Nhật Bản tăng cường hệ thống trên biển để đối phó với Trung Quốc (RFI, 28/02/2018)
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo vào hôm 27/02/2018, tiếp theo kế hoạch lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm trên đảo nhỏ Miyako, chính quyền Tokyo đã nghĩ đến việc triển khai một hệ thống tương tự trên đảo chính ở tỉnh Okinawa. Theo giới phân tích, mục tiêu mà Tokyo không nói ra chính là củng cố hệ thống phòng thủ của mình để sẵn sàng đối phó với tham vọng trên biển ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.
Khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản, ngày 06/12/2016, tại căn cứ quân sự Yokosuka. KAZUHIRO NOGI / AFP
Kế hoạch phòng thủ vùng quần đảo phía tây nam nước Nhật đã được Tokyo bắt đầu thực hiện, với việc triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm lên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa, để tăng sức phòng thủ tại các hòn đảo xa xôi ở khu vực tây nam.
Thế nhưng, chính quyền Nhật Bản cũng thấy rằng Okinawa, đảo lớn nhất của tỉnh Okinawa, cũng cần được trang bị một đơn vị tên lửa khác, trong bối cảnh tàu Hải Quân của Trung Quốc thường xuyên qua lại khu vực eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa.
Tên lửa bố trí trên các đảo này là loại hỏa tiễn địa đối hạm Type-12 của Lục Quân Nhật Bản có tầm bắn hơn 100 km. Theo tính toán của Tokyo, mục tiêu của công cuộc triển khai lực lượng này là nhằm kiểm soát được toàn bộ khu vực eo biển Miyako.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, vấn đề dự phòng bất trắc tại vùng eo biển Miyako càng lúc càng được đặt ra một cách gay gắt hơn cho chính quyền Nhật Bản, vì lẽ chiến hạm Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, nhưng Tokyo vẫn luôn cảnh giác trước các hoạt động của tàu Trung Quốc.
Đề phòng Trung Quốc cũng là nguyên do thúc đẩy bộ Quốc Phòng Nhật Bản triển khai các đơn vị điều hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima, ở tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki ở Okinawa. Các đảo Miyako và Ishigaki cách không xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Từ nhiều năm nay, tàu công vụ Trung Quốc cũng thường xuyên thâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo này, được cho là để thách thức Nhật Bản.
Song song với việc bố trí tên lửa trên các đảo xa, Nhật Bản cũng đã nghĩ đến việc trang bị hàng không mẫu hạm cho quân đội của mình. Từ khi Tokyo đưa loại khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của họ vào hoạt động, mọi người đều cho rằng thực ra loại tàu đó chỉ mang danh nghĩa là khu trục hạm, chứ trong thực tế, đó là những chiếc tàu sân bay trá hình.
Cho đến gần đây, chính quyền Nhật Bản luôn bác bỏ lập luận cho rằng lớp tàu Izumo có thể biến thành hàng không mẫu hạm, thế nhưng, vào hôm qua 28/02/2018, một số quan chức bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công nhận thẳng với báo Asahi Shinbum rằng ngay từ đầu, loại tàu lớp Izumo đã được thiết kế để được cải tiến dễ dàng thành hàng không mẫu hạm, sử dụng loại máy bay hiện đại có khả năng lên thẳng hay cất cánh trên đường bay ngắn, như loại chiến đấu cơ F-35B của Mỹ.
Theo Asahi, việc Hải Quân Trung Quốc ngày càng bành trướng ảnh hưởng không xa lạ gì với tính toán chiến lược kể trên của Tokyo. Các chiến lược gia Nhật Bản đã nhận thấy rằng không thể chỉ dựa vào 3 căn cứ không quân cố định Naha của Nhật, Kadena và Futenma của Mỹ ở Okinawa, vì nếu xẩy ra chiến tranh, các căn cứ này chắc chắn là mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc.
Trong tình hình đó, việc sở hữu những căn cứ nổi như tàu sân bay sẽ trở thành cần thiết, nhất là khi các chiếc tàu này sẽ cho phép Tokyo đưa hỏa lực hùng hậu đến sát vùng Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc nhòm ngó.
Nhìn chung, khi giải thích về nhu cầu tăng cường quốc phòng, chính quyền Tokyo thường viện dẫn mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Nhưng phải nói là nhân tố Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào tiến trình gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản.
Trọng Nghĩa
***************
Trung Quốc lên kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử (RFA, 28/02/2018)
Trung Quốc có kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, cặp cảng Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, 19 tháng Hai 2013. AFP
Hãng tin Reuters loan tin này vào ngày 28/2/2018 có trích dẫn nguồn từ tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc. Theo đó Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc tiết lộ một danh sách các dự án nâng cấp vũ khí của Bắc Kinh từ đây cho đến năm 2025. Trong danh sách này có dự án đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên sau đó trên web site của Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc, tài liệu về tàu sân bay hạt nhân đã bị gỡ bỏ, nhưng nó vẫn còn được lưu lại rộng rãi trên mạng internet của Trung Quốc.
Theo tài liệu được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn, thì Trung Quốc phải bức phá để thực hiện được tàu sân bay hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm không người lái cho hệ thống phòng thủ dưới mặt nước.
Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tên là Liêu Ninh được Bắc Kinh nâng cấp từ chiếc tàu sân bay cũ của Ukraine bán cho vào năm 1998.
Chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc do nước này đóng hoàn toàn được hạ thủy vào tháng tư năm 2017, dự trù sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020. Chiếc tàu này cũng dựa trên mẫu thiết kế của chiếc Liêu Ninh.
Bắc kinh dự định là sẽ có tất cả 6 hàng không mẫu hạm để có thể hoạt động khắp nơi trên thế giới.
Vào tháng 10 năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nói rằng sẽ đưa quân đội Trung Quốc trở thành đội quân có đẳng cấp hàng đầu trên thế giới vào năm 2050, với những kỹ thuật quân sự tân tiến như máy bay tàng hình, hỏa tiễn, hàng không mẫu hạm hạt nhân.
Ngoài ra một số nhà ngoại giao các nguồn tin thân cận với giới quân sự Trung Quốc cũng nói rằng Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc, tức là quân đội của nước này cũng muốn gia tăng kinh phí quốc phòng để đối phó với tình trạng bất ổn trên toàn thế giới.
*****************
Trung Quốc có kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân (VOA, 28/02/2018)
Trung Quốc đang phát triển các công nghệ để đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 28/2, vào lúc Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng.
Tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc tự chế tạo được hạ thủy hồi tháng 4/2017
Theo Hoàn cầu Thời báo, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu (CSIC) của nhà nước, nhà sản xuất tàu hải quân lớn nhất của Trung Quốc, hôm 27/2 tiết lộ về tham vọng này khi nêu ra danh sách các tiến bộ kỹ thuật mà tập đoàn hy vọng sẽ đạt được trong khuôn khổ công cuộc nâng cấp vũ khí cho hải quân Trung Quốc từ nay đến năm 2025.
Thông báo của CSIC dường như đã được chỉnh sửa trên trang web của tập đoàn để xóa phần đề cập đến các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đoạn này được phổ biến rộng rãi trên internet của Trung Quốc.
CSIC đã đóng tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước, hạ thủy hồi tháng 4 năm ngoái và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2020, sau khi tàu được lắp thiết bị và vũ khí.
Con tàu được thiết kế dựa trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, được mua lại dưới dạng tàu cũ từ Ukraine vào năm 1998.
CSIC cũng cho biết họ đang làm việc về chiếc tàu thứ ba, sẽ được thiết kế, đóng và trang bị hoàn toàn bằng công nghệ riêng của tập đoàn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói rằng nước này cần ít nhất sáu tàu sân bay, một nỗ lực có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ.