Hai miền Triều Tiên thông báo nối lại đàm phán vào ngày 09/01/2018. Sự kiện này được đánh giá là "chưa từng có" và là một dấu hiệu hòa hoãn mới sau hai năm "im lặng", ít nhất là trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc Seoul và Bình Nhưỡng nói chuyện với nhau lại có nguy cơ làm suy yếu chiến lược cô lập chế độ Bình Nhưỡng mà Nhà Trắng kiên quyết thực hiện từ khi Donald Trump lên làm tổng thống.
Dân Hàn Quốc xem truyền hình đưa tin lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un chúc mừng năm mới, ngày 31/12/2017 - JUNG Yeon-Je / AFP
Ngoài việc đơn phương đưa ra các biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong-un, Hoa Kỳ còn vận động và gây sức ép với cộng đồng quốc tế để cô lập Bắc Triều Tiên cả về kinh tế lẫn ngoại giao nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo.
Riêng tổng thống Donald Trump không tỏ ra kiềm chế trong lời nói khi nhắc đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên, được ông đặt biệt danh là "Người tên lửa" (Rocket Man), ám chỉ số lượng vụ thử tên lửa được thực hiện dưới thời Kim Jong-un.
Và gần đây nhất, vào thứ Ba 02/01/2018, chủ nhân Nhà Trắng vẫn tỏ ý chế nhạo lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi viết trên Twitter rằng "Kim Jong-un vừa khẳng định luôn có nút nhấn hạt nhân trên bàn làm việc, hãy nói với ông ấy rằng tôi cũng có nút nhấn hạt nhân, nhưng nút nhấn của tôi còn to hơn và mạnh hơn nút của ông ấy, và nó hoạt động !"
Tuy nhiên, một số dấu hiệu hòa dịu được Kim Jong-un đưa ra trong bài diễn văn chúc mừng năm mới dường như khiến Washington ngạc nhiên và càng thêm ngờ vực về "mức độ thành thật của Kim Jong-un khi tỏ ý định ngồi lại vào bàn đàm phán", theo phát biểu của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ.
Ngoài việc Kim Jong-un kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều, chính quyền Bình Nhưỡng còn quyết định nối lại đường dây liên lạc đỏ với Seoul từ hôm 03/01 sau gần hai năm gián đoạn. Với tổng thống Mỹ, thông tin trên "có thể là một tin tốt, mà cũng có thể là không", nhưng có một điều rõ ràng là Kim Jong-un đã cảm thấy có thể "đối thoại ở thế mạnh", theo đánh giá của ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group, được AFP trích dẫn.
Phải chăng với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người luôn ủng hộ đàm phán vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, đây là cơ hội để tìm ra giải pháp sống chung với người anh em láng giềng phương Bắc vừa tự tuyên bố là cường quốc hạt nhân và không hề có ý định từ bỏ chương trình vũ khí đạn đạo ? Vì với Seoul, tổng thống Mỹ Donald Trump luôn ưu tiên bảo vệ chính sách "Nước Mỹ trước đã", chứ chưa đến lượt Hàn Quốc.
Hôm 05/01, Washington và Seoul thông báo hoãn tập trận trong thời gian có Thế vận hội Pyeongchang diễn ra từ ngày 09 đến 25/02. Sau khi nói chuyện với nhiều lãnh đạo Hàn Quốc, chuyên gia Ian Bremmer cho rằng để đàm phán với Bắc Triều Tiên, không loại trừ khả năng Hàn Quốc còn chấp nhận tạm ngừng các cuộc tập trận với Mỹ.
Sự kiện này sẽ không có lợi cho Washington vì mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên luôn là lý do giải thích sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn với Bắc Kinh, đây là một thắng lợi vì Trung Quốc, đồng minh trung thành của Bắc Triều Tiên, không muốn quân đội Mỹ có mặt ngay sát biên giới nếu chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Cuối cùng, phải chăng đàm phán liên Triều còn giúp Hàn Quốc tăng cường vị thế của mình trong việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên ?
Thu Hằng