Trung Quốc dịu giọng với Đài Loan giữa căng thẳng về dự luật của Mỹ (VOA, 03/03/2018)
Trung Quốc muốn thắt chặt tình hữu nghị với Đài Loan, nhân vật cao cấp thứ tư của Đảng cộng sản Trung Quốc phát biểu, một ngày sau khi truyền thông nhà nước cảnh báo Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh với Đài Loan nếu một dự luật của Mỹ thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với hòn đảo này trở thành luật.
Du Chính Thanh, chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), phát biểu trong phiên khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/3/2018.
Trung Quốc đã phẫn nộ về dự luật này, nói với Đài Loan hôm thứ Sáu rằng hòn đảo này sẽ chỉ rước họa vào thân nếu tìm cách dựa vào nước ngoài, trong khi truyền thông nhà nước thì cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.
Dự luật này, giờ chỉ cần chữ kí của Tổng thống Donald Trump để trở thành luật, nói rằng Mỹ cần có chính sách cho phép quan chức các cấp được đến Đài Loan để gặp gỡ những người tương nhiệm Đài Loan, cho phép quan chức cao cấp của Đài Loan được nhập cảnh Mỹ "dưới các điều kiện thể hiện sự tôn trọng" và gặp gỡ các quan chức Mỹ.
Du Chính Thanh, quan chức cao cấp thứ tư của Đảng cộng sản, đưa ra những phát biểu hòa dịu hơn trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc mà ông làm chủ tịch, và ông không nhắc gì đến dự luật này.
"Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn tình đoàn kết và tình hữu nghị với đồng bào của chúng ta ở Hong Kong, Macau và Đài Loan cũng như người Hoa ở nước ngoài", ông Du phát biểu trước khoảng 2000 đại biểu đến dự hội nghị ở Bắc Kinh.
Cơ quan này sẽ "huy động mọi người con của đất nước Trung Hoa để cùng phấn đấu vì những lợi ích quốc gia lớn hơn và hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa", ông Du nói thêm, nhắc tới khát vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là đưa một nước Trung Quốc cường thịnh về địa vị đúng đắn của mình trên trường quốc tế.
Hong Kong là một vấn đề gây phiền não cho giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là sau khi học sinh sinh viên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kéo dài hàng tuần vào cuối năm 2014 để thúc đẩy dân chủ trọn vẹn.
Các nhà hoạt động trẻ ở Hong Kong và Đài Loan đã khiến Bắc Kinh bực tức trong những năm gần đây bằng việc thúc đẩy quyền tự trị lớn hơn hoặc thậm chí độc lập, và bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Những thành viên của một nhóm ủng hộ Đài Loan độc lập tuần hành cùng với những người ủng hộ Trung Quốc trong một cuộc tập hợp, 6 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 14/05/2016.
Hong Kong và Macau trước đây là những tiền đồn thuộc địa của Châu Âu và đã được trao lại cho Trung Quốc cai quản từ những năm 1990.
Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã gia tăng kể từ khi bà Thái Anh Văn, ứng cử viên Đảng Dân Tiến chủ trương ủng hộ độc lập, đắc cử tổng thống vào năm 2016.
Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy độc lập chính thức, vượt qua lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản ở Bắc Kinh, dù nhà lãnh đạo Đài Loan đã nói rằng bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết đảm bảo hòa bình.
Bắc Kinh coi đảo Đài Loan dân chủ là một tỉnh li khai và một phần không thể tách rời của "Một nước Trung Hoa" nên không đủ tư cách theo đuổi quan hệ nhà nước với nhà nước, và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để quy phục hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của mình.
*******************
Trung Quốc tiếp tục chỉ trích Hoa Kỳ nới lỏng luật với Đài Loan (RFA, 02/03/2018)
Trung Quốc vào ngày 2 tháng 3 tiếp tục lên tiếng cho rằng Hoa Kỳ vi phạm nguyên tắc một nước Trung Quốc khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật mang tên Du lịch Đài Loan, cho phép các viên chức Mỹ gặp gỡ những người đồng cấp trong Chính phủ Đài Bắc, và những quan chức Đài Loan có thể đến Mỹ gặp gỡ một cách thỏai mái những viên chức Mỹ ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, bị Bắc Kinh chỉ trích là muốn cho Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc. 4/1/2018. AFP
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, trích tuyên bố như trên của phát ngôn nhân văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Hoa Lục, ông An Phụng Sơn. Ông An cũng cảnh cáo Đài Loan là đừng dựa vào những thế lực nước ngoài mà mang vạ vào thân.
Xin nhắc lại là từ năm 1979, Hoa Kỳ chỉ chính thức công nhận một nước Trung Quốc là Trung Hoa Lục địa, nhưng những quan hệ kinh tế và quân sự với Đài Bắc vẫn được duy trì.
Trung Quốc thì coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể thu hồi bằng võ lực nếu cần thiết. Vào năm 2016, Đài Loan có một vị Tổng thống mới là bà Thái Anh Văn có khuynh hướng đại diện cho những người Đài Loan muốn lãnh thổ này độc lập với Bắc Kinh.
Tờ Trung Hoa Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết vào hôm thứ Sáu 2/3/2018 rằng dự luật Du lịch Đài Loan của Mỹ sẽ khuyến khích bà Thái theo đuổi mục tiêu độc lập như thế.
********************
Trung Quốc cảnh báo Đài Loan sẽ rước họa khi xích lại gần Mỹ (VOA, 03/03/2018)
Trung Quốc ngày 2/3 cảnh báo Đài Loan rằng hòn đảo này sẽ rước họa vào thân nếu tìm cách dựa vào nước ngoài. Cảnh báo này bổ sung cho một loạt các cảnh báo từ truyền thông nhà nước dọa rằng Trung Quốc có thể đi đến chiến tranh với Đài Loan nếu Mỹ ban hành luật thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan.
Đài Loan đã hoan nghênh một dự luật của Mỹ kêu gọi ban hành chính sách cho phép quan chức Mỹ các cấp được đến Đài Loan để gặp gỡ những người tương nhiệm.
Dự luật vừa được Quốc hội thông qua, nay cần chữ kí của Tổng thống Donald Trump để trở thành luật, nói rằng nên có chính sách cho phép quan chức các cấp được đến Đài Loan để gặp gỡ những người tương nhiệm, cho phép quan chức cao cấp của Đài Loan được nhập cảnh Mỹ "dưới các điều kiện thể hiện sự tôn trọng" và gặp gỡ các quan chức Mỹ.
Bắc Kinh coi đảo Đài Loan dân chủ là một tỉnh li khai và một phần không thể tách rời của "Một nước Trung Hoa" nên không đủ tư cách theo đuổi quan hệ nhà nước với nhà nước. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để quy phục hòn đảo này về dưới quyền kiểm soát của họ.
Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc nói dự luật này là một sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một nước Trung Hoa".
"Chúng tôi cũng nghiêm khắc cảnh báo Đài Loan : chớ dựa vào nước ngoài để vươn dậy, nếu không họ sẽ chỉ rước họa vào thân mà thôi", văn phòng này nói trong một tuyên bố ngắn.
Trong một bài xã luận với ngôn từ mạnh mẽ, tờ Nhân Dân Nhật Báo nói nếu dự luật của Mỹ trở thành luật, thì nó sẽ chỉ khuyến khích Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định chủ quyền của hòn đảo này thêm nữa.
"Nếu bà ta vẫn nhất quyết thì sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là Trung Quốc kích hoạt Luật Chống Li khai cho phép Bắc Kinh sử dụng vũ lực để ngăn chặn hòn đảo này li khai", tờ báo nói, nhắc tới một đạo luật của Trung Quốc được thông qua vào năm 2005.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong một buổi lễ mừng Ngày Quốc Khánh ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 tháng 10, 2017.
Thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan đã gia tăng kể từ khi bà Thái, ứng cử viên của Đảng Dân Tiến chủ trương ủng hộ độc lập, đắc cử Tổng thống vào năm 2016.
Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy độc lập chính thức, vượt qua lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, dù nhà lãnh đạo Đài Loan đã nói rằng bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết đảm bảo hòa bình.
Đài Loan hoan nghênh dự luật này của Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên tại Đài Bắc hôm thứ Sáu, Thủ tướng Lại Thanh Đức nói rằng Mỹ là một "đồng minh vững chắc" của Đài Loan và bày tỏ sự cảm kích sâu sắc của ông đối với dự luật.
"Chúng tôi hết lòng trông đợi luật này có thể nâng tầm mối quan hệ thực chất giữa Đài Loan và Hoa Kỳ trong tương lai", ông Lại nói.
Trong một bài xã luận thứ hai, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước có lượng độc giả lớn viết rằng Trung Quốc có thể "thực hiện các biện pháp nhắm mục tiêu chống lại các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan".
"Về mặt quân sự, sức mạnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã đã thay đổi một cách căn bản tình hình quân sự và chính trị bên kia Eo biển Đài Loan", bài báo nói.
"Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng này, Trung Quốc đại lục giờ có khả năng chủ động chiến lược không sánh được xuyên Eo biển Đài Loan".
Trung Quốc đã gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan. Không quân Trung Quốc đã tiến hành 16 đợt diễn tập gần Đài Loan trong năm qua hoặc lâu hơn, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết vào cuối tháng 12, cảnh báo rằng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đang tăng lên từng ngày.
Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc bởi luật quy định phải giúp Đài Loan tự vệ và là nguồn cung cấp vũ khí chính của hòn đảo này. Trung Quốc thường xuyên nói Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ của họ với Washington.
************************
Trung Quốc phản đối Mỹ thông qua luật cổ vũ quan hệ với Đài Loan (RFI, 01/03/2018)
Trung Quốc hôm nay 01/03/2018 bày tỏ sự "bất bình tột độ" sau khi Thượng viện Mỹ thông qua một đạo luật nhằm tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, hòn đảo độc lập trên thực tế, nhưng luôn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh của mình.
Ảnh minh họa : Một số người đến ủng hộ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lúc quá cảnh tại Burlingame, California, 14/01/2017. Reuters/Stephen Lam
Đạo luật mang tên "Taiwan Travel Act" được bỏ phiếu hôm qua, chủ yếu khuyến khích các nhà lãnh đạo Đài Loan đến Hoa Kỳ và gặp gỡ các quan chức cao cấp Mỹ.
Mặc cho Bắc Kinh phản đối mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa Đài Bắc và một nước thứ ba, dự luật đã được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua. Trước đó hồi tháng Giêng, văn bản này cũng đã được Hạ Viện Mỹ chấp thuận.
Tổng thống Donald Trump còn phải phê chuẩn để luật mới có hiệu lực. Tuy nhiên do đạo luật đã được toàn bộ Quốc hội nhất trí, ông Trump khó thể phản đối được.
Hôm nay phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết : "Trung Quốc bày tỏ sự bất bình cao độ và kiên quyết phản đối. Chúng tôi đã trao kháng thư cho Hoa Kỳ".
Trung Quốc cấm tất cả các quốc gia nào có quan hệ ngoại giao chính thức với mình duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Bắc Kinh không ngừng tìm cách cô lập hòn đảo này bằng cách khuyến dụ những nước nhỏ cuối cùng còn giữ quan hệ với Đài Bắc, qua những món viện trợ, đầu tư.
Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Đài Bắc năm 1979, công nhận chế độ cộng sản Bắc Kinh ở Hoa lục là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn tiếp tục quan hệ thương mại và bán vũ khí cho Đài Loan.
Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng khiến Bắc Kinh cay cú khi chấp nhận nói chuyện điện thoại với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sau khi vừa đắc cử. Mùa hè 2017, ông lại duyệt cho bán thêm 1,3 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan.
Thụy My
*******************
Trung Quốc phản đối Mỹ về dự luật tăng cường quan hệ với Đài Loan (RFA, 01/03/2018)
Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng Hai thông qua một dự luật thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, khiến cho Trung Quốc nổi giận.
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. AFP
Luật Du lịch Đài Loan, được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hồi tháng Giêng, nhằm khuyến khích việc thăm viếng "ở mọi cấp" giữa Đài Loan và Mỹ. Dự luật này được thêm vào điều khoản có thể chính sách của Hoa Kỳ cho phép giới chức cấp cao của Đài Loan đến Mỹ để tiếp xúc với giới chức Hoa Kỳ và giao dịch thương mại giữa hai quốc gia.
Dự luật này chỉ chờ Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật và được đánh giá rằng sẽ không gặp trở ngại nào, vì lưỡng viện đã nhất trí thông qua.
Một ngày sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật vừa nêu, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chính thức phản đối rằng Bắc Kinh rất không hài lòng về điều đó.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vào hôm thứ Năm, ngày 1 tháng Ba nói trong cuộc họp báo thường nhật rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ phải giải quyết vấn đề liên quan một cách đúng đắn và thận trọng, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng dự luật liên quan đến Đài Loan mà Thượng viện Hoa Kỳ vừa thông qua không có ràng buộc hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng chính sách "một nướcTrung Hoa". Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngưng các hoạt động trao đổi chính thức với Đài Loan.
**********************
Tàu tuần tra Trung Quốc bị phát hiện gần đảo Thị Tứ (RFA, 01/03/2018)
Một trong những tàu tuần duyên được trang bị vũ khí đầy đủ của Trung Quốc bị phát hiện gần Đá Hoài Ân, tiếng Anh là Sandy Cay. Đá này cách đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa chừng 6,5 kilomet về phía tây.
Tàu Trung Quốc được phát hiện tại vùng biển phía Tây của Philippines - Philstar.com
Mạng báo philstar.com của Philippines loan tin vào ngày 28 tháng 2 dẫn phát biểu của phó giáo sư Ryan Martinson thuộc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Quốc rằng chiếc tuần duyên CCG46301 của Bắc Kinh bị phát hiện tại vị trí vừa nêu vào ngày 25 tháng 2.
Chiếc tàu tuần duyên này có thể đe dọa các tàu nước ngoài nhỏ hơn trong vùng biển tranh chấp hiện nay.
Mạng báo philstar.com nêu rõ trong những tháng qua các tàu cá Trung Quốc, tàu tuần duyên và tàu chiến của chính phủ Bắc Kinh vẫn duy trì sự hiện diện gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa.
Tin nói thêm tàu Trung Quốc còn có thể neo đậu gần khu vực đó ; đặc biệt ở Đá Subi. Đây là một trong ba đảo nhân tạo lớn nhất tại Trường Sa mà Trung Quốc bồi lấp nên trong thời gian qua và tiến hành xây dựng căn cứ quân sự trên đó.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như trọng Biển Đông trong đường đứt khúc chín đoạn do Trung Quốc vạch ra. Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA ở La Haye ra phán quyết đường do Trung Quốc vạch ra như thế không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử.