Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì sao Kim Yo-jong giận Hàn Quốc và Việt Nam giúp được gì ?

BBC tiếng Việt, 20/06/2020

Có một số giải thích thái độ hung hăng của Bắc Hàn gần đây, mà trong đó một yếu tố có thể là nhằm tăng uy tín bà Kim Yo-jong trong quân đội, theo một số đánh giá.

bachan1

Những ngày tay bắt mặt mừng giữa hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc Hàn nay đã thành dĩ vãng

Mới nhất ngày 17/6 Bắc Hàn giật nổ tung tòa nhà văn phòng liên lạc, một hình ảnh mang tính biểu tượng đặt ở vùng gần biên giới với Nam Hàn, được mở hồi 2018.

Trong lúc đó, quân đội Bắc Hàn nói sẽ đưa binh lính tới vùng phi quân sự ở dọc biên giới.

Hôm 19/6 Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết đã phê chuẩn đơn xin từ chức của Bộ trưởng Thống nhất Kim Yeon-chul.

Bộ trưởng Kim đã nhận mọi trách nhiệm liên quan đến quan hệ liên Triều.

Truyền thông nhà nước Bắc Hàn đăng bài cáo buộc Nam Hàn vi phạm các thỏa thuận đã ký hồi 2018 và hành xử như một "con chó lai", trong lúc em gái của ông Kim Jong-un thì gọi tổng thống của Nam Hàn là "kẻ bợ đỡ" Mỹ.

bachan2

Truyền thông Bắc Hàn công bố hình ảnh vụ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều

Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của trang The Diplomat, vừa ra mắt cuốn sách về Bắc Hàn, Kim Jong-un and the Bomb : Survival and Deterrence in North Korea (2020).

Trả lời BBC News tiếng Việt, ông Ankit Panda ghi nhận việc truyền thông Bắc Hàn đã tiết lộ hai việc khiến họ giận dữ.

"Đầu tiên là nhiều tháng bực bội của Bắc Hàn vì tiến độ, mức độ trong hợp tác kinh tế liên Triều. Nó không thể tiến triển như Bình Nhưỡng mong muốn do trừng phạt quốc tế".

"Seoul đã cố làm hết cách giúp đỡ mà không vi phạm trừng phạt".

"Thứ hai, truyền thông Bắc Hàn cho biết họ xem việc các nhóm dân sự Hàn Quốc gửi tờ rơi là không thể chấp nhận".

Ông Ankit Panda cũng đặt dấu hỏi liệu các biến cố gần đây có nhằm tăng hình tượng của bà Kim Yo-jong, em gái của lãnh tụ Kim Jong-un.

"Có những khả năng khác mà chúng ta chưa hiểu hết, ví dụ việc nâng vị trí của Kim Yo-jong trong hệ thống chính trị".

"Các hành động mới đây có vẻ nhằm làm tăng uy tín của bà ấy trong mắt quân đội ở Bắc Hàn".

Tháng Hai năm 2019, bà Kim Yo-jong tháp tùng Kim Jong-un tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc Hà Nội được chọn là nơi tổ chức hội nghị được đánh giá là thể hiện vai trò của Việt Nam với quốc tế.

Khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hy vọng Việt Nam góp phần kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy vậy hội nghị lần hai ở Hà Nội không đem lại kết quả nào.

Sự khác biệt quá lớn giữa Bắc Hàn và thế giới khiến cho nỗ lực dàn xếp của các nước như Việt Nam chỉ hạn chế, theo ông Ankit Panda.

"Vai trò của Hà Nội khi tổ chức hội nghị lần hai là đáng nể và có ích, nhưng trở ngại căn bản giữa Mỹ và Bắc Hàn quá lớn để Việt Nam có thể giúp giải quyết".

"Bắc Hàn và Hoa Kỳ có khác biệt căn bản về mục đích của hoạt động ngoại giao giữa hai bên".

bachan3

Kim Yo-jong

Hiện nay các trừng phạt do Mỹ đứng đầu vẫn đang tồn tại, bao vây kinh tế khó khăn của Bắc Hàn.

Joseph Yun, cựu đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Hàn, giải thích cho CNN : "Người Bắc Hàn rất thất vọng khi ngoại giao với Hoa Kỳ và Nam Hàn đã không đem lại điều họ hứa hẹn cho nhân dân Bắc Hàn…tiêu chuẩn sống cao hơn".

Ông Yun nói chính quyền Bắc Hàn cảm thấy "cần giải thích cho người dân vì sao sáng kiến ngoại giao lại chả đem lại cái gì".

Nhiều người nhận định chính phủ Nam Hàn dưới thời tổng thống Moon Jae-in rất muốn hỗ trợ Bắc Hàn để thúc đẩy hợp tác.

Nhưng hiện tại các lựa chọn của Seoul cũng hạn chế. Gần như mọi thứ mà Bình Nhưỡng muốn có đều bị cản trở vì trừng phạt của Washington.

Nam Hàn nói họ vẫn bỏ ngỏ khả năng đối thoại, nhưng lên án các hành động của Bắc Hàn là vô nghĩa và gây tổn hại.

Căng thẳng tăng vọt trong những tuần gần đây, một phần từ việc các nhóm đào tẩu người Bắc Hàn ở Nam Hàn gửi tờ rơi tuyên truyền sang bên kia biên giới.

Truyền thông Bắc Hàn cáo buộc miền Nam "vi phạm và hủy hoại một cách có hệ thống" các thỏa thuận đã ký hồi 2018, và so sánh Bộ Quốc phòng Nam Hàn với "một con chó lai sợ hãi" đang "khoác lác và chơi trò tháu cáy, nói năng biến báo và tạo ra bầu không khí đối đầu".

Những động thái của Bắc Hàn mới đây có vẻ như nhận lệnh trực tiếp của bà Kim Yo-jong.

Evans Revere, một cựu chuyên gia của Bộ ngoại giao Mỹ, phân tích với CNN : "Không ngày nào lại không có tờ báo đăng tuyên bố và hình ảnh của bà ta".

Một điểm bí ẩn là mặc dù hình ảnh Kim Yo-jong trở nên nổi bật, thì lãnh tụ Kim Jong-un có vẻ mất hút.

Ông Kim Jong-un hôm 1/5 đã xuất hiện tại một buổi lễ sau khi biến mất khỏi các sự kiện trong 20 ngày.

Nhưng từ sau đó, ông vắng bóng trên truyền thông nhà nước.

Thực sự vị lãnh tụ đang ở đâu, sức khỏe thế nào vẫn là điều bí ẩn.

Trong khi đó báo chí nhà nước Bắc Hàn tiếp tục đăng bài phê phán Nam Hàn.

Ngày 19/6, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đăng các bài nói người dân Bắc Hàn "sung sướng và nhẹ nhõm" khi chứng kiến cảnh Văn phòng liên lạc chung liên Triều sập xuống.

**********************

Liên Triều : Bắc Triều Tiên đưa nhiều toán quân nhỏ đến vùng giới tuyến

RFI, 21/06/2020

Từng nhóm binh sĩ Bắc Triều Tiên từ 5, 6 người đến một tiểu đội tiếp tục đến tăng cường cho lực lượng biên phòng. Họ trang bị lưỡi hái và xẻng như để làm công tác dọn cỏ. Trong bối cảnh bực tức vì truyền đơn gửi từ phương nam qua biên giới, Bình Nhưỡng đe dọa trả thù cũng như sẽ bố trí quân ở khu công nghiệp Keasong và khu du lịch Kumgang. Seoul thận trọng theo dõi diễn biến tình hình.

bac1

Vùng biên giới giữa hai miền Triều Tiên, gần 300 cây số phía đông bắc Seoul © - Reuters /Yonhap

Theo bản tin của Yonhap ngày 21/06/2020, sau khi tuyên bố Hiệp định làm giảm căng thẳng biên giới ký kết vào năm 2018 "đã chết", có thể Bình Nhưỡng chuẩn bị tái lập các đồn biên giới đã phá hủy. Từ nhiều ngày qua, Hàn Quốc phát hiện nhiều toán binh sĩ Bắc Triều Tiên được đưa đến biên giới cùng với dụng cụ dọn cỏ khai hoang.

Cùng lúc đó, ít nhất hai khẩu đại bác của Bắc Triều Tiên ở vùng duyên hải có tầm bắn đến làng mạc Hàn Quốc ở bờ biển phía nam đã được tháo bao che nòng.

Yonhap tìm hiểu với chính quyền Seoul và được một nguồn tin "xin ẩn danh" xác nhận. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng nói nước đôi : Các hành động trên đây có thể là bất bình thường cần phải theo dõi nhưng cũng có thể là bình thường trong quân đội.

Trên thực tế, theo Yonhap, quân đội Hàn Quốc cho biết luôn luôn theo dõi mọi động thái bên kia vĩ tuyến 38 và sẵn sàng trả đũa đích đáng mọi hành động khiêu khích.

Cũng trong chiều hướng tăng cường phòng thủ, bộ Thống Nhất Hàn Quốc gọi thầu lập lá chắn, bảo vệ các cơ quan của bộ, chống bị tấn công mạng. Chương trình cải tiến hệ thống chống tin tặc Bắc Triều Tiên dự trù được hoàn tất trong 6 tháng với ngân sách khoảng 265.000 đô la. Cách nay một năm, hệ thống vi tính của bộ Thống Nhất Hàn Quốc bị tin tặc khống chế, mạo danh gửi thông tin giả đến các phóng viên, nhà báo ...

Tú Anh

*********************

Bình Nhưỡng chuẩn bị thả hàng loạt truyền đơn sang trả đũa Seoul

RFI, 20/06/2020

Hãng tin chính thức KCNA hôm nay 20/06/2020 loan báo Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thả hàng loạt truyền đơn sang Hàn Quốc để trả đũa, trong bối cảnh căng thẳng đang tăng lên trên bán đảo Triều Tiên những ngày gần đây.

bac2

Những chai nhựa đựng gạo và khẩu trang mà nhóm người Bắc Triều Tiên đào thoát sẽ gởi ra miền Bắc. Ảnh chụp tại Seoul ngày 18/06/2020. Reuters - Kim Hong-Ji

Tờ báo nhà nước Bắc Triều Tiên Rodong Sinmun đăng hình những tờ truyền đơn với ảnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bị bôi đầy những tàn thuốc và mẩu thuốc lá, hoặc với những bình luận mỉa mai.

Bình Nhưỡng vô cùng tức giận trước những truyền đơn do người Bắc Triều Tiên đào thoát gởi sang biên giới, chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng về vi phạm nhân quyền cũng như tham vọng nguyên tử. Những truyền đơn này được cột vào các quả bóng, hoặc cho vào chai cùng với gạo và khẩu trang để thả sang vùng biển biên giới.

Bắc Triều Tiên gần đây đã cho nổ sập văn phòng liên lạc ở Kaesong, gần biên giới hai miền, biểu tượng cho quan hệ liên Triều, đồng thời đe dọa tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, tuần này đã chỉ trích gay gắt tổng thống Hàn Quốc. Seoul đã đáp trả với lời lẽ nghiêm khắc một cách bất thường, khẳng định "sẽ không dung thứ những phát ngôn và hành động quá đáng" của Bình Nhưỡng.

Theo các nhà phân tích, có thể Bắc Triều Tiên gây áp lực nhằm buộc Hàn Quốc phải có những nhượng bộ

Hai oanh tạc cơ Mỹ bay gần Bắc Triều Tiên

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn từ cơ quan theo dõi không lưu Aircraft Spots và Không quân Mỹ cho biết hai oanh tạc cơ B-52H của Mỹ hôm qua 19/06 đã bay ngang phía bắc Nhật Bản, sau khi tham gia cuộc tập trận chung tại Biển Hoa Đông. Đây là lần thứ hai trong tuần này Hoa Kỳ điều máy bay ném bom chiến lược đến gần bán đảo Triều Tiên. như trên.

Aircraft Spots còn cho biết trước đó vào thứ Tư 17/06, một phi cơ do Kim Jong-un sử dụng từ Bình Nhưỡng đã bay về hướng đông. Như vậy có thể ông Kim đến vùng duyên hải để chỉ đạo những hoạt động khiêu khích, chẳng hạn lại cho phóng hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm.

Thụy My

Published in Châu Á
lundi, 27 avril 2020 00:52

Ai sẽ thay thế Kim Jong-un ?

Bắc Triều Tiên : Em gái Kim Jong-un có thể là "người kế nghiệp"

Thu Hằng, RFI, 29/04/2020

Theo báo cáo phân tích của NARS, được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn, về phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Quốc hội Bắc Triều Tiên mới nhất (ngày 12/04), "việc Kim Yo-jong được bầu lại làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị đảng Lao Động sẽ giúp tăng cường quyền lực của dòng dõi Paektu (tức gia tộc họ Kim)". Dấu hiệu thứ hai là các hoạt động của Kim Yo-jong từ đầu năm, như thay thế anh trai Kim Jong-un soạn các tuyên bố gửi đến Mỹ và Hàn Quốc, cho thấy "vai trò trung tâm trong đảng" của bà Kim Yo-jong.

kim1

Bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trong một lần gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (Ảnh do khu công nghiệp A công bố ngày 10/02/2018, nhưng không ghi ngày). khu công nghiệpA/via Reuters

Em gái của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên được chú ý nhiều hơn từ khi xuất hiện các tin đồn về lãnh đạo tối cao Kim Jong-un lâm bệnh nặng. Bộ phận nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc dự báo, nếu có chuyện kế nhiệm, thì việc này không xảy ra ngay lập tức, mà sẽ diễn ra một quá trình bổ nhiệm chính thức, "sau khi chủ tịch (Hội đồng Nhà nước) Kim Jong-un trở về" Bình Nhưỡng.

Trước đó, ngày 28/04, bộ Thống Nhất Hàn Quốc bác những tin đồn về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho rằng đó là những "thông tin sai lệch" và "bị bóp méo" và nhấn mạnh không có dấu hiệu bất thường nào ở Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc cho rằng có lẽ ông Kim Jong-un đi Wonsan để tránh virus corona.

Hồi năm ngoái 2019, từng có tin đồn về việc bà Kim Yo-jong bị kỷ luật, sau khi em gái Kim Jong-un không xuất hiện trước công chúng trong hai tháng liền, tiếp theo thượng đỉnh Hà Nội Trump - Kim tháng 2/2019. 

Thu Hằng

******************

Kim Yo-jong, người có thể kế nhiệm Kim Jong-un, là ai ?

Jon Herskovitz & Kanga Kong, Nghiên cứu quốc tế, 27/04/2020

Trong tất cả các thành viên gia đình có thể thay thế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, em gái ông dường như là sự lựa chọn rõ ràng nhất.

kim01

Kim Yo-jong, mới hơn 30 tuổi, đã ở cạnh anh trai mình trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngồi sau Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi đại diện cho Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông năm 2018, và trở thành thành viên trực hệ đầu tiên của gia đình họ Kim đến thăm Seoul, nơi cô gửi một thư riêng của anh trai mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới dự một hội nghị thượng đỉnh.

Trở ngại tiềm tàng lớn nhất là việc cô là một phụ nữ trong một xã hội bị đàn ông kiểm soát chặt chẽ. Trong khi nhiều người theo dõi Triều Tiên nói rằng huyết thống quan trọng hơn giới tính, những người khác lại nghi ngờ điều đó.

"Vai trò của Yo-jong có thể sẽ chỉ tối đa là một đại thần nhiếp chính" do chế độ gia trưởng phong kiến của Triều Tiên, theo lời Yoo Ho-yeol, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc và trước đây là cố vấn cho Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. "Không chỉ tầng lớp lãnh đạo do đàn ông thống trị mà cả những người dân bình thường cũng sẽ chống lại một nhà lãnh đạo nữ".

Câu hỏi liệu Kim Yo-jong có trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Triều Tiên hay không đột nhiên trở thành mối quan tâm chủ chốt khi các nghi ngờ về sức khỏe của anh trai cô tăng lên. Kim Jong-un đã không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước trong hai tuần qua, làm xuất hiện một loạt các báo cáo cho rằng ông có thể đang bị bệnh nặng.

Triều đại họ Kim đã cai trị Triều Tiên trong ba thế hệ kể từ khi được thành lập sau Thế chiến II, khi Liên Xô và Hoa Kỳ chia nhau quyền kiểm soát Bán đảo Triều Tiên. Trong thời gian đó, họ đã xây dựng một trong những chế độ sùng bái cá nhân mạnh nhất thế giới - tuyên bố tính chính danh cho chế độ độc tài dựa vào huyết thống được cho là xuất phát từ ngọn núi thiêng Paektu gần biên giới với Trung Quốc.

Khi Kim Jong-un lên nắm quyền sau cái chết của cha mình năm 2011, câu hỏi lớn là liệu một nhà lãnh đạo ở độ tuổi 20 có thể cai trị một quốc gia luôn coi trọng thâm niên hay không. Ông ta sớm khẳng định quyền lực của mình đối với các tướng lĩnh lớn tuổi và loại bỏ các đối thủ tiềm tàng : Ông đã xử tử người dượng và phó tướng một thời của mình, Jang Song-thaek, và bị nghi ngờ đã ra lệnh ám sát người anh cùng cha khác mẹ đang lưu vong của mình là Kim Jong-nam ở Malaysia.

Theo nhiều cách, Kim Yo-jong - người đã làm việc gần một thập niên trong bộ máy nhà nước - đã được chuẩn bị tốt hơn anh mình để đảm nhận vai trò lãnh đạo hàng đầu. Cô cũng có thể gây một sự ngạc nhiên tương tự cho bất kỳ ai nghi ngờ khả năng điều hành đất nước của mình, theo Soo Kim, một nhà phân tích chính sách tại Rand Corp, chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan Bán đảo Triều Tiên.

‘Bắt đầu và kết thúc’

"Tôi không nghĩ rằng cô ấy cần phải lo lắng về việc được thừa nhận vai trò lãnh đạo từ người dân Triều Tiên nhờ vào dòng máu gia đình họ Kim của cô ấy", Soo Kim nói. "Số phận của Triều Tiên bắt đầu và kết thúc cùng gia đình họ Kim".

Những người thừa kế nam tiềm năng khác của nhà họ Kim đều trẻ hơn hoặc ít kinh nghiệm hơn. Anh trai Kim Jong-chol không có chức danh chính thức nào và dường như thích chơi guitar hơn làm chính trị, trong khi cháu trai Kim Han-sol đã tố cáo chế độ và được cho là đang sống ở nước ngoài.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Kim Jong-un có một cậu con trai 10 tuổi, nhưng không có đứa con nào của ông được nhắc đến chính thức trên truyền thông nhà nước. Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ của Triều Tiên tại London, người đã đào thoát sang Hàn Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng một người kế vị tiềm năng là Kim Pyong-il, người con trai duy nhất còn sống của người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), ông đã về nước năm ngoái sau bốn thập niên làm cán bộ ngoại giao ở nước ngoài.

"Những người đang phục vụ Kim Jong-un đều thuộc thế hệ đầu tiên ở độ tuổi 60 đến 80, do đó họ có ít nhất một khoảng cách 30 tuổi so với Yo-jong. Trong mắt họ, Yo-jong chỉ hàng con cháu", Thae nói. Lập luận tương tự cũng được đưa ra khi Kim Jong-un lên nắm quyền, nhưng vấn đề tuổi tác không ngăn cản sự vươn lên nắm quyền kiểm soát của ông đối với các quan chức lớn tuổi.

Dù thế nào đi nữa, Kim Yo-jong vẫn là người thừa kế nổi bật nhất. Theo một cuốn tiểu sử về Kim Jong-un có tựa đề "Người thừa kế vĩ đại" của Anna Fifield, cô sinh năm 1988 hoặc 1989, từng là một cô gái mũm mĩm má phính, yêu nhảy múa và được gọi là "công chúa Yo-jong" bởi cha cô, cố lãnh đạo Kim Jong-il. Cô đã cùng anh trai theo học tại một trường ở Bern, Thụy Sĩ, cho đến khoảng năm 2000, trước khi về học ở Triều Tiên.

Gia tăng uy tín

Sự xuất hiện của cô bên cạnh anh trai mình vào lúc cha họ qua đời giúp công chúng Triều Tiên biết cô là một phần của dòng máu Paektu. Cô sớm có một vị trí trong Ban Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động, nơi cô chịu trách nhiệm quản lý hình ảnh cho anh mình trên phương tiện truyền thông nhà nước - một vị trí đăng tương tự như vị trí của cha cô trước khi ông được chọn làm người kế vị.

Cô dần dần vươn lên và trở thành một người thân tín gần gũi hơn với anh mình, đi cùng anh trai trong các chuyến thị sát nhà máy, trang trại và các đơn vị quân đội. Sau đó, sự xuất hiện trên trường quốc tế, bao gồm các nhiệm vụ đơn giản như giúp anh mình dập điếu thuốc đang hút dở trong một lần dừng tàu ở Trung Quốc, cũng giúp củng cố vị thế của cô.

"Một khi Kim Yo-jong đã lên được tầm này, cô ấy không còn được coi là một người phụ nữ nữa mà là một nhà lãnh đạo thừa hưởng tính chính danh để cai trị hơn so với những người khác", theo lời Chun Yung-woo, cựu đặc phái viên của Hàn Quốc tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân quốc tế với Triều Tiên. "Triều Tiên chắc chắn là một trong những xã hội trọng nam khinh nữ nhất thế giới, nhưng huyết thống cùng với vị thế trong Đảng Lao động Triều Tiên có thể giúp bù đắp cho vấn đề giới tính".

Ảnh hưởng của Kim Yo-jong đã được thể hiện vào tháng trước khi cô đích thân trả lời thư của Trump đề nghị hỗ trợ chống Covid-19. Trong một tuyên bố của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên, cô nói rằng mối quan hệ thân thiết giữa Trump và anh trai không đủ để giải quyết sự khác biệt giữa hai kẻ thù lâu đời - điều mang lại một cái nhìn thoáng qua về cách cô sẽ xử lý mối quan hệ Mỹ - Triều nếu lên nắm quyền.

‘Hùng mạnh hơn’

"Chúng tôi cố gắng hy vọng vào ngày mà mối quan hệ song phương sẽ tốt đẹp như mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng cần thời gian và theo dõi thêm để biết liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không", cô nói. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bao giờ mất hoặc lãng phí thời gian cho những điều vô ích, mà sẽ tiếp tục thay đổi bản thân để trở nên hùng mạnh hơn trong thời gian đó giống như cách chúng tôi đã làm trong hai năm qua".

Kim Hong-gul, con trai út của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và là một nghị sĩ mới đắc cử, cho biết Kim Yo-jong trông có vẻ kiểm soát tình hình khi một phái đoàn từ Seoul đến thăm Bình Nhưỡng tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước hồi năm 2018.

"Tôi nhìn thấy từ xa, tại sân bay khi chúng tôi vừa đến và tại bữa tiệc ở Bình Nhưỡng, Yo-jong tỉ mẫn quản lý mọi thứ gần anh trai mình", Kim Kim-gul nói. "Có vẻ cô ấy là người phụ trách giám sát tại chỗ".

Trên giấy tờ, không có gì ngăn một phụ nữ lên nắm quyền ở Triều Tiên, mặc dù quốc hội của họ đa phần là đàn ông lớn tuổi - cho thấy đây là một trong những quốc gia ít phụ nữ làm chính trị nhất trên thế giới. Hiến pháp nói rằng "phụ nữ có địa vị xã hội và các quyền bình đẳng với nam giới".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích không nghĩ Kim Yo-jong có thể kiểm soát các tướng lĩnh, những người chỉ huy chương trình vũ khí hạt nhân, điều mà nhiều người ở Bình Nhưỡng cho là thanh bảo kiếm bảo vệ họ chống lại sự thay đổi chế độ thông qua chiến tranh từ Mỹ. Ra Jong-yil, cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng nhiều khả năng đất nước này sẽ được điều hành bởi một chính quyền quân sự hơn là bởi Kim Yo-jong.

Kiểm soát cuộc chơi

Lee Byong-chul, cựu cố vấn của tổng thống Hàn Quốc về các vấn đề an ninh quốc gia, hiện là giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, nói rằng "hầu như không thể tưởng tượng được việc có một nữ lãnh đạo nữ ở Triều Tiên". Ông đặt câu hỏi liệu cô ta có thể kiểm soát được các vị tướng già nếu không có ảnh hưởng từ anh trai mình hay không, và suy đoán nhiều khả năng là người chú Kim Pyong-il hoặc Chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Choe Ryong-hae sẽ tiếp quản vai trò lãnh đạo.

Tuy nhiên, "hệ thống sùng bái cá nhân" của Triều Tiên khiến việc để một thành viên gia đình họ Kim lãnh đạo trở nên cần thiết, và Kim Yo-jong "đã cho thấy cô ta biết cách thực hiện quyền hành", theo Lee Sung-yoon, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts ở Massachusetts.

"Những vị tướng có ảnh hưởng đều có lợi ích trong việc bảo vệ quyền lực của mình và họ hiểu rằng quyền lực đó chảy qua gia đình họ Kim", ông nói. "Cô ta sẽ có thể nắm giữ quyền lực thông qua sự pha trộn giữa khủng bố và việc thăng chức cho họ. Cô ta biết cách kiểm soát trò chơi của mình".

Jon Herskovitz & Kanga Kong

Nguyên tác :"Will a Woman Run North Korea ? Kim’s Sister Outshines Male Rivals", Bloomberg, 26/04/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/04/2020

******************

Bắc Triều Tiên : Em gái Kim Jong-un có khả năng kế nhiệm anh trai ?

Mai Vân, RFI, 27/04/2020

Theo những tin đồn đoán càng lúc càng nhiều từ vài ngày nay, tình trạng sức khỏe của lãnh đạo Bắc Triều Tiên rất nghiêm trọng và vấn đề thừa kế đang được đặt ra. 

kim02

Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, cầm bó hoa trong buổi lễ tiếp đón tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, ngày 01/03/2019. AFP - LUONG THAI LINH

Ngay từ hôm 23/04/2020, khi các thông tin về sức khỏe của Kim Jong-un mới xuất hiện trên báo chí Mỹ và Hàn Quốc, nhật báo công giáo Pháp La Croix đã đặt ngay câu hỏi "Ai có thể kế nhiệm Kim Jong-un ?" và cho rằng hiển nhiên đó là cô em gái 33 tuổi Kim Yo-jong của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Khả năng này càng lúc càng được nhiều quan sát viên gợi lên. Điều mà tất cả các quan sát viên nghiêm túc ghi nhận cho đến lúc này là việc xác minh các thông tin trong một chế độ nổi tiếng là khép kín như Bắc Triều Tiên là một điều bất khả.

Kim Jong-un "chết", "sống thực vật" hay đang dưỡng bệnh ?

Báo Hàn Quốc Korea Herald ngày 26/04 điểm qua một số tin đồn theo đó ông Kim Jong-un đang lâm vào tình trạng "sống thực vật", thậm chí là "đã chết", để kết luận rằng không thể nào xác minh được các thông tin đó.

Theo tờ báo Hàn Quốc, phó giám đốc của một đài truyền hình vệ tinh Hồng Kông, trích dẫn một "nguồn tin rất chắc chắn", đã nói thẳng rằng ông Kim Jong-un đã chết. Tại Nhật Bản, tạp chí Shukan Gendai loan tin rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện đang "sống trong trạng thái thực vật" sau khi được phẫu thuật tim hồi đầu tháng Tư và không thể hồi phục. Ngay tại Hàn Quốc, tuần báo Weekly Chosun cũng đưa tin ông Kim Jong-un đang hôn mê. Riêng chính quyền Hàn Quốc hôm 26/04 khẳng định rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn "còn sống và khỏe mạnh".

Dĩ nhiên là không một nước nào xác nhận các thông tin kể trên, trong lúc phản ứng cố hữu của chính quyền Bình Nhưỡng là hoàn toàn im lặng, kể cả khi một trang web nghiêm túc của Mỹ là 38 North công bố ảnh vệ tinh cho thấy đoàn tàu mà ông Kim Jong-un thường dùng khi đi xa được phát hiện ở thành phố biển Wonsan ở miền đông Bắc Triều Tiên.

Toàn cảnh mập mờ kể trên càng lúc càng làm dấy lên vấn đề kế nhiệm trong dòng họ Kim. Đối với chuyên gia Pháp về Bắc Triều Tiên Juliette Morillot, được báo La Croix trích dẫn, khả năng ông Kim Jong-un bệnh nặng là điều hoàn toàn có thể xẩy ra : "Ai cũng biết là sức khỏe của Kim Jong-un không tốt, ông ấy béo phì, bị tiểu đường, lại hút thuốc, uống rượu. Có thể là ông đã bị giải phẫu tim và đang dưỡng bệnh ở tư dinh tại Wonsan, nhưng đây là điều chưa thể xác minh".

Nếu Kim Jong-un không thể tiếp tục lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ai là người có thể lên thay. Về câu hỏi này, chuyên gia Morillot khẳng định rằng người đầu tiên mà bà nghĩ đến là Kim Yo-jong, cô em gái của đương kim lãnh đạo.

La Croix cũng nhắc lại một thông tin của tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun, ngày 22/04, theo đó Kim Yo-jong dường như đã được Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động chính thức đề cử là người thừa kế từ tháng 12/2019. Thế nhưng, tờ báo không cho biết thêm chi tiết.

Tại Bắc Triều Tiên, tiêu chí huyết thống là tối quan trọng

Hai yếu tố tuổi tác và giới tính có thể bất lợi cho Kim Yo-jong nhưng theo La Croix, ở Bắc Triều Tiên, tính chính đáng về dòng họ quan trọng hơn cả.

Kim Jong-un hiện có hai người con, nhưng còn quá nhỏ để kế thừa. Ông cũng có một người anh tên là Kim Jong-chol, hiện nắm những chức vụ cao ở thượng tầng nhà nước, nhưng nhân vật này có dấu hiệu không mấy hứng thú với việc thừa kế. Aidan Foster-Carter, thuộc hãng tin NK News chuyên về Bắc Triều Tiên, phân tích : "Trong tình hình khẩn cấp và khi mà Kim Jong-un muốn chế độ tiếp tục tồn tại, Kim Yo-jong là bảo đảm tốt nhất".

Nhân vật trước đây ở trong bóng tối đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng nhân đám táng của người cha Kim Jong-il vào tháng 12/2011 và đã nổi bật trước truyền thông thế giới nhân cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên đầu tiên vào năm 2018 ở Singapore.

Chuyên gia Pháp Juliette Morillot tiết lộ thêm là cô em gái Kim Yo-jong của lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng học ở Thụy Sĩ, nói được nhiều thứ tiếng, đã kết hôn với con trai của Choe Ryong-hae, cánh tay mặt của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên từ năm ngoái. Kim Jong-un đã dựa vào em gái từ khi lên nắm quyền và cũng đã chuẩn bị cho cô nắm những chức vụ cao nhất trong guồng máy lãnh đạo.

Khả năng Kim Yo-jong lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng cũng được báo giới Đài Loan nêu bật. Tuy nhiên, trang tin Taiwan News ngày 23/04 cho biết là nhiều chuyên gia đã loại trừ khả năng một phụ nữ lên lãnh đạo một đất nước cộng sản do nam giới thống trị và có truyền thống Nho giáo mạnh mẽ.

Kim Yo-jong đã được dọn đường để lên làm lãnh đạo

Thế nhưng, cũng có nhiều chuyên gia khác ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy là người phụ nữ mới 32 tuổi trong triều đại nhà Kim đã được dọn đường để trở thành một nhà lãnh đạo tương lai.

Kim Yo-jong và Kim Jong-un được cho là đã có quan hệ gắn bó với nhau từ thời còn du học tại Thụy Sĩ từ năm 1996 đến năm 2000. Từ một cán bộ cơ sở trong đảng Lao động Triều Tiên năm 2007, từ khi anh trai cô trở thành lãnh đạo tối cao năm 2011, Kim Yo-jong đã được thăng chức đều đặn để trở thành nhân vật không thể thiếu, từ việc đại diện cho Bắc Triều Tiên tại Thế Vận Hội Mùa Đông PyeongChang 2018, cho đến những lần xuất hiện bên cạnh người anh trai trong các hội nghị thượng đỉnh, chẳng hạn như các cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore và Việt Nam.

Ở trong nước, vai trò của Kim Yo-jong cũng ngày càng trở nên quan trọng. Chỉ mới tháng Ba vừa qua, Kim Yo-jong là người đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên đáp trả phản ứng của Hàn Quốc về việc Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Nhật báo Hàn Quốc Dong A-ilbo ngày 17/04 cũng ghi nhận khả năng Kim Yo-jong lên kế nhiệm Kim Jong-un, trong lúc hãng tin Anh Reuters ngày 26/04 đã trích lời một nhà nghiên cứu tại Seoul cho rằng, ngay cả khi "đế chế họ Kim" tôn trọng chế độ cha truyền con nối, thì trong trường hợp Kim Jong-un chết sớm, và một trong hai người con lên kế vị, thì Kim Yo-jong vẫn sẽ có một khoảng thời gian dài làm "nhiếp chính".

Mai Vân

Nguồn : RFI, 27/04/2020

Published in Diễn đàn

Quan hệ liên Triều sưởi ấm ngoạn mục nhưng mong manh (RFI, 12/02/2048)

Phái đoàn chính thức Bắc Triều Tiên đã trở về nước, sau ba ngày công du và dự lễ khai mạc TVH Pyeongchang tại Hàn Quốc. Câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ nồng thắm và những cử chỉ đầy thiện chí giữa Seoul và Bình Nhưỡng mang tính trình diễn bề ngoài, hay là một bước đột phá cả về ngoại giao lẫn chiến lược do Bình Nhưỡng chủ động ? Liệu tuần trăng mật này giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có lâu bền hay không ?

caoly1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) và Kim Yo-jong (G), em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un xem biểu diễn ca nhạc của đoàn văn công Bắc Triều Tiên, ngày 11/02/2018, tại Seoul.Yonhap via Reuters

Vắng mặt tại Pyeongchang nhưng Kim Jong-un lại là nhân vật được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều nhất từ trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 khai mạc. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi trên khán đài danh dự nhân lễ khai mạc Pyeongchang bên cạnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng lại không thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế cũng như ở Seoul bằng Kim Jong-un hay đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng liên Triều. Tại Washington, truyền thông Mỹ thậm chí còn bình luận : Kim Jong-un "đoạt huy chương vàng tại Pyeongchang".

Trên thực tế những động thái ngoại giao ngoạn mục liên tiếp diễn ra trong ba ngày qua tại Pyeongchang và Seoul đã được cả Hàn Quốc lẫn Bắc Triều Tiên chuẩn bị từ lâu trước đó.

Từ khi đắc cử tổng thống tháng 05/2017, ông Moon Jae-in nỗ lực biến Thế Vận Hội lần này thành một diễn đàn hòa bình với hy vọng nước láng giềng phương bắc "xuống thang". Về phía Bình Nhưỡng, từ nhiều tuần lễ qua, Kim Jong-un là người làm chủ tình thế, khi quyết định gửi một phái đoàn đến Pyeongchang và nhất là qua em gái, Kim Yo-jong, chuyển lời mời tổng thống Moon đến Bắc Triều Tiên khi "điều kiện cho phép".

Từ ngày 28/11/2017, Bình Nhưỡng tạm ngưng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Seoul thuyết phục được Washington lùi chiến dịch tập trận chung Mỹ - Hàn đến sau Thế Vận Hội.

Cộng đồng quốc tế đã không khỏi ngạc nhiên về "tiến độ" sưởi ấm quan hệ của hai nước trên bán đảo Triều Tiên, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, tinh thần yêu chuộng hòa bình này có lẽ khá "mong manh".

Bắc Triều Tiên giăng bẫy Moon Jae-in ?

Hình ảnh cô Kim Yo-jong chuyển thư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc bước qua phía bắc vĩ tuyến 38 và sự kiện em gái Kim Jong-un cùng dự một buổi lễ hòa nhạc bên cạnh tổng thống Moon Jae-in đã được truyền đi khắp thế giới. Nhưng theo giới quan sát, thiện chí đó của Bình Nhưỡng đẩy Seoul vào thế tiến thoái lưỡng nạn. Nhận lời mời của Bắc Triều Tiên, nắm bắt lấy bàn tay thân thiện của Kim Jong-un, thì coi như như phần nào tách rời khỏi Washington. Ngược lại, từ chối viếng thăm Bình Nhưỡng, thì có nghĩa là chôn vùi giấc mơ đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ai cũng biết, trong suốt sự nghiệp chính trị, tổng thống Moon Jae-in luôn theo đuổi mục tiêu hòa bình.

Tổng thống Moon sinh năm 1953 vào thời điểm chiến tranh liên Triều khép lại. Cha mẹ ông đã phải từ bỏ miền bắc để chuyển về miền nam sinh sống. Từ quá khứ ấy, tổng thống tương lai của xứ Hàn luôn chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng và làm hạ nhiệt tại bán đảo Triều Tiên.

Nhưng trên con đường đi tìm hòa bình đó, đương kim tổng thống Hàn Quốc gặp một trở ngại không nhỏ. Theo như ghi nhận của một chuyên gia Mỹ thuộc đại học Busan, Robert Kelly, Olympic Pyeongchang lần này "làm lộ rõ rạn nứt giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ". Đến nay, Washington một mực đòi Bình Nhưỡng phải có những "biện pháp cụ thể, tỏ thiện chí từ bỏ tham vọng hạt nhân". Chính quyền Trump xem đây là một "điều kiện tiên quyết" cho mọi kế hoạch đàm phán. Đó là chưa kể những tuyên bố với lời lẽ hung hăng của tổng thống Donald Trump nhắm vào Kim Jong-un, mà Bình Nhưỡng thì đã không bỏ lỡ cơ hội để lao vào các cuộc đấu khẩu hung hăng không kém.

Sự lạnh nhạt giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ - Hàn đã lộ rõ nhân lễ khai mạc Pyeongchang hôm 09/02 : phó tổng thống Pence rất lạnh lùng khi phái đoàn các vận động viên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bước vào sân vận động dưới cùng một lá cờ, và đã tránh né, khi tổng thống Hàn Quốc bắt tay chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và cô em gái của Kim Jong-un ngồi ở hàng ghế ngay phía sau phó tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân.

Trên đường trở về Mỹ, ông Pence đã tuyên bố với báo chí rằng, giữa Washignton và Seoul, "không hề có một vết rạn nứt nào" trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời nhấn mạnh đến ưu tiên duy trì "áp lực tối đa" đối với Bình Nhưỡng để đạt tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hy vọng thực sự cho bán đảo Triều Tiên ?

Trở lại với câu hỏi chính là liệu tình hình trong khu vực này có được hạ nhiệt một cách lâu dài hay không, các chuyên gia phương Tây về Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đưa ra nhiều quan điểm khác nhau.

Chuyên gia Mỹ, Robert Kelly, bi quan cho rằng, trước đây hai nước Triều Tiên từng "nối vòng tay lớn" chung quanh hai sự kiện văn hóa và thể thao, hợp tác cả trong lĩnh vực kinh tế qua khu công nghiệp Kaesong, và mối quan hệ đó có lợi cho Bình Nhưỡng. Chung cuộc, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục cuộc chạy đua võ trang để có vũ khí hạt nhân. Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi : liệu Kim Jong-un có còn hòa hoãn hay không sau Thế Vận Hội, khi mà Mỹ và Hàn quốc nối lại các cuộc thao diễn quân sự chung ở ngay sát cạnh cửa ngõ Bắc Triều Tiên ? Không nên quên rằng, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo là "một lá bùa hộ mệnh, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ trong tay gia đình họ Kim". Do vậy, chuyên gia này cho rằng, Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng được công nhân là một cường quốc hạt nhân.

Còn theo giáo sư Kim Byung-yeon, đại học quốc gia Seoul, thì không có phép lạ "để Bình Nhưỡng và Washignton thoát khỏi bế tắc hiện nay", vì Bắc Triều Tiên đòi hỏi quá nhiều, treo giá quá cao, mà Mỹ thì không sẵn sàng trả cái giá đó.

Chuyên gia Pháp, Juliette Morillot, lạc quan hơn khi cho rằng, "hai nước Nam và Bắc Hàn muốn đối thoại trực tiếp, làm chủ lại vận mệnh" của mình. Vấn đề đặt ra là liệu thiện chí đối thoại giữa Bình Nhưỡng với Seoul có còn tính thời sự khi Thế Vận Hội bế mạc hay không ? Đây là câu hỏi đáng giá ngàn vàng mà chưa một chuyên gia nào dám trả lời. Chỉ biết rằng, ngoại trưởng Hàn Quốc - bà Kang Kyung-wha - báo trước : trong lĩnh vực ngoại giao, Seoul dự trù "một môi trường mới" cho thời kỳ hậu Olympic Pyeongchang.

Thanh Hà

*****************

Bắc Triều Tiên muốn gì ở Pyeongchang ? (RFI, 10/02/2018)

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 hôm 09/02/2018 chính thức khai mạc. Một "Thế Vận Hòa Bình" là hình ảnh mà tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In muốn đem đến cho thế giới. Nhưng với Bắc Triều Tiên, đây không chỉ là một Thế Vận Hội thuần túy thể thao, mà còn là một "trò chơi địa chính trị".

pyeong1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in et sa femme (Áo trắng) và Kim Yong-nam (G - hàng thứ 2) chủ tịch Quốc Hội BTT, Kim Yo-jong (P - hàng thứ 2), em gái Kim Jong-un, trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, ngày 09/02/2018 - Reuters

Pompom-girls đối nghịch với tên lửa. Cùng một ngày, chế độ Bình Nhưỡng đã đưa ra hai hình ảnh tương phản. Bên kia lãnh thổ ở phía Nam là đoàn các vận động viên Bắc Triều Tiên được đón tiếp nồng nhiệt hôm qua tại làng thế vận Gangneung. Bầu không khí lạnh giá như tan biến trước các màn trình diễn của hơn 200 thiếu nữ hoạt náo viên xinh đẹp.

Một điểm nhấn khác trong sự kiện thể thao trọng đại này là lần đầu tiên có sự hiện diện của hai nhân vật lãnh đạo cao cấp của Bắc Triều Tiên : Kim Yo-jong, em gái út của lãnh đạo Kim Jong-un và ông Kim Yong-nam, chủ tịch Quốc Hội, một chức vụ tuy mang tính hình thức, nhưng về mặt lễ tân, thể hiện sự trọng thị đối với Thế Vận Hội.

Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm là tổng thống Moon Jae-in thứ Bảy 10/02 sẽ tiếp hai nhân vật này tại Nhà Xanh, điều chưa từng có trong lịch sử hai miền kể từ thời cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Trong khi đó, ở miền Bắc là màn trình diễn diễu binh rầm rộ. Bình Nhưỡng phô trương tên lửa mừng 70 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân. Một cuộc diễu binh mà Washington xem đấy như là một hình thức biểu dương sức mạnh hiếu chiến của Bình Nhưỡng.

Dù khẳng định rằng cuộc diễu binh này chỉ là chuyện nội bộ vẫn được tổ chức hàng năm, nhưng việc Bình Nhưỡng chọn thời điểm kỷ niệm một ngày trước khi Thế Vận Hội Pyeongchang khai mạc cũng không phải là ngẫu nhiên. Bắc Triều Tiên không ngần ngại dời ngày kỷ niệm vốn trước đây thường được tổ chức vào ngày 25/04, ngày thành lập Quân Đội Cách Mạng Nhân Dân năm 1932.

Với người dân trong nước, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un muốn khẳng định rằng nếu Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế, thì Bắc Triều Tiên có thể tự hào về sức mạnh quân sự của mình. Với thế giới, Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh đến vị thế cường quốc hạt nhân mà cộng đồng quốc tế không muốn nhìn nhận.

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận nước đôi này cho phép chế độ Bình Nhưỡng muốn được "bình thường hóa" vị thế "quốc gia hạt nhân", nhưng đồng thời tìm cách giảm nhẹ được các trừng phạt và gây chia rẽ hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Hàn.

Có thể nói, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã khôn khéo thực hiện chính sách "ngoại giao Thế Vận Hội" và tách bạch hai vấn đề : "Hòa giải liên Triều" là một chuyện. "Hạt nhân" là một chuyện khác. Thể thao là một "công cụ" để đối thoại. Còn vấn đề hạt nhân là chuyện giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ. Và cách nay vài hôm, Bình Nhưỡng còn cao giọng khẳng định Thế Vận Hội không phải là lúc để nói chuyện đàm phán hồ sơ hạt nhân.

Minh Anh

*********************

Phó TT Mỹ Mike Pence không hài lòng về sự hiện diện của em gái Kim Jong-un tại Thế Vận Hội (RFI, 10/02/2018)

Lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang 2018 đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận với sự hiện diện của em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và sự xích lại gần nhau giữa hai miền nam bắc Triều Tiên. Điều này đã khiến sự xuất hiện của phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc trở nên mờ nhạt. Và Mike Pence đã nhấn mạnh là mục tiêu của các nước đồng minh trong khu vực vẫn là cô lập Bắc Triều Tiên.

pyeong2

Phó tổng thống mỹ Mike Pence (G) và bà Kim Yo-jong (P) trên khán đài trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 - Yonhap via  Reuters

Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier giải thích từ New York :

"Mike Pence không tìm cách che giấu sự bực tức khi biết em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi cách ông chỉ vài mét trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Mike Pence có nhìn thấy em gái ông Kim Jong-un không ? Ông Pence dường như cố không quay đầu về phía bà ấy. 

Như vậy là, mặc dù Hàn Quốc muốn phó tổng thống Mỹ trao đổi với phái đoàn Bắc Triều Tiên, nhưng không có cuộc đối thoại nào diễn ra.

Hôm thứ Bảy, trên đường bay về Mỹ, trong chuyên cơ Air Force 2, ông Pence đã nhắc lại rằng mục tiêu của Mỹ vẫn là buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Và phó tổng thống Mỹ đặc biệt muốn Tokyo và Séoul theo đường hướng của Mỹ.

Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc trong những ngày qua đã có nhiều dấu hiệu cởi mở với người anh em Bắc Triều Tiên. Thậm chí, ông Moon Jae-in còn được mời tới thăm Bình Nhưỡng.

Nếu có, chuyến thăm của ông Moon Jae-in sẽ không làm chính quyền Mỹ hài lòng. Washington có lẽ sẽ xem xét lại chiến lược cứng rắn đã được áp dụng trong những tháng qua. Tuy nhiên, về mặt chính thức, chủ đề trên không được nhăc tới trong buổi làm việc giữa phó tổng thống Mike Pence và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in".

Ngoại trưởng Pháp và Hàn Quốc thống nhất tăng cường quan hệ song phương

Trong chuyến thăm Seoul, ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, đặc phái viên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang 2018, đã ăn tối và làm việc với ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha.

Lãnh đạo ngoại giao của hai nước ghi nhận sự hợp tác của Pháp và Hàn Quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực và hai bên sẽ tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để củng cố quan hệ song phương, thông qua các chuyến thăm viếng cấp cao và các cuộc thảo luận chiến lược cấp bộ.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian hoan nghênh việc hai miền nam bắc Triều Tiên nối lại đối thoại và hy vọng đối thoại liên Triều sẽ được tiếp tục sau Thế Vận Hội Pyeongchang.

Thùy Dương

************************

Thế Vận Hội Pyeongchang : Hàn Quốc vất vả "lách" trừng phạt để đón đoàn Bắc Triều Tiên (RFI, 10/02/2018)

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018, được cho là cơ hội hâm nóng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, sau quyết định ngày 09/01 của Bình Nhưỡng cử đoàn vận đông viên tham dự.

pyeong3

Đoàn vận động viên hai miền Triều Tiên diễu hành trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 - Reuters

Theo giới quan sát, đây là chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm đột phá mặt trận "trừng phạt" mà cho đến giờ các quốc gia phương Tây vẫn liên kết với nhau gây áp lực với Bình Nhưỡng.

Vừa bận chuẩn bị "Thế vận Hòa bình", Seoul vừa "đau đầu" tìm cách đón phái đoàn của người anh em láng giềng mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vậy Hàn Quốc đã "lách" các nghị quyết này như thế nào ? Trang France 24 (08/02/2018) tóm tắt bốn điểm :

1. Máy bay được thuê để đến miền Bắc

Trở ngại đầu tiên phải vượt qua là chính quyền Mỹ. Về lý thuyết, một phi cơ từng đến Bắc Triều Tiên sẽ không được phép hạ cánh ở Hoa Kỳ trong vòng sáu tháng sau đó. Seoul đã phải xin phép Washington miễn cho trường hợp của một phi cơ thuộc hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) để đưa đoàn vận động viên trượt tuyết đến luyện tập cùng với đồng đội phương Bắc ở đỉnh núi Masik (thuộc Bắc Triều Tiên) và sau đó quay về nước chở theo đội tuyển Bắc Triều Tiên. Do vậy, chiếc phi cơ vẫn có thể hạ cánh ở Hoa Kỳ.

Tập luyện chung ở đỉnh núi Masik cũng là nhượng bộ đầu tiên của Seoul và gây ra một cuộc tranh luận ở Hàn Quốc vì sân băng ở đỉnh Masik là dự án quan trọng của Kim Jong-un với trang thiết bị hiện đại, quá đắt so với tình hình kinh tế ảm đạm của Bắc Triều Tiên.

2. Yêu cầu miền Nam tiếp nhiên liệu cho phà miền Bắc cập bến Hàn Quốc

Theo dự kiến, một nhóm nghệ sĩ miền Bắc đến miền Nam qua đường bộ, nhưng cuối cùng Bình Nhưỡng thông báo phái đoàn đến bằng đường thủy. Chiếc phà Man Gyong Bong 92, trọng tải 9.700 tấn, chở 114 nghệ sĩ đã cập bến Hàn Quốc ngày 06/02.

Chính quyền Seoul đã phải vi phạm lệnh cấm mọi tầu bè miền Bắc lưu thông trong vùng biển của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng còn nghiễm nhiên yêu cầu người anh em miền Nam tiếp nhiên liệu cho chiếc phà. Nếu tiếp liệu, Seoul sẽ lại vi phạm loạt nghị quyết trừng phạt vì Bắc Triều Tiên bị hạn chế nhập khẩu dầu lửa, chỉ còn 500.000 thùng mỗi năm, tương đương khoảng 65.000 tấn. Hiện bộ Thống Nhất Triều Tiên vẫn chưa cho biết là đã đáp ứng hay không yêu cầu của miền Bắc.

3. Hai nhân vật trong đoàn Bắc Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen

Bình Nhưỡng cố tình kéo dài thời hạn công bố danh sách các nhân vật đến tham dự Thế Vận Hội nhằm "nắn gân" các nghị quyết trừng phạt. Và đúng như nhận định của nhật báo New York Times, phái đoàn Bắc Triều Tiên có hai nhân vật nằm trong danh sách đen của Hội Đồng Bảo An và Hoa Kỳ.

Người thứ nhất là Kim Yo-jong, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un. Nhân vật này được đánh giá là ngày càng có ảnh hưởng trên thượng tầng Nhà nước và vừa mới trở thành ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền lực.

Người thứ hai là ông Choe Hwi, chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên. Cả hai đều nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ vì bị cho là có vai trò trong "hàng loạt vi phạm hiện tại và nghiêm trọng về nhân quyền và hoạt động kiểm duyệt". Tuy nhiên, chỉ có ông Choe Hwi là nằm trong danh sách cá nhân bị trừng phạt của Hội Đồng Bảo An.

Người dân Hàn Quốc có phản ứng tích cực khi biết tin Kim Yo-jong tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội vì đây là chuyến công du đầu tiên của một thành viên gia đình họ Kim cầm quyền kể từ năm 1953, khi hai miền đình chiến. Và để đón tiếp phái đoàn cao cấp này, một lần nữa, Seoul lại phải xin phép Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ để "phá luật".

4. "Đau đầu" vì hàng cao cấp

Biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo Anh gây nhiều vấn đề nhất ở Thế Vận Hội Pyeongchang có lẽ là lệnh cấm chuyển giao sản phẩm cao cấp.

Bắt đầu từ túi quà tặng cho mọi vận động viên, bên trong có một chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 8 của Samsung. Hội Đồng Bảo An có thể coi đó là một mặt hàng cao cấp vì theo giá bán, chiếc điện thoại này trị giá 1,09 triệu won (khoảng 817 euro). Ủy Ban Thế Vận (CIO) nảy ra ý kiến là ban tổ chức chỉ cho vận động viên Bắc Triều Tiên "mượn" điện thoại và thu lại sau kỳ thi đấu. Seoul không theo ý tưởng này vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt và theo tin mới nhất thì các vận động viên Bắc Triều Tiên (và Iran – nước cũng bị cấm vận) đã từ chối nhận quà.

Liệu lệnh cấm vận đối với sản phẩm cao cấp có giá trị với… gậy khúc côn cầu trên băng ? Theo New York Times, đây cũng là một thách thức với ban tổ chức.

Nhật báo Mỹ nhắc lại, năm 2017, các vận động viên khúc côn cầu trên băng Bắc Triều Tiên đã tham gia một trận thi đấu quốc tế tại Auckland (New Zealand) với những cây gậy bằng gỗ và đã mòn. Ban tổ chức đã phải cho họ mượn dụng cụ mới bằng sợi cac-bon, sau đó được thu lại khi kết thúc trận đấu. Cách thức này cũng được áp dụng tại Pyeongchang, vì đội hình nữ thi đấu bộ môn khúc côn cầu trên băng bao gồm vận động viên của cả hai miền.

Liệu những nỗ lực của Hàn Quốc có biến được Olypmic Pyeongchang thành "Thế vận Hòa bình" giúp hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau ? Câu trả lời sẽ được kiểm chứng trong thời gian sau Thế Vận.

Thu Hằng

***********************

Quan hệ liên Triều : Kim Jong-un mời Moon Jae-in họp thượng đỉnh (RFI, 10/02/2018)

Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước trong chiến dịch làm lành với Seoul : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã viết thư mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng tham dự một hội nghị thượng đỉnh. Thông tin này đã được phủ tổng thống Hàn Quốc chính thức loan báo vào hôm nay, 10/02/2018 sau cuộc tiếp xúc bên lề Thế Vận Hội Pyeongchang, giữa tổng thống Hàn Quốc với một phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên, trong đó có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un.

pyeong4

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P). Reuters/EDIT RFI

Từ Seoul, thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tường trình :

Bắc Triều Tiên đã chính thức mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong-un. Địa điểm hội nghị sẽ là Bình Nhưỡng, còn thời điểm sẽ là "càng sớm càng tốt".

Lời mời đã được chính Kim Yo-jong, em gái của Kim Jong-un, chuyển đến tận tay tổng thống Hàn Quốc. Bà Kim Yo-jong hiện đang có mặt ở Hàn Quốc trong khuôn khổ một cuộc đối thoại do hai miền Triều Tiên khởi xướng nhân dịp Thế Vận Hội.

Tổng thống Hàn Quốc đã phản ứng một cách thận trọng trước lời mời, cho rằng để cho một cuộc họp như vậy có thể diễn ra, trước tiên hết là phải "ấn định một số điều kiện cần thiết". Trong vòng 70 năm qua từ khi hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt đến nay, lãnh đạo hai nước chỉ mới gặp nhau hai lần, đều ở Bình Nhưỡng, vào năm 2000 và 2007.

Ông Moon Jae-in cũng kêu gọi chính quyền Bắc Triều Tiên nhanh chóng nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, nước có vẻ như không mấy thoải mái với việc quan hệ hòa dịu hẳn lên một cách bất ngờ giữa Seoul và Bình Nhưỡng nhân dịp Thế Vận Hội đang diễn ra.

Đến dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tìm mọi cách để tránh gặp các quan chức Bắc Triều Tiên, thậm chí còn từ chối bắt tay họ tại lễ khai mạc.

Các cử chỉ đó bị coi là phản ánh thái độ coi thường các nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc nhằm giảm căng thẳng, và đã làm dấy lên nhiều lời bình luận và ý kiến quan ngại ở Seoul.

Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, lời mời đã được bà Kim Yo-jong chuyển đến ông Moon Jae-in trong cuộc gặp hôm nay giữa tổng thống Hàn Quốc với phái đoàn Bắc Triều Tiên. Khi trao bức thư cá nhân của anh trai mình cho tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong còn nói thêm : "Chúng tôi hy vọng sớm gặp lại ngài ở Bình Nhưỡng". Theo bà, Bắc Triều Tiên rất muốn tổng thống Moon Jae-in trở thành "tác nhân trong một chương mới về tiến trình thống nhất (Triều Tiên), để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử".

Dẫu sao thì nhân dịp phái đoàn cao cấp Bắc Triều Tiên do chủ tịch trên danh nghĩa của Bắc Triều Tiên là ông Kim Yong-nam và bà Kim Yo-jong dẫn đầu đến Hàn Quốc, hai chính phủ Nam Bắc đã liên tiếp tung ra những tín hiệu hòa dịu. Sau bữa ăn trưa kéo dài 3 tiếng đồng hồ vào hôm nay, hai ông Moon Jae-in và Kim Yong-nam cùng đến xem đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ chung của hai miền thi đấu tại Thế vận hội PyeongChang.

Về chiến lược ẩn đằng sau động thái ngoại giao khá bất ngờ nói trên của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, nhà báo Bruno Daroux của RFI nhận định :

"Có thể nói rằng nhà lãnh đạo trẻ - cai trị Bắc Triều Tiên bằng bàn tay sắt từ sáu năm nay - đang chơi một ván bài mạo hiểm, nhưng khôn khéo. Chiến thuật của ông ta là lúc thì cứng rắn, lúc tỏ ra mềm mại trong các chiến dịch tuyên truyền, được kiểm soát một cách hoàn hảo.

Trong trò chơi sấp ngửa này, Bình Nhưỡng để ngỏ cho cánh cửa đối thoại với người anh em thù địch miền Nam, mà về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Hai miền Triều Tiên chỉ mới ký kết một hiệp ước đình chiến vào năm 1953. Chiến lược ngoại giao thể thao đã được sử dụng để chứng minh là Bắc Triều Tiên sẵn sàng chìa tay ra với người láng giềng Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đắc cử hồi năm ngoái, chủ trương hòa bình. Đây là điều hết sức thuận lợi đối với Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng nhìn thấy ở đây một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của chế độ. Thậm chí hôm nay, tổng thống Hàn Quốc và chủ tịch danh nghĩa của Bắc Triều Tiên đã có một cuộc hội kiến.

Chúng ta có thể đánh giá Hàn Quốc đã ngây thơ, hay ít nhất việc Seoul bị cuốn vào cuộc chiến tuyên truyền của Bắc Triều Tiên cũng là điều gây sốc. Bắc Triều Tiên muốn tỏ ra mình cũng là một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác. Mà điều này trên thực tế không phải vậy. Bắc Triều Tiên vẫn là một chế độ toàn trị, hành quyết những người có quan điểm đối lập, hoặc giam cầm họ trong các trại tập trung khủng khiếp.

Bắc Triều Tiên khẳng định rõ ràng không nhân nhượng bất cứ điều gì về mặt quân sự, đặc biệt là vị thế của một cường quốc hạt nhân, điều mà cộng đồng quốc tế không chấp nhận".

Trọng Nghĩa, Trọng Thành

***********************

Em gái Kim Jong-un rời Hàn Quốc sau chuyến thăm được xem là thành công (RFI, 10/02/2018)

Sau ba ngày được tiếp đón trọng thể tại Hàn Quốc, phái đoàn cấp cao Bắc Triều Tiên trở về Bình Nhưỡng vào hôm nay, 11/02/2018.

pyeong5

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (P) gặp chào bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh do KCNA công bố ngày 10/02/2018, nhưng không ghi ngày) - KCNA/via  Reuters

Trước đó, nhân vật chủ chốt của phái đoàn Bắc Triều Tiên là bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đã cùng với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến xem buổi trình diễn thứ hai của đoàn ca nhạc Bắc Triều Tiên. Vào lúc trưa, bà đã được thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon chiêu đãi tại một khách sạn 5 sao ở Seoul.

Sự kiện nổi bật hôm qua là bà Kim Yo-jong đích thân chuyển lời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên mời tổng thống Hàn Quốc qua Bình Nhưỡng họp thượng đỉnh. Có thể nói, chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn Bắc Triều Tiên đã gặt hái thành công về phương diện ngoại giao và truyền thông.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias nhận định :

"Đệ Nhất Tiểu Muội" của Bắc Triều Tiên kết thúc vào tối nay chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài ba ngày. Chuyến công du lịch sử đó - lần đầu tiên trong vòng 70 năm nay của một thành viên của gia đình cai trị miền Bắc - có thể được coi là một thành công về ngoại giao và truyền thông đối với chế độ Bình Nhưỡng.

Giới truyền thông và công chúng Hàn Quốc như đã bị bà Kim Yo-jong cuốn hút. Nụ cười bí ẩn luôn nở trên môi cũng như bộ trang phục rất giản dị của bà đã được soi rọi kỹ lưỡng mỗi khi bà xuất hiện trước công chúng, chẳng hạn như nhân bữa ăn trưa với tổng thống Hàn Quốc hoặc nhân trận đấu khúc côn cầu của đội tuyển nữ Triều Tiên thống nhất.

Dù bị Mỹ trừng phạt do vai trò của bà trong những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, người phụ nữ trẻ đã được tiếp đón ở Hàn Quốc với mọi nghi thức long trọng. Bà đã kết thúc chuyến thăm với một bữa tiệc trưa do thủ tướng Hàn Quốc khoản đãi và một buổi hòa nhạc tại Seoul do một dàn nhạc Bắc Triều Tiên biểu diễn.

Ở phía đối diện, Hoa Kỳ đã bị thua trong trận chiến truyền thông. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence - cũng ghé thăm Hàn Quốc - đã cố nhắc lại tội trạng của chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng việc ông khăng khăng từ chối gặp đại diện Bắc Triều Tiên đã bị nhiều người cho là phản tác dụng.

Về phần mình, tổng thống Hàn Quốc vẫn chưa trả lời đề nghị họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Ông cố tránh làm mích lòng đồng minh Mỹ rất đa nghi, và nói rằng cần phải hội đủ các điều kiện cần thiết. Thế nhưng ông được cho là sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng với miền Bắc thông qua đối thoại và đàm phán.

Trọng Nghĩa

********************

Kim Yong-nam, vị chủ tịch "bù nhìn" của Bắc Triều Tiên là ai ? (RFI, 10/02/2018)

Đây là câu hỏi của báo Les Echos đăng trên mạng ngày 09/02/2018. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Kim Yong-Nam đại diện cho Bắc Triều Tiên đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Ở tuổi 90, sự trường tồn của ông dưới ba đời lãnh đạo họ Kim là một ngoại lệ.

pyeong6

Ông Kim Yong-nam (P) Chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và Kim Yo-jong (G), em gái lãnh đạo Kim Jong-un, tại phòng tiếp khách ở sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018 Reuters

Từ 65 năm qua, ông là chủ tịch Quốc Hội tại một đất nước thường xuyên chiếm trang nhất các báo phương Tây. Ấy vậy mà tên của Kim Yong-nam, và ngay cả chức vụ của ông, cho đến giờ hầu như không ai biết đến.

Tháng Hai này, ông Kim Yong-nam tròn 90 tuổi. Và tuần nay, ông đã gần như thoát khỏi chiếc vỏ bọc ẩn danh khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang. Điều chưa từng có đối với một lãnh đạo cao cấp như thế của chế độ Bình Nhưỡng.

Về mặt chính thức, ông dẫn đầu đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang. Dù rằng trên thực tế, trưởng đoàn thật sự mới chính là Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là đại diện đầu tiên của dòng họ Kim bước qua biên giới kể từ năm 1950.

Đời thứ ba dòng họ Kim

Theo Seoul, Kim Yong-nam sinh năm 1928. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành, rồi có bằng Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Moskva năm 1953. Sau đó, ông làm việc cho Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng và từ đó bắt đầu lên từng cấp bậc để cuối cùng nắm giữ vị trí lãnh đạo Ban Đối Ngoại từ năm 1972.

Năm 1983, Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng, bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Mười lăm năm sau, ông được Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) nâng cấp, bổ nhiệm làm chủ tich đoàn chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao – tức Quốc Hội Bắc Triều Tiên – một nghị viện do độc đảng kiểm soát. Với chức danh này, Kim Yong-nam được coi là chủ tịch nước, một chức vụ mang tính danh dự. 

Do vậy, chính ông là người ký thư ủy nhiệm cho các đại sứ Bắc Triều Tiên và là người tiếp các sứ giả ngoại quốc. Công việc này rất có ích cho ông Kim Jong-il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay vì ông Kim Jong-il nổi tiếng là người tránh các tiếp xúc với các quan chức nước ngoài. Và hiện nay, Kim Jong-un là đời lãnh đạo thứ ba của triều đại họ Kim mà ông phục vụ.

Nhân vật thứ hai trong nghi thức lễ tân

Ông cũng đã nhiều lần đại diện cho Bắc Triều Tiên trong các sự kiện quốc tế, như Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 và Mùa Đông Sochi ở Nga năm 2014, trước kỳ thế vận Pyeongchang năm nay, cũng như là nhân dịp lễ nhậm chức tổng thống của ông Hassan Rohani tại Iran vào tháng 8/2017.

Tuy vậy, thật khó đánh giá tầm ảnh hưởng chính trị của ông. Chính Kim Jong-un mới là Lãnh đạo tối cao của chế độ và là người nắm quyền lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên, với chức vụ chủ tịch Đảng.

Yang Moo-jin, thuộc trường Đại học Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên nhấn mạnh là trong các hoạt động lễ hội, các cơ quan truyền thông chính thống của Bắc Triều Tiên nêu tên các lãnh đạo hiện nay thì tên của Kim Yong-nam "luôn được đặt ngay sau tên của Kim Jong-un. Điều đó có nghĩa ông là nhân vật số hai trong hàng ngũ Đảng".

"Chiếc máy ghi âm"

Nhưng làm thế nào ông có thể sống sót lâu đến thế trên thượng tầng lãnh đạo tại một đất nước thường xuyên diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu ? Kim Jong-un đã không ngần ngại trừ khử người chú dượng Jang Song-thaek vì tội phản quốc năm 2013, và gần đây nhất là người anh cùng cha khác mẹ Kim Yong-nam tại sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017.

Nhưng Kim Yong-nam, vốn không thuộc dòng dõi triều đại lãnh đạo họ Kim, đã tránh được số phận đó. Đối với các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, "cụ già 90 tuổi" này có thể sống sót được nhờ vào sự khôn khéo cũng như là sự tận tụy. Chuyên gia Yang Moo-jin giải thích tiếp : "Ông ấy chưa bao giờ bị xem như là một mối đe dọa cho chế độ. Đó là một nhà kỹ trị nhã nhặn luôn trung thành đi theo các chỉ thị của lãnh đạo".

Tại Hàn Quốc, giới chuyên gia đã đặt cho ông Kim Yong-nam biệt danh là "Chiếc máy ghi âm", bởi vì theo ông Yang Moo-jin "ông ấy luôn lặp lại như là một con vẹt những gì lãnh đạo tối cao nói".

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á

Chủ tịch Kim Jong-un thăng chức cho em gái (RFA, 09/10/2017)

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un vừa mới thăng chức cho người em gái vào vị trí lãnh đạo trong đảng cầm quyền tại quốc gia cộng sản khép kín này.

NKOREA-POLITICS

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un dự Hội nghị trung ương 2 Đảng Lao Động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 7/10/2017. STR / KCNA VIA KNS / AFP

Theo thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn thì người em gái Kim Yo-jong của đương kim chủ tịch Kim Jong-un được nói ở độ tuổi 28 đến 30. Cả hai đều là con của bà Ko Yong Hui. Cô Kim Yo-jong là một trong những người thân tín nhất của ông anh. Cô này được bầu vào Bộ Chính Trị của Đảng Lao động Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Moon Hong-sik thuộc Viện Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, được hãng tin Reuters dẫn lời cho rằng cô Kim Yo-jong là phụ nữ nên ông anh Kim Jong- Un chắc chắn không xem là một mối nguy thách thức quyền lực của ông này, và là người em cùng máu mủ nên có thể được tin tưởng.

Vào tối chủ nhật 8 tháng 10, hằng ngàn người dân Triều Tiên, mà chủ yếu là thanh niên- sinh viên, tập trung tại Quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng để mừng sự kiện 20 năm cố chủ tịch Kim Jong-il nhận chức tổng bí thư Đảng Lao Động Triều Tiên.

Truyền thông Bắc Hàn vào sáng cùng ngày cho biết một hôm trước lãnh đạo tối cao của nước này họp để đi đến quyết định đối với cô Kim Yo-jong như vừa nêu.

***********************

Bắc Hàn : Kim Jong-un đưa em gái vào Bộ Chính trị (BBC, 09/10/2017)

Nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, vừa tăng quyền cho em gái với việc đưa bà trở thành ủy viên dự khuyết trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên.

jong2

Kim Yo-jong (người được khoanh đỏ) thường xuất hiện bên cạnh anh trai

Kim Yo-jong, con gái út của cố lãnh đạo Kim Jong-il, sẽ thay thế vị trí của cô ruột trong Bộ Chính trị của Đảng Lao động.

jong3

Bà Kim Yo-jong (bìa phải) cùng anh trai, lãnh đạo tối cao Kim Jong-un trong chuyến thăm đến một khu nhà dưỡng lão mới khai trương

Bà Kim, 30 tuổi, đã được coi là quan chức cao cấp trong đảng từ ba năm về trước.

Gia đình họ Kim cầm quyền liên tục tại Bắc Hàn kể từ khi nước này được thành lập sau Chiến tranh Thế giới II, hồi 1948, cho tới nay.

Bà Kim, người thường xuất hiện bên cạnh anh trai và được cho là người phụ trách hình ảnh của ông Kim Jong-un trước công chúng, đã tạo những ảnh hưởng nhất định trong cương vị phó Ban tuyên truyền và cổ động.

Bà bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen với cáo buộc có liên quan tới các vụ vi phạm nhân quyền tại Bắc Hàn.

jong4

Vì sao Bắc Hàn đặt mục tiêu trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ?

Việc thăng chức cho bà được ông Kim công bố tại cuộc họp của đảng hôm thứ Bảy, là một phần trong việc luân chuyển hàng chục quan chức cao cấp nữa.

Khi bà Kim được trao một vị trí then chốt trong kỳ đại hội hiếm hoi của đảng cầm quyền hồi năm ngoái, người ta đã trông đợi việc bà sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng trong dàn lãnh đạo chủ chốt của Bắc Hàn.

jong5

Ông Kim Jong-un đeo khăn quàng đỏ

Trong các thông báo được đưa ra hôm thứ Bảy còn có quyết định thăng chức Ngoại trưởng Ri Yong-ho, người hồi tháng trước gọi Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ là "Tổng thống Quỷ" tại phiên họp Liên Hiệp Quốc, trở thành thành viên có toàn quyền biểu quyết trong Bộ Chính trị.

Ông Ri gần đây cáo buộc ông Trump là tuyên chiến với Bắc Hàn và nói nếu tổng thống Mỹ tiếp tục những lời lẽ đao to búa lớn "nguy hiểm" thì Hoa Kỳ sẽ trở thành mục tiêu "không thể tránh khỏi" của các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Việc thăng chức diễn ra vào thời điểm ông Kim một lần nữa khẳng định rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn sẽ tiếp tục, bất chấp các lệnh trừng phạt và những lời đe dọa.

Những bình luận của ông được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông Trump viết trên Twitter rằng "chỉ có một thứ đem lại hiệu quả" trong quan hệ với Bình Nhưỡng sau nhiều năm đối thoại mà tổng thống Mỹ nói là đã không đem lại kết quả gì.

*************************

Ông Kim Jong-un đưa em gái út 28 tuổi vào Bộ Chính trị (VnEconomy, 09/10/2017)

Kim Yo-jong được coi là một trong hai người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất đối với ông Kim Jong-un...

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa bổ nhiệm em gái út vào Bộ Chính trị nước này, đưa cô gái 28 tuổi lại gần hơn nữa trung tâm quyền lực ở Bình Nhưỡng, theo đó củng cố quyền lực lãnh đạo đất nước của nhà họ Kim.

jong6

Một màn hình TV ở Seoul, Hàn Quốc, phát sóng bản tin về việc Kim Yo-jong trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Triều Tiên vào cuối tuần vừa rồi - Ảnh : AP/Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, việc bổ nhiệm Kim Yo-jong vào Bộ Chính trị Triều Tiên diễn ra vào ngày thứ Bảy vừa rồi tại một hội nghị của Đảng Lao động cầm quyền diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại hội nghị, ông Kim Jong-un kêu gọi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân để chống lại điều mà ông gọi là "cuộc tống tiền hạt nhân của đế quốc Mỹ" - Bloomberg dẫn nguồn thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.

"Tình hình hiện nay rất căng thẳng và chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thử thách", ông Kim phát biểu tại hội nghị nơi hàng chục nhân vật cấp cao mới được bổ nhiệm, trong đó, Kim Yo-jong trở thành ủy viên Bộ Chính trị trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Đây là cơ quan do ông Kim Jong-un đứng đầu và giữ vai trò chủ chốt trong việc ra các quyết sách của nước này.

Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị mới, Kim Yo-jong đã giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Đảng Lao động. Cô cùng 6 quan chức Triều Tiên khác nằm trong danh sách bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt hồi tháng 2 do bị Washington cáo buộc "vi phạm nhân quyền và có hành vi kiểm duyệt thông tin".

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tuổi của Kim Yo-jong là 28.

Kim Jong-un và Kim Yo-jong là hai anh em ruột, có cùng mẹ là bà Ko Yong Hui. Người anh trai cùng cha khác mẹ của họ là Kim Jong Nam được cho là đã thiệt mạng hồi tháng 2 năm nay trong vụ án mạng gây chấn động xảy ra ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia.

Những năm gần đây, Kim Yo-jong ngày càng xuất hiện trước công chúng nhiều hơn và được coi là một trong hai người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất đối với ông Kim Jong-un bên cạnh đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju. Trong các sự kiện lớn của Triều Tiên, Kim Yo-jong thường xuất hiện khá lặng lẽ bên cạnh người anh trai.

Kim Yo-jong "đã được công nhận bởi những gì cô ấy làm trong năm qua để làm đẹp hình ảnh của Kim Jong-un", giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên của Hàn Quốc nhận định. 

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm thứ Bảy đã ngầm cảnh báo trên mạng xã hội Twitter về khả năng dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Dòng trạng thái (tweet) của ông Trump nói Mỹ đã nhiều năm theo đuổi chính sách ngoại giao đối với Bình Nhưỡng mà không mang lại kết quả gì, nhưng "chỉ một thứ duy nhất sẽ mang lại hiệu quả".

Trước đó vài ngày, ông Trump tuyên bố việc đàm phán với chính quyền Kim Jong-un chỉ là một việc "lãng phí thời gian" và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng "làm việc cần phải làm".

An Huy

*******************

Cô em út bí ẩn của Kim Jong-un là ai ? (RFI, 09/10/2017)

Ngày thứ Bảy 07/10/2017, nhân cuộc họp Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã thông báo bổ nhiệm em gái Kim Yo-jong làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực cao nhất tại Bắc Triều Tiên. Quyết định này cho thấy Kim Jong-un đang củng cố vị thế của gia đình ông. Nhưng cô em bí ẩn này của Kim Jong-un là ai ?

jong7

Kim Jong-un thị sát một công ty quốc phòng ở tỉnh Kangwon, theo sau là cô em út Kim Yo-jong. AFP PHOTO / KCNA via KNS

Cho đến giờ phút này, giới truyền thông biết rất ít về người em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Người ta chỉ biết rằng Kim Yo-jong xuất thân dòng dõi "Paektu", tên ngọn núi "thiêng"nơi lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành được sinh ra, và từng phụ trách cơ quan tuyên truyền của Đảng.

Đây là một vị trí trước đó do người cô Kim Kyong Hui nắm giữ. Người phụ nữ này đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ khi chồng bà là Jang Song-Thaek bị hành quyết vào năm 2013, vì bị cáo buộc "phản quốc" và có "âm mưu phản cách mạng".

Theo tìm hiểu của Les Echos, Kim Yo-jong, khoảng từ 28-30 tuổi, là con gái của cố lãnh đạo Kim Jong Il với người vợ thứ ba, cựu diễn viên múa Ko Yong Hui. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng Kim Yo-jong, cũng như hai người anh, đã bí mật theo học ở một trường tư tại Thụy Sĩ trong nhiều năm liền dưới một tên giả.

Một số truyền thông Hàn Quốc còn đưa ra giả thuyết là Kim Yo-jong đã lập gia đình với một quan chức của chế độ, số khác thì cho là với một cựu cảnh vệ, trong khi truyền thông Nhật Bản vẫn nghĩ là cô còn độc thân.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự việc cho thấy có một sự thay đổi thế hệ lãnh đạo. Kim Jong-un muốn "dọn sạch" những người thân tín với cha ông trước đây. Bên cạnh đó, việc thăng chức cho em gái còn nhằm tiếp tục duy trì huyền thoại về nguồn gốc xuất thân các lãnh đạo trong gia đình họ Kim, vào lúc Bắc Triều Tiên đang trải qua một cuộc khủng hoảng với Hoa Kỳ.

Theo "huyền thoại" được lan truyền, vận mệnh của dòng dõi họ Kim gắn liền với vận mệnh quốc gia và được sinh ra từ ngọn núi thiêng nằm ở phía bắc đất nước. Đây cũng là nơi lãnh tụ Bắc Triều Tiên khởi xướng những trận chiến "oai hùng" trong suốt những năm 1930-1940.

Một điểm khác cũng được hầu hết giới phân tích đồng chia sẻ : Thăng chức cho em gái cũng không có nghĩa người này có thể kế nhiệm Kim Jong-un trong một hệ thống quyền lực mang nặng tư tưởng Khổng Giáo và về mặt truyền thống chỉ giao quyền cho con trai trưởng.

Tuy nhiên, Kim Jong-un, nay chỉ mới có 33 tuổi, trước đó chưa hề được chỉ định là người kế thừa. Và bộ máy tuyên truyền vẫn chưa cho biết tý thông tìn gì về những người con của vị lãnh đạo trẻ tuổi với bà Ri Sol Ju. Theo tình báo Hàn Quốc, Kim Jong-un dường như đã có một con trai đầu lòng vào năm 2010, và hai đứa con khác đã lần lượt vào năm 2013 và 2017.

Minh Anh

Published in Châu Á