Trung Quốc đặt chất nổ phá sập một nhà thờ Tin lành lớn (RFI, 13/0.1/2018)
Theo báo chí nhà nước được AFP trích dẫn, chính quyền Trung Quốc đã cho phá sập một nhà thờ Tin Lành lớn ở Sơn Tây. Một hiệp hội bảo vệ những người Cơ Đốc Giáo hôm nay 13/01/2018 tố cáo hành động này là "đàn áp theo kiểu tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo".
Nhà thờ Tin Lành Kim Đăng Đài (Jindengtai) bị đặt chất nổ phá sập hôm 09/01/2018.Ảnh : China Aid
Giáo đường to lớn mang tên Kim Đăng Đài (Jindengtai) được sơn màu xám, phía trên là tháp chuông và cây thánh giá màu đỏ, nằm tại Lâm Phần (Linfen) thuộc tỉnh Sơn Tây.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời một quan chức địa phương giấu tên cho biết, việc này "nằm trong khuôn khổ một chiến dịch triệt hạ các công trình xây dựng bất hợp pháp. Một tín đồ đã hiến đất cho một hiệp hội Cơ Đốc địa phương, và họ đã âm thầm xây lên nhà thờ, nói là xây nhà kho".Cũng theo quan chức này, nhiều thành viên trong hiệp hội đã bị bắt.
Ông Phó Hy Thu (Bob Fu), chủ tịch hiệp hội China Aid có trụ sở tại Hoa Kỳ hôm nay cho AFP biết : "Một lực lượng công an vũ trang hết sức đông đảo đã được huy động, và họ phá sập bằng cách đặt một lượng lớn chất nổ phía dưới nhà thờ". Ông tố cáo : "Hành vi đàn áp chẳng khác gì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và Taliban". Theo ông Phó Hy Thu, giáo đường Kim Đăng Đài bị giựt sập vì từ chối đăng ký với chính quyền cộng sản.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền luôn tỏ ra nghi ngại trước mọi hoạt động có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
Các tôn giáo được chính thức công nhận tại Trung Quốc (Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo) đều bị giám sát kỹ lưỡng, phải tham gia các hiệp hội "yêu nước" do Nhà Nước kiểm soát, tránh mọi ảnh hưởng từ bên ngoài.
Chính quyền và công an thành phố Lâm Phần không trả lời điện thoại của AFP.
Trung Quốc hiện có 5,7 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo và 23 triệu tín đồ Tin Lành, theo thống kê chính thức năm 2014. Con số này chưa tính đến mấy chục triệu tín đồ thuộc các giáo hội khác không được nhìn nhận.
Khoảng mấy chục nhà thờ của các giáo hội không chính thức đã bị phá hủy tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Ngoài ra, các quy định mới - sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2018 - cấm nhận tài trợ từ nước ngoài, siết chặt điều kiện mở các trường đạo, trường dòng.
Thụy My
********************
Công dân Bắc Hàn trốn chạy, tử vong trên sông Mekong (VOA, 14/01/2018)
Một chiếc thuyền nhỏ chở 12 nữ công dân Bắc Hàn trốn chạy chế độ đã chìm trên sông Mekong trên biên giới giữa Lào và Thái Lam, làm hai người tử vong.
Những người trốn chạy chế độ Bắc Hàn bị bắt ở Thái Lan hôm 9/5/2007.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một nhà hoạt động nhân quyền của nước này cho biết như vậy hôm 13/1.
Tin cho hay, những người phụ nữ Bắc Hàn trước đó đã tập hợp tại tỉnh Sơn Đông hôm 4/1 và bắt đầu hành trình tới Hàn Quốc thông qua ngả Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Yonhap dẫn lời nhà hoạt động nói rằng "chiếc thuyền xấu số chỉ có thể chở 10 người", và "nó chìm có lẽ bởi quá tải".
Tờ Korea Herald cho hay, 10 người còn sống sót đã bơi tới Lào trước khi tới Thái Lan trên một chiếc thuyền khác.
"Họ đang bị cảnh sát Thái Lan tạm giữ", theo nhà hoạt động giấu tên.
Theo Yonhap, hiện mới chỉ tìm thấy thi thể của người trốn chạy khoảng 20 tuổi.
********************
Nhật lên cơn sốt Bitcoin (RFI, 13/01/2018)
Nhật Bản công nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp. Tháng 12/2017, 31 % các khoản giao dịch mua bán tiền ảo Bitcoin trên thế giới được thanh toán bằng đồng yen Nhật Bản. Hàn Quốc theo sau với 18 %.
Đồng tiền bitcoin - Reuters/Benoit Tessier/Illustration/File Photo
Nhật đứng thứ nhì trên thế giới thua có Mỹ. Trong lúc đồng Bitcoin bị "cấm" tại Trung Quốc thì xứ Hoa Anh Đào mở rộng vòng tay đón đơn vị tiền ảo này. Nhiều dịch vụ mua bán trên mạng xem Bitcoin là "tương lai". Hàng ngàn cửa hàng tại Nhật Bản bằng lòng thu vào đồng Bitcoin.
Báo chí tại Tokyo liên tục dành cho đơn vị tiền tệ của thời đại kỹ thuật số này rất nhiều bài viết. Koji Higashi, 29 tuổi sống tại Tokyo nói với hãng tin Pháp AFP : nhiều tập đoàn lớn của Nhật quan tâm đến Bitcoin khiến công luận tin tưởng hơn vào đồng tiền này. Người ta có cảm tưởng là chính phủ Nhật bắt đầu xem Bitcoin là một phương tiện thanh toán đáng tin cậy, là một thị trường mới dễ kiếm lời. Bản thân Higashi đầu tư khá nhiều tiền vào Bitcoin.
Từ năm 2012 Mai Fujimoto, một phụ nữ 32, tuổi đã đặt hết niềm tin vào Bitcoin. Cô Mai thích thú là không còn phải lệ thuộc vào ngân hàng mỗi khi mua bán và thế là người được mệnh danh là "Miss Bitcoin" này đã đầu tư hết vốn liếng vào tiền ảo.
AFP nhắc lại : không có điềm gì báo trước là người Nhật lại ưa chuộng Bitcoin tới "mức độ đó". Bởi thông thường người Nhật vốn bảo thủ, thích dùng tiền mặt và cẩn thận chứ không "thả mồi bắt bóng".
Năm 2014 "sàn giao dịch" Bitcoin đặt tại Nhật Bản là MtGox vỡ nợ. Cựu sáng lập viên MtGox là một người Pháp Mark Karpeles bị đưa ra trước vành móng ngựa. Trong phiên xử hồi mùa hè 2017, Karpeles bị buộc tội "thao túng và biển thủ tài sản". Những cáo buộc mà tới nay cựu lãnh đạo MtGox vẫn bác bỏ.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều "plateformes" khác đã thay thế MtGox để trở thành những "trung gian môi giới giao dịch Bitcoin".
Thành công bất ngờ đó xuất phát từ đâu ?
Theo thẩm định của ngân hàng Đức Deutsche Bank, lãi suất ngân hàng quá thấp tại Nhật Bản là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu cơ đi tìm "những chân trời mới" với hy vọng dễ và chóng thu hoạch. Có điều, như nhà chuyên gia về Bitcoin Nhật Bản Koji Higashi lưu ý : tiền lãi từ các thương vụ mua bán Bitcoin bị đánh thuế rất nặng (55 %), chính quyền Tokyo coi như đây là một loại thu nhập. Higashi dự báo trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều vụ trốn thuế được phơi bày ra ánh sáng.
Thanh Hà