Hồng Kông : Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị Trung Quốc bắt cóc (RFI, 02/02/2017)
Khách sạn Four Seasons, Hồng Kông, nơi nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa được nhìn thấy lần cuối ngày 27/01/2017. REUTERS/Bobby Yip
Theo báo chí Hồng Kông, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đột nhiên mất tích cách nay một tuần, thật ra đã bị an ninh Trung Quốc bắt cóc đưa về Hoa lục để điều tra một vụ đầu cơ chứng khoán. Đây là trường hợp tiêu biểu Bắc Kinh can thiệp vào nội tình Hồng Kông một cách thô bạo từ sau vụ bắt cóc chủ nhân và bốn nhân viên một nhà xuất bản sách bị Trung Quốc xem là nhạy cảm.
Theo South China Morning Post được AFP trích dẫn trong bản tin 02/02/2017, nhà tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) hiện đang ở Hoa lục "để giúp điều tra" về vụ chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị rơi tự do vào năm 2015, trong vòng hai tháng, mất 40% trị giá. Vấn đề là trong vụ này, chính quyền Trung Quốc đã góp phần khuyến khích đầu cơ cho đến khi "bong bóng" chứng khoán bị vỡ thì tìm cách qui tội cho người khác để phủi tay trốn trách nhiệm.
Như vậy, "thông tin" đầu tiên của báo chí thân Bắc Kinh nói rằng tỷ phú Tiêu Kiến Hoa "tự ý" về Trung Quốc trị bệnh, không còn đứng vững.
Sự kiện ông Tiêu Kiến Hoa mất tích cũng diễn ra tương tự như trường hợp 5 nhân viên một nhà sách Hồng Kông "mất tích" năm 2015 và sau đó sự thật được phơi bày khi Bắc Kinh biết không thể tiếp tục giấu diếm.
Hồng Kông được Anh Quốc trao trả lại Trung Quốc với quy chế bán tự trị từ năm 1997 theo đó công an Hoa lục không có quyền sang Hồng Kông bắt người.
Cũng theo South China Morning Post, không rõ tỷ phú Tiêu Kiến Hoa có trách nhiệm gì trong vụ thị trường chứng khoán mất giá. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nhắm vào một loạt các đại gia Trung Quốc và cuộc điều tra này có liên quan đến cựu chỉ huy cơ quan phản gián, Mã Kiến, bị buộc tội tham ô, bị cách chức và khai trừ khỏi đảng Cộng sản.
Theo một số nhà bình luận, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa chỉ là người thừa hành của ban lãnh đạo Trung Quốc trong vụ khủng hoảng chứng khoán. Nhưng một số tờ báo lại cho rằng nhà tài chính này có quan hệ với những thế lực chống lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trở thành nạn nhân của chiêu bài chống tham nhũng.
Tú Anh
*********************
Báo chí Thái Lan chống luật hạn chế hoạt động của nhà báo (RFI, 02/02/2017)
Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha đến họp nội các hàng tuần ngày 10/01/2017. Reuters
Ngày 02/02/2017, dự luật giới hạn quyền hoạt động của các phóng viên Thái Lan được thảo luận tại một ủy ban Quốc hội. Liên đoàn các phóng viên Thái viết thư ngỏ phản đối mọi ý đồ bịt miệng báo chí của chính quyền quân sự Bangkok.
Theo hãng tin Mỹ AP, dự luật về báo chí của Thái Lan quy định các phóng viên phải được chính phủ cấp giấy phép hành nghề, và dự trù thành lập một hội đồng kỷ luật để trừng phạt những phương tiện truyền thông "phao tin thất thiệt" hay "vi phạm đạo đức báo chí". Phía chính quyền giải thích, dự luật này nhằm "trong sạch hóa các cơ quan thông tin và tránh để một số phương tiện truyền thông đưa tin thất thiệt".
Thủ tướng Thái, tướng Chan Ô Cha, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây đã tuyên bố : "Tất cả mọi ngành nghề đều phải được kiểm soát và tuân thủ luật pháp quốc gia, ngành báo chí không là một ngoại lệ"
Ngược lại, Hiệp hội các nhà báo Thái Lan coi đây là phương tiện để Bangkok tăng cường kiểm duyệt, trực tiếp kiểm soát các hành vi của các phóng viên độc lập. Trong bức thư ngỏ gửi tới Quốc hội Thái ngày 02/02/2017, Hiệp hội các phóng viên Thái Lan cho rằng dự luật nói trên "đưa Thái Lan trở về với thời kỳ đen tối, khi báo chí nằm trong tay chính quyền".
Theo giới quan sát, từ khi tập đoàn quân sự Thái Lan lên cầm quyền hồi tháng 5/2014 tới nay, quyền tự do thông tin đã bị giới hạn đáng kể. Tránh để bị ghép vào tội khi quân, nhiều tờ báo Bangkok đã phải tự kiểm duyệt. Tháng 7/2016, nhiều đài phát thanh đã bị đóng cửa với lý do "đe dọa an ninh quốc gia". Tháng 12/2016, tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan đã dùng luật chống tội phạm tin học để tăng cường các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên mạng.
Thanh Hà
***********************
Tổng thống Philippines "sẽ giết thêm" và huy động quân đội chống ma túy (RFI, 02/02/2017)
Tổng thống Rodrigo Duterte trưng ảnh những kẻ dính líu đến ma túy tại một cuộc họp ở Davao ngày 02/02/2017. REUTERS/Lean Daval Jr
Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm nay, 02/02/2017, thông báo là quân đội sẽ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy và ông còn cam kết sẽ giết thêm những kẻ buôn lậu và tiêu thụ ma túy.
Ông Duterte, được AFP trích dẫn, tuyên bố : "Tôi huy động quân đội Philippines và tôi coi vấn đề ma túy là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, do vậy, tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của toàn bộ các binh chủng". Nguyên thủ Philippines còn bổ sung là ông sẽ ra lệnh giết chết thêm những con nghiện mà ông gọi là "đồ súc sinh".
Đây là phản ứng đầu tiên của ông Duterte kể từ khi Ân Xá Quốc Tế, vào hôm qua, đã công bố một báo cáo cho rằng các vụ giết người như vậy ở Philippines có thể coi là những tội ác chống nhân loại.
Ông Duterte đã bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, với những lời lẽ thô tục nguyền rủa những người tố cáo ông và cho rằng họ đã thương xót 3000 "kẻ súc sinh", tức 3000 con nghiện bị giết chết. Nguyên thủ Philippines tuyên bố, "tôi sẽ cho giết thêm, để xóa bỏ tệ nạn ma túy".
Trong tuần, ông Duterte đã thừa nhận là tệ nạn tham nhũng ngấm sâu vào tận xương tủy cảnh sát, lực lượng hiện đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy. Trong thời gian qua, một loạt vụ bê bối đã bị phát giác, cho thấy nhiều sĩ quan cảnh sát dính líu đến các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền. Những kẻ này lộng hành nhân danh cuộc chiến chống ma túy.
Theo số liệu chính thức, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines cuối tháng 06/2016 đến nay, 6500 người đã thiệt mạng, trong đó cảnh sát thông báo bắn chết 2555 người, còn gần 4000 trường hợp khác chưa được làm rõ.
RFI tiếng Việt