Các hành động xem như là "diệt chủng và thanh lọc sắc tộc" chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya có thể gây nên xung đột tôn giáo lan rộng ngoài biên giới của Myanmar và ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực.
Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Hình chụp ngày 17/11/17. AFP
AFP dẫn lời phát biểu của ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ông này phát biểu như vừa nêu tại Jakarta vào ngày 5 tháng Hai, nhân dịp ông đến thăm Indonesia trong 3 ngày.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nhấn mạnh rằng Myanmar đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng vì vào tuần trước, một báo cáo được phổ biến liên quan đến các mồ chôn tập thể người Rohingya ở bang Rakhine, nơi mà quân đội của Chính phủ Miến bị cáo buộc tiến hành một chiến dịch thanh tảo sắc tộc thiểu số.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein còn nói rằng Myanmar rất hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ. bao gồm tập trung vào phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Rakhine, nhưng không thể che giấu các hành động đối xử phân biệt đối với người thiểu số Rohingya.
Myanmar lên tiếng bác bỏ báo cáo về các hố chôn tập thể cũng như các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khẳng định rằng chính quyền cần phải trừng trị những phiến quân Rohingya.
Tuy nhiên, Myanmar không cho các báo cáo viên và những nhân viên điều tra của Liên Hiệp Quốc vào khu vực xung đột để điều tra liên quan các cáo buộc diệt chủng đối với người tị nạn Rohingya.
Hiện có gần 700 ngàn người Rohing bỏ nhà cửa ở Myanmar để chạy sang Bangladesh lánh nạn, kể từ tháng Tám năm ngoái đến nay.