đó cho thấy là Trung Quốc đã đi ngược lại các cam kết, và chính quyền Philippines phải có một lập trường vững chắc hơn trên vấn đề này và các quan chức không nên phủ nhận những gì thực sự xảy ra trên hiện trường.

Trọng Nghĩa

*********************

Không Quân Trung Quốc tập trận trên biển Nhật Bản và gần Đài Loan (RFI, 18/12/2017)

Căng thẳng trong vùng biển Nhật Bản và gần eo biển Đài Loan leo thang. Ngày 18/12/2017, Không Quân Trung Quốc thông báo đã tiến hành một cuộc thao diễn tại eo biển Tsushima trong vùng biển Nhật Bản, huy động chiến đấu cơ và máy bay ném bom tham gia. Hàn Quốc phải can thiệp.

tbd2

Chiến đấu cơ Trung Quốc J-15 trên tầu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc diễn tập ngày 02/01/2017. STR / AFP

Hãng tin Reuters nhắc lại trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục cho Không Quân mở các đợt thao diễn đường trường, đặc biệt là bay sát vùng quanh Đài Loan, nơi mà đến nay Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Eo biển Tsushima trong vùng biển Nhật Bản là giới tuyến phân chia hải phận giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phát ngôn viên của lực lượng Không Quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa (Shen Jinke) trong thông cáo sáng nay khẳng định, đây là một cuộc thao dượt "bình thường, hợp pháp", diễn ra trên vùng biển Nhật Bản vì vùng biển này không thuộc về Nhật Bản.

Theo tin từ Seoul, 5 chiếc máy bay quân sự Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không AZID của Hàn Quốc khiến Không Lực Hàn Quốc phải điều máy bay chận đuổi. Vẫn nguồn tin này cho biết thêm là máy bay của Trung Quốc đã thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản. Theo Reuters, trước mắt, chính quyền Tokyo chưa lên tiếng về vụ này.

Cũng hôm nay, Đài Loan thông báo phát hiện máy bay của Trung Quốc tập trận trong khu vực eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines, trước khi phi đội này bay trở về căn cứ quân sự của Trung Quốc qua ngả eo biển Miyako ở phía bắc Đài Loan và gần các hòn đảo cực nam của Nhật Bản. Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Đài Loan nói rõ là đã theo dõi việc Nhật Bản điều chiến dấy cơ F-15 đuổi máy bay Trung Quốc ra khỏi khu vực.

Cuộc tập trận sáng nay của Không Quân Trung Quốc càng làm dấy lên căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan sau khi Bắc Kinh chính thức dọa đổ bộ lên hòn đảo này nếu như tàu chiến của Mỹ ghé thăm cảng Đài Loan.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 755 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)