Trung Quốc gần hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông (VOA, 05/02/2018)
Trung Quốc gần như đã hoàn thành quân sự hóa 7 rạn san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, tờ Inquirer của Phillippines mới đưa tin, dựa trên các bức ảnh chụp từ trên không.
Hình vệ tinh đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef) của AMTI.
Báo The Straits Times hôm 5/2 nói rằng những bức ảnh này cho thấy các rạn san hô đã được biến đổi thành các hòn đảo nhân tạo trong giai đoạn hoàn thành để phục vụ cho căn cứ không quân và hải quân. Tờ báo này cho biết hầu hết các bức ảnh được chụp từ tháng 6 đến tháng 12/2017 từ độ cao 1.500 mét.
Khi được cho xem ảnh, ông Eugenio Bito-onon Jr., cựu thị trưởng thị trấn Kalayaan trên đảo Pag-asa, hòn đảo lớn nhất mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, còn được gọi là đảo Thị Tứ, đã nhận ra sự hiện diện của các cơ sở mới trên đảo nhân tạo.
Tin cho hay, hai năm trước, khi bay qua các hòn đảo này cùng với các nhà báo nước ngoài, ông Bito-onon đã chứng kiến các công trình xây dựng đang diễn ra.
Ông Bito-onon nói : "Những bức ảnh này phản ánh đúng sự thật. Tôi đã bay với hãng truyền hình HBO trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2016. Khi ấy, chúng tôi nhận được cảnh báo từ phía Trung Quốc vì chúng tôi bay vòng quanh các hòn đảo. Còn bây giờ đã có thêm các cơ sở mới".
Theo báo chí Philippines, với việc xây dựng nhanh chóng này, Trung Quốc sẽ sớm có các pháo đài quân sự nhằm tăng cường sức mạnh trên các bãi đá khác mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, trong đó có Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn hay Đá Subi.
Trong một phúc trình về việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông hồi tháng 12 năm ngoái, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Hoa Kỳ cho biết rằng Đá Chữ Thập được xây dựng nhiều nhất, với 110.000 mét vuông diện tích công trình vào năm 2017.
Các đường băng sân bay trên ba rạn san hô lớn nhất - Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi, dường như đã hoàn thành hoặc gần như đã sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Các ngọn hải đăng, đài radar, cơ sở truyền tin, nhà chứa máy bay (hangar) và các tòa nhà nhiều tầng cũng đã được xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo này.
AMTI còn đã ghi nhận có cả các đường ngầm, hầm trú ẩn, radar và ăng-ten có tần số cao hiện diện trên các hòn đảo nhân tạo.
Các bức ảnh mà tờ Inquirer có được cho thấy sự hiện diện liên tục của các tàu chở hàng được cho dùng để vận chuyển vật liệu xây dựng cho các hòn đảo nhân tạo.
Ba tàu quân sự có khả năng vận chuyển binh sĩ và vũ khí đã cập cảng tại Đá Vành Khăn trong một bức ảnh được chụp vào ngày 30/12 vừa qua. Đây là hai tàu vận tải và một bến đỗ di động.
Tàu khu trục có tên lửa Lạc Dương 527, thuộc lớp Giang Vệ II 053H3, cũng đã bị phát hiện ở cách Đá Subi khoảng một km vào ngày 15/11/2017.
Một bức ảnh chụp ngày 16/6/2017 cho thấy tàu tuần dương Lộ Châu 592, tàu khu trục tên lửa lớp Giang Đảo 056, đã hiện diện ở Đá Vành Khăn.
Mức độ phát triển trên các rạn san hô cho thấy rằng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa bất chấp thỏa thuận năm 2002 giữa Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên nói rằng các bên không được thay đổi bất kỳ đặc điểm nào ở khu vực này.
Ngoài Philippines và Trung Quốc, các nước như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã phớt lờ phán của Trọng tài Quốc tế vào tháng 7/2016 trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và tuyên bố Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tờ The Straits Times nói rằng sự im lặng của khối ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Manila vào cuối năm 2017 về phán quyết trọng tài đối với Philippines là một thắng lợi ngoại giao cho Trung Quốc.
***********************
Bắc Kinh quân sự hóa Trường Sa : Báo Philippines trưng thêm bằng chứng (RFI, 05/02/2018)
Một tờ báo có uy tín tại Philippines vào hôm nay, 05/02/2018, đã công bố nhiều bức ảnh mới xác nhận rõ hơn sự kiện Bắc Kinh gần như đã hoàn tất việc biến 7 đảo nhân tạo trong tay Trung Quốc tại Trường Sa thành pháo đài trên biển. Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh phủ tổng thống Philippines tiếp tục khẳng định tin tưởng vào lời hứa của Bắc Kinh theo đó họ sẽ không xây dựng thêm tại những khu vực mà Manila đòi chủ quyền.
Ảnh chụp từ trên không đảo Subi, Trường Sa, 21/04/2017.© Reuters
Đa số các bức không ảnh do nhật báo Philippine Daily Inquirer tiết lộ, đã được bên cung cấp - mà tờ báo không cho biết là ai - chụp từ độ cao 1.500 mét trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2017. Ảnh cho thấy giai đoạn phát triển cuối cùng của tiến trình Trung Quốc biến đổi các đảo nhân tạo thành căn cứ không quân và hải quân.
Ông Eugenio Bito-onon Jr., cựu thị trưởng của thị trấn Kalayaan trên đảo Pagasa, tức là Thị Tứ, thực thể lớn nhất hiện do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, đã xác nhận rằng các bức ảnh được chụp hoàn toàn là ảnh thật.
Trả lời nhật báo Philippine, nhân vật này cho biết là cách nay gần hai năm, ông đã có dịp cùng với một phái đoàn báo chí bay qua các hòn đảo nói trên và đã chứng kiến các công trình xây dựng đang diễn ra. Trên các bức ảnh mới chụp, các công trình khi ấy đã cao hẳn lên.
Đối với tờ báo Philippines, với công việc xây dựng được đẩy nhanh mà không bị ai kềm chế, Trung Quốc sẽ sớm có các pháo đài quân sự trên ở 7 đảo : Kagitingan tên Philippines đặt cho Đá Chữ Thập (Fiery Cross) ; Calderon, tức Châu Viên (Cuarteron), Burgos tức Ga Ven (Gaven) ; Mabini, tức Gạc Ma (Johnson South), Panganiban, tức Vành Khăn (Mischief) ; Zamora tức Xu Bi (Subi) và McKennan, tức Đá Tư Nghĩa (Hughes).
Đây là các thực thể đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, nếu chỉ kể tên ba nước chính. Một bản báo cáo về việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông do trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) của Mỹ công bố tháng 12/2017, đã xác định rõ là Đá Vành Khăn là đảo nhân tạo đã được tôn tạo nhiều nhất năm 2017, với các công trình trải rộng trên 110.000 mét vuông.
Tàu quân sự Trung Quốc hiện diện thường xuyên
Các bức ảnh của tờ Philippine Daily Inquirer cho thấy sự hiện diện thường xuyên của các tàu vận tải được sử dụng vào việc vận chuyển vật liệu xây dựng đến các hòn đảo nhân tạo.
Nhưng không chỉ có tàu buôn. Một bức ảnh chụp ngày 30/12/2017 cho thấy ba chiếc tàu quân sự có khả năng chuyên chở lính và vũ khí đã cập cảng trên Bãi Vành Khăn, đặc biệt là chiếc tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn 989.
Ngoài ra còn có ảnh hộ tống hạm có trang bị tên lửa Lạc Dương 527, thuộc lớp Giang Vệ II được thấy cách Đá Xu Bi khoảng một cây số ngày 15/11, hay chiếc Lộ Châu (592), lớp Giang Đảo tại Đá Vành Khăn ngày 16/06…
Trên các rạn san hô nhỏ hơn, các bức ảnh cho thấy nào là bãi đáp trực thăng, tuabin điện gió, nào là radar và tháp truyền thông. Thậm chí một bức ảnh chụp vào ngày 28/11 vừa qua cho thấy một khẩu pháo 100mm đã được đặt trên Đá Tư Nghĩa.
Các bức không ảnh được báo Philippines công bố hôm nay đã cung cấp thêm những bằng chứng cụ thể về việc Trung Quốc quân sự hóa Trường Sa, đã từng được ảnh vệ tinh do trung tâm Mỹ AMTI vạch trần hồi cuối năm 2017.
Phủ tổng thống Philippines phản ứng rất nhẹ nhàng
Phản ứng trước các tiết lộ này, phủ tổng thống Philippines vào hôm nay đã nhắc lại một số quan điểm đã được chính quyền Duterte đưa ra trong thời gian gần đây :
- việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông không phải là một cái gì mới lạ, Philippines và các nước khác đâu thể nào ngăn cản ;
- Philippines đã từng lên tiếng phản đối rồi, nay cần gì phản đối nữa, vì làm vậy chỉ tác hại đến hòa khí giữa hai bên ;
- Điều duy nhất mà Philippines làm được, là tin tưởng vào lời hứa của Trung Quốc là không bồi đắp thêm đảo mới.
Trọng Nghĩa
*********************
Trung Quốc đẩy mạnh thử nghiệm thiết bị quân sự công nghệ mới (RFI, 04/02/2018)
Theo nhiều nguồn tin báo chí khác nhau, gần đây Trung Quốc đang liên tục tiến hành thử nghiệm và triển khai một số công nghệ mới trong thời gian gần đây nhằm "bảo vệ an toàn hàng hải".
Hình minh họa : Hộ tống hạm loại 054A thuộc lớp Giang Khải II (Jiangkai II) của quân đội Trung Quốc trong đợt tập trận RIMPAC năm 2014.CC/US Navy
Trang tin South China Morning Post ngày 03/02/2018, dẫn nhật báo Trung Quốc Quốc, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, ca nô không người lái Huster-68 đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 02/03, phỏng theo một cuộc tuần tra hàng hải cùng với nhiều tầu khác, ở thành phố Đông Quản (Dongguan), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).
Ca nô dài 6,8 mét, đạt được vận tốc 92,6 km/giờ, do trường đại học Khoa học-Kỹ thuật Hoa Trung phát triển, được cho là một thiết bị quan trọng trong việc "bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc, quản lý việc sử dụng nguồn tài nguyên biển và có tham vọng hoạt động trên quy mô quốc tế", theo website của trường đại học trên.
Thiết bị thứ hai là một loại pháo điện từ, dường như đang được Trung Quốc thử nghiệm. Trang Business Insider, đăng lại nhiều bức ảnh chụp tại xưởng đóng tầu Vũ Xương (Wuchang) ở tỉnh Hồ Bắc, nơi thường được Hải Quân Trung Quốc tiến hành nhiều vụ thử vũ khí, cho thấy một tầu đổ bộ lớp 072III được trang bị một súng điện từ có kích thước và hình dạng khá giống với nguyên mẫu của Hải Quân Mỹ.
Loại vũ khí này có thể bắn đạn mà không cần thuốc súng nhờ năng lượng từ và đạn bắn ra có thể đạt đến vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang giảm dần đầu tư vào chương trình phát triển loại vũ khí này, với chi phí đã lên đến khoảng 500 triệu đô la.
Còn tại vùng Biển Đông, Tân Hoa Xã ngày 02/02 cho biết Hải Quân Trung Quốc và ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã ký thỏa thuận "hiện đại hóa toàn bộ" hệ thống viễn thông dân sự. Dự án được ký kết sẽ tăng số lượng các trạm viễn thông trên các đảo hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, gồm đảo Phú Lâm, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn.
Trong một bản báo cáo ngày 14/12/2017, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (CSIS) tại Washington từng khuyến cáo tất các cơ sở trên các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng đều nhằm mục đích quân sự.
Thu Hằng
****************
Trung Quốc viện trợ xe bọc thép cho Campuchia (BBC, 04/02/2018)
Trung Quốc sẽ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) các xe tăng và xe bọc thép.
Liệu đợt viện trợ quân sự mới sẽ thúc đẩy quan hệ quốc phòng Trung Quốc-Campuchia, tờ Diplomat đặt câu hỏi.
Trong bối cảnh hai nước này đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao trong năm 2018 và Campuchia sắp có tổng tuyển cử, một đợt viện trợ quân sự mới cho Phnom Penh sắp được tiến hành.
Cuối tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh được ghi nhận xác nhận rằng Trung Quốc sẽ cấp cho Campuchia thêm một đợt viện trợ quân sự mới trong năm 2018.
Theo tờ Khmer Times, ông Banh nói rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) các xe tăng và xe bọc thép. Các thiết bị này dự kiến được chuyển đến đúng thời điểm tổ chức tập trận chung "Rồng Vàng" vào tháng Ba.
Theo tờ Diplomat, ông Banh không xác nhận chính xác số lượng thiết bị được giao hoặc cho thông tin cụ thể hơn về việc này. Tuy nhiên, một phóng sự trên kênh BTV cho hay Trung Quốc sẽ viện trợ khoảng 100 xe tăng và xe bọc thép cho Lữ đoàn 70 của Bộ Quốc phòng Campuchia.
Tin chuyển xe tăng và xe bọc thép tương thích với các dạng viện trợ quân sự của Trung Quốc trước đây, gồm không chỉ các thiết bị quân sự mà còn là trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo cho binh lính Campuchia.
Đáng lưu ý là việc trang bị cho Lữ đoàn 70 được thành lập năm 1984 với trọng trách là bảo vệ các nhà lãnh đạo, gồm Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Đơn vị này báo cáo trực tiếp cho ông Hun Sen và sở hữu các trang thiết bị quân sự gồm hệ thống tên lửa và xe tăng, từ lâu đã bị cáo buộc về việc lạm quyền cũng như có các hoạt động khuất tất và bất hợp pháp.