Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

27/12/2017

Trung Quốc : Hiến pháp, Biển Đông và Đài Loan

Tổng hợp

Đảng cộng sản Trung Quốc xem xét sửa đổi hiến pháp (RFA, 27/12/2017)

Tháng tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thảo luận về sửa đổi hiến pháp và công tác chống tham nhũng. Truyền thông của nhà nước Trung Quốc loan tin vừa nói vào ngày 27/12/2017.

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/10/2017 -  AFP

Tin không nêu thời gian cụ thể diễn ra cuộc họp cũng như nội dung sẽ sửa đổi trong bản hiến pháp hiện hành.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia Trung Quốc nhận định, việc sửa đổi hiến pháp nhằm hợp thức hóa việc thành lập các ủy ban giám sát và quyền của những ủy ban này.

Lần cuối cùng Trung Quốc sửa đổi hiến pháp là vào năm 2004.

Chống tham nhũng là một chính sách quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ nhiệm kỳ đầu của Ông và cuộc chiến chống tham nhũng sẽ mang một sắc thái mới với việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Ủy ban này sẽ tiếp quản Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương CCDI và hợp nhất nhiều đơn vị chống tham nhũng.

Việc Ủy ban Giám sát Quốc gia tiếp quản và hợp nhất nhiều cơ quan giúp cho việc chống tham nhũng của ông Tập sẽ không chỉ giới hạn ở các đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc mà còn đối với các viên chức nhà nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố, việc chống tham nhũng sẽ không dừng lại cho đến khi nào các viên chức mọi cấp không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Hồi tháng 10 năm 2017, Ông Tập Cận Bình tuyên bố với các lãnh đạo hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc rằng việc sửa đổi cấu trúc chồng chéo của các cơ quan chống tham nhũng sẽ bao gồm việc loại bỏ phương thức thẩm vấn bí mật, gọi là song quy đưa ra một hệ thống giam giữ mới và bổ sung thêm việc bảo vệ nghi phạm tham nhũng.

*******************

Tạm lắng năm 2017, liệu Biển Đông sẽ lại dậy sóng trong năm tới ? (RFI, 27/12/2017)

Tình hình Biển Đông, khu vực từng được cho là điểm nóng trên thế giới, quả là tương đối yên tĩnh trong năm 2017 sắp kết thúc, với một loạt những tín hiệu hòa hoãn được các bên tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đưa ra.

tq2

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông (Ảnh vệ tinh do CISIS công bố ngày 29/06/2017) Reuters

Tuy nhiên, nhiều thông tin liên quan đến các hành vi vẫn quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông được tiết lộ trong những ngày cuối năm này, cho thấy là tình hình trong năm tới có thể khác đi nếu Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động bành trướng, đe dọa quyền tự do hàng hải.

Nhìn chung, giới quan sát đều thấy rằng thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc nhân Hội Nghị ASEAN lần thứ 31 về việc khởi động đàm phán bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) là một bước đi đúng hướng. Điều đó đã góp phần làm giảm bớt căng thẳng, cũng như các cuộc thương thuyết ASEAN-Trung Quốc về các biện pháp hợp tác hàng hải và xây dựng lòng tin trong khu vực, mà rõ nhất là việc hai bên chính thức áp dụng ở Biển Đông các quy tắc ứng xử tránh va chạm trên biển (CUES).

Trên bình diện song phương, sự hòa hoãn thấy rõ của Philippines đối với Trung Quốc, quyết định của Hà Nội và Bắc Kinh đẩy mạnh việc xử lý một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, được đưa ra nhân chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng giúp cho tình hình Biển Đông yên tĩnh hơn.

Thế nhưng, trong toàn cảnh bình lặng đó, mới đây, cơ quan Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington đã công bố một loạt ảnh vệ tinh cho thấy là Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng trên các tiền đồn mà họ đã bồi đắp trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo AMTI, dù Bắc Kinh không bồi đắp thêm một thực thể nào từ giữa năm 2017, nhưng họ vẫn xây dựng cơ sở hạ tầng có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Theo các chuyên gia quân sự, việc đó nằm trong chiến lược dùng căn cứ không quân và hải quân trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để kiểm soát toàn bộ vùng biển, làm bàn đạp cho Hải Quân và Không Quân Trung Quốc đi xa hơn, và bảo đảm an toàn cho hơn 60% lượng hàng hóa Trung Quốc đi qua Biển Đông.

Cho dù Bắc Kinh luôn phô trương các mục tiêu hòa bình đằng sau việc bồi đắp và xây dựng cơ sở ở Biển Đông, các nước trong vùng vẫn nghi ngờ về thực tâm của Trung Quốc. Bản chất lưỡng dụng, vừa dân sự, vừa quân sự, của các cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh xây cất trên các hòn đảo họ kiểm soát, sẽ tiếp tục gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực, và có nguy cơ làm dấy trở lại căng thẳng nếu Bắc Kinh quá tự mãn và xem thường phản ứng của các láng giềng.

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN ngày 26/12/2017, chuyên gia Greg Poling thuộc trung tâm AMTI cho rằng trong năm 2017, Bắc Kinh đã biết tranh thủ thời cơ căng thẳng với Bình Nhưỡng thu hút sự chú ý của Washington, buộc chính quyền Trump phải chuyển trọng tâm từ Biển Đông qua bán đảo Triều Tiên, để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc được cho là đã thành công, và các hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong năm 2017 hầu như không bị ai tố cáo.

Thế nhưng, theo ông Michael Fuchs, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, tình hình có thể thay đổi trong năm tới, nếu Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt và khiến cho Hoa Kỳ và các đồng minh cảm thấy tự do hàng hải trong khu vực bị đe dọa thực sự.

Theo ông Euan Graham, chuyên gia về an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy (Úc), "không nên đánh giá thấp sức mạnh Mỹ, trong đó có nền kinh tế đang hồi phục". Mặt khác, ngay cả khi Washington tiếp tục thái độ như hiện nay, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản - các đồng minh của Mỹ - sẽ can thiệp nhiều hơn vào Biển Đông để bảo đảm sao cho các tuyến thương mại hàng hải được tự do.

Trọng Nghĩa

******************

Trung Quốc : Đài Loan nên "quen dần" với các cuộc diễn tập vây đảo (RFI, 27/12/2017)

Trước sự lo ngại của Đài Loan về các cuộc tập trận của không quân Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh vào hôm 27/12/2017, đã hàm ý cho rằng các cuộc tập trận này sẽ còn tiếp tục được tổ chức khi lên tiếng khuyên Đài Bắc làm quen dần với việc không quân Trung Quốc diễn tập bao vây Đài Loan.

tq3

Chiến đấu cơ Trung Quốc J-15 trên tầu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc diễn tập ngày 02/01/2017.STR / AFP

Theo hãng tin Anh Reuters, trong tháng này, báo chí Trung Quốc đã rầm rộ loan tin về những cuộc "tập trận bao vây" Đài Loan do không quân Trung Quốc tiến hành, công bố cả hình ảnh oanh tạc cơ Trung Quốc trên nền một ngọn núi được cho là đỉnh Ngọc Sơn (Yushan), ngọn núi cao nhất tại Đài Loan.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, khi được hỏi về các cuộc tập trận không quân liên tiếp gần Đài Loan, và các hình ảnh do chính không quân Trung Quốc cung cấp cho báo chí, ông An Phong Sơn (An Fengshan), phát ngôn viên Văn Phòng Các Vấn Đề Đài Loan cho rằng đó chỉ là những cuộc diễn tập thường lệ và "mọi người sẽ quen dần".

Trong một bản báo cáo công bố trong tuần, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết là trong năm, Trung Quốc đã cho tiến hành ít nhất 16 lần diễn tập gần Đài Loan, và cảnh báo rằng đe dọa quân sự của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan ngày càng gia tăng.

Theo thủ tướng Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai), các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang theo dõi sát sao các hoạt động của không quân Trung Quốc. Ông nhắc lại rằng Đài Loan luôn luôn mong muốn phát triển quan hệ hòa bình với Hoa Lục.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn lên với Đài Loan, không ngần ngại đe dọa dùng võ lực tấn công, sau khi Washington quyết định bán thêm vũ khí cho Đài Bắc cũng như không loại trừ việc cho chiến hạm Mỹ ghé thăm hữu nghị cảng Đài Loan.

Bắc Kinh cảnh cáo Tokyo về ý định biến tàu chở trực thăng thành tàu sân bay

Không chỉ tỏ thái độ cứng rắn với Đài Loan, Trung Quốc cũng lên giọng với Nhật Bản.

Sau khi có tin về việc Nhật Bản đang xem xét khả năng mua một loạt chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35B của Mỹ, loại máy bay có thể dùng trên tàu sân bay, và khả năng Tokyo cải tiến tàu chở trực thăng để có thể thích ứng với những chiếc F-35B đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng cảnh cáo Tokyo là nên "hành động thận trọng".

Trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm qua (26/12/2017), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, Tokyo nên đi theo con đường hòa bình và có hành động thận trọng trong lãnh vực an ninh.

Đối với phát ngôn viên Trung Quốc, việc Nhật Bản biến đổi các chiến hạm của thành tàu sân bay có thể vi phạm điều 9 trong Hiến Pháp hòa bình của Nhật Bản, ám chỉ đến việc cấm Tokyo sở hữu "tàu sân bay tấn công".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 684 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)