Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/01/2017

Biển Đông : Tân Tổng thống Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc

tổng hợp

Chuyên gia Mỹ : Washington cần tiếp tục răn đe Bắc Kinh về Biển Đông (RFI, 30/01/2017)

bd1

Ảnh minh họa : Máy bay thuộc hai phi đoàn Carrier Air Wing 5 và Carrier Air Wing 9 cùng tàu sân bay USS John C. Stennis tập trận trong vùng biển Philippines, ngày 18/06/2016. REUTERS/Courtesy Steve Smith/U.S. Navy

Trong một bài viết ngày 27/01/2017 mang tựa đề rất khô khan : Các nguyên tắc chỉ đạo về Biển Đông cho tân chính quyền (Mỹ) - South China Sea Guidelines for the New Administration – trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã nêu bật 5 khuyến cáo mà các chuyên gia Mỹ về Biển Đông vừa nhất trí chuyển đến chính quyền Donald Trump để đề nghị thực hiện.

Đối với hai chuyên gia Geoffrey Hartman và Amy Searight, tác giả bài viết, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ sớm thách thức nghiêm trọng quyết tâm của Washington tại Biển Đông, nơi mà Mỹ đã cố đáp trả một cách có hiệu quả trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các lợi ích lâu dài của Mỹ - từ quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cho đến giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình – tất cả đều bị đe dọa.

Các mục tiêu của Mỹ như duy trì các quan hệ liên minh và đối tác trong vùng, bảo vệ chuẩn mực và quy tắc quốc tế, và duy trì một quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc là điều vẫn có giá trị. Thế nhưng Trung Quốc đã ra tay trước ở Biển Đông và Hoa Kỳ cần phải thay đổi chiến lược để xoay chuyển chiều hướng và tránh được cái bẫy của một đối sách bị động và vô hiệu quả.

Cho đến nay, phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đủ để làm cho Bắc Kinh thay đổi cách xử sự, thậm chí nuôi dưỡng lập luận theo đó Trung Quốc đang đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực.

Đối với nhiều nước trong khu vực, việc chống lại các nỗ lực của Trung Quốc đã trở thành thước đo quan trọng về sự dấn thân của Mỹ vào khu vực. Nếu các hành vi bức hiếp của Trung Quốc vẫn không bị Mỹ đáp trả, điều đó sẽ gởi một tín hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống liên minh của Mỹ trong vùng, và giảm thiểu vai trò đối tác an ninh của Washington.

Để ngăn chận các cố gắng của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, Hoa Kỳ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác, và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng duyệt xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.

Trong khi chuẩn bị rà soát và củng cố chiến lược của mình ở Biển Đông, chính quyền mới nên giữ trong đầu những lời khuyến cáo ghi trong báo cáo của Trung Tâm CSIS, đưa ra ngày 25/01, mang tựa đề : "Biển Đông – Một vài nguyên tắc chiến lược cơ bản", với sự đóng góp của các chuyên gia về Châu Á tại CSIS— Tiến sĩ Michael Green, tiến sĩ Zack Cooper, Bonnie Glaser, Andrew Shearer, và Greg Poling.

Khuyến cáo 1 : Phải tiếp tục răn đe và đồng thời hợp tác

Cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu – như hành vi hiếu chiến của Bắc Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu – Hoa Kỳ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương.

Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ công cuộc hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả nữa là khác. Hợp tác trong những lãnh vực hai bên cùng chia sẻ quyền lợi không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà cũng quan trọng đối với Trung Quốc.

Lãnh đạo Mỹ không nên lo ngại về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ có thể vừa kiên quyết trên các nguyên tắc của mình và răn đe để không cho Trung Quốc làm hỏng trật tự khu vực, vừa duy trì quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh. Nhượng bộ trên quyền lợi thiết yếu của mình ở Châu Á, sẽ không khuyến khích hợp tác rộng hơn trên những vấn đề toàn cầu. Thậm chí việc nhận thấy một sự yếu đuối nơi Mỹ có thể khuyến khích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thái độ quyết đoán hơn.

Tóm lại, một cách tiếp cận mang tính răn đe mạnh mẽ hơn không nhất thiết cản trở công cuộc hợp tác có lợi cho cả hai nước.

Khuyến cáo 2 : Có chính sách và thông điệp nhất quán và bền vững

Chính quyền mới cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận nơi Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Hoa Kỳ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc – song song với việc thực thi vế quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng - đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thông điệp và chính sách thiếu nhất quán – trong đó có các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và duy trì sự hiện diện thường xuyên - cũng đã gây nên hiểu lầm trong khu vực. Chính quyền mới nên cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về các hoạt động này và không nên thay đổi lịch trình để chiều theo áp lực của Trung Quốc.

Hoa Kỳ nên tiến tới, các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và khẳng định sự hiện diện thường xuyên phải được thực hiện một cách đều đặn để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng cho không quân và hải quân hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đây là điều quan trọng, nhưng cũng phải cẩn thận tính đến những yếu tố không lường trước được khi vạch ra chiến thuật và thực hiện các chiến dịch để ngăn không cho Bắc Kinh trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán phản ứng của Hoa Kỳ.

Khuyến cáo 3 : Đa dạng hóa các biện pháp chống Trung Quốc

Đối với các chuyên gia Trung Tâm Chiến Lược, chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.

Một ví dụ là có thể tính đến việc trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định. Hoa Kỳ có khả năng gây sức ép trên Trung Quốc trong những lãnh vực không liên quan trực tiếp đến vùng Biển Đông và nên xem xét khả năng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những công cụ này để ổn định trật tự khu vực.

Khuyến cáo 4 : Tăng cường giúp đỡ đồng minh và đối tác

Hoa Kỳ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này chống lại sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở của Trung Quốc ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.

Để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực các đối tác, Washington cần phải giữ gìn các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia ở tuyến đầu phụ thuộc vào thái độ hợp tác và tuân thủ của các nước này trong lãnh vực nhân quyền và quản trị tốt nhà nước.

Khuyến cáo 5 : Duy trì lập trường trung lập về tranh chấp chủ quyền

Các chuyên gia đã đi đến kết luận : Hoa Kỳ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương, và một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở Châu Á, và có thể tin rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Hoa Kỳ để nhờ hỗ trợ.

Lập trường xưa nay của Hoa Kỳ là trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền trên các vùng đất ở Biển Đông, trong khi vẫn khẳng định rằng những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là một lập trường đúng đắn và cần được duy trì.

Lập trường đó cho phép Mỹ bảo vệ lợi ích của mình mà không vướng vào các tranh chấp chủ quyền chằng chịt ở Biển Đông. Vị trí trung lập trước các tranh chấp chủ quyền cho phép Hoa Kỳ can thiệp một cách linh hoạt vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình cũng như chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đồng thời phản bác các cố gắng của Trung Quốc cho rằng các hành động của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đến chủ quyền của Bắc Kinh.

Các nước tranh chấp khác chào đón sự can thiệp của Hoa Kỳ chính là vì Washington không thiên vị bên này chống bên kia.

RFI tiếng Việt

**********************

Mỹ cam kết tiếp tục là cường quốc Thái Bình Dương (RFI, 30/01/2017)

bd2

Hàng không mẫu hạm USS John C.Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) ở vùng biển Philippines, ngày 18/06/2016.Courtesy Jake Greenberg/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Trong một hội thảo tại trường Đại học Quốc gia Úc, ở Canberra, ngày hôm nay, 30/01/2017, các quan chức Mỹ khẳng định cho dù có những thay đổi chính sách dưới thời chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cam kết là một cường quốc Thái Bình Dương.

Theo AFP, cuộc hội thảo có nội dung nói về liên minh của Hoa Kỳ với Úc và Nhật Bản. Cố vấn chính trị sứ quán Mỹ tại Úc, ông John Hennessey-Niland nói rằng các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể yên tâm là Thái Bình Dương vẫn có vai trò chủ chốt trong các lợi ích của Mỹ, dưới thời Donald Trump. Các hợp tác, huấn luyện chung và chia sẻ thông tin sẽ gia tăng.

Đại diện sứ quán Mỹ khẳng định : "Chúng tôi đang ở trong giai đoạn thay đổi và chuyển tiếp. Các lợi ích của Hoa Kỳ không thay đổi. Vì lợi ích của mình, nước Mỹ sẽ tiếp tục là một cường quốc Thái Bình Dương, hỗ trợ và tăng cường các quan hệ song phương, ba bên và đa phương".

Bà Amy Searight, nguyên là quan chức cấp cao Mỹ, phụ trách quốc phòng khu vực Nam và Đông Nam Á, nhận định, dường như Donald Trump đã thay đổi, không có những phát biểu chỉ trích nhắm các đồng minh của Mỹ. Bà hoan nghênh chuyến thăm Washington vào tháng Hai tới của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo bà Searight, Hoa Kỳ có kế hoạch nâng số tàu chiến từ 270 lên thành 350 và do vậy, sẽ có nhiều tàu chiến Mỹ hiện diện ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn với các đồng minh. Theo quan chức này, chính sách xoay trục sang Châu Á, được khởi xướng và thực hiện dưới thời Obama – vẫn đang được tiến hành.

RFI tiếng Việt

*************************

Xoay trục về Châu Á vẫn là trọng tâm trong chính sách của Hoa Kỳ (RFA, 30/01/2017)

bd3

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng tham mưu trưởng Reince Priebus, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Cố vấn Thương mại Peter Navarro, Cố vấn cao cấp Jared Kushner, Cố vấn chính sách Stephen Miller tại Phòng Bầu dục, Nhà trắng, Washington, DC, ngày 23 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Mặc dù Tân Tổng Thống Donald Trump sẽ có chính sách ngoại giao mới, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng ở Châu Á- Thái Bình Dương để đảm bảo quyền lợi của nước Mỹ cũng như của các nước đồng minh.

Điểm vừa nêu được ông John Hennessey-Niland, tham tán chính trị của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ đưa ra trong cuộc thảo luận về quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật Bản và Úc, mới diễn ra ngày hôm nay tại Canberra.

Trong bài phát biểu, ông Hennessey-Niland nói rằng chính sách có thể thay đổi nhưng quyền lợi của Mỹ và đồng minh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ không thay đổi, hứa hẹn những cuộc thao diễn chung và mức độ chia sẻ tin tức sẽ gia tăng.

Trong lúc còn vận động tranh cử, Tổng Thống Trump có nói là những quốc gia Châu Á phải tự bảo vệ an ninh quốc phòng thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ, đồng thời cũng chỉ trích liên minh NATO là một tổ chức lỗi thời.

Tuy nhiên thứ Sáu tuần trước khi đón nữ Thủ Tướng Anh Quốc Theresa May ở Nhà Trắng, Tổng Thống Trump lại cho biết ông ủng hộ NATO 100%.

Dựa vào sự kiện đó, bà Amy Searights, người từng nắm giữ chức vụ trợ lý tổng trưởng quốc phòng đặc trách Nam Á và Đông Nam Á của chính phủ Barack Obama cho rằng không nên quá chú trọng đến những gì Tổng Thống Trump đã nói lúc vận động tranh cử, bằng chứng là tháng tới, tân tổng thống Mỹ sẽ đón Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bàn thảo về quan hệ đồng minh chiến lược.

Bà cũng nhắc lại tầm quan trọng của quan hệ chiến lược Mỹ Nhật Bản và Úc trong kế hoạch chuyển trục về Châu Á mà Tổng Thống Obama thực hiện, gọi đó là kế hoạch vẫn còn hữu lý để ngăn chận mức bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Vẫn theo bà Searight, Tổng Thống Trump có kế hoạch giúp Hải Quân Hoa Kỳ tăng số tầu chiến từ 270 chiếc lên thành 350 chiếc, điều đó cũng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ đưa thêm chiến hạm vào hoạt động ở Thái Bình Dương và tại Biển Đông.

**************************

Trung Quốc coi Mỹ, Bắc Hàn và Nhật là mối đe dọa (BBC, 30/1/2017)

Bas du formulaire

bd4

Trung Quốc đã có hàng không mẫu hạm.

Giới phân tích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi Hoa Kỳ và Bắc Hàn là các mối đe dọa hàng đầu và quan ngại xung đột ở Biển Đông, Kyodo News nói.

Tài liệu phân tích mà hãng thông tấn Nhật Bản đọc được cho thấy mặc dù hai láng giềng có truyền thống quan hệ ngoại giao thân thiện, giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc coi Bắc Hàn là mối đe dọa khi xét đến việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Tài liệu được in vào tháng 5/2016, là hướng dẫn thao tập thời chiến để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù giả tưởng.

Phân tích này nói về tình huống Trung Quốc phải đối mặt, các chiến lược gia trích dẫn "năm mối đe dọa tiềm năng", với Hoa Kỳ và chiến lược "tái cân bằng Châu Á" của Mỹ là nghiêm trọng nhất.

Được đề cập hàng thứ hai là Bắc Hàn, và các nhà phân tích lưu ý việc Bình Nhưỡng tuyên bố họ là một cường quốc hạt nhân và đã lập nhiều cơ sở hạt nhân gần biên giới với Trung Quốc.

Nếu chiến tranh nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên, tài liệu này nói, thì sẽ gây ra một "mối đe dọa lớn" đến phía bắc và đông bắc của Trung Quốc.

Nhật Bản được đề cập tới là mối đe dọa thứ ba, với các chiến lược gia nói về thực trạng hai nước có tranh chấp các đảo mà Nhật Bản kiểm soát tại Biển Hoa Đông.

Với phi cơ và tàu của hai nước ra vào khu vực này, xung đột quân sự có thể xảy ra.

Đứng thứ tư là Nam Hải (Biển Đông) là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố về chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc và một số nước khác.

Giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc ghi nhận việc nước này đang mở rộng sức mạnh quân sự của mình trong khu vực này, chẳng hạn như bằng cách triển khai radar phòng không trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh chỉ có thể kiểm soát hiệu quả một số nơi và do đó "không thể lạc quan".

Ấn Độ, là nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và đang tăng cường lực lượng quân sự của mình, được nhắc tới như mối đe dọa đứng ở vị trí thứ năm.

Quay lại trang chủ
Read 673 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)