Thái Lan bác bỏ cáo buộc của HRW về cưỡng bức lao động và buôn người (RFA, 24/01/2018)
Cảnh sát Thái Lan hôm 24/1 đã bác bỏ những chỉ trích cưỡng bức lao động và buôn người trong ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản của nước này.
Các nghi phạm buôn người đến tòa hình sự ở Bangkok hôm 10/11/2015 - AFP
AFP loan tin trích dẫn phát biểu từ phía Thái Lan là cảnh sát nước này đã bố ráp thành công và đưa ra truy tố khoảng 100 nghi can buôn người cũng như giải cứu 160 nạn nhân kể năm 2015, khi Liên Hiệp Châu Âu EU phạt "thẻ vàng" đối với Thái Lan.
Chính quyền cũng đã thu giữ giấy phép của 4.242 ngư dân do vi phạm chính sách đánh bắt cá trong vùng biển trái phép và không lắp đặt một hệ thống định vị GPS mới.
Là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới nhưng theo nhiều nhóm hoạt động nhân quyền, ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô của nước này đang phải đối mặt với trình trạng đánh bắt cá trái phép và vấn nạn cưỡng bức lao động, buôn lậu người. Ngoài ra, chính phủ chỉ tập trung giải quyết tình trạng đánh bắt cá trái phép mà không có những cuộc điều tra nhằm loại bỏ vấn vấn nạn cưỡng bức lao động.
Tàu cá Thái tiếp tục vi phạm quyền con người
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) gửi tới Quốc hội Châu Âu vào ngày 23/1 cho biết vấn nạn cưỡng bức lao động và các vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục lan rộng trong các đội tàu đánh cá của Thái Lan, bất chấp những cam kết thay đổi của chính phủ nước này. Bên cạnh đó Human Rights Watch còn phổ biến một đoạn phim dài 15 phút về tình trạng này.
Human Right Watch đã phỏng vấn 248 ngư dân cũng như một số viên chức chính phủ Thái Lan, chủ tàu, thuyền trưởng, các nhà hoạt động xã hội dân sự, đại diện hiệp hội nghề cá và cả các nhân viên của tổ chức Liên Hợp Quốc để có thể đưa ra một bản báo cáo dài 134 trang.
Báo cáo được thực hiện từ năm 2015 đến 2017 tại một số cảng cá lớn nhất tại Thái Lan cũng cho biết phần lớn số ngư dân này đến từ Miến Điện và Campuchia, 95 người trong số họ đã từng là nạn nhân của nạn buôn người và 153 người hiện vẫn còn làm việc trong lĩnh vực này.
Nội dung báo cáo nêu ra tình trạng người nhập cư bất hợp pháp từ các nước láng giềng Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á thường bị buôn bán trái phép để làm nghề đánh cá tại Thái Lan. Họ phải làm việc liên tục nhiều giờ, không được trả lương đúng hạn, thu nhập dưới mức tối thiểu, và không được chuyển chủ ….
Vào năm 2015, Liên Hiệp Châu Âu EU phạt "thẻ vàng" đối với Thái Lan và doạ cấm nhập hải sản của Thái vào Châu Âu nếu nước này vẫn để xảy ra tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ các quy định nghề cá của Châu Âu, gọi tắt theo tiếng Anh IUU.
Thái bị thẻ vàng của Châu Âu sau khi nạn buôn người và bạo hành trên các tàu đánh cá của Thái Lan được công bố trên các tiện truyền thông vào năm 2014 và 2015. EU cũng yêu cầu các đội tàu đánh cá của Thái Lan chấm dứt các hành vi bóc lột đối với người nhập cư không có giấy tờ và yêu cầu chính phủ Thái Lan tiến hành cải cách để chấm dứt các hành vi lạm dụng trên.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng xếp Thái Lan vào nhóm cần theo dõi thứ 2 trong báo cáo mới nhất về tình trạng buôn người ; thế nhưng Human Right Watch vẫn phát hiện ra những thiếu sót trong việc thực hiện các quy định mới của chính phủ và trì trệ trong cải tổ của ngành đánh cá.
Trước những biện pháp như thế, chính phủ Thái Lan có đáp ứng bằng cách bãi bỏ luật đánh bắt bị cho lỗi thời và ban hành qui định mới để điều chỉnh ngành đánh bắt cá. Chính phủ đã áp dụng các điều khoản quan trọng của luật lao động quy định tiền lương và điều kiện làm việc cho các tàu cá, và theo một số điều của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) qua việc thông qua Quy chế của Bộ trưởng năm 2014 về Bảo hộ Lao động trong Công việc Thủy sản Biển. Ngư dân nhập cư phải có giấy phép và được ghi vào danh sách thuyền viên khi các tàu thuyền khởi hành và quay trở lại cảng, giúp chấm dứt một số lạm dụng cũng như việc thuyền trưởng giết hại một số các thành viên trong đội tàu. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan đã tiến hành một số biện pháp nhằm mang lại những cải thiện quan trọng trong nghề cá như áp dụng hệ thống giám sát tàu và hạn chế thời gian tối đa trên biển là 30 ngày. Tuy nhiên, những biện pháp nhằm cải thiện quyền con người trong lao động nghề cá còn ít được ưu tiên và không được chú trọng về mặt kết quả, Human Right Watch cho biết.
*******************
Kêu gọi Thái không trả người tỵ nạn Việt Nam về nước (RFA, 24/01/2018)
Một người Thượng Việt Nam ở Thái Lan. RFA
Tổ chức Ân xá Quốc tế-Amnesty International kêu gọi Thái Lan không trục xuất những người đến từ Việt Nam và Campuchia được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn, vì họ có thể sẽ bị bắt bớ khi trở về nước.
Lời kêu gọi này được phổ biến trong thông cáo báo chí của Tổ chức Ân xá Quốc tế, được công bố vào ngày 23 tháng Một, trong bối cảnh Thái Lan bị cáo buộc vi phạm luật quốc tế quy định không được cưỡng bức trục xuất đối với những người được cấp quy chế tị nạn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Chính phủ Thái Lan cần thực hiện trách nhiệm bảo vệ những người có quy chế tị nạn một cách hiệu quả và lâu dài.
Hai trường hợp bị Cảnh sát Thái Lan kết án trong những ngày đầu tháng Một năm 2018 gồm nhà hoạt động bảo vệ người lao động, thuộc Đảng đối lập ở Campuchia, ông Sam Sokha và Mục sư A Ga đến từ Việt Nam với cáo buộc ở lại Thái Lan vượt quá thời hạn được cho phép trong thị thực nhập cảnh. Cả hai người này đều được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn.
Theo Luật Di trú của Thái Lan thì cả ông Sam Sokha và Mục sư A Ga bị kết án 2 tháng tù giam và mỗi người bị phạt 3000 baht Thái. Vợ của Mục sư A Ga bị cáo buộc tội "nhập cảnh trái phép".
Thái Lan đã ký kết với Campuchia về thảo thuận dẫn độ vào năm 1998 và đồng ý thảo luận với Việt Nam về dẫn độ vào cuối năm 2016.