Tokyo tố cáo Bắc Kinh cho tàu ngầm hạt nhân áp sát lãnh hải Nhật Bản (RFI, 15/01/2018)
Chính quyền Nhật Bản ngày 15/01/2018 chính thức xác nhận : chiếc tàu ngầm "lạ" bị phát hiện ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông vào tuần trước là một trong những loại tàu hạt nhân tấn công mới của Trung Quốc. Tokyo đã tố cáo một hành vi khuấy động tình hình căng thẳng trong khu vực.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Ảnh tư liệu chụp tháng 09/2012.Reuters
Ngay từ thứ Năm tuần trước, 11/01/2018, Nhật Bản đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện một tàu khu trục hạm lớp Giang Khải II của Trung Quốc và một tàu ngầm "lạ" trong vùng biển bao quanh các hòn đảo dưới quyền quản lý của Tokyo.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm nay đã xác định công khai rằng chiếc tàu ngầm bị phát hiện là loại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương của Trung Quốc, mà theo ông có thể được trang bị tên lửa hành trình tầm xa.
Đối với ông Onodera, chính quyền Tokyo "hết sức quan ngại trước việc tàu ngầm đi qua vùng biển tiếp giáp lãnh hải" của Nhật Bản, và xem đấy là "một hành động đơn phương làm tăng căng thẳng".
Xin nhắc lại là vùng tiếp giáp là vùng biển rộng 12 hải lý nằm sát bên ngoài vùng lãnh hải của một quốc gia. Trung Quốc dĩ nhiên không thừa nhận đã phái tàu ngầm đến vùng Senkaku/Điếu Ngư.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết là ba tàu "Hải Cảnh" của họ đã tiến hành tuần tra tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo ông Lục Khảng vào tuần trước, "tàu Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành việc giám sát các hoạt động của phía Nhật Bản" và nhắc lại rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc chủ quyền Trung Quốc. Riêng về chiếc tàu ngầm, phát ngôn viên Trung Quốc khẳng định không có thông tin.
Trọng Nghĩa
*********************
Cam Bốt : Đối lập lưu vong lập đảng mới (RFI, 15/01/2018)
Lực lượng đối lập Cam Bốt có dấu hiệu rạn nứt. Từ Paris, lãnh đạo đối lập lưu vong Sam Rainsy thông báo thành lập "Phong Trào Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt" sau khi đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị thủ tướng Hun Sen buộc giải thể. Tuy nhiên, chiến thuật này dường như không được đối lập trong nước ủng hộ.
Sam Rainsy, cựu lãnh đạo đảng đối lập tại trụ sở đài RFI. RFI/Khmer
Trong bối cảnh chuẩn bị bầu quốc hội năm 2018, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen khóa chặt mọi cơ may chiến thắng của đối lập mà hành động gần đây nhất là bắt giam chủ tịch đảng Cứu Nguy Dân Tộc Kem Sokha và giải thế đảng này. Hành động đàn áp của Hun Sen bị tây phương lên án.
Chủ Nhật 14/01/2018, từ Paris, lãnh đạo đối lập kỳ cựu Sam Rainsy và cũng là đồng sáng lập đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, thông báo thành lập tổ chức mới, cùng tên chỉ thay từ "đảng" thành "phong trào". Khắc tinh của thủ tướng Hun Sen cho biết trong tương lai tổ chức đối lập mới sẽ kêu gọi dân chúng, công nhân đình công biểu tình, tranh đấu ôn hòa và khuyến khích quân đội tham gia phong trào.
Tuy nhiên, theo Reuters, một trong những nhân vật đối lập còn tự do tại Cam Bốt tuyên bố là "không cần một phong trào đối lập" mới. Trên Facebook, ông Muth Chantha, chánh văn phòng của chủ tịch đảng Kem Sokha nhận định là không cần một phong trào thứ hai. Nhà đối lập này cho rằng đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt là đại diện ý nguyện của hơn 3 triệu cử tri Cam Bốt, do vậy, đối lập trong nước sẽ tiếp tục đi tới mà không cần đổi tên.
Bình luận về sự kiện này, Reuters xem thủ tướng Hun Sen là một chính trị gia mưu lược, phối hợp sức mạnh và luật pháp để tiếp tục nắm quyền và chia rẽ hàng ngũ đối lập.
Tú Anh
************************
Philippines cho phép Trung Quốc nghiên cứu biển (VOA, 15/01/2018)
Đích thân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định cho phép Trung Quốc tiến hành nghiên cứu khoa học ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines, phát ngôn viên tổng thống cho biết hôm 15/1, bất chấp quan ngại về mối đe dọa đối với chủ quyền lãnh hải.
Tổng thống Rodrigo Duterte.
Theo Reuters, phát ngôn viên tổng thống Harry Roque nói rằng với tư cách là kiến trúc sư trưởng của chính sách đối ngoại, ông Duterte cho phép Trung Quốc hợp tác với Đại học Philippines ở Benham Rise, một khu vực với diện tích bằng Hy Lạp, được coi là đa dạng sinh học và có nhiều cá ngừ.
Liên Hiệp Quốc tuyên bố Benham Rise, ngoài khơi duyên hải Thái Bình Dương, là một phần thềm lục địa của Philippines vào năm 2012. Manila năm ngoái đặt lại tên nơi này là "Philippine Rise".
Người Philippines biểu tình phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dù Bắc Kinh không có tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này, sự hiện diện tại đó của các tàu Trung Quốc trong nhiều tháng cuối năm 2016 đã gây quan ngại về ý định của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới.
Quyết định cho phép Trung Quốc của Philippines không được thông báo rộng rãi và chỉ được tiết lộ mấy ngày trước bởi một nhà lập pháp từng lên án mối quan hệ thân cận giữa ông Duterte và Bắc Kinh.
Lâu nay, Trung Quốc và Philippines tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, nhưng không có bất đồng ở vùng biển ngoài khơi duyên hải Thái Bình Dương của Philippines.
*********************
Malaysia y án tử hình 9 người Philippines (VOA, 15/01/2018)
Một tòa án ở Malaysia hôm 15/1 y án tử hình đối với 9 người đàn ông trong vụ xâm nhập của các chiến binh Philippines vào khu vực thuộc Malaysia trên đảo Borneo để tuyên bố chủ quyền.
Một tòa án ở Malaysia hôm 15/1 y án tử hình đối với 9 người đàn ông trong vụ xâm nhập của các chiến binh Philippines vào khu vực thuộc Malaysia trên đảo Borneo. Photo credits BERNAMA
Vụ đột nhập của các chiến binh từ miền nam Philippines vào tiểu bang Sabah của Malaysia đã gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài một tháng và làm ít nhất 27 người chết khi các binh sĩ Malaysia với sự yểm trợ của chiến đấu cơ khống chế các chiến binh, theo Reuters.
Theo hãng tin nhà nước Bernama, ban bồi thẩm gồm 5 thành viên đã thống nhất với quyết định của tòa sơ thẩm, tăng mức án từ chung thân lên tử hình.
Họ cũng đồng ý với một quyết định thả 14 người đàn ông khác bị giữ vì có liên quan tới cuộc giao tranh ở khu vực Lahad Datu.
Các chiến binh từ một nhóm yêu cầu công nhận và tăng tiền trả từ Malaysia đối với tuyên bố của họ về việc là chủ sở hữu chính đáng của Sabah, một vương quốc cổ được thực dân Anh thuê trong thế kỷ 19, theo Reuters.
Malaysia đã bác bỏ các yêu cầu đó trong khi chính phủ Philippines nhiều lần kêu gọi họ hạ vũ khí và về nhà.
************************
Nổ tàu du lịch ở Thái Lan, 16 người bị thương (VOA, 14/01/2018)
Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan dự kiến sẽ chào đón từ 37 tới 38 triệu du khách năm 2018.
Nổ xuồng du lịch, 16 người bị thương. Ảnh: THX
Một tàu cao tốc du lịch chở 31 hành khách đã phát nổ gần đảo Phi Phi thuộc tỉnh Krabi, miền nam Thái Lan, hôm 14/1, làm 16 người bị thương, phần lớn là du khách từ Trung Quốc.
Hãng tin Reuters trích lời cảnh sát Phi Phi nói rằng con tàu chở 27 du khách Trung Quốc từ hòn đảo nghỉ mát Phuket tới Phi Phi thì động cơ bốc cháy và phát nổ, làm bị thương 14 du khách và hai thuyền viên.
Tin cho hay, chính quyền vẫn đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ này. Trong số những người bị thương, 6 người trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên bệnh viện cho Reuters biết thêm rằng bảy người đã được chuyển tới các bệnh viện ở Phuket để được chữa trị thêm và 9 người đã được cho xuất viện.
Các khu nghỉ dưỡng và bãi biển ở miền nam Thái Lan thường thu hút nhiều du khách vào mùa cao điểm từ tháng 11 tới tháng Ba.
Theo Reuters, du lịch chiếm khoảng 12% nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á và là một trong những ngành phát triển nhanh nhất.
Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan dự kiến sẽ chào đón từ 37 tới 38 triệu du khách năm 2018, tăng từ con số 35 triệu năm ngoái, trong đó 10 triệu là từ Trung Quốc.