Trường Sa : Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành căn cứ không quân (RFI, 06/01/2018)
Trung Quốc đã xây dựng và gia cố nhiều công trình trên đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), thuộc cụm đảo Nam Yết của quần đảo Trường Sa, và biến thực thể này thành một căn cứ không quân vững chắc.
Không ảnh vệ tinh của CSIS chụp ngày 16/06/2017 cho thấy nhiều công trình quân sự được Trung Quốc xây dựng trên đảo Đá Chữ Thập. CSIS/Reuters
Ngày 05/01/2018, trang Philstar đăng lại không ảnh đá Chữ Thập được chiếu trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, cho thấy một khu căn cứ không quân có diện tích 2,8 km2 trên đảo này.
Đường băng được xây trên đá Chữ Thập đủ dài để máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể hạ cánh. Ngoài ra, trên thực thể này còn có một bệnh viện và nhiều công trình quân sự khác.
Việt Nam và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với đá Chữ Thập nhưng thực thể này bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1988.
Trong một thông cáo được Philstar trích dẫn, bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố Manila "tiếp tục đối thoại hữu nghị nhưng thẳng thắn với các bên có liên quan về vấn đề Biển Đông qua các diễn đàn song phương và đa phương".
Philippines tái khẳng định sẽ không từ bỏ lãnh thổ của mình ở Biển Đông, như phát biểu trước đó của thư ký bộ Ngoại Giao Alan Peter Cayetano.
Ngày 03/01/2018, tổng thống Philippines Duterte đã tái bổ nhiệm năm đặc sứ về vấn đề Trung Quốc để "thúc đẩy quan hệ chặt chẽ" với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông. Nhiệm kỳ mới của họ kéo dài từ 01 tháng Giêng đến 30/06/2018.
Thu Hằng
********************
Trung Quốc phóng nhiều vệ tinh, tăng cường kiểm soát biển (VOA, 06/01/2018)
Một tỉnh của Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu vào năm tới sẽ phóng 10 vệ tinh ở bên trên vùng biển đang có tranh chấp. Kế hoạch này sẽ giúp Trung Quốc tìm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cũng như phản ứng nhanh với bất kỳ động thái nào của tàu nước ngoài, nó cũng thúc đẩy Trung Quốc đi đầu so với 5 chính phủ Châu Á khác.
Một cuộc phóng vệ tinh của Trung Quốc ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, 21/11/2017.
Học viện Viễn thám Tam Á của tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc, dự định phóng các vệ tinh từ năm 2019 đến năm 2021, Tân Hoa Xã đưa tin hồi tháng 12/2017. Hãng thông tấn nói việc phóng vệ tinh sẽ giúp "phủ sóng viễn thám" trên Biển Đông và chụp các hình ảnh "suốt ngày đêm".
Trung Quốc hy vọng tìm được những đàn cá lớn trên vùng biển rộng 3,5 triệu kilomet vuông trước khi nước khác tìm được. Họ cũng có thể sử dụng các vệ tinh để phát hiện và nhanh chóng theo dõi những gì các nước khác làm trên biển. Một khả năng khác là sử dụng để trợ giúp cho quân đội.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khoảng 90% vùng biển, dựa vào tài liệu lịch sử.
Việt Nam, Brunei, Malaysia, Indonesia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với trên Biển Đông, đối chọi lại tuyên bố của Trung Quốc.
Trong số các vệ tinh được triển khai từ tỉnh Hải Nam, 6 vệ tinh quang học sẽ sử dụng ánh sáng trong không gian trống để truyền dữ liệu không dây tới các mạng viễn thông hoặc các mạng máy tính. Hai chiếc là vệ tinh siêu phổ, có thể phân tích từng điểm ảnh trong một hình ảnh phức tạp để tìm các vật thể hoặc phát hiện các diễn biến. Hai vệ tinh khác là radar khẩu độ tổng hợp (SAR), thường có thể tạo ra hình ảnh ba chiều của cảnh quan.
Ấn Độ đã lên kế hoạch vào năm 2016 cung cấp cho Việt Nam một trạm xử lý hình ảnh để có thể tiếp cận các hình ảnh từ vệ tinh quan trắc của Ấn Độ.
Các chuyên gia nói rằng các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông không có gì so nổi với kế hoạch của Trung Quốc.
*******************
Trung Quốc sắp đưa thêm tàu chiến vào biển Đông và Ấn Độ Dương (RFA, 05/01/2018)
Một khu trục hạm mới sắp được đưa vào hoạt động chính thức và một tàu sân bay thứ ba đã bắt đầu được chế tạo là tin mà truyền thông chính thức của Trung Quốc loan đi trong hai ngày 4 và 5 tháng giêng năm 2018.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ở Hong Kong hôm 7/7/2017 - AFP
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời một chuyên gia Hải Quân Trung Quốc vào ngày 5 tháng giêng rằng dự kiến chiếc khu trục hạm do chính Trung Quốc đóng sẽ được đưa vào hoạt động tại Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Trong khi đó theo Nhật báo Giải Phóng Quân Trung Quốc thì hiện tại công nhân đang thực hiện việc lắp đặt các đường ống dẫn cáp cho chiếc khu trục hạm đang trong giai đoạn hoàn thiện thân tàu tại Nhà máy Giang Nam ở Thượng Hải.
Ngoài ra cũng theo Nhật báo Giải Phóng Quân Trung Hoa thì chiếc khu trục hạm sẽ được trang bị các hệ thống hiện đại phòng không, chống tên lửa, chống hạm cũng như các loại vũ khí chống tàu ngầm.
Khả năng đa dạng của chiếc khu trục hạm hàm nghĩa nó có thể thực hiện những nhiệm vụ độc lập tại những vùng khơi xa. Ngoài ra theo các chuyên gia Hải quân Trung Quốc thì chiếc khu trục hạm này còn có thể tham gia phối hợp trong đội hình của một hàng không mẫu hạm.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn cho biết sau khi ghi nhận ý kiến của các quan chức quân sự cũng như binh sĩ, nhóm thiết kế khu trục hạm đã thay đổi bản vẽ ban đầu dành cho trực thăng trên chiến hạm này, nâng độ cao của các cabin trên tàu… Một công nghệ mới cũng được nghiên cứu để dùng trong việc hàn thân khu trục hạm. Vật liệu đóng thân chiến hạm này cũng là một loại vật liệu mới.
Những chất liệu chống sốc, chống ồn và giúp lưu thông không khí trong khu sinh hoạt của thủy thủ đoàn cũng là những loại mới.
Vào ngày 4 tháng giêng, mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin Trung Quốc đã bắt đầu công tác đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba của nước này. Điều đáng chú ý là chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ có hệ thống tân tiến giúp máy bay cất cánh nhanh hơn.
Những nguồn tin thân cận với Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc cho Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng biết như thế và nói rõ địa điểm thực hiện cũng tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải.
Công tác được xúc tiến sau khi lãnh đạo quân đội Trung Quốc gặp nhau tại Bắc Kinh sau kỳ họp thường niên Quốc Hội và cơ quan lãnh đạo tư vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.
Vì việc đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba phức tạp và có nhiều thử thách hơn hai chiếc vừa qua, cho nên có thể phải mất chừng hai năm Trung Quốc mới hoàn tất phần thân hàng không mẫu hạm này.
Hải Quân Trung Quốc cho biết các chuyên gia, kỹ sư đóng tàu từ Thượng Hải và Đại Liên được cử tham gia công việc. Tổng số nhân sự tham gia còn được chủ tịch Tập Đoàn Đóng Tàu Nhà nước Trung Quốc, Hồ Văn Minh, nói là 5 ngàn người.
Chi tiết kỹ thuật được tiết lộ là chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba được bắt đầu đóng có lượng giản nước hơn chiếc Liêu Ninh từ 80 ngàn đến 100 ngàn tấn.
Liêu Ninh là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Chiếc tàu được tân trang từ chiếc do Liên Xô đóng và Trung Quốc mua lại của Ukarine. Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được đưa vào hoạt động từ năm 2012.
Cho đến nay tất cả mọi nguồn tin đều cho rằng còn quá sớm để có thể đưa ra thời điểm chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc được hạ thủy. Trong khi đó giới chuyên gia hải quân cho biết Bắc Kinh lên kế hoạch có 4 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm hoạt động vào năm 2030.
Chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhất do chính Trung Quốc thiết kế và đóng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018.
Nhật báo Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc cũng loan tin Hải quân nước này cũng vừa bắt đầu công tác huấn luyện cho đội ngũ phi công lái chiến đấu cơ thuộc hàng không mẫu hạm ; thay vì tuyển từ lực lượng khộng quân như lâu nay.
*********************
Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba (VOA, 06/01/2018)
Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba với hệ thống phóng máy bay công nghệ cao, tờ South China Morning Post đặt ở Hồng Kông đưa tin hôm 5/1, dẫn lời các quan chức Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc được hạ thủy ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, 26/4/2017.
Tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do họ tự đóng. Song nó cũng là tàu sân bay thứ hai trong lực lượng hải quân của nước này.
Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải hiện đang lắp phần thân của chiếc tàu thứ ba, dự kiến sẽ mất khoảng hai năm.
"Việc đóng tàu sân bay mới sẽ phức tạp và khó khăn hơn hai tàu kia", một quan chức PLA được trích lời cho hay.
Trung Quốc lâu nay cố xây dựng lực lượng hải quân "biển xa", họ dành ưu tiên cho hải quân vì họ nhắm đến mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở tầm toàn cầu.
Trung Quốc cũng đã thiết kế một loại máy bay hoạt động từ boong tàu sân bay và hiện đang đào tạo các phi công.
Các nguồn tin cho biết vẫn còn quá sớm để nói khi nào chiếc tàu thứ ba được đưa vào sử dụng.
Trung Quốc có kế hoạch đưa bốn nhóm tàu sân bay chiến đấu vào hoạt động muộn nhất là vào năm 2030, theo South China Morning Post.
(theo outlookindia.com, thestatesman.com)