Nhật Bản quan ngại Trung Quốc leo thang quân sự (RFI, 03/09/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera hôm nay 03/09/2018 nhắc lại, Nhật Bản đang phải đối mặt với những khó khăn về mặt an ninh khi Trung Quốc và Nga mở rộng các hoạt động quân sự, và Bắc Triều Tiên là "mối đe dọa trước mắt".
Bộ trưởng Itsunori Onodera phát biểu trong cuộc họp của quốc phòng Nhật Bản, ngày 3/9/2018, tại Tokyo. Reuters/Toru Hanai
Trước các nhà chỉ huy Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, ông Onodera nhấn mạnh : "Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng lực lượng chiến đấu và các hoạt động quân sự trên biển và trên không gần đất nước chúng ta, trở thành mối quan ngại chủ chốt". Ông nêu ra các hoạt động quân sự xung quanh nước Nhật và sự hiện diện của một tàu ngầm nguyên tử gần quần đảo tranh chấp.
Tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Nhật được đưa ra vào lúc Tokyo đang cố gắng cải thiện quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thăm Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, vào tháng tới.
Từ khi quay lại nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe tỏ ra cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Nhưng gần đây ông đã dịu giọng hơn, kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử.
Đồng thời bộ trưởng Itsunori Onodera đánh giá Nga đang tăng cường lực lượng quân sự một cách đáng ngại. Moskva dự kiến tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn và triển khai các loại vũ khí có uy lực mạnh, nhất là hỏa tiễn địa-không trên quần đảo Nam Kuril. Bên cạnh đó Bắc Triều Tiên cũng là "mối đe dọa nghiêm trọng trước mắt".
Thụy My
**********************
Tàu chiến Nhật Bản tập trận cùng tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông (RFA, 01/09/2018)
Tàu khu trục mang theo trực thăng Kaga của Nhật Bản vừa có một cuộc diễn tập với nhóm tàu tấn công bao gồm hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Hải Quân Mỹ trong khu vực Biển Đông hôm thứ Sáu, ngày 31/8. Japantimes trích thông tin từ hải quân hai nước cho biết như vậy hôm 1/9.
Khu trục có tên lửa dẫn đường USS Antietam của Mỹ (trái), hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, khu trục USS Milius, khu trục Suzutsuki, Kaga, và Inazuma trong cuộc diễn tập ở Biển Đông hôm 31/8 - Courtesy MSDF (Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản)
Cuộc tập trận giữa Mỹ và Nhật Bản lần này nằm trong khuôn khổ chuyến đi kéo dài 1 tháng ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của 3 tàu khu trục Nhật Bản bắt đầu từ ngày 26/8 vừa qua và kéo dài đến tận tháng 10. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong chuyến đi này, các tàu khu trục của Nhật Bản cũng sẽ có các cuộc diễn tập với hải quân các nước khác là những nước các tàu này sẽ ghé thăm, bao gồm Ấn độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines.
Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ hôm thứ Sáu ra thông cáo cho biết hai máy bay B-52 của Mỹ vào các ngày thứ Hai và thứ Năm đã dời căn cứ không quân Anderson ở Guam để thực hiện diễn tập gần khu vực Biển Đông. Hai máy bay B-52 này cũng tham gia vào nhóm tàu tấn công Reagan.
Khu vực Biển Đông là vùng nước đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, trong đó Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
Từ cuối năm 2013, đầu 2014 đến nay, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động xây lấp đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra các đảo đang tranh chấp ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn khẳng định việc xây lấp các đảo nhân tạo là vì mục đích dân sự là chính và việc chiển khai vũ khí là để tự vệ.
Trong cuộc họp báo hôm 30/8, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm một lần nữa khẳng định điều này và nói rằng Hoa Kỳ đang thổi phồng vấn đề tự do hàng hải trong khu vực.
Theo Bộ quốc phòng Trung Quốc,Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, ông Trần Kim Long sẽ thăm Hoa Kỳ trong tháng 9.
******************
Nhật đề xuất chi gần 50 tỷ đôla để tăng cường phòng thủ tên lửa (VOA, 31/08/2018)
Quân đội Nhật Bản muốn tăng chi tiêu kỷ lục vào năm tới để nâng cấp hệ thống phòng thủ, nâng khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên mà Tokyo xem là mối đe dọa tiếp tục gia tăng.
Một hệ thống phòng thủ của Nhật.
Hãng tin Reuters cho biết hôm 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật loan tin về một đề xuất chi tiêu quốc phòng tăng 2,1 % lên đến 5,3 nghìn tỷ yên (khoảng 48 tỷ đôla) cho năm sau bắt đầu từ ngày 1/4.
Tờ Washington Post cho hay rằng Nhật lên kế hoạch chi 2,1 tỷ đôla để mua một hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khi Tổng thống Donald Trump áp lực buộc Tokyo chi mạnh hơn để mua thiết bị quốc phòng.
Nếu được phê duyệt, đây sẽ là đợt tăng chi tiêu thứ bảy liên tiếp trong mỗi năm qua khi Thủ tướng Shinzo Abe củng cố quân đội nước này để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công tên lửa nào của Triều Tiên và chống lại sự bành trướng trên biển và trên không của Trung Quốc.
Việc mua thiết bị do Mỹ sản xuất có thể giúp Tokyo giảm bớt căng thẳng thương mại với Washington, giảm khả năng bị Mỹ đe dọa áp thuế vì mất cân đối mậu dịch do xuất khẩu nhiều ôtô vào Mỹ.
Đề xuất tăng ngân sách quốc phòng của Nhật được loan báo trước một cuộc họp có thể diễn ra giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump tại Hội đồng LHQ ở New York vào tháng 9 tới.
********************
Đô đốc Mỹ khuyên Nhật, Đài Loan tấn công mô phỏng tàu sân bay Trung Quốc (RFA, 30/08/2018)
Đài Loan và Nhật Bản nên thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng đối với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc để đối đầu với sự xâm lấn lãnh hải của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, cặp cảng Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, 19 tháng Hai 2013.- AFP
Cựu Giám đốc An ninh Quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama – Đô đốc Dennis Blair đã đưa ra nhận định trên trong bài viết cho Quỹ Hòa bình Sasakawa vào ngày 22/8/2018.
Đô đốc Blair cho rằng cách phản ứng như cho máy bay chặn và theo sát như thường lệ của Đài Loan và Nhật Bản mỗi khi có máy bay của quân đội Trung Quốc bay qua là "lãng phí và phản tác dụng", vì vừa tốn thời gian bay mà lại có ít giá trị về mặt quân sự.
Ông thậm chí cảnh báo chính sách "chặn tất cả mọi thứ" như vậy cũng có nguy cơ tạo ra một mô hình phản ứng mà Hoa Lục có thể khai thác trong chiến tranh.
Ông Blair khuyên lực lượng Đài Loan và Nhật Bản nên đưa ra phản ứng có chọn lọc, không lường trước được và không để lộ hết khả năng của mình, đồng thời thực hiện quyền của họ theo luật quốc tế bằng cách thỉnh thoảng tuần tra gần lãnh thổ Trung Quốc và mặc kệ phản đối của Bắc Kinh.
Ông cũng khuyên quân đội Đài Loan nên lợi dụng sự hiện diện của tàu sân bay Liêu Ninh để thực hiện các cuộc tấn công giả nhằm nâng cao sự sẵn sàng của mình và cũng để Bắc Kinh thấy rằng tàu sân bay của họ dễ bị tổn thương nếu có chiến tranh.
Liêu Ninh là tàu sân bay của Liên Xô cũ được Trung Quốc được tân trang lại và đã tham gia vào 10 cuộc tuần tra và tập trận gần Đài Loan, trong đó chỉ riêng năm nay đã thực hiện 4 cuộc tập trận.
Trong khi đó, Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc Type 001A được cho là đang bắt đầu chuyến thử nghiệm cuối cùng trước khi đưa vào tác chiến. Giới chuyên gia quân sự cho rằng đợt thử nghiệm này có thể kéo dài 6.12 tháng và sau đó tàu sân bay này sẽ được bàn giao cho hải quân Hoa Lục vào tháng 10 sang năm nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hoa Nam Buổi Sáng cho biết Tàu Type 001A ngày 26.8 đã tiến về biển Hoàng Hải để thử nghiệm.
Tàu Type 001A có lượng giãn nước 65.000 tấn, được Trung Quốc đóng dựa theo nguyên mẫu của tàu Varyag mà Trung Quốc mua lại của Ukraine năm 1998. Sau đó Bắc Kinh tân trang lại, đổi tên thành Liêu Ninh và bắt đầu vận hành vào năm 2016.
Nhật Bản tăng cường hệ thống trên biển để đối phó với Trung Quốc (RFI, 28/02/2018)
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo vào hôm 27/02/2018, tiếp theo kế hoạch lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm trên đảo nhỏ Miyako, chính quyền Tokyo đã nghĩ đến việc triển khai một hệ thống tương tự trên đảo chính ở tỉnh Okinawa. Theo giới phân tích, mục tiêu mà Tokyo không nói ra chính là củng cố hệ thống phòng thủ của mình để sẵn sàng đối phó với tham vọng trên biển ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.
Khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản, ngày 06/12/2016, tại căn cứ quân sự Yokosuka. KAZUHIRO NOGI / AFP
Kế hoạch phòng thủ vùng quần đảo phía tây nam nước Nhật đã được Tokyo bắt đầu thực hiện, với việc triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm lên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa, để tăng sức phòng thủ tại các hòn đảo xa xôi ở khu vực tây nam.
Thế nhưng, chính quyền Nhật Bản cũng thấy rằng Okinawa, đảo lớn nhất của tỉnh Okinawa, cũng cần được trang bị một đơn vị tên lửa khác, trong bối cảnh tàu Hải Quân của Trung Quốc thường xuyên qua lại khu vực eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa.
Tên lửa bố trí trên các đảo này là loại hỏa tiễn địa đối hạm Type-12 của Lục Quân Nhật Bản có tầm bắn hơn 100 km. Theo tính toán của Tokyo, mục tiêu của công cuộc triển khai lực lượng này là nhằm kiểm soát được toàn bộ khu vực eo biển Miyako.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, vấn đề dự phòng bất trắc tại vùng eo biển Miyako càng lúc càng được đặt ra một cách gay gắt hơn cho chính quyền Nhật Bản, vì lẽ chiến hạm Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, nhưng Tokyo vẫn luôn cảnh giác trước các hoạt động của tàu Trung Quốc.
Đề phòng Trung Quốc cũng là nguyên do thúc đẩy bộ Quốc Phòng Nhật Bản triển khai các đơn vị điều hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima, ở tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki ở Okinawa. Các đảo Miyako và Ishigaki cách không xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Từ nhiều năm nay, tàu công vụ Trung Quốc cũng thường xuyên thâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo này, được cho là để thách thức Nhật Bản.
Song song với việc bố trí tên lửa trên các đảo xa, Nhật Bản cũng đã nghĩ đến việc trang bị hàng không mẫu hạm cho quân đội của mình. Từ khi Tokyo đưa loại khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của họ vào hoạt động, mọi người đều cho rằng thực ra loại tàu đó chỉ mang danh nghĩa là khu trục hạm, chứ trong thực tế, đó là những chiếc tàu sân bay trá hình.
Cho đến gần đây, chính quyền Nhật Bản luôn bác bỏ lập luận cho rằng lớp tàu Izumo có thể biến thành hàng không mẫu hạm, thế nhưng, vào hôm qua 28/02/2018, một số quan chức bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công nhận thẳng với báo Asahi Shinbum rằng ngay từ đầu, loại tàu lớp Izumo đã được thiết kế để được cải tiến dễ dàng thành hàng không mẫu hạm, sử dụng loại máy bay hiện đại có khả năng lên thẳng hay cất cánh trên đường bay ngắn, như loại chiến đấu cơ F-35B của Mỹ.
Theo Asahi, việc Hải Quân Trung Quốc ngày càng bành trướng ảnh hưởng không xa lạ gì với tính toán chiến lược kể trên của Tokyo. Các chiến lược gia Nhật Bản đã nhận thấy rằng không thể chỉ dựa vào 3 căn cứ không quân cố định Naha của Nhật, Kadena và Futenma của Mỹ ở Okinawa, vì nếu xẩy ra chiến tranh, các căn cứ này chắc chắn là mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc.
Trong tình hình đó, việc sở hữu những căn cứ nổi như tàu sân bay sẽ trở thành cần thiết, nhất là khi các chiếc tàu này sẽ cho phép Tokyo đưa hỏa lực hùng hậu đến sát vùng Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc nhòm ngó.
Nhìn chung, khi giải thích về nhu cầu tăng cường quốc phòng, chính quyền Tokyo thường viện dẫn mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Nhưng phải nói là nhân tố Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào tiến trình gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản.
Trọng Nghĩa
***************
Trung Quốc lên kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử (RFA, 28/02/2018)
Trung Quốc có kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, cặp cảng Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, 19 tháng Hai 2013. AFP
Hãng tin Reuters loan tin này vào ngày 28/2/2018 có trích dẫn nguồn từ tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc. Theo đó Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc tiết lộ một danh sách các dự án nâng cấp vũ khí của Bắc Kinh từ đây cho đến năm 2025. Trong danh sách này có dự án đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên sau đó trên web site của Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc, tài liệu về tàu sân bay hạt nhân đã bị gỡ bỏ, nhưng nó vẫn còn được lưu lại rộng rãi trên mạng internet của Trung Quốc.
Theo tài liệu được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn, thì Trung Quốc phải bức phá để thực hiện được tàu sân bay hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm không người lái cho hệ thống phòng thủ dưới mặt nước.
Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tên là Liêu Ninh được Bắc Kinh nâng cấp từ chiếc tàu sân bay cũ của Ukraine bán cho vào năm 1998.
Chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc do nước này đóng hoàn toàn được hạ thủy vào tháng tư năm 2017, dự trù sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020. Chiếc tàu này cũng dựa trên mẫu thiết kế của chiếc Liêu Ninh.
Bắc kinh dự định là sẽ có tất cả 6 hàng không mẫu hạm để có thể hoạt động khắp nơi trên thế giới.
Vào tháng 10 năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nói rằng sẽ đưa quân đội Trung Quốc trở thành đội quân có đẳng cấp hàng đầu trên thế giới vào năm 2050, với những kỹ thuật quân sự tân tiến như máy bay tàng hình, hỏa tiễn, hàng không mẫu hạm hạt nhân.
Ngoài ra một số nhà ngoại giao các nguồn tin thân cận với giới quân sự Trung Quốc cũng nói rằng Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc, tức là quân đội của nước này cũng muốn gia tăng kinh phí quốc phòng để đối phó với tình trạng bất ổn trên toàn thế giới.
*****************
Trung Quốc có kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân (VOA, 28/02/2018)
Trung Quốc đang phát triển các công nghệ để đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 28/2, vào lúc Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng.
Tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc tự chế tạo được hạ thủy hồi tháng 4/2017
Theo Hoàn cầu Thời báo, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu (CSIC) của nhà nước, nhà sản xuất tàu hải quân lớn nhất của Trung Quốc, hôm 27/2 tiết lộ về tham vọng này khi nêu ra danh sách các tiến bộ kỹ thuật mà tập đoàn hy vọng sẽ đạt được trong khuôn khổ công cuộc nâng cấp vũ khí cho hải quân Trung Quốc từ nay đến năm 2025.
Thông báo của CSIC dường như đã được chỉnh sửa trên trang web của tập đoàn để xóa phần đề cập đến các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đoạn này được phổ biến rộng rãi trên internet của Trung Quốc.
CSIC đã đóng tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước, hạ thủy hồi tháng 4 năm ngoái và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2020, sau khi tàu được lắp thiết bị và vũ khí.
Con tàu được thiết kế dựa trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, được mua lại dưới dạng tàu cũ từ Ukraine vào năm 1998.
CSIC cũng cho biết họ đang làm việc về chiếc tàu thứ ba, sẽ được thiết kế, đóng và trang bị hoàn toàn bằng công nghệ riêng của tập đoàn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói rằng nước này cần ít nhất sáu tàu sân bay, một nỗ lực có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ.