Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/01/2018

Philippines đang bị Trung Quốc gặm nhấm dần dần

Tổng hợp

Phe đối lập ở Philippines quan ngại Trung Quốc ăn cắp bí mật quốc gia (RFA, 18/01/2018)

Phe đối lập tại Quốc hội Philippines hôm 17/1 bày tỏ lo ngại công ty viễn thông của nhà nước Trung Quốc, China Telecom có thể đóng vai trò như một ‘con ngựa thành Troy’, tức tìm cách ăn cắp bí mật quốc gia của Philippines cho chính phủ Trung Quốc.

phi1

Hình minh họa. Một người đàn ông đi qua tấm biển quảng cáo của China Telecom về điện thoại iPhone ở Bắc Kinh hôm 16/12/2013.  AP

Theo giới chức Philippines, China Telecom được Bắc Kinh lựa chọn đầu tư vào thị trường viễn thông của Philippines. Tuy nhiên theo quy định luật pháp của Philippines công ty này sẽ phải là đối tác với một công ty địa phương trước khi có thể hoạt động ở Philippines.

Hiện tại thị trường viễn thông của Philippines do hai công ty độc quyền là PLDT và Globe Telecom. Tuy nhiên Tổng thống Rodrigo Duterte đã lên tiếng cảnh báo hai công ty này phải chuẩn bị để đối mặt với sự canh tranh. Ông cũng chào đón các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Thông báo mới đây của khối thiểu số tại Quốc hội Philippines viết rằng các dân biểu dù đánh giá vấn đề viễn thông của Philippines có vấn đề nhưng thỏa thuận với Trung Quốc cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Các dân biểu cho rằng việc cho phép Trung Quốc tiếp cận với cơ sở hạ tầng viễn thông sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 18/1 nói với báo giới rằng việc Philippines cho phép các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước này cho thấy lòng tin sâu đậm thêm trong quan hệ hai nước.

*************************

Philippines, Trung Quốc thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung ở biển Đông (RFA, 17/01/2018)

Philippines và Trung Quốc vào tháng tới sẽ thảo luận cách thực thi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung tại Biển Tây Philippines mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

phi2

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trên biển Đông - AFP

Nhật báo Inquirer hôm 16/1 trích lời ông Alan Peter Cayetano, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết như vừa nêu hôm 15 tháng một.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines thì liên doanh thăm dò dầu khí giữa hai nước là một trong những vấn đề được nêu ra tại diễn đàn song phương tổ chức ở thủ đô Manila vào tháng tới.

Từ năm ngoái, cả Philippines và Trung Quốc đồng ý thiết lập diễn đàn nhằm bàn thảo vấn đề tranh chấp song phương tại khu vực biển trong vùng đặc quyền kinh tế 370 hải lý của Philippines tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano cho biết thêm về mặt khái niệm thì cả hai phía đều mong muốn thăm dò chung. Điều này được đưa vào tuyên bố nhân chuyến thăm của thủ tướng Lý Khắc Cường đến Philippines vào năm ngoái. Bước tiếp theo là hai phía sẽ tìm cách đi đến thỏa thuận phù hợp với luật pháp của Phi lẫn Trung Quốc ; miễn sao không đụng đến vấn đề chủ quyền lãnh hải.

Ông Alan Peter Cayetano nhắc lại Manila sẽ không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ quốc gia ; tuy nhiên quyền chủ quyền thì có thể bàn thảo. Điều này có nghĩa nếu một khu vực thuộc về đất nước của bạn nhưng bạn không có đủ khả năng tài chính và kỹ thuật để khai thác, phát triển nó thì có thể chọn đối tác.

Cũng theo ngoại trưởng Philippines thì Manila và Bắc Kinh cũng sẽ tìm kiếm những thỏa thuận tương tự cùng các bên có tranh chấp tại Biển Đông.

**********************

Philippines sửa đổi Hiến pháp để Duterte tiếp tục nắm quyền ? (RFI, 18/01/2018)

Quốc Hội Philippines, từ hôm 16/01/2018, bắt đầu thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp, theo hướng cho phép tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục cầm quyền, bất chấp những tố cáo về nạn giết người vô tội vạ trong chiến dịch chống tham nhũng.

phi3

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) và lãnh đạo cảnh sát Ronald Dela Rosa. Ảnh chụp tại Manila, năm 2017. PHILIPPINES-DRUGS/SQUAD - Reuters/Ezra Acayan

Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard cho biết thêm chi tiết :

"Ông Rodrigo Duterte, hiện đã 72 tuổi và tình trạng sức khỏe vẫn là nghi vấn, có thể ra tái ứng cử tổng thống vào năm 2022, khi ông 76 tuổi hay không ? Dù sao đi nữa, đó là điều mà những người ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đề nghị.

Theo dự thảo đầu tiên được các dân biểu thân Duterte, hiện đang chiếm đa số tại Quốc Hội, đệ trình, thì tổng thống Philippines sẽ được cầm quyền hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp. Trong khi đó Hiến pháp hiện nay quy định tổng thống chỉ làm được một nhiệm kỳ 6 năm. Hiến pháp này được ban hành khi tổng thống độc tài Ferdinand Marcos đã bị lật đổ sau 20 năm trị vì.

Về mặt chính thức, mục đích của sửa đổi Hiến pháp là để chuyển sang hệ thống chính quyền liên bang, với quyền hành tăng thêm cho tổng thống, nhưng cũng trao quyền tự trị nhiều hơn cho người Hồi giáo ở miền nam.

Ông Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn nói rằng không thể hoàn tất cuộc chiến chống ma túy chỉ trong một nhiệm kỳ".

Thụy My

*********************

Philippines có thể tiến xa hơn trong quan hệ với Trung Quốc (RFA, 17/01/2018)

Giữa tháng Giêng năm 2018, Philippines công bố sẽ thảo luận chuyện thăm dò dầu khí chung với nhau tại Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.

phi4

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, và Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano. 7/2017 tại Manila.  AFP

Động thái này của Manila và Bắc Kinh có ý nghĩa như thế nào ?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhận định của ông.

Nguyễn Thành Trung : Tôi vẫn chưa biết tọa độ, khu vực mà Philippines thỏa thuận với Trung Quốc là ở đâu. Theo tôi thì có những khả năng sau đây :

Cùng khai thác và tìm kiếm dầu khí thì trước đây đã làm vào năm 2005. Nhưng có nhiều học giả nói họ đã chọn một khu vực không có nhiều khả năng dầu khí. Nó chỉ là thể hiện sự hợp tác của Philippines. Hiện nay tôi chưa biết khu vực mà Philippines chọn để tìm kiếm với Trung Quốc có triển vọng là bao nhiêu.

Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Philippines muốn thể hiện sự hợp tác với Trung Quốc theo kiểu hai bên. Điều này có thể là một dấu hiệu nói rằng Philippines và Trung Quốc có thể có một bước tiến xa hơn trong tương lai.

Không biết là Philippines và Trung Quốc sẽ mời Việt Nam cùng khai thác cái gọi là khu vực chồng lấn hay không, nhưng điều này cho thấy Philippines đã chủ động trong sự thỏa thuận với Trung Quốc.

Kính Hòa : Việc hợp tác Philippines Trung Quốc thăm dò dầu khí đã diễn ra dưới thời Tổng thống Aroyo, nhưng bị thất bại vì bị Quốc hội Phi phản đối, tại sao bây giờ có vẻ xuôi chèo mát mái như vậy ?

Nguyễn Thành Trung : Theo một nghĩa nào đó thì Philippines là một quốc gia dân chủ, chính vì vậy khi Tổng thống Aroyo lúc đó ký thỏa thuận với Trung Quốc thì bị phản đối rất nhiều. Thỏa thuận đó cuối cùng bị dừng lại.

Hiện nay thì uy tín của Tổng thống Duterte đang lên trong dân chúng, cho nên ông được sự hậu thuẫn của chính trị trong nước đối với những chính sách của ông ấy. Nhưng nếu uy tín xuống, các phe đối lập chỉ ra rằng ông nhượng bộ Trung Quốc nhiều, thì ông cũng sẽ gặp khó khăn trong tương lai.

Kính Hòa : Trong sự việc diễn ra lần này có một chi tiết là ông Ngoại trưởng Phi có nói rằng nếu vùng nước thuộc chủ quyền của bạn mà bạn không có khả năng khai thác thì bạn mời nước khác đến khai thác, tức là nó sẽ diễn ra không phải trên những vùng gọi là chồng lấn trước đây. Nếu điều đó xảy ra thì có phải đây là lần đầu tiên một quốc gia Đông Nam Á mời Trung Quốc khoan dầu trong vùng chủ quyền của mình không ?

Nguyễn Thành Trung : Tôi cũng không hiểu rõ ông Ngoại trưởng nói mời là như thế nào. Nhưng chúng ta thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian gần đây là khuyến khích các công ty của họ đi ra bên ngoài, tăng cường đầu tư ra bên ngoài.

Chúng ta thấy rõ rằng các công ty Trung Quốc đầu tư bên ngoài rất nhiều, chẳng hạn như vào châu Phi.

Các công ty dầu khí của Trung Quốc như là Sinopec hay là CNOOC, cũng nằm trong cái chính sách đó, tức là họ tăng cường hợp tác, khai thác dầu khí ở ngoài khơi các quốc gia khác. Nhưng hiện tại chúng ta biết rằng Trung Quốc vẫn chưa có kinh nghiệm khai thác ở ngoài khơi biển xa đường lãnh hải. Bởi vậy chúng ta vẫn chưa thấy các quốc gia khác tin tưởng Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác ngoài khơi.

Kính Hòa : Có lý do chính trị hay không ? Chẳng hạn như là các quốc gia e ngại cái gọi là chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc ?

Nguyễn Thành Trung : Cái đó là chắc chắn, mà không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn ở châu Phi, còn có nhiều e ngại khi Trung Quốc mua đất làm nông nghiệp, ở châu Phi và cả Nam Mỹ nữa.

Kính Hòa : Trong sự việc đang diễn ra, thì nếu chúng ta nhìn ở một góc cạnh nào đó, thì có thể là cách tiếp cận của Philippines làm cho căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á giảm xuống không ạ ?

Nguyễn Thành Trung : Theo quan điểm của tôi thì nếu sự hợp tác là hai bên cùng có lợi thì tôi luôn ủng hộ. Sự hợp tác đó không những có lợi cho hai quốc gia mà còn là hình mẫu cho sự hợp tác đa phương trong khu vực.

Kính Hòa : Theo ông thì khả năng Việt Nam hợp tác với một công ty của Trung Quốc để khai thác dầu trong thềm lục địa của Việt Nam, là như thế nào ?

Nguyễn Thành Trung : Vấn đề đó nhạy cảm, nên tôi nghĩ là khả năng đó trong hiện tại là rất thấp, và tôi nghĩ rằng nó khó có thể thành hiện thực trong một tương lai ngắn trước mắt.

Kính Hòa : Xin cảm ơn ông.

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 537 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)