Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/02/2018

Điểm báo Pháp - Moon Jae-in, người chiến thắng ở Thế Vận Pyeongchang

RFI tiếng Việt

Tổng thống Hàn Quốc, người chiến thắng ở Thế Vận Pyeongchang

Tập Cận Bình muốn làm "hoàng đế", tổng thống Pháp Emmanuel Macron "tứ bề thọ địch", tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in "người hùng" Thế Vận Hội, đó là tình thế của ba nguyên thủ quốc tế trên báo chí Pháp hôm nay. Bên cạnh đó là những thành tích, những đột phá ở Thế Vận Hội Pyeongchang vừa kết thúc của ba đội tuyển thủ là Na Uy, đứng đầu bảng, Hàn Quốc, nước chủ nhà và… Pháp được chú ý vì lý do dễ hiểu.

jae1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trò chuyện với Kim Yo Jong, em gái Kim Jong-un trong buổi trình diễn của đoàn ca nhạc Bắc Triều Tiên Samjiyon tại Seoul, 11/02/2018. Yonhap via Reuters

Được dân chúng ưu ái và báo chí quốc tế nể phục là lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in. Từ "cuộc đua bền sức" trong bài xã luận của La Croix, qua "cánh cửa đối thoại" trên Le Figaro hay "một chiến lược đối thoại" trên Libération, cho đến "kẻ chiến thắng JO" của Le Monde, tổng thống Hàn Quốc được mô tả như một nhà lãnh đạo tài ba nhưng khiêm tốn, không khoan nhượng đồng minh Donald Trump, mà cũng không rơi vào mưu kế "chia rẽ liên minh Mỹ-Nhật-Hàn" của Kim Jong-un.

Moon Jae-in, "ngôi sao" Thế Vận Hội

Đối với Le Monde, vô địch Thế Vận Hội Pyeongchang là tổng thống Moon Jae-in. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể tự khen đã vượt qua hai thách thức : tổ chức thành công Thế Vận Hội và đem lại không khí hài hòa trên bán đảo, ít ra là trong hai tuần tranh tài. Giờ đây, còn hai vấn đề nhạy cảm mà tổng thống Hàn Quốc phải cân nhắc : tập trận chung Mỹ-Hàn và lời mời sang thăm Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un.

Theo lãnh đạo Hàn Quốc, đi gặp lãnh đạo Bình Nhưỡng lúc này là chưa phải lúc, mà cần phải tạo điều kiện để tổ chức đối thoại Mỹ-Triều. Hành động, chủ trương của ông tạo được ngọn gió hứng khởi trong dân chúng. Le Monde minh chứng qua lời chia sẻ của nữ vận động viên huy chương vàng Choi Min-jeong trên mạng : "Thưa tổng thống, các vận động viên đều phấn khởi vì được tổng thống, cho dù rất bận rộn, đã đến tận nơi tranh tài khuyến khích". Tỉ lệ lòng dân mến mộ tiếp tục lên cao (60%). Các "fan club" bỏ tiền ra để in, dán bích chương và băng hình video trong đường xe điện ngầm chúc mừng sinh nhật tổng thống 24 tháng Giêng.

Xuất thân là sĩ quan lực lượng đặc biệt, luật sư nhân quyền, từng ngồi tù thời tổng thống Phác Chánh Hy (Park Chung-hee), tổng thống Moon Jae-in là một nhân vật "khiêm tốn, gần dân và biết lắng nghe nguyện vọng của dân, khác với thái độ lạnh lùng, quan cách của người tiền nhiệm Phác Cận Huệ (Park Geun-hye)" mà nhiệm kỳ bị kết thúc nửa đường vì tai tiếng.

Về chính trị, cuộc khủng hoảng hạt nhân đã buộc tổng thống Hàn Quốc chọn con đường chông gai, làm sao dung hòa được giữa quyết tâm "mở lại đối thoại liên Triều" của Seoul với "mọi phương án được đặt lên bàn" của Washington. Một trong những quyết định can đảm của Moon Jae-in, là chấp thuận đón tiếp tướng Kim Yong Chol, cựu chỉ huy quân báo của Bắc Triều Tiên, cho dù một bộ phận dân chúng phản đối vì nghi ngờ nhân vật này chỉ huy vụ đánh chìm chiếc tuần dương hạm Cheonan vào năm 2010. Thông cáo báo chí của chính phủ giải thích là cần "tập trung tìm một giải pháp hòa bình hơn là tìm hiểu ai làm gì trong quá khứ".

Quyền lợi đất nước trên hết

Cũng trong chiều hướng này, nhật báo La Croix nhận xét, trong mọi hoàn cảnh, tổng thống Hàn Quốc luôn luôn tỏ thái độ hiền triết : đón nhận tin vui lẫn tin xấu một cách chừng mực. Không bao giờ đóng chặt cửa đối thoại mà cũng không bao giờ hấp tấp. Do vậy, ông không chấp thuận ngay lời mời sang Bắc Triều Tiên, không bị giọng điệu mật ngọt của Kim Jong-un chiêu dụ, cũng không nhượng bộ thái độ cường điệu của Donald Trump làm lung lay.

Cũng hòa nhịp với phân tích trên, chuyên gia địa chiến lược Pháp Marianne Péron-Doise, trên Libération lưu ý : mục tiêu ngầm của Kim Jong-un trong chính sách "sưởi ấm" quan hệ liên Triều là "phân hóa" mối quan hệ Mỹ-Hàn và làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn-Nhật.

Tập Cận Bình dọn đường lên ngôi hoàng đế

Thông tin của Tân Hoa Xã hôm Chủ nhật : đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch được Les Echos đưa lên trang nhất với tựa : Tập Cận Bình dọn đường lãnh đạo mãn đời.

Theo Les Echos, tin này gây ít nhiều bất ngờ cho giới quan sát. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, đại học Công giáo Hồng Kông, cho biết tin đồn Tập Cận Bình muốn nắm trọn quyền và trọn đời đã được lan truyền từ nhiều tháng nay, nhưng không ai nghĩ là họ Tập quyết định ngay bây giờ. Sự kiện này chứng tỏ thế lực của ông ta rất mạnh.

Để thực hiện tham vọng này, Tập Cận Bình đã phá hủy tất cả những "chốt chặn" do Đặng Tiểu Bình lập ra để đề phòng tái diễn thời kỳ lầm lạc của Mao. Trong năm năm qua, Tập Cận Bình đã đưa người thân tín vào guồng máy lãnh đạo, bắt truyền thông ca tụng cá nhân chủ tịch còn hơn cả Mao. Giáo sư Willy Lam (Lâm Hòa Lập), đại học Hồng Kông, nhận định : Tập Cận Bình sẽ làm vua trọn đời. Viễn ảnh Tập Cận Bình làm hoàng đế Trung Hoa được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Để tránh kiểm duyệt, cộng đồng mạng chế giễu : Thanh triều hồi phục. Hay là dùng hình ảnh con gấu Winnie hóa trang làm vua.

Trong chiều hướng tập trung quyền lực, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh tế và tài chính. Trong bài "Bắc Kinh cứu hộ tập đoàn An Bang nợ lút đầu" và "Ba đại tập đoàn Trung Quốc lỗ nặng, HNA, Fosun và Wanda" báo Les Echos báo động : sự kiện Bắc Kinh thu tóm tập đoàn bảo hiểm An Bang và trừng phạt cháu rể của Đặng Tiểu Bình chứng tỏ bàn tay của Bắc Kinh thao túng toàn bộ kinh tế, chứ không chỉ giới hạn ở các tập đoàn.

Tổng thống Macron đứng đầu gió

Trong khi đó tại Pháp, tổng thống Macron tăng tốc cải cách, cho dù gây lo âu hoặc bất bình cho thành phần dân chúng liên hệ. Hỏa xa, thất nghiệp, huấn nghệ : Macron đối diện với mọi mặt trận, tựa của nhật báo kinh tế. Trong bài xã luận, nhật báo cánh hữu Le Figaro ủng hộ chính phủ với tựa "không thể giữ nguyên trạng", trái lại báo cánh tả Libération cho là "Quá nhanh".

Theo Le Figaro, hôm nay thủ tướng Pháp trình bày phương pháp cải cách ngành hỏa xa. Công ty nhà nước với 160 ngàn nhân viên và các công đoàn có đủ vũ khí gây áp lực : đình công phong tỏa nước Pháp. Cách nay 22 năm, thủ tướng Alain Juppé đã đụng phải ổ kiến lửa, liệu lần này ra sao ? Nhật báo cánh hữu lo ngại "quả bom xã hội" cho dù "cải cách là cần thiết" bởi vì SNCF, công ty xe lửa Pháp, với cơ cấu hiện nay không thể sống còn.

Libération cho biết, trước nước Pháp, hai nước láng giềng là Ý và Anh Quốc đã cải cách công ty hỏa xa như thế nào và mở cửa cho các công ty Châu Âu khác cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Libération, chính phủ Macron quá hấp tấp khi đe dọa sẽ đốt giai đoạn bằng nghị định. SNCF không đơn thuần là một công ty chuyên chở mà do truyền thống lịch sử, SNCF đóng vai trò "thống nhất" lãnh thổ với một hệ thống giao thông đến tận làng mạc xa xôi. Cải cách, đồng ý, nhưng không thể dùng biện pháp "xe ủi đất".

Syria : Ra nghị quyết ngưng bắn để vi phạm

Nghị quyết ngưng bắn vừa được biểu quyết thì ngay lập tức mưa bom và pháo tái diễn, tựa của Libération về tình hình Syria. Cũng cùng tâm trạng tuyệt vọng, Le Monde mượn lời một thường dân ở Đông Ghouta : Tại sao máu của chúng tôi không có giá trị gì ? Lời của đứa trẻ 16 tuổi, trong số 400 ngàn dân ở Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, bị mưa bom của quân chính phủ từ nhiều năm nay, tâm sự với phóng viên Le Monde. Trong khi đó, cũng với bức ảnh một đứa trẻ cùng tuổi, mặt đầy thương tích, Libération dự báo những ngày đen tối cho dù Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết ngưng bắn một tháng. Bởi vì, đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc khẳng định : Ghouta sẽ là Aleppo thứ hai. Chế độ Bachar al-Assad sẽ dùng vũ lực đánh chiếm khu phố chống chế độ. Damascus không ngại "sức ép" của Nga.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)