Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/02/2018

PyeongChang 2018 : Nam Bắc Hàn hòa dịu, Hoa Kỳ bực bội

RFI tiếng Việt

Quan hệ liên Triều sưởi ấm ngoạn mục nhưng mong manh (RFI, 12/02/2048)

Phái đoàn chính thức Bắc Triều Tiên đã trở về nước, sau ba ngày công du và dự lễ khai mạc TVH Pyeongchang tại Hàn Quốc. Câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ nồng thắm và những cử chỉ đầy thiện chí giữa Seoul và Bình Nhưỡng mang tính trình diễn bề ngoài, hay là một bước đột phá cả về ngoại giao lẫn chiến lược do Bình Nhưỡng chủ động ? Liệu tuần trăng mật này giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có lâu bền hay không ?

caoly1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) và Kim Yo-jong (G), em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xem biểu diễn ca nhạc của đoàn văn công Bắc Triều Tiên, ngày 11/02/2018, tại Seoul.Yonhap via Reuters

Vắng mặt tại Pyeongchang nhưng Kim Jong-un lại là nhân vật được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều nhất từ trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 khai mạc. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi trên khán đài danh dự nhân lễ khai mạc Pyeongchang bên cạnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng lại không thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế cũng như ở Seoul bằng Kim Jong-un hay đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng liên Triều. Tại Washington, truyền thông Mỹ thậm chí còn bình luận : Kim Jong-un "đoạt huy chương vàng tại Pyeongchang".

Trên thực tế những động thái ngoại giao ngoạn mục liên tiếp diễn ra trong ba ngày qua tại Pyeongchang và Seoul đã được cả Hàn Quốc lẫn Bắc Triều Tiên chuẩn bị từ lâu trước đó.

Từ khi đắc cử tổng thống tháng 05/2017, ông Moon Jae-in nỗ lực biến Thế Vận Hội lần này thành một diễn đàn hòa bình với hy vọng nước láng giềng phương bắc "xuống thang". Về phía Bình Nhưỡng, từ nhiều tuần lễ qua, Kim Jong-un là người làm chủ tình thế, khi quyết định gửi một phái đoàn đến Pyeongchang và nhất là qua em gái, Kim Yo-jong, chuyển lời mời tổng thống Moon đến Bắc Triều Tiên khi "điều kiện cho phép".

Từ ngày 28/11/2017, Bình Nhưỡng tạm ngưng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Seoul thuyết phục được Washington lùi chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn đến sau Thế Vận Hội.

Cộng đồng quốc tế đã không khỏi ngạc nhiên về "tiến độ" sưởi ấm quan hệ của hai nước trên bán đảo Triều Tiên, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, tinh thần yêu chuộng hòa bình này có lẽ khá "mong manh".

Bắc Triều Tiên giăng bẫy Moon Jae-in ?

Hình ảnh cô Kim Yo-jong chuyển thư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc bước qua phía bắc vĩ tuyến 38 và sự kiện em gái Kim Jong-un cùng dự một buổi lễ hòa nhạc bên cạnh tổng thống Moon Jae-in đã được truyền đi khắp thế giới. Nhưng theo giới quan sát, thiện chí đó của Bình Nhưỡng đẩy Seoul vào thế tiến thoái lưỡng nạn. Nhận lời mời của Bắc Triều Tiên, nắm bắt lấy bàn tay thân thiện của Kim Jong-un, thì coi như như phần nào tách rời khỏi Washington. Ngược lại, từ chối viếng thăm Bình Nhưỡng, thì có nghĩa là chôn vùi giấc mơ đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ai cũng biết, trong suốt sự nghiệp chính trị, tổng thống Moon Jae-in luôn theo đuổi mục tiêu hòa bình.

Tổng thống Moon sinh năm 1953 vào thời điểm chiến tranh liên Triều khép lại. Cha mẹ ông đã phải từ bỏ miền bắc để chuyển về miền nam sinh sống. Từ quá khứ ấy, tổng thống tương lai của xứ Hàn luôn chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng và làm hạ nhiệt tại bán đảo Triều Tiên.

Nhưng trên con đường đi tìm hòa bình đó, đương kim tổng thống Hàn Quốc gặp một trở ngại không nhỏ. Theo như ghi nhận của một chuyên gia Mỹ thuộc đại học Busan, Robert Kelly, Olympic Pyeongchang lần này "làm lộ rõ rạn nứt giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ". Đến nay, Washington một mực đòi Bình Nhưỡng phải có những "biện pháp cụ thể, tỏ thiện chí từ bỏ tham vọng hạt nhân". Chính quyền Trump xem đây là một "điều kiện tiên quyết" cho mọi kế hoạch đàm phán. Đó là chưa kể những tuyên bố với lời lẽ hung hăng của tổng thống Donald Trump nhắm vào Kim Jong-un, mà Bình Nhưỡng thì đã không bỏ lỡ cơ hội để lao vào các cuộc đấu khẩu hung hăng không kém.

Sự lạnh nhạt giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ - Hàn đã lộ rõ nhân lễ khai mạc Pyeongchang hôm 09/02 : phó tổng thống Pence rất lạnh lùng khi phái đoàn các vận động viên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bước vào sân vận động dưới cùng một lá cờ, và đã tránh né, khi tổng thống Hàn Quốc bắt tay chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và cô em gái của Kim Jong-un ngồi ở hàng ghế ngay phía sau phó tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân.

Trên đường trở về Mỹ, ông Pence đã tuyên bố với báo chí rằng, giữa Washignton và Seoul, "không hề có một vết rạn nứt nào" trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời nhấn mạnh đến ưu tiên duy trì "áp lực tối đa" đối với Bình Nhưỡng để đạt tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hy vọng thực sự cho bán đảo Triều Tiên ?

Trở lại với câu hỏi chính là liệu tình hình trong khu vực này có được hạ nhiệt một cách lâu dài hay không, các chuyên gia phương Tây về Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đưa ra nhiều quan điểm khác nhau.

Chuyên gia Mỹ, Robert Kelly, bi quan cho rằng, trước đây hai nước Triều Tiên từng "nối vòng tay lớn" chung quanh hai sự kiện văn hóa và thể thao, hợp tác cả trong lĩnh vực kinh tế qua khu công nghiệp Kaesong, và mối quan hệ đó có lợi cho Bình Nhưỡng. Chung cuộc, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cuộc chạy đua võ trang để có vũ khí hạt nhân. Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi : liệu Kim Jong-un có còn hòa hoãn hay không sau Thế Vận Hội, khi mà Mỹ và Hàn quốc nối lại các cuộc thao diễn quân sự chung ở ngay sát cạnh cửa ngõ Bắc Triều Tiên ? Không nên quên rằng, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo là "một lá bùa hộ mệnh, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ trong tay gia đình họ Kim". Do vậy, chuyên gia này cho rằng, Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng được công nhân là một cường quốc hạt nhân.

Còn theo giáo sư Kim Byung-yeon, đại học quốc gia Seoul, thì không có phép lạ "để Bình Nhưỡng và Washignton thoát khỏi bế tắc hiện nay", vì Bắc Triều Tiên đòi hỏi quá nhiều, treo giá quá cao, mà Mỹ thì không sẵn sàng trả cái giá đó.

Chuyên gia Pháp, Juliette Morillot, lạc quan hơn khi cho rằng, "hai nước Nam và Bắc Hàn muốn đối thoại trực tiếp, làm chủ lại vận mệnh" của mình. Vấn đề đặt ra là liệu thiện chí đối thoại giữa Bình Nhưỡng với Seoul có còn tính thời sự khi Thế Vận Hội bế mạc hay không ? Đây là câu hỏi đáng giá ngàn vàng mà chưa một chuyên gia nào dám trả lời. Chỉ biết rằng, ngoại trưởng Hàn Quốc - bà Kang Kyung-wha - báo trước : trong lĩnh vực ngoại giao, Seoul dự trù "một môi trường mới" cho thời kỳ hậu Olympic Pyeongchang.

Thanh Hà

*****************

Bắc Triều Tiên muốn gì ở Pyeongchang ? (RFI, 10/02/2018)

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 hôm 09/02/2018 chính thức khai mạc. Một "Thế Vận Hòa Bình" là hình ảnh mà tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In muốn đem đến cho thế giới. Nhưng với Bắc Triều Tiên, đây không chỉ là một Thế Vận Hội thuần túy thể thao, mà còn là một "trò chơi địa chính trị".

pyeong1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in et sa femme (Áo trắng) và Kim Yong-nam (G - hàng thứ 2) chủ tịch Quốc Hội BTT, Kim Yo-jong (P - hàng thứ 2), em gái Kim Jong-un, trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, ngày 09/02/2018 - Reuters

Pompom-girls đối nghịch với tên lửa. Cùng một ngày, chế độ Bình Nhưỡng đã đưa ra hai hình ảnh tương phản. Bên kia lãnh thổ ở phía Nam là đoàn các vận động viên Bắc Triều Tiên được đón tiếp nồng nhiệt hôm qua tại làng thế vận Gangneung. Bầu không khí lạnh giá như tan biến trước các màn trình diễn của hơn 200 thiếu nữ hoạt náo viên xinh đẹp.

Một điểm nhấn khác trong sự kiện thể thao trọng đại này là lần đầu tiên có sự hiện diện của hai nhân vật lãnh đạo cao cấp của Bắc Triều Tiên : Kim Yo-jong, em gái út của lãnh đạo Kim Jong-un và ông Kim Yong-nam, chủ tịch Quốc Hội, một chức vụ tuy mang tính hình thức, nhưng về mặt lễ tân, thể hiện sự trọng thị đối với Thế Vận Hội.

Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm là tổng thống Moon Jae-in thứ Bảy 10/02 sẽ tiếp hai nhân vật này tại Nhà Xanh, điều chưa từng có trong lịch sử hai miền kể từ thời cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Trong khi đó, ở miền Bắc là màn trình diễn diễu binh rầm rộ. Bình Nhưỡng phô trương tên lửa mừng 70 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân. Một cuộc diễu binh mà Washington xem đấy như là một hình thức biểu dương sức mạnh hiếu chiến của Bình Nhưỡng.

Dù khẳng định rằng cuộc diễu binh này chỉ là chuyện nội bộ vẫn được tổ chức hàng năm, nhưng việc Bình Nhưỡng chọn thời điểm kỷ niệm một ngày trước khi Thế Vận Hội Pyeongchang khai mạc cũng không phải là ngẫu nhiên. Bắc Triều Tiên không ngần ngại dời ngày kỷ niệm vốn trước đây thường được tổ chức vào ngày 25/04, ngày thành lập Quân Đội Cách Mạng Nhân Dân năm 1932.

Với người dân trong nước, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un muốn khẳng định rằng nếu Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế, thì Bắc Triều Tiên có thể tự hào về sức mạnh quân sự của mình. Với thế giới, Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh đến vị thế cường quốc hạt nhân mà cộng đồng quốc tế không muốn nhìn nhận.

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận nước đôi này cho phép chế độ Bình Nhưỡng muốn được "bình thường hóa" vị thế "quốc gia hạt nhân", nhưng đồng thời tìm cách giảm nhẹ được các trừng phạt và gây chia rẽ hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Hàn.

Có thể nói, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã khôn khéo thực hiện chính sách "ngoại giao Thế Vận Hội" và tách bạch hai vấn đề : "Hòa giải liên Triều" là một chuyện. "Hạt nhân" là một chuyện khác. Thể thao là một "công cụ" để đối thoại. Còn vấn đề hạt nhân là chuyện giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ. Và cách nay vài hôm, Bình Nhưỡng còn cao giọng khẳng định Thế Vận Hội không phải là lúc để nói chuyện đàm phán hồ sơ hạt nhân.

Minh Anh

*********************

Phó TT Mỹ Mike Pence không hài lòng về sự hiện diện của em gái Kim Jong-un tại Thế Vận Hội (RFI, 10/02/2018)

Lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang 2018 đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận với sự hiện diện của em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và sự xích lại gần nhau giữa hai miền nam bắc Triều Tiên. Điều này đã khiến sự xuất hiện của phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc trở nên mờ nhạt. Và Mike Pence đã nhấn mạnh là mục tiêu của các nước đồng minh trong khu vực vẫn là cô lập Bắc Triều Tiên.

pyeong2

Phó tổng thống mỹ Mike Pence (G) và bà Kim Yo-jong (P) trên khán đài trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 - Yonhap via  Reuters

Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier giải thích từ New York :

"Mike Pence không tìm cách che giấu sự bực tức khi biết em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi cách ông chỉ vài mét trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Mike Pence có nhìn thấy em gái ông Kim Jong-un không ? Ông Pence dường như cố không quay đầu về phía bà ấy. 

Như vậy là, mặc dù Hàn Quốc muốn phó tổng thống Mỹ trao đổi với phái đoàn Bắc Triều Tiên, nhưng không có cuộc đối thoại nào diễn ra.

Hôm thứ Bảy, trên đường bay về Mỹ, trong chuyên cơ Air Force 2, ông Pence đã nhắc lại rằng mục tiêu của Mỹ vẫn là buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Và phó tổng thống Mỹ đặc biệt muốn Tokyo và Séoul theo đường hướng của Mỹ.

Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc trong những ngày qua đã có nhiều dấu hiệu cởi mở với người anh em Bắc Triều Tiên. Thậm chí, ông Moon Jae-in còn được mời tới thăm Bình Nhưỡng.

Nếu có, chuyến thăm của ông Moon Jae-in sẽ không làm chính quyền Mỹ hài lòng. Washington có lẽ sẽ xem xét lại chiến lược cứng rắn đã được áp dụng trong những tháng qua. Tuy nhiên, về mặt chính thức, chủ đề trên không được nhăc tới trong buổi làm việc giữa phó tổng thống Mike Pence và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in".

Ngoại trưởng Pháp và Hàn Quốc thống nhất tăng cường quan hệ song phương

Trong chuyến thăm Seoul, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, đặc phái viên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang 2018, đã ăn tối và làm việc với ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha.

Lãnh đạo ngoại giao của hai nước ghi nhận sự hợp tác của Pháp và Hàn Quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực và hai bên sẽ tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để củng cố quan hệ song phương, thông qua các chuyến thăm viếng cấp cao và các cuộc thảo luận chiến lược cấp bộ.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian hoan nghênh việc hai miền nam bắc Triều Tiên nối lại đối thoại và hy vọng đối thoại liên Triều sẽ được tiếp tục sau Thế Vận Hội Pyeongchang.

Thùy Dương

************************

Thế Vận Hội Pyeongchang : Hàn Quốc vất vả "lách" trừng phạt để đón đoàn Bắc Triều Tiên (RFI, 10/02/2018)

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018, được cho là cơ hội hâm nóng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, sau quyết định ngày 09/01 của Bình Nhưỡng cử đoàn vận đông viên tham dự.

pyeong3

Đoàn vận động viên hai miền Triều Tiên diễu hành trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 - Reuters

Theo giới quan sát, đây là chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm đột phá mặt trận "trừng phạt" mà cho đến giờ các quốc gia phương Tây vẫn liên kết với nhau gây áp lực với Bình Nhưỡng.

Vừa bận chuẩn bị "Thế vận Hòa bình", Seoul vừa "đau đầu" tìm cách đón phái đoàn của người anh em láng giềng mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vậy Hàn Quốc đã "lách" các nghị quyết này như thế nào ? Trang France 24 (08/02/2018) tóm tắt bốn điểm :

1. Máy bay được thuê để đến miền Bắc

Trở ngại đầu tiên phải vượt qua là chính quyền Mỹ. Về lý thuyết, một phi cơ từng đến Bắc Triều Tiên sẽ không được phép hạ cánh ở Hoa Kỳ trong vòng sáu tháng sau đó. Seoul đã phải xin phép Washington miễn cho trường hợp của một phi cơ thuộc hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) để đưa đoàn vận động viên trượt tuyết đến luyện tập cùng với đồng đội phương Bắc ở đỉnh núi Masik (thuộc Bắc Triều Tiên) và sau đó quay về nước chở theo đội tuyển Bắc Triều Tiên. Do vậy, chiếc phi cơ vẫn có thể hạ cánh ở Hoa Kỳ.

Tập luyện chung ở đỉnh núi Masik cũng là nhượng bộ đầu tiên của Seoul và gây ra một cuộc tranh luận ở Hàn Quốc vì sân băng ở đỉnh Masik là dự án quan trọng của Kim Jong-un với trang thiết bị hiện đại, quá đắt so với tình hình kinh tế ảm đạm của Bắc Triều Tiên.

2. Yêu cầu miền Nam tiếp nhiên liệu cho phà miền Bắc cập bến Hàn Quốc

Theo dự kiến, một nhóm nghệ sĩ miền Bắc đến miền Nam qua đường bộ, nhưng cuối cùng Bình Nhưỡng thông báo phái đoàn đến bằng đường thủy. Chiếc phà Man Gyong Bong 92, trọng tải 9.700 tấn, chở 114 nghệ sĩ đã cập bến Hàn Quốc ngày 06/02.

Chính quyền Seoul đã phải vi phạm lệnh cấm mọi tầu bè miền Bắc lưu thông trong vùng biển của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng còn nghiễm nhiên yêu cầu người anh em miền Nam tiếp nhiên liệu cho chiếc phà. Nếu tiếp liệu, Seoul sẽ lại vi phạm loạt nghị quyết trừng phạt vì Bắc Triều Tiên bị hạn chế nhập khẩu dầu lửa, chỉ còn 500.000 thùng mỗi năm, tương đương khoảng 65.000 tấn. Hiện bộ Thống Nhất Triều Tiên vẫn chưa cho biết là đã đáp ứng hay không yêu cầu của miền Bắc.

3. Hai nhân vật trong đoàn Bắc Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen

Bình Nhưỡng cố tình kéo dài thời hạn công bố danh sách các nhân vật đến tham dự Thế Vận Hội nhằm "nắn gân" các nghị quyết trừng phạt. Và đúng như nhận định của nhật báo New York Times, phái đoàn Bắc Triều Tiên có hai nhân vật nằm trong danh sách đen của Hội Đồng Bảo An và Hoa Kỳ.

Người thứ nhất là Kim Yo-jong, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un. Nhân vật này được đánh giá là ngày càng có ảnh hưởng trên thượng tầng Nhà nước và vừa mới trở thành ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền lực.

Người thứ hai là ông Choe Hwi, chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên. Cả hai đều nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ vì bị cho là có vai trò trong "hàng loạt vi phạm hiện tại và nghiêm trọng về nhân quyền và hoạt động kiểm duyệt". Tuy nhiên, chỉ có ông Choe Hwi là nằm trong danh sách cá nhân bị trừng phạt của Hội Đồng Bảo An.

Người dân Hàn Quốc có phản ứng tích cực khi biết tin Kim Yo-jong tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội vì đây là chuyến công du đầu tiên của một thành viên gia đình họ Kim cầm quyền kể từ năm 1953, khi hai miền đình chiến. Và để đón tiếp phái đoàn cao cấp này, một lần nữa, Seoul lại phải xin phép Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ để "phá luật".

4. "Đau đầu" vì hàng cao cấp

Biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo Anh gây nhiều vấn đề nhất ở Thế Vận Hội Pyeongchang có lẽ là lệnh cấm chuyển giao sản phẩm cao cấp.

Bắt đầu từ túi quà tặng cho mọi vận động viên, bên trong có một chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 8 của Samsung. Hội Đồng Bảo An có thể coi đó là một mặt hàng cao cấp vì theo giá bán, chiếc điện thoại này trị giá 1,09 triệu won (khoảng 817 euro). Ủy Ban Thế Vận (CIO) nảy ra ý kiến là ban tổ chức chỉ cho vận động viên Bắc Triều Tiên "mượn" điện thoại và thu lại sau kỳ thi đấu. Seoul không theo ý tưởng này vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt và theo tin mới nhất thì các vận động viên Bắc Triều Tiên (và Iran – nước cũng bị cấm vận) đã từ chối nhận quà.

Liệu lệnh cấm vận đối với sản phẩm cao cấp có giá trị với… gậy khúc côn cầu trên băng ? Theo New York Times, đây cũng là một thách thức với ban tổ chức.

Nhật báo Mỹ nhắc lại, năm 2017, các vận động viên khúc côn cầu trên băng Bắc Triều Tiên đã tham gia một trận thi đấu quốc tế tại Auckland (New Zealand) với những cây gậy bằng gỗ và đã mòn. Ban tổ chức đã phải cho họ mượn dụng cụ mới bằng sợi cac-bon, sau đó được thu lại khi kết thúc trận đấu. Cách thức này cũng được áp dụng tại Pyeongchang, vì đội hình nữ thi đấu bộ môn khúc côn cầu trên băng bao gồm vận động viên của cả hai miền.

Liệu những nỗ lực của Hàn Quốc có biến được Olypmic Pyeongchang thành "Thế vận Hòa bình" giúp hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau ? Câu trả lời sẽ được kiểm chứng trong thời gian sau Thế Vận.

Thu Hằng

***********************

Quan hệ liên Triều : Kim Jong-un mời Moon Jae-in họp thượng đỉnh (RFI, 10/02/2018)

Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước trong chiến dịch làm lành với Seoul : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã viết thư mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng tham dự một hội nghị thượng đỉnh. Thông tin này đã được phủ tổng thống Hàn Quốc chính thức loan báo vào hôm nay, 10/02/2018 sau cuộc tiếp xúc bên lề Thế Vận Hội Pyeongchang, giữa tổng thống Hàn Quốc với một phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên, trong đó có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un.

pyeong4

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P). Reuters/EDIT RFI

Từ Seoul, thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tường trình :

Bắc Triều Tiên đã chính thức mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong-un. Địa điểm hội nghị sẽ là Bình Nhưỡng, còn thời điểm sẽ là "càng sớm càng tốt".

Lời mời đã được chính Kim Yo-jong, em gái của Kim Jong-un, chuyển đến tận tay tổng thống Hàn Quốc. Bà Kim Yo-jong hiện đang có mặt ở Hàn Quốc trong khuôn khổ một cuộc đối thoại do hai miền Triều Tiên khởi xướng nhân dịp Thế Vận Hội.

Tổng thống Hàn Quốc đã phản ứng một cách thận trọng trước lời mời, cho rằng để cho một cuộc họp như vậy có thể diễn ra, trước tiên hết là phải "ấn định một số điều kiện cần thiết". Trong vòng 70 năm qua từ khi hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt đến nay, lãnh đạo hai nước chỉ mới gặp nhau hai lần, đều ở Bình Nhưỡng, vào năm 2000 và 2007.

Ông Moon Jae-in cũng kêu gọi chính quyền Bắc Triều Tiên nhanh chóng nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, nước có vẻ như không mấy thoải mái với việc quan hệ hòa dịu hẳn lên một cách bất ngờ giữa Seoul và Bình Nhưỡng nhân dịp Thế Vận Hội đang diễn ra.

Đến dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm mọi cách để tránh gặp các quan chức Bắc Triều Tiên, thậm chí còn từ chối bắt tay họ tại lễ khai mạc.

Các cử chỉ đó bị coi là phản ánh thái độ coi thường các nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng, và đã làm dấy lên nhiều lời bình luận và ý kiến quan ngại ở Seoul.

Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, lời mời đã được bà Kim Yo-jong chuyển đến ông Moon Jae-in trong cuộc gặp hôm nay giữa tổng thống Hàn Quốc với phái đoàn Bắc Triều Tiên. Khi trao bức thư cá nhân của anh trai mình cho tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong còn nói thêm : "Chúng tôi hy vọng sớm gặp lại ngài ở Bình Nhưỡng". Theo bà, Bắc Triều Tiên rất muốn tổng thống Moon Jae-in trở thành "tác nhân trong một chương mới về tiến trình thống nhất (Triều Tiên), để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử".

Dẫu sao thì nhân dịp phái đoàn cao cấp Bắc Triều Tiên do chủ tịch trên danh nghĩa của Bắc Triều Tiên là ông Kim Yong-nam và bà Kim Yo-jong dẫn đầu đến Hàn Quốc, hai chính phủ Nam Bắc đã liên tiếp tung ra những tín hiệu hòa dịu. Sau bữa ăn trưa kéo dài 3 tiếng đồng hồ vào hôm nay, hai ông Moon Jae-in và Kim Yong-nam cùng đến xem đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ chung của hai miền thi đấu tại Thế vận hội PyeongChang.

Về chiến lược ẩn đằng sau động thái ngoại giao khá bất ngờ nói trên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhà báo Bruno Daroux của RFI nhận định :

"Có thể nói rằng nhà lãnh đạo trẻ - cai trị Bắc Triều Tiên bằng bàn tay sắt từ sáu năm nay - đang chơi một ván bài mạo hiểm, nhưng khôn khéo. Chiến thuật của ông ta là lúc thì cứng rắn, lúc tỏ ra mềm mại trong các chiến dịch tuyên truyền, được kiểm soát một cách hoàn hảo.

Trong trò chơi sấp ngửa này, Bình Nhưỡng để ngỏ cho cánh cửa đối thoại với người anh em thù địch miền Nam, mà về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền Triều Tiên chỉ mới ký kết một hiệp ước đình chiến vào năm 1953. Chiến lược ngoại giao thể thao đã được sử dụng để chứng minh là Bắc Triều Tiên sẵn sàng chìa tay ra với người láng giềng Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đắc cử hồi năm ngoái, chủ trương hòa bình. Đây là điều hết sức thuận lợi đối với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng nhìn thấy ở đây một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của chế độ. Thậm chí hôm nay, tổng thống Hàn Quốc và chủ tịch danh nghĩa của Bắc Triều Tiên đã có một cuộc hội kiến.

Chúng ta có thể đánh giá Hàn Quốc đã ngây thơ, hay ít nhất việc Seoul bị cuốn vào cuộc chiến tuyên truyền của Bắc Triều Tiên cũng là điều gây sốc. Bắc Triều Tiên muốn tỏ ra mình cũng là một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác. Mà điều này trên thực tế không phải vậy. Bắc Triều Tiên vẫn là một chế độ toàn trị, hành quyết những người có quan điểm đối lập, hoặc giam cầm họ trong các trại tập trung khủng khiếp.

Bắc Triều Tiên khẳng định rõ ràng không nhân nhượng bất cứ điều gì về mặt quân sự, đặc biệt là vị thế của một cường quốc hạt nhân, điều mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận".

Trọng Nghĩa, Trọng Thành

***********************

Em gái Kim Jong-un rời Hàn Quốc sau chuyến thăm được xem là thành công (RFI, 10/02/2018)

Sau ba ngày được tiếp đón trọng thể tại Hàn Quốc, phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên trở về Bình Nhưỡng vào hôm nay, 11/02/2018.

pyeong5

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) gặp chào bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh do KCNA công bố ngày 10/02/2018, nhưng không ghi ngày) - KCNA/via  Reuters

Trước đó, nhân vật chủ chốt của phái đoàn Bắc Triều Tiên là bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đã cùng với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến xem buổi trình diễn thứ hai của đoàn ca nhạc Bắc Triều Tiên. Vào lúc trưa, bà đã được thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon chiêu đãi tại một khách sạn 5 sao ở Seoul.

Sự kiện nổi bật hôm qua là bà Kim Yo-jong đích thân chuyển lời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc qua Bình Nhưỡng họp thượng đỉnh. Có thể nói, chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn Bắc Triều Tiên đã gặt hái thành công về phương diện ngoại giao và truyền thông.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias nhận định :

"Đệ Nhất Tiểu Muội" của Bắc Triều Tiên kết thúc vào tối nay chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài ba ngày. Chuyến công du lịch sử đó - lần đầu tiên trong vòng 70 năm nay của một thành viên của gia đình cai trị miền Bắc - có thể được coi là một thành công về ngoại giao và truyền thông đối với chế độ Bình Nhưỡng.

Giới truyền thông và công chúng Hàn Quốc như đã bị bà Kim Yo-jong cuốn hút. Nụ cười bí ẩn luôn nở trên môi cũng như bộ trang phục rất giản dị của bà đã được soi rọi kỹ lưỡng mỗi khi bà xuất hiện trước công chúng, chẳng hạn như nhân bữa ăn trưa với tổng thống Hàn Quốc hoặc nhân trận đấu khúc côn cầu của đội tuyển nữ Triều Tiên thống nhất.

Dù bị Mỹ trừng phạt do vai trò của bà trong những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, người phụ nữ trẻ đã được tiếp đón ở Hàn Quốc với mọi nghi thức long trọng. Bà đã kết thúc chuyến thăm với một bữa tiệc trưa do thủ tướng Hàn Quốc khoản đãi và một buổi hòa nhạc tại Seoul do một dàn nhạc Bắc Triều Tiên biểu diễn.

Ở phía đối diện, Hoa Kỳ đã bị thua trong trận chiến truyền thông. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence - cũng ghé thăm Hàn Quốc - đã cố nhắc lại tội trạng của chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng việc ông khăng khăng từ chối gặp đại diện Bắc Triều Tiên đã bị nhiều người cho là phản tác dụng.

Về phần mình, tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa trả lời đề nghị họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Ông cố tránh làm mích lòng đồng minh Mỹ rất đa nghi, và nói rằng cần phải hội đủ các điều kiện cần thiết. Thế nhưng ông được cho là sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng với miền Bắc thông qua đối thoại và đàm phán.

Trọng Nghĩa

********************

Kim Yong-nam, vị chủ tịch "bù nhìn" của Bắc Triều Tiên là ai ? (RFI, 10/02/2018)

Đây là câu hỏi của báo Les Echos đăng trên mạng ngày 09/02/2018. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Kim Yong-Nam đại diện cho Bắc Triều Tiên đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Ở tuổi 90, sự trường tồn của ông dưới ba đời lãnh đạo họ Kim là một ngoại lệ.

pyeong6

Ông Kim Yong-nam (P) Chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và Kim Yo-jong (G), em gái lãnh đạo Kim Jong-un, tại phòng tiếp khách ở sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 Reuters

Từ 65 năm qua, ông là chủ tịch Quốc Hội tại một đất nước thường xuyên chiếm trang nhất các báo phương Tây. Ấy vậy mà tên của Kim Yong-nam, và ngay cả chức vụ của ông, cho đến giờ hầu như không ai biết đến.

Tháng Hai này, ông Kim Yong-nam tròn 90 tuổi. Và tuần nay, ông đã gần như thoát khỏi chiếc vỏ bọc ẩn danh khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang. Điều chưa từng có đối với một lãnh đạo cao cấp như thế của chế độ Bình Nhưỡng.

Về mặt chính thức, ông dẫn đầu đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang. Dù rằng trên thực tế, trưởng đoàn thật sự mới chính là Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là đại diện đầu tiên của dòng họ Kim bước qua biên giới kể từ năm 1950.

Đời thứ ba dòng họ Kim

Theo Seoul, Kim Yong-nam sinh năm 1928. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành, rồi có bằng Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Moskva năm 1953. Sau đó, ông làm việc cho Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng và từ đó bắt đầu lên từng cấp bậc để cuối cùng nắm giữ vị trí lãnh đạo Ban Đối Ngoại từ năm 1972.

Năm 1983, Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng, bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Mười lăm năm sau, ông được Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) nâng cấp, bổ nhiệm làm chủ tich đoàn chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao – tức Quốc Hội Bắc Triều Tiên – một nghị viện do độc đảng kiểm soát. Với chức danh này, Kim Yong-nam được coi là chủ tịch nước, một chức vụ mang tính danh dự. 

Do vậy, chính ông là người ký thư ủy nhiệm cho các đại sứ Bắc Triều Tiên và là người tiếp các sứ giả ngoại quốc. Công việc này rất có ích cho ông Kim Jong-il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay vì ông Kim Jong-il nổi tiếng là người tránh các tiếp xúc với các quan chức nước ngoài. Và hiện nay, Kim Jong-un là đời lãnh đạo thứ ba của triều đại họ Kim mà ông phục vụ.

Nhân vật thứ hai trong nghi thức lễ tân

Ông cũng đã nhiều lần đại diện cho Bắc Triều Tiên trong các sự kiện quốc tế, như Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 và Mùa Đông Sochi ở Nga năm 2014, trước kỳ thế vận Pyeongchang năm nay, cũng như là nhân dịp lễ nhậm chức tổng thống của ông Hassan Rohani tại Iran vào tháng 8/2017.

Tuy vậy, thật khó đánh giá tầm ảnh hưởng chính trị của ông. Chính Kim Jong-un mới là Lãnh đạo tối cao của chế độ và là người nắm quyền lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên, với chức vụ chủ tịch Đảng.

Yang Moo-jin, thuộc trường Đại học Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên nhấn mạnh là trong các hoạt động lễ hội, các cơ quan truyền thông chính thống của Bắc Triều Tiên nêu tên các lãnh đạo hiện nay thì tên của Kim Yong-nam "luôn được đặt ngay sau tên của Kim Jong-un. Điều đó có nghĩa ông là nhân vật số hai trong hàng ngũ Đảng".

"Chiếc máy ghi âm"

Nhưng làm thế nào ông có thể sống sót lâu đến thế trên thượng tầng lãnh đạo tại một đất nước thường xuyên diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu ? Kim Jong-un đã không ngần ngại trừ khử người chú dượng Jang Song-thaek vì tội phản quốc năm 2013, và gần đây nhất là người anh cùng cha khác mẹ Kim Yong-nam tại sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017.

Nhưng Kim Yong-nam, vốn không thuộc dòng dõi triều đại lãnh đạo họ Kim, đã tránh được số phận đó. Đối với các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, "cụ già 90 tuổi" này có thể sống sót được nhờ vào sự khôn khéo cũng như là sự tận tụy. Chuyên gia Yang Moo-jin giải thích tiếp : "Ông ấy chưa bao giờ bị xem như là một mối đe dọa cho chế độ. Đó là một nhà kỹ trị nhã nhặn luôn trung thành đi theo các chỉ thị của lãnh đạo".

Tại Hàn Quốc, giới chuyên gia đã đặt cho ông Kim Yong-nam biệt danh là "Chiếc máy ghi âm", bởi vì theo ông Yang Moo-jin "ông ấy luôn lặp lại như là một con vẹt những gì lãnh đạo tối cao nói".

RFI tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)