Thủ tướng Hun Sen tố cáo Mỹ "nói dối" về việc cắt viện trợ (RFI, 03/03/2018)
Phát biểu ngày 03/03/2018 tại tỉnh Preah Sihanouk, thủ tướng Hun Sen khẳng định Mỹ đã ngưng viện trợ cho Cam Bốt từ năm 2016. Do vậy việc đại sứ Mỹ tại Cam Bốt trong tuần này vừa mới thông báo là Washington sẽ ngưng trợ cấp cho Xứ Chùa Tháp là thái độ "kém thật thà".
Ảnh minh họa : Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen. Ảnh ngày 25/02/2018. Reuters/Samrang Pring
Trước hàng ngàn công nhân ngành dệt may tại tỉnh Preah Sihanouk ở miền nam Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen không ngần ngại cho rằng đại sứ Mỹ William Heidt đã "nói dối", bởi vì từ năm 2016, "16 triệu dân Cam Bốt đã không còn nhận được bất kỳ một khoản viện trợ nào của Mỹ cho ngành thuế".
Ông Hun Sen đặt câu hỏi : "Tại sao đại sứ Hoa Kỳ lại thông báo cắt viện trợ cho chính quyền Phnom Penh vào thời điểm này, phải chăng đó là một đòn nhằm làm xấu đi hình ảnh của Cam Bốt ?"
Hãng tin Reuters cho biết đại sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh hiện chưa có phản ứng về cáo buộc nói trên của thủ tướng Hun Sen.
Hôm 27/02/2018 ông William Heidt thông báo đình chỉ một số chương trình viện trợ cho Cam Bốt do những "bất ổn trong thời gian gần đây" tại quốc gia này. Một nguồn tin khác từ Washington cho hay Cam Bốt có thể sẽ mất tới 8,3 triệu đô la tiền viện trợ của Mỹ. Quyết định nói trên không liên quan đến các chương trình viện trợ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp hay tìm kiếm bom mìn.
Reuters lưu ý : Mỹ trừng phạt chính quyền Cam Bốt đàn áp các tổ chức phi chính phủ và đối lập trong bối cảnh nước này bầu lại Quốc Hội vào tháng 7/2018.
Thanh Hà
**********************
Lao động nước ngoài không phép tại Campuchia đối mặt với án tù hoặc trục xuất (RFA, 02/03/2018)
Hôm 01/03, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Campuchia cho biết, khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc không giấy phép sẽ bị phạt sau Tết Khmer và có thể sẽ phải đối mặt với án phạt tù và trục xuất nếu họ không nhận được giấy phép lao động hay nộp phạt. Mạng Thời báo Phnom penh loan tin hôm 02/03.
Một cậu bé người Việt ở Campuchia đang đẩy chiếc xe đựng rác trên đường phố Phnom Penh hôm 12/6/2011. AFP
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Tổng giám đốc Cục xuất nhập cảnh Campuchia Sok Phal, viên chức Bộ Lao động Seng Sakda cho biết trước đây, những lao động làm việc trái phép tại quốc gia này sẽ phải trả 400.000 riel, hoặc khoảng 100 đô la/năm nếu bị phát hiện. Mức phạt cũng sẽ được áp dụng với bất cứ lao động nào làm việc trái phép kể từ sau Tết Khmer vào giữa tháng 4 tới đây.
Ông Seng Sakda cũng cho biết, hiện tại những lao động trái phép chưa bị phạt tiền ngay mà có khoảng 1 tháng để đến đăng ký làm thẻ và giấy phép lao động. Sau thời điểm Tết Khmer, nếu vẫn không có giấy phép, họ sẽ bị phạt từ 600 đến 900 đô la Mỹ theo Luật Lao động của Campuchia.
Ngoài ra, lao động nước ngoài từ chối trả tiền phạt có thể bị phạt tù đến 3 tháng và bị trục xuất hoặc bị trục xuất luôn mà không phải nộp phạt.
Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi Kem Sarin, người đứng đầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, thông báo khoảng 57.000 công nhân- trong đó 30.000 người Trung Quốc đã nhận được giấy phép làm việc nhưng khoảng 100.000 người vẫn không có. Ông nói thêm rằng nhiều công ty đã không hợp tác.
Theo một báo cáo hàng năm của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, trong năm qua, có 1.389 công nhân nước ngoài bị phạt vì không có giấy phép làm việc tại Campuchia.
*********************
Campuchia "sốc" vì Mỹ "khinh thường", cắt viện trợ (VOA, 28/02/2018)
Campuchia hôm 28/2 nói nước này buồn và sốc vì quyết định "khinh thường" của Hoa Kỳ về hạn chế các chương trình viện trợ do cảm nhận có những bước lùi về dân chủ ở Campuchia. Cùng lúc, Phnopenh cũng bênh vực hồ sơ dân chủ của mình.
Tình hình CPC bị xem là bất ổn sau khi đảng đối lập bị giải thể cuối năm 2017
Tòa Bạch Ốc hôm 27/2 cho biết họ đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của Bộ Tài chính, USAID và quân đội dành cho các cơ quan thuế, quân đội và chính quyền địa phương của Campuchia - mà Tòa Bạch Ốc quy là do sự bất ổn gần đây.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói với Reuters hôm 28/2 rằng "Dù buồn và sốc vì quyết định của nước bạn về trợ giúp phát triển, Campuchia kiêu hãnh duy trì và tiếp tục phát triển dân chủ một cách nhiệt tình".
Ông Phay Siphan gọi việc cắt giảm viện trợ là "khinh thường" và "gian trá" trong lúc nước ông xây dựng dân chủ.
"Dân chủ thuộc về nhân dân chứ không thuộc về đảng phái đã bị giải thể", ông nói.
Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập đã bị giải thể hồi tháng 11 năm ngoái.
Phát ngôn viên Phay Siphan nói thêm : "Campuchia đã có kinh nghiệm cay đắng về can thiệp của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, họ đã cố thiết lập dân chủ trong giai đoạn 1970-1975, và đã thất bại".
Thủ tướng Hun Sen chưa bao giờ tha thứ cho Hoa Kỳ vì đã ném bom vào Campuchia trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.
Tòa Bạch Ốc cho biết Washington đã chi hơn 1 tỉ đôla để trợ giúp Campuchia ; trong thời gian tới, trợ giúp trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và rà phá bom mìn sẽ vẫn tiếp tục.
**************
Cam Bốt : Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ (RFI, 28/02/2018)
Nhà Trắng ngày hôm qua, 27/02/2018, đã loan báo quyết định cắt giảm chương trình viện trợ cho Cam Bốt, nhất là trong lãnh vực quân sự, để phản đối những hành vi không tôn trọng dân chủ tại quốc gia này. Trong một thông cáo, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử Thượng Viện ngày 25/02 đã không "thể hiện ý muốn của người dân".
Um Sam An, luật sư của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc CNRP, bị cảnh sát đưa tới Tòa án Tối cao Phnom Penh, Campuchia vào 09/02/2018. Reuters/Samrang Pring
Các khoản trợ giúp của Mỹ cho Phnom Penh lên đến hơn một tỷ đô la, nhưng theo Nhà Trắng, "những diễn biến gần đây ở Cam Bốt, với nền dân chủ bị thụt lùi, đã buộc Hoa Kỳ phải xem xét lại các khoản trợ giúp, để tiền thuế của người dân Mỹ không bị sử dụng vào việc hỗ trợ cho những hành vi chống phá dân chủ".
Như vậy, Mỹ sẽ chấm dứt hay đình chỉ một số chương trình hỗ trợ cho các chính quyền địa phương và quân đội Cam Bốt. Tuy nhiên, những khoản viện trợ trực tiếp phục vụ cho người dân trong lãnh vực sức khỏe, nông nghiệp, rà phá bom mìn trong những khu vực chiến tranh trước đây… vẫn được duy trì.
Hôm thứ Hai, 26/02, Châu Âu cũng từng đe dọa trừng phạt Cam Bốt sau cuộc bầu cử Thượng Viện thiếu dân chủ.
Trụ sở đảng đối lập bị tịch thu
Tại Cam Bốt, hôm qua, 27/02, trụ sở của đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, đã bị ngành Tư Pháp tịch thu để trả tiền bồi thường 1 triệu đô la mà cựu chủ tịch đảng Sam Rainsy phải chịu do tội "phỉ báng" thủ tướng Hun Sen và chủ tịch Quốc Hội Cam Bốt.
Hãng tin Pháp AFP đã nhắc lại sự kiện theo đó ông Sam Rainsy bị cho là đã tố cáo thủ tướng Cam Bốt trả tiền một người để chỉ trích phe đối lập, và đã bị ông Hun Sen kiện ra tòa.
Trước phán quyết của tòa án, ông Hun Sen từng thông báo sẽ tịch thu tài sản của đảng đối lập, và bán đi trụ sở của đảng này.
Mai Vân
******************
Campuchia nói nền dân chủ không hề suy giảm và bị sốc khi Mỹ cắt viện trợ (RFA, 28/02/2018)
Campuchia vào ngày 28 tháng 2 cho biết họ lấy làm buồn và sốc bởi quyết định cắt giảm chương trình viện trợ mà Hoa Kỳ dành cho xứ này.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal vào ngày 25 tháng 2 năm 2018. AFP
Phát ngôn nhân Phay Siphan của chính phủ Phnom Penh nói với hãng tin Reuters như vừa nêu ; đồng thời cho biết thêm là Campuhcia tự hòa duy trì và tiếp tục nền dân chủ với đầy sức sống.
Người phát ngôn của chính phủ Campuchia cho rằng biện pháp cắt giảm viện trợ từ phía Hoa Kỳ đối với chính quyền Phnom Penh là thiếu tôn trọng và không trung thực.
Vào ngày thứ ba 27 tháng 2, Nhà Trắng cho ngưng hoặc cắt giảm một số chương trình hỗ trợ giúp cho quân đội, ngành thuế và chính quyền địa phương tại Xứ Chùa Tháp.
Cũng vào ngày 27 tháng 2, một tòa án tại Campuchia ban hành lệnh tịch biên trụ sở của đảng đối lập chính Cứu Nguy Dân Tộc.
Trước đó thủ tướng Hun Sen, người cai trị Xứ Chùa Tháp hơn 30 năm nay, cũng có lệnh buộc đóng cửa một tờ báo tiếng Anh, cho bỏ tù những tiếng nói chỉ trích chính phủ, trong đó có lãnh tụ đối lập Kem Sokha với cáo buộc âm mưu cùng phía Hoa Kỳ nhằm lật đổ chính quyền của ông Hun Sen.
Các quốc gia Phương Tây và nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền tố cáo chiến dịch trấn áp mà chính phủ của thủ tướng Hun Sen tiến hành trước kỳ tổng tuyển cử tại Xứ Chùa Tháp dự kiến diễn ra vào ngày 29 tháng 7 tới đây.
*****************
Campuchia tịch biên trụ sở đảng đối lập (VOA, 28/02/2018)
Một tòa án ở Campuchia đã ra lệnh tịch biên trụ sở của đảng đối lập vốn bị giải tán tháng 11 năm ngoái sau khi có phán quyết rằng họ dính líu tới âm mưu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.
Trụ sở của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập bị giải tán tháng 11 năm 2017
Một luật sư của ông Hun Sen hôm Thứ Ba cho biết Tòa án thành phố Phnom Penh phán quyết rằng trụ sở của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia sẽ bị tịch biên vì cựu lãnh đạo của đảng, Sam Rainsy, đã không trả 1 triệu đô la theo phán quyết của tòa án vì đã bôi nhọ ông Hun Sen và bồi thường cho một lãnh đạo khác. Ông Sam Rainsy là chủ nhân của trụ sở bị tịch biên.
Vụ án được xem là một phần trong cú đẩy mạnh tay của chính phủ Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia nhằm vô hiệu hóa các đối thủ chính trị và bóp nghẹt tiếng nói của những người chỉ trích trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 tới đây. Hệ thống tòa án tại Campuchia được xem là bị chính trị hóa và thường đưa ra những phán quyết có lợi cho chính phủ đương nhiệm.
Hoa Kỳ cho biết sẽ đình chỉ hoặc cắt bớt một số chương trình viện trợ cho Campuchia, viện dẫn những trở ngại cho nền dân chủ tại Campuchia. Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết sau cuộc điều tra được tiến hành tiếp theo cuộc bầu cử thượng viện ở Campuchia, Hoa Kỳ sẽ đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình hỗ trợ tài chính, phát triển quốc tế và hỗ trợ quân sự.
Bà Sanders nói cuộc kiểm tra được thực hiện để đảm bảo rằng các khoản tiền của dân thọ thuế ở Mỹ không ủng hộ các hành vi phản dân chủ.
Ông Sam Rainsy đã sống lưu vong từ cuối năm 2015 để tránh bị tống giam sau cáo buộc về tội phỉ báng. tháng 12 năm ngoái, ông bị kết án liên quan tới một bài đăng trên Facebook, trong đó ông cáo buộc ông Hun Sen đã trả 1 triệu đôla cho một đặc vụ chính trị để tấn công phe đối lập.
Ky Tech, một luật sư cho ông Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, cho biết tài sản tịch biên sẽ được trả lại cho Sam Rainsy nếu ông ta bồi thường 1 triệu USD cho ông Hun Sen và 62,500 USD cho ông Heng Samrin, theo án lệnh của tòa. Ông Sam Rainsy, người đang đứng trước một số vụ án hình sự hoặc đang chờ giải quyết hoặc đang được tiến hành, cũng bị buộc phải trả khoản tiền phạt 2.500 đô la cho chính phủ.