Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/01/2018

Trung Quốc : người phụ nữ thế lực, đường bay mới, cấm Hồi giáo

Tổng hợp

"Người phụ nữ" thế lực nhất tại Trung Quốc là ai ? (RFI, 20/01/2018)

Tại Trung Quốc, ai nổi tiếng hơn cả đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, thế lực hơn nữ tỷ phú giàu nhất nước Dương Huệ Nghiên ? Theo Les Echos số ra cuối tuần (20/01/2018), nhân vật đó là Kim Tinh (Jin Xing), người điều khiển chương trình truyền hình mang tên bà. Hàng tuần, hơn 100 triệu khán giả tại Hoa Lục vẫn đón chờ The Jin Xing talk show.

cam1

Kim Tinh (Jin Xing) được mệnh danh là người phụ nữ thế lực nhất Trung Quốc từng là đàn ông. www.hollywoodreporter.com

Ở tuổi ngũ tuần, Kim Tinh được ví như một Oprah Winfrey của Mỹ. "Sao Vàng" đó của Trung Quốc là ai ?

Xuất thân từ quân đội, Kim Tinh nổi tiếng trong làng nghệ thuật múa đương đại ở Mỹ và châu Âu trước khi chinh phục được cảm tình của giới mộ điệu Trung Quốc.

1001 cuộc đời và sự tái sinh

Sinh năm 1967 ở miền Tây Bắc Trung Quốc, là cậu con trai út của một gia đình mà bố phục vụ trong quân đội, Kim Tinh, năm lên 6 bị nhân vật nữ trong một vở múa cổ truyền của Trung Quốc làm mê hoặc. Cậu bé mơ được được làm con gái. Ba năm sau, Kim được kết nạp vào trường múa của quân đội. Tiếp theo đó là những năm tháng luyện tập khổ ải.

Cậu bé lớn lên cùng với những vở ba lê kinh điển của trường phái Nga, với những vở tuồng cổ của Trung Hoa, cùng với những bài tập bắn đạn thật, phá sập cầu trong quân đội.

Nhỏ thó, gầy gò, Kim Tinh thương bị đồng đội chế diễu là con gái. Cậu không mấy phật lòng. Năm 19 tuổi, Kim được học bổng sang Mỹ, chuyên về múa đương đại.

Trên đất Hoa Kỳ, ban ngày anh được những nghệ sĩ bậc thầy như José Limon, Merce Cunningham hay Martha Graham dẫn dắt. Tối về, "Sao Vàng" chạy bàn cho các hiệu ăn ở khu phố Tàu New York.

Trên vùng đất tự do này, Kim Tinh khám phá thế giới của những người đồng tính và phát hiện ra bản chất của chính mình : "một người đàn bà bị giam giữ trong thân thể của một người đàn ông", như chính đương sự từng thổ lộ.

Cuối thập niên 1980-đầu những năm 1990, sự nghiệp của ngôi sao múa đương đại người Trung Quốc này bắt đầu cất cánh. Năm 1991, trong một vòng lưu diễn tại châu Âu, Kim Tinh quyết định ở lại Roma. Ba năm sau, anh dọn đến Bruxelles. Vương quốc Bỉ không chỉ là "ngôi sao dẫn đường của dòng múa đương đại" mà còn là nơi để Kim Tinh tiến hành một cuộc thử nghiệm. Anh để tóc dài, trang phục như phụ nữ. Từ một chàng trai, hóa thân thành một phụ nữ đầy quyến rũ.

Năm 26 tuổi, Kim quyết định trở về nước để "tái sinh" dù biết rằng, phương Tây có nhiều kinh nghiệm hơn Trung Quốc trong các cuộc phẫu thuật chuyển giới tính.

Sau này, khi thành danh, Kim tâm sự : do đã sinh ra ở Trung Quốc dưới hình hài của một thằng bé, khi được giải phóng khỏi hình hài của một chàng trai, Kim Tinh muốn được tái sinh cũng trên đất nước này.

Kim Tinh trước định kiến của xã hội

Từ khi được học bổng của quân đội sang Mỹ, tại Trung Quốc, Kim Tinh tiếp tục được thăng tiến. Dù vắng mặt, anh được phong hàm đại tá. Năm 1994 khi trở về nước, Kim thực sự là "một ngôi sao sáng chói" của đoàn nghệ thuật trong quân đội Trung Quốc, là một trong những tên tuổi hiếm thấy của phương Đông trong số các vì sao trên bầu trời nghệ thuật múa được các nhà phê bình phương Tây quan tâm.

Nhưng làm thế nào để tìm một chỗ đứng tại một đất nước mà giới đồng tính, mà những người chuyển giới tính không được nhìn nhận ?

Sau 16 giờ đồng hồ trên bàn mổ, Kim Tinh trở thành phụ nữ. Cái giá phải trả là đôi chân của nghệ sĩ múa đương đại này không còn uyển chuyển và mềm mại như xưa.

Kim Tinh ý thức được điều đó nhưng vì không thể sống xa sân khấu nghệ thuật, "cô" Kim bằng lòng nhường lại các vai diễn hàng đầu cho một thế hệ trẻ hơn. Cô lui về hậu trường, lập một đoàn múa để đào tạo cho cả một lớp trẻ ngay trên quê nhà.

Những vở múa đầu tiên của Kim Tinh gây sốc trong công luận. Vào những năm đầu thế kỷ 21, hình ảnh một đoàn vũ công mình trần trên sân khấu còn quá mới mẻ và xa lạ ngay cả ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Ngôn ngữ nghệ thuật của Kim cần có thêm thời gian để đến được gần hơn với khán giả Trung Quốc.

Cửa ải thứ nhì cô phải vượt qua là hình ảnh của một người chuyển giới tính. Người tình đầu tiên của cô là một anh cán bộ cao cấp. Nhờ một vài chỗ quen biết, cô Kim dễ dàng mở quán giải khát ở Bắc Kinh. Chẳng bao lâu quán bar Half Dream trở thành điểm hẹn của nam thanh nữ tú Bắc Kinh, của những cô cậu con nhà giàu nơi đất kinh kỳ.

Năm 2004, cô gặp người chồng tương lai của mình trên một chuyến bay Paris-Thượng Hải. Gần một chục năm sau, được mời làm ban giám khảo trong một chương trình truyền hình, Kim Tinh gây chú ý với những lời phê bình thẳng thắn và bình dân dễ đi vào lòng người.

Khán giả mê cô đến nỗi, đài truyền hình Trung Quốc dành hẳn cho Kim một chương trình mang tên cô. Mỗi tuần, Kim Tinh được hơn 100 triệu khán giả Trung Quốc chờ đợi.

Vượt rào để rồi trở lại với điểm khởi đầu

Tại nước cộng sản đông dân nhất địa cầu, Kim không bao giờ đề cập đến các chủ đền chính trị mà chỉ xoáy vào những đề tài xã hội. Cô thường mời những nhân vật nổi tiếng tham dự vào talk show của mình. Nhờ đó, người từng mang hàm "đại tá" trong quân đội, từng là một ngôi sao của dòng múa đương đại Trung Quốc, trở thành người điều khiển chương trình ăn khách nhất Hoa Lục.

Đầu 2017, Kim Tinh có thêm một chương trình làm môi giới cho các cặp trẻ nên vợ nên chồng. Ở đây, cô hiện nguyên hình là một "phụ nữ Trung Quốc còn rất cổ điển và truyền thống".

Tác giả bài báo trên Les Echos nhận thấy rằng, là người từng phá rào, từng vượt qua những bức tường thành kiên cố trong xã hội để hiện hữu, Kim Tinh lại rất bảo thủ về vai trò của phụ nữ Trung Quốc.

Là người dẫn chương trình truyền hình có ảnh hưởng với trên 100 triệu khán giả, cô Kim vẫn quan niệm rằng "phụ nữ không nên vượt quá giới hạn của mình, không nên cạnh tranh với nam giới".

Một nhà văn nữ Trung Quốc tiếc là hào quang "Sao Vàng" này có được nhờ anh/cô Kim đã biến mình thành "một chiếc loa phóng thanh cho những thành phần có cái nhìn hẹp hòi và bất vị tha trong một xã hội phong kiến. Đó là tất cả những gì mà một thời Kim Tinh đã phải vượt qua để lên được đỉnh cao danh vọng của ngày hôm nay".

Thanh Hà

****************

Đài Loan ngưng cấp đường bay mới cho phía Trung Quốc (RFA, 19/01/2018)

Đài Loan đã ngưng việc chấp nhận đơn xin có thêm chuyến bay mới của hai hãng không Trung Quốc vì lý do vài tuần gần đây các hãng này đã sử dụng 4 đường bay gây tranh cãi quá gần Đài Loan. Hãng tin Reuters trích lời một giới chức của Đài Loan giấu tên cho biết tin này hôm 19/1.

cam2

Một chiếc máy bay của hãng hàng không China Eastern đang cất cánh từ sân bay Hongqiaou ở Thượng Hải hôm 8/2/2015 - AFP

Theo giới chức Đài Loan, hãng hàng không China Eastern Airlines đã xin thêm 106 chuyến bay trong khi hãng Xiamen Airline xin thêm 70 chuyến bay nhân dịp Tết âm lịch sắp đến.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã mở thêm những tuyến đường bay mới gây tranh cãi, trong đó có đường bay hướng bắc M503 qua eo biển Đài Loan mà không thông báo cho Đài Loan biết.

Đài Loan đã lên tiếng bày tỏ quan ngại vì cho rằng các đường bay mới quá gần các đường bay cũ nối tới các sân bay tại hai nhóm đảo do Đài Loan kiểm soát nằm gần Trung Quốc và đe dọa an toàn đường bay.

Trung Quốc phản bác lập luận an toàn đường bay và nói nước này không cần sự chấp thuận của Đài Loan với các đường bay này.

Bà Ho Shu-ping, Phó Giám đốc cơ quan quản lý hàng không dân dụng của Đài Loan hôm 19/1 cho biết Đài Loan cũng đã yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc không được sử dụng đường bay M503 nhưng một số hãng vẫn tiếp tục sử dụng.

********************

Trung Quốc cấm học sinh đến nhà thờ Hồi giáoo (RFA, 19/01/2018)

Giới chức quận Quảng Hà, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, vừa ra thông cáo cấm học sinh không được viếng thăm đền thờ Hồi giáo trong thời gian nghỉ mùa đông.

cam3

Một phụ nữ Hồi giáo Uyghur đứng gần một nhà thời Hồi giáo và một xe bọc thép của cảnh sát ở Urumqi, Tân Cương, Trung Quốc hôm 9/7/2009 - AP

Tin này được tờ Hoàn Cầu Thời Báo xuất bản ở Bắc Kinh loan tải trong số ra ngày 19 tháng một.

Bài báo cho hay không chỉ cấm học sinh viếng đền thờ, thông cáo của Ủy ban Nhân dân quận Quảng Hà còn ghi rõ là học sinh trong quận không được đọc sách về tôn giáo, ý muốn nói kinh Koran. Thông cáo cũng nhấn mạnh thay vì đọc kinh, đọc sách tôn giáo, học sinh từ mẫu giáo cho đến trung học của quận sẽ được nhà trường hướng dẫn học hỏi tư tưởng của đảng, tham gia các sinh hoạt mang tính chính trị.

Hiện vẫn không rõ nguyên nhân tại sao quy định này được ban hành. Quận Quảng Hà có hơn 250.000 dân, trong đó người theo đạo Hồi chiếm tới 98%.

Quay lại trang chủ
Read 713 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)