Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/01/2018

Thế Vận Hội Pyeongchang : Nam Bắc Hàn hợp tác

RFI tiếng Việt

Hàn Quốc : Thỏa thuận với Bình Nhưỡng về Thế Vận Hội gây tranh luận (RFI, 18/01/2018)

Thỏa thuận đạt được tại Bàn Môn Điếm ngày 17/01/2018 giữa Seoul và Bình Nhưỡng được xem là một biểu tượng hoà giải trong bối cảnh đe dọa chiến tranh. Tuy nhiên, quyết định cho hai phái đoàn diễu hành chung và lập một đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng thống nhất gây bất bình cho nhiều người Hàn Quốc.

nambachan1

Vận động viên Bắc Triều Tiên Jang Choo-pak (T) và Hàn Quốc Chung Eun-soon mang cờ với biểu tượng thống nhất bán đảo trong buổi diễn hành khai mạc Thế Vận Sydney, Úc, 15/09/2000. Reuters/Andy Clark/Files

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật :

"Chung một phái đoàn, hai nước Nam Bắc Hàn cùng diễu hành dưới một lá cờ hình bán đảo Triều Tiên màu xanh dương trên nền trắng. Biểu tượng rất có ý nghĩa, đây là cơ may bằng vàng để làm giảm căng thẳng, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khen ngợi.

Về phía Hoa Kỳ, Nhà Trắng cho rằng tham gia Thế Vận Hội là một dịp để Bắc Triều Tiên và các vận động viên của Bắc Triều Tiên cảm nhận một ít hương vị tự do. Washington nghĩ rằng Thế Vận Hội Pyeongchang là cơ may để miền Bắc thấy được lợi ích nếu họ chấp nhận mở cửa, đánh đổi tình trạng cô lập bằng cách nhượng bộ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, những người bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa chỉ trich thỏa thuận diễu hành chung. Họ cho rằng Hàn Quốc đánh mất cơ hội giương cao ngọn cờ quốc gia trong buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội. Các nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng của Hàn Quốc cũng tức giận vì bị áp đặt phải đấu chung với những đồng đội không hề quen biết, ba tuần trước khi vòng tranh tài bắt đầu.

Nhưng để có thể hoà giải dân tộc thì phải chấp nhận một số nhượng bộ cần thiết, một nhật báo thiên tả của Hàn Quốc bình luận như thế.

Trong thập niên trước, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã ba lần diễu hành chung (2000 tại Sydney, 2004 tại Athen và 2006 tại Turino). Tiếc thay, biểu tượng tuyệt đẹp này không có tác dụng chính trị lâu dài".

Bắc Triều Tiên diễu binh

Phải chờ đến ngày 20/01/2017 mới biết Ủy Ban Thế Vận có chấp thuận các thỏa thuận trên đây của Bình Nhưỡng và Seoul. Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc hôm nay, vào ngày 08/02 tới đây, tức một ngày trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông khai mạc, quân đội Bắc Triều Tiên biểu dương lực lượng qua một cuộc diễu binh lớn tại Bình Nhưỡng với khoảng 12.000 binh sĩ và vũ khí tối tân để ghi dấu 70 năm thành lập.

Mỹ lên án Nga phá hoại nỗ lực quốc tế trừng phạt Bắc Triều Tiên

Trả lời phỏng vấn của Reuters hôm 17/01/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Nga đã vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc cấm vận Bình Nhưỡng, ám chỉ các vụ tàu Nga chuyển hàng cấm sang tàu Bắc Triều Tiên trên biển. Theo tổng thống Trump, Nga đã giúp cho Bình Nhưỡng tránh được cấm vận quốc tế và bán cho Bắc Triều Tiên những loại hàng mà Trung Quốc ngưng bán. Ngay lập tức, Bộ ngoại giao Nga cho rằng những lời buộc tội này là "vô căn cứ".

Tú Anh

*********************

Đội tuyển Liên Triều tại Olympic Pyeongchang : Ý kiến trái chiều (RFI, 18/01/2018)

Vào ngày 20/01/2018, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế sẽ họp tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) để bàn về việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc.

nambachan2

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký tặng trên một cây gậy chơi khúc côn cầu của một nữ vận động viên, nhân chuyến thăm Trung Tâm Đào Tạo Quốc Gia ở thành phố Jincheon (Hàn Quốc). Ảnh ngày 17/01/2018.Yonhap via Reuters

Trong khi chờ đợi, trong những ngày qua, hai phái đoàn Seoul và Bình Nhưỡng đã rốt ráo thảo luận về những điểm cụ thể liên quan đến việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội. Trong số này, có sáng kiến mang tính biểu tượng cao cho mong muốn hòa giải Nam-Bắc đã được hai bên nhất trí trên nguyên tắc : Có ít ra một đội tuyển chung để cùng thi đấu, mà cụ thể là ở môn khúc côn cầu trên băng dành cho phái nữ. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 16/01, đã có một sự lệch pha rõ rệt giữa mong muốn của chính quyền Hàn Quốc, chủ trương sử dụng Thế Vận Hội Mùa Đông sắp tới để cho thấy sự đoàn kết Liên Triều, với một bộ phận dư luận tại miền Nam. Cụ thể là một số vận động viên Hàn Quốc rất "tức giận" về đề nghị lập ê kíp hỗn hợp với đồng nghiệp Bắc Triều Tiên.

Điều này phơi bày sự thiếu hứng thú nói chung trước một số điểm trong kế hoạch hòa giải của chính phủ, một phản ứng có thể tác hại đến kế hoạch của Seoul muốn tranh thủ sự kiện thể thao quan trọng này để cải thiện quan hệ song phương, sau một năm căng thẳng lên cao vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Đội tuyển khúc côn cầu nữ : Điển hình hòa giải bất đắc dĩ

Đội tuyển nữ Hàn Quốc về môn khúc côn cầu trên băng là đội đầu tiên được chính quyền Seoul chọn để lập ê kíp chung với một số tuyển thủ Bắc Triều Tiên, khi bộ trưởng thể thao Do Jong-hwan cho biết chính phủ sẽ yêu cầu Ban Tổ Chức Thế Vận Hội tăng số thành viên đội tuyển từ 23 lên hơn 30 người.

Theo lời một viên chức Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Trên Băng Hàn Quốc, đề nghị đó là một cú sốc đối với đội tuyển Hàn Quốc mới từ Mỹ về vào thứ Sáu tuần qua sau ba tuần tập huấn.

Trả lời Reuters, viên chức này cho biết : "Họ rất tức giận và cảm thấy ý kiến đó thật phi lý… Chúng tôi đã lặng người khi chính phủ đột nhiên quyết định như vậy và yêu cầu chúng tôi chơi cùng với những người hoàn toàn xa lạ ở Thế Vận Hội."

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, huấn luyện viên trưởng đội tuyển khúc côn cầu nữ Hàn Quốc Sarah Murray hôm 16/01, cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về việc thành lập đội tuyển chung cùng với một số nữ cầu thủ Bắc Triều Tiên.

Trong lúc bộ trưởng Thể Thao Hàn Quốc Do Jong Hwan và thủ tướng Lee Nak Yon đều cho rằng việc thêm một vài tuyển thủ miền Bắc vào đội hình Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng gì tới vận động viên nước nhà, bà Murray cho là điều đó đồng nghĩa với việc một số tuyển thủ miền Nam sẽ phải ngồi ngoài sân, và là một cách hành xử rất bất công đối với những người đã cố sức trong thời gian qua để giành được suất tại đội tuyển và đi thi đấu tại Thế Vận Hội.

Kiến nghị trên mạng chống việc thành lập đội tuyển liên Triều

Đề nghị trên cũng làm hàng ngàn người dân Hàn Quốc không hài lòng, họ ký kiến nghị trên mạng yêu cầu phủ tổng thống từ bỏ ý định đó.

Một người ủng hộ kiến nghị nhận định : "Tôi nghĩ là chính phủ đang lạm dụng quyền hành để thu hoạch lợi ích chính trị từ Thế Vận Hội... Lấy chỗ của các vận động viên Hàn Quốc đã nỗ lực kinh khủng cho Thế Vận Hội, một sân khấu mà tất cả vận động viên Hàn Quốc đều mơ ước, để cho người Bắc Triều Tiên hưởng thì không công bằng chút nào".

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà văn phòng chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc và đài truyền hình SBS công bố, hơn 70% người Hàn Quốc phản đối việc thành lập đội tuyển hỗn hợp với Bắc Triều Tiên. Thế nhưng cũng có hơn 80% cho biết họ tán đồng việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội nói chung.

Bị chất vấn, một phát ngôn viên phủ tổng thống đã từ chối trả lời, và đề nghị là nên đi hỏi các bộ có liên quan với các cuộc thảo luận với phía Bắc Triều Tiên.

Trên vấn đề này, bộ trưởng Thể Thao tuyên bố là đã thảo luận với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế hầu "giảm thiểu mọi bất lợi" cho đội Hàn Quốc. Một viên chức của bộ này đã khẳng định với hãng tin Reuters : "Chúng tôi cũng sẽ quan tâm dến ý kiến của dư luận Hàn Quốc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng". Riêng bộ Thống Nhất thì từ chối bình luận.

Đối sách Bắc Triều Tiên của Seoul luôn gây chia rẽ tại Hàn Quốc

Phản ứng bất bình của công luận cho thấy chính sách về Bắc Triều Tiên, thường chỉ là trợ giúp đơn phương từ phía Hàn Quốc, vẫn là một yếu tố gây chia rẽ và căng thẳng trong nội bộ Hàn Quốc.

Tổng thống cánh tả Moon Jae-in muốn sưởi ấm lại quan hệ với Bắc Triều Tiên đã bị đông cứng sau gần một thập niên chính phủ bảo thủ cánh hữu cầm quyền ở Hàn Quốc. Chính quyền của ông đã đề nghị hai miền thể hiện sự thống nhất nhân Thế Vân Hội Mùa Đông, cùng diễu hành trong buổi lễ khai mạc và bế mạc, cũng như cùng hợp sức tranh đua như thể là một quốc gia duy nhất.

Thế nhưng theo quan chức cao cấp của Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Trên Băng Hàn Quốc được Reuters trích dẫn, thì họ không hề được nghe nhiều về ý định đó từ các chính trị gia, mà chỉ được bộ Thể thao ra lệnh và nói với họ là "hãy chuẩn bị sẵn sàng".

Quan chức này khẳng định : "Nói thật là chúng tôi không biết chuyện diễn ra như thế nào. Nói thẳng ra là tôi không biết họ muốn gì khi nói Hãy chuẩn bị, khi mà chúng tôi không có bất kỳ kênh nào để nói chuyện với đội Bắc Triều Tiên".

Nhiều vấn đề cần chuẩn bị như đội hình gồm những ai, chiến lược thi đấu ra sao và ai sẽ là huấn luyện viên chính cho đội tuyển hỗn hợp Nam Bắc đó.

Vẫn theo viên chức trên, "không hề có vấn đề then chốt và cơ bản nào nói trên được bàn thảo. Và chỉ có ba tuần nữa là đến trận đấu đầu tiên của đội tuyển Hàn Quốc tại Thế Vận Hội (vào ngày 10/02). Liệu ai có thể tưởng tượng nổi điều đó ? Thật là phi lý".

Trong phiên họp Quốc Hội ngày 15/01 vừa qua, bộ trưởng Thể Thao Hàn Quốc đã bảo vệ đề nghị thành lập đội tuyển nữ chung Nam Bắc, và giải thích rằng với việc tăng số vận động viên, thì không có vận động viên Hàn Quốc nào phải đứng ngoài. Hàn Quốc vẫn giữ "quyền điều hành" đối với đội tuyển chung, và đội này sẽ không "tác hại đến vận động viên và năng lực của đội tuyển Hàn Quốc".

Cánh hữu bảo thủ rất hoài nghi về chủ trương ngoại giao Olympic

Theo ông Choi Moon-soon, tỉnh trưởng tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế Vận Hội, cái nhìn tiêu cực của công chúng có lẽ xuất phát từ việc quan hệ liên Triều bị giá lạnh thời chính quyền bảo thủ trước đây, nhưng cái nhìn này sẽ thay đổi một khi Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội.

Ông nhắc lại : "Hai miền Triều Tiên đã cùng diễu hành nhân 9 lần Thế Vận Hội, và thế giới đã rất hoan nghênh. Rất ít người phản đối".

Thế nhưng Kim Dae, một kỹ sư 26 tuổi ở Seoul, không thấy có lợi ích gì rõ ràng khi thành lập một đội hỗn hợp: "Cứ tựa như là hai đội riêng biệt bị buộc phải thi đấu chung. Như vậy thì lợi ích ở đâu ?".

Nghị sĩ bảo thủ, Kim Ki-sun, thắc mắc : lợi ích chính trị có đáng với các vấn đề đặt ra hay không : "Nhiều người lo ngại là Bắc Triều Tiền tranh thủ Thế Vận Hội Pyeongchang để tuyên truyền. Và hòa bình đã kéo dài được bao lâu sau khi hai nước Triều Tiên cùng diễn hành trong những kỳ Thế Vận Hội trước đây ?"

Dẫu sao thì một cuộc thăm dò dư luận ngày 08/01 của hãng Realmeter cho thấy là 54% người Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch của chính quyền Seoul chăm lo và tài trợ cho đoàn Bắc Triều Tiên trong thời gian Olympic. 41% không tán thành.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)