Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/02/2018

Thế chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Vùng Vịnh đang thay đổi

Tổng hợp

Ấn Độ hợp tác xây cảng biển tại Iran để đối trọng với Trung Quốc (RFI, 23/02/2018)

Ít năm gần đây, Ấn Độ cường quốc Châu Á, cũng là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang có nhiều nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình, thoát khỏi cái bóng của người khổng lồ Trung Quốc. Trong lúc ý tưởng chiến lược về một vùng "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa", đang còn được Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn bàn thảo, thì tuyến đường từ Ấn Độ vươn tới Châu Âu, đối trọng với dự án Con Đường Tơ Lụa trên bộ của Trung Quốc, đang thành hình, đặc biệt với việc New Delhi và Iran hợp tác xây dựng cảng biển Chabahar.

ad1

Cảng biển Chabahar (Iran) cho phép hàng hóa Ấn Độ đến với Afghanistan, không cần qua lãnh thổ Pakistan.Ảnh chụp màn hình

1. Hợp tác Ấn Độ - Iran xây cảng biển Chabahar đang ở giai đoạn nào ?

Trong chuyến công du giữa tháng 2/2018, tổng thống Iran Hassan Rohani và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết 9 thỏa thuận hợp tác, trong đó thỏa thuận quan trọng nhất cho phép New Delhi thuê một phần cảng biển chiến lược Chabahar, nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Vịnh Persic (1).

Cảng Chabahar - thuộc tỉnh Sistan Balouchistan, đông nam Iran - vừa được khánh thành hồi đầu tháng 12/2017, sau hơn mười năm xây dựng, với đầu tư một tỉ euro, trong đó phần đóng góp ban đầu của Ấn Độ là khoảng 25%. Iran và Ấn Độ đã xúc tiến bàn về dự án này từ năm 2003.

Công trình - do một công ty có quan hệ gần gũi với Vệ Binh Cộng Hòa Iran - đã nhiều lần bị gián đoạn do các trừng phạt quốc tế nhằm buộc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân quân sự. Sau khi các trừng phạt được nới lỏng sau thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc năm 2015, tiến độ xây dựng được đẩy mạnh.

Chabahar là cảng biển lớn có khả năng tiếp nhận các tàu containeur với trọng tải 100.000 đến 200.000 tấn. Đây cũng là cảng biển lớn ở nước ngoài đầu tiên mà Ấn Độ tham gia xây dựng.

Cảng Chabahar nằm trong một dự án giao thông thủy bộ hỗn hợp của New Delhi với Iran, trong đó phần đầu tư chính 1,6 tỉ đô la là dành để xây dựng tuyến đường sắt nối liền cảng Chabahar với thành phố Zahedan, nằm sát với biên giới Afghanistan, cách cảng biển khoảng 650 km.

ad2

Cảng biển Chabahar của Iran, với đầu tư Ấn Độ (Nguồn : indiatvnews.com)

Theo thỏa thuận được ký kết vừa qua giữa Tehran và New Delhi, kể từ tháng 5 tới, Ấn Độ có quyền sử dụng một phần cảng Chabahar, với hợp đồng trước mắt 18 tháng. Theo một thỏa thuận sơ bộ song phương hồi 2016, Ấn Độ có thể sử dụng một phần cảng biển Iran trong 10 năm.

2. Cảng Iran mang lại lợi ích chiến lược cụ thể trước mắt nào cho Ấn Độ ?

Đối với Ấn Độ, cảng biển Chabahar mang lại rất nhiều lợi ích chiến lược quan trọng, trước hết bởi đây là cánh cửa giúp hàng hóa của Ấn Độ đến được với khu vực Trung Á, mà không cần thông qua hệ thống đường xá của Pakistan, mà nhiều trục đường chính do Trung Quốc đầu tư (trong khuôn khổ kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới). Phát biểu với báo chí trong nước sau lễ ký kết với Iran, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi cảng Chabahar là "cánh cổng vàng" mở ra con đường để đến với Afghanistan, và Trung Á.

Chabahar trước hết là một cầu nối giữa Ấn Độ và Iran - hai láng giềng không có biên giới chung trên bộ - trong lúc quan hệ thương mại song phương đang tăng trưởng mạnh. Trong năm qua, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 10 tỉ đô la hàng hóa của Iran, trong đó chủ yếu là dầu mỏ. Hàng hóa từ Ấn Độ đến Iran ước tính vài tỉ đô la, trong đủ chủ yếu là gạo, chè, thép, kim loại, máy móc, dược phẩm. Tuy nhiên, hy vọng chủ yếu của Ấn Độ là, thông qua cảng biển Iran, phá vỡ được thế án ngữ phía bắc của quốc gia láng giềng thù địch Pakistan từ trước đến nay. New Delhi hy vọng tăng gấp rưỡi trao đổi mậu dịch với Afghanistan trong vòng ba năm tới.

Đối với New Delhi, lợi ích của tuyến đường này không chỉ là về "thương mại, kinh tế, hay ngoại giao", mà cho phép Ấn Độ liên thông trở lại với các vùng đất phía bắc, nơi Ấn Độ đã có quan hệ "lịch sử, văn hóa, văn minh" rất lâu đời. Mục tiêu chính trị hàng đầu của Ấn Độ và Iran trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông này là tăng cường hỗ trợ Afghanistan, đất nước chìm trong nội chiến từ hơn 10 năm nay, nhằm đẩy lùi khủng bố, khôi phục "hòa bình, ổn định", thúc đẩy phát triển và xây dựng một "thể chế đa nguyên" tại Afghanistan, theo phát biểu của thủ tướng Ấn Độ.

3. Ấn Độ phải vượt qua những trở lực nào để khai thác được lợi thế do tuyến đường mới tới Afghanistan, qua cảng biển Chabahar ?

Cơ sở hạ tầng cảng biển Chabahar và tuyến đường tới biên giới Afghanistan có thể mau chóng hoàn tất. Thế nhưng, để khai thác thực sự được lợi thế này, New Delhi phải vượt qua nhiều trở lực. Nhà nghiên cứu Ali Malik - làm việc trong chương trình Nam Á của Stimson Center, một trung tâm tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Mỹ - (2), cảnh báo là chỉ riêng cơ sở hạ tầng này không hề đảm bảo các thành công như mong muốn.

Hai thách thức lớn nhất với Ấn Độ là tình trạng an ninh bất ổn ở Afghanistan và tăng trưởng kinh tế trong nước có chiều chững lại trong hai năm gần đây.

Năm 2015, Ấn Độ xuất sang các nước Trung Á khoảng 950 triệu đô la hàng hóa, trong khi của Trung Quốc là 18 tỉ. Theo nhà chức trách Ấn Độ, hàng hóa nước này không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc rất rẻ, do được trợ giá, và bán phá giá. Bên cạnh đó, các mặt hàng công nghiệp cũng không phải là thế mạnh của Ấn Độ. Nếu không cải thiện khả năng sản xuất trong nước, Ấn Độ rất dễ dàng đánh mất sân chơi này về tay Trung Quốc.

Thách thức thứ hai mà Ấn Độ phải vượt qua, trong trường hợp Afghanistan, là bảo đảm được an ninh cho hàng hóa, từ thành phố đường biên Iran, đến được với các trung tâm kinh tế trong nội địa Afghanistan, là Herat, Kandahar, Kabul và Marar-e-Sharif. Để đến được các địa điểm này, hàng Ấn Độ phải vượt qua 44 huyện, nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, và 117 huyện đang tranh chấp. Tình hình an ninh tại Afghanistan dự kiến sẽ còn xấu hơn nữa trong thời gian tới, với việc phe Taliban mở nhiều cuộc phản công trên quy mô cả nước. Nhà nghiên cứu của Stimson Center đặt câu hỏi : "Liệu New Delhi có cần tính tới việc hợp tác với Taliban để bảo đảm hàng hóa được vận chuyển an toàn ? Và chính quyền Kabul có vai trò gì trong các đàm phán ?".

Chưa kể đến việc cảng Chabahar của Iran, với đầu tư Ấn Độ, cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của cảng biển Gwadar của Pakistan, do Trung Quốc đầu tư, nằm cách đó khoảng 100 km. Cảng biển Pakistan cũng cho phép hàng hóa quốc tế từ ngoài biển đến với Afghanistan.

Cũng cùng một quan điểm với nhà nghiên cứu trên, giáo sư Tridivesh Singh Maini, trường Jindal School of International Affairs (3), trụ sở tại New Delhi, hoan nghênh ước mơ về một Con Đường Tơ Lụa xuyên Á khác không phụ thuộc vào Trung Quốc, và cảng Chabahar mở ra một cơ hội rất tốt cho dự án này, đồng thời lưu ý chính quyền Ấn Độ đây là một dự án "khổng lồ".

ad3

Hành lang Giao thông quốc tế Bắc - Nam (INSTC) nối liền Ấn Độ đến Châu Âu qua Iran, các nước Trung Á và Nga. Ảnh : internet

Đối với New Delhi, dự án nối liền Ấn Độ với Afghanistan qua cảng Chabahar của Iran chỉ là một phần trong một kế hoạch khổng lồ không kém, nối liền Ấn Độ với Châu Âu thông qua Trung Đông và các nước Cộng Hòa Liên Xô cũ. Đầu tháng 2/2018 này, New Delhi chính thức tham gia thỏa thuận giao thông Ashgabat, nối liền Nam Á với Châu Âu, với các thành viên Iran, Kazakhstan, Oman, Turkmenistan và Uzbekistan (4). Dự án Ashgabat cũng sẽ liên thông với tuyến Hành Lang Giao Thông Quốc Tế Bắc Nam (The International North-South Transport Corridor - INSTC) dài hơn 7.200 km, nối liền Ấn Độ, Iran, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Nga và Châu Âu. Dự án do Nga, Ấn Độ và Iran chủ trương từ năm 2002.

Trọng Thành

(1) Theo Hindustan Times, Nikkei Asian Review, Tribune de Genève và South China Morning Post.

(2) Trong bài "India Lacks a Competitive Trade Strategy for Chabahar" trên mạng The Diplomat, ngày 23/01/2018.

(3) South China Morning Post, ngày 19/02/2018.

(4) Bài "Signification of India joining the Ashgabat Agreement", đăng tải ngày 12/02/2018, của chuyên gia chính trị quốc tế Phunchok Stobdan, cựu đại sứ Ấn Độ tại Kyrgystan.

******************

Nhật dùng viện trợ thúc đẩy một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (RFI, 23/02/2018)

Nhật Bản dự định dùng viện trợ phát triển để phục vụ cho chiến lược xây dựng một vùng " Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Đó là nội dung chính của bản báo cáo thường niên 2017 về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà chính phủ Tokyo công bố hôm nay, 23/02/2018.

ad4

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trên một chiếc tàu tuần duyên do Nhật Bản cung cấp, Manila, ngày 12/10/2016 Reuters/Damir Sagolj

Theo sách trắng về ODA nói trên, Nhật sẽ trợ giúp các nước đang phát triển trong việc bảo đảm an toàn vận chuyển hàng hải và thực thi pháp luật trên biển, nhằm củng cố trật tự pháp quyền trong khu vực này. Để đạt được mục tiêu đó, Tokyo sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á tàu tuần tra và những thiết bị để giúp các nước này tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển. Sách trắng cũng cho biết là Nhật Bản sẽ phối hợp viện trợ phát triển với viện trợ nhân đạo trong nỗ lực ngăn ngừa xung đột trong khu vực.

Thông qua việc sử dụng ODA, Tokyo nhắm đến việc cải thiện các cơ sở hạ tầng trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời giúp cho con người và hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn trong vùng này.

Nhật Bản hiện vẫn là một trong những quốc gia cấp viện trợ phát triển hào phóng nhất, đứng hàng thứ tư thế giới trong năm 2016 với tổng cộng 16,8 tỷ đôla, chỉ sau Hoa Kỳ, Đức và Anh Quốc. Riêng đối với Việt Nam, Nhật Bản vẫn là một trong những nhà tài trợ ODA lớn nhất.

Với việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức nhằm thúc đẩy việc xây dựng một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương "tự do và rộng mở", Nhật Bản rõ ràng là muốn giành ảnh hưởng với Trung Quốc, quốc gia hiện cũng đang vung rất nhiều tiền để chiêu dụ các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Ngoài các khoản viện trợ hào phóng, Bắc Kinh còn đang đầu tư rất nhiều vào những công trình cơ sở hạ tầng đồ sộ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong khuôn khổ "Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường" do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Đây là một dự án đầy tham vọng biến Trung Quốc thành trọng tâm của một mạng lưới giao thương khổng lồ sẽ kết nối hơn 60 quốc gia.

Cũng theo chiều hướng đối trọng với Trung Quốc, Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với ba quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc. Theo một tạp chí của Úc, được hãng tin Reuters trích dẫn ngày 19/02 vừa qua, bốn nước này đang thương lượng với nhau về một dự án cạnh tranh với "Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường" của Trung Quốc.

Nói chung, chiến lược thúc đẩy một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, do thủ tướng Shinzo Abe đề xướng, nay được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ hoàn toàn, bởi vì Washington cũng chủ trương là phải bảo đảm quyền tự do hàng hải ở khu vực này, đặc biệt là tại vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo tại các khu vực đang tranh chấp chủ quyền.

Nhưng liệu Tokyo có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong việc dùng viện trợ để giành ảnh hưởng hay không ? Hiện chưa thể trả lời câu hỏi này, nhưng một điều chắc chắn, theo giáo sư Yoichi Shimada, Đại học Fukui, là viện trợ phát triển của Trung Quốc không giống như của Nhật Bản. Khi viện trợ cho các nước, Bắc Kinh chỉ nhắm đến một mục tiêu là tạo công ăn việc làm cho các công ty Trung Quốc và phục vụ cho các tham vọng chiến lược của nước này. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không công bố số liệu về viện trợ phát triển, nhưng theo các thẩm định thì Trung Quốc chi tiêu hàng năm cho ODA nhiều hơn cả Hoa Kỳ.

Thanh Phương

******************

Maldives ngả về Trung Quốc, chỉ trích Ấn Độ (RFA, 23/02/2018)

Maldives vừa lên tiếng cảnh báo Ấn Độ không nên can thiệp vào khủng hoảng chính trị nội bộ của nước này.

ad5

Hình chụp hôm 21/2/2018 : cảnh sát Maldives bắt giữ một người biểu tình đối lập (giữa) đòi thả các tù nhân chính trị ở Male. AFP

Bộ Ngoại giao Maldives ra tuyên bố như vậy hôm thứ năm ngày 22/2.

Tuyên bố viết, rõ ràng là Maldives đang trải qua một trong những thời khắc lịch sử khó khăn nhất. Vì vậy các bạn bè và đối tác của nước này trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Ấn Độ, nên kiềm chế không có các hành động cản trở việc giải quyết vấn đề.

Trước đó, Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về tình hình của quốc đảo ở Ấn Độ Dương sau khi Tổng thống Abdulla Yameen cách chức các chánh án, bỏ tù những nhà bất đồng ý kiến, và tuyên bố lệnh khẩn cấp toàn quốc trong các tuần qua.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm 2013, Tổng thống Yameen đã bỏ tù gần như toàn bộ các người đối lập chính trị.

Chính phủ của Tổng thống Yameen cũng dựa rất nhiều vào Trung Quốc trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở.

Trong khi đó, lãnh đạo đối lập lưu vong là ông Mohamed Nasheed mới đây cũng đã lên tiếng thúc giục Ấn Độ phải can thiệp bằng quân sự vào khủng hoảng của Maldives.

Liên Hiệp Quốc gọi tình trạng khẩn cấp ở Maldives là một cuộc tấn công toàn bộ nhắm vào nền dân chủ.

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)