Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/03/2018

Nghi vấn về sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt với Philippines

Tổng hợp

Trung Quốc và ASEAN bắt đầu tham vấn về COC (RFI, 01/03/2018)

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu tiến hành cuộc họp lần thứ 23 của nhóm công tác chung về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong hai ngày 1 và 2/03/2018 tại Nha Trang, Việt Nam.

nghi1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (T) trong cuộc họp ASEAN tại Manila, Philippines,ngày 7/08/2017. Reuters/Mohd Rasfan/Pool

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo thường lệ cho biết các bên liên quan sẽ trao đổi quan điểm về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xúc tiến hợp tác trên biển, và tham vấn Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Theo ông Lục Khảng, thì tình hình hiện nay trên Biển Đông đã ổn định "nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực".

Tuy nhiên trang web Moneycontrol của Ấn Độ hôm thứ Ba 27/2 dẫn lời đặc phái viên Tôn Sinh Thành của Việt Nam nhận định tình hình Biển Đông vẫn "phức tạp", và việc khởi động đàm phán COC là "một bước tích cực".

Chuyên gia người Mỹ Gregory Poling hồi tháng Giêng cho rằng ASEAN và Trung Quốc còn phải mất thêm khoảng 20 năm nữa để có được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc. Theo giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), không có dấu hiệu gì chứng tỏ Trung Quốc muốn đàm phán một cách nghiêm túc. Nếu các nước khác ngưng hành động trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực để giành lợi thế.

Chuyên gia Poling cho rằng tuy thương thảo về COC, nhưng ASEAN không nên coi là lựa chọn duy nhất, mà nên đồng thời xây dựng lực lượng cảnh sát biển, hợp tác với các nước khác.

Thụy My

**********************

Philippines tuyên bố hợp tác khai thác biển với công ty Trung Quốc (RFA, 01/03/2018)

Hãng thông tấn AFP loan tin Philippines đang đàm phán với một công ty Trung quốc về việc thăm dò và khai thác tài nguyên năng lượng ở vùng Biển Đông theo thỏa thuận đề nghị mà tổng thống Duterte của Philippines cho là gần như việc "đồng sở hữu" các khu vực tranh chấp.

nghi2

Tổng thống Philippines Rodrigue Duterte - AFP

Trung Quốc và Philippines từ lâu đã có những tranh cãi gay gắt xung quanh các khu vực gây tranh chấp. Tuy nhiên, kể từ sau khi nhậm chức, ông Duterte đã có những chính sách nhằm làm dịu mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc so với người tiền nhiệm.

Các cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc về thăm dò Biển Đông đã được Ngoại trưởng Philippines, Alan Peter Cayetano, đưa ra hồi tháng trước. Hôm 01/03, phát ngôn nhân của Tổng thống ông Harry Roque đã đưa ra thông tin cụ thể hơn và cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa bộ phận năng lượng của Philippines và một công ty nhà nước Trung Quốc không nêu tên, liên quan đến việc khai thác năng lượng trong vùng biển nói trên.

Tuy nhiên, ông này không chỉ rõ khu vực cụ thể nào đang được thảo luận.

Việc hợp tác của Duterte với Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt lớn so với quan điểm của người tiền nhiệm Benigno Aquino trước đây, cáo buộc Bắc Kinh lấn chiếm, chiếm đóng và xây dựng các căn cứ trên các rặng đá ngầm mà Manila tuyên bố là một phần của vùng đặc quyền kinh tế.

**********************

Philippines thông báo đàm phán với một công ty Trung Quốc để cùng khai thác ở Biển Đông (RFI, 01/03/2018)

nghi3

Ảnh minh họa : Một dàn khoan Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Ảnh 9/07/2017. Reuters/Stringer

Philippines hôm nay 01/03/2018 loan báo đang đàm phán với một công ty Trung Quốc về việc cùng thăm dò và khai thác tài nguyên ở Biển Đông, trong khuôn khổ một thỏa thuận được tổng thống Rodrigo Duterte nói là "đồng sở hữu" các khu vực tranh chấp.

Khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình ABS-CBN, hôm nay, 01/03/2018, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống, cho biết, bộ Năng lượng Philippines đang đàm phán với một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, và hiện nay vấn đề khai thác nguồn năng lượng đã được đặt lên bàn hội nghị. Ông nói : "Chúng tôi có thể đạt đến thỏa thuận với một tập đoàn Trung Quốc, nhưng không phải với Nhà nước Trung Quốc (…) Hiện nay đang đàm phán về việc cùng thăm dò và có thể cùng khai thác nguồn lợi thiên nhiên". Tuy nhiên, ông từ chối cho biết khu vực nào trên Biển Đông đang được thương thảo, tên của tập đoàn Trung Quốc, cũng như lịch trình và thời hạn cụ thể của thỏa thuận.

Hôm qua ông Duterte tuyên bố là một sự dàn xếp giữa đôi bên vẫn có lợi hơn là để cho quân Philippines bị "thảm sát" trong một trận chiến với Trung Quốc. Khi đi thăm thành phố Marawi bị tàn phá vì chiến tranh ở miền nam, ông nói : "Nay họ đề nghị cùng thăm dò, giống như là đồng sở hữu, tôi nghĩ như vậy tốt hơn là chiến đấu với họ".

Tháng trước ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã đề cập đến việc thương lượng với Trung Quốc về thăm dò Biển Đông, cho biết sẽ tham khảo các chuyên gia pháp lý để chắc chắn rằng các thỏa thuận này không ảnh hưởng đến chủ quyền. Theo ông, các công ty Philippines không thể tự tiến hành mà cần có vốn của Bắc Kinh, và nói thêm, "cứ mỗi lần một công ty Philippines định thăm dò thì lại bị đụng đầu các chiến hạm Trung Quốc".

Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, và AFP cho rằng đề nghị hợp tác khai thác giữa Manila và Bắc Kinh sẽ gây quan ngại cho các nước láng giềng đang tranh chấp.

Trong lúc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, tổng thống tiền nhiệm là Aquino đã đưa vấn đề ra Tòa Trọng Tài quốc tế và tòa đã tuyên bố đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ là vô căn cứ. Tuy nhiên ông Duterte lại đi theo hướng ngược lại, tìm cách xoa dịu quan hệ với Bắc Kinh, hy vọng sẽ có được những món đầu tư.

Thụy My

*******************

Chủ tịch nước Việt Nam công du Ấn Độ bàn về Biển Đông và quốc phòng (RFI, 01/03/2018)

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm Ấn Độ từ ngày 02/03/2018. Biển Đông, quốc phòng và thương mại là chủ đề nghị sự chính trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên, kéo dài ba ngày, của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

nghi4

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang phát biểu tại Diễn đàn doanh nhân Thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, ngày 8/11/2017. Reuters

Trả lời trang Economic Times, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết phái đoàn tháp tùng ông Trần Đại Quang có 18 người, trong đó có phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh, bộ trưởng Công-Thương và bộ trưởng bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, cùng với 65 doanh nhân.

Hai bên sẽ ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nông nghiệp, thương mại và đầu tư. Vẫn theo đại sứ Tôn Sinh Thành, vấn đề Biển Đông với những yêu sách ngày càng gia tăng của Trung Quốc, cũng sẽ được đưa ra thảo luận. Chủ tịch nước Việt Nam sẽ gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 03/03 và sẽ có bài diễn văn chính sách quan trọng vào ngày 04/03.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết quốc phòng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương và hai nước đã duy trì "quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ và hiệu quả". Tuy nhiên, ông không trả lời về ý định của Việt Nam mua tên lửa BrahMos.

Vào đầu năm 2018, lần đầu tiên quân đội Việt Nam và Ấn Độ đã cùng tập trận chung. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của thủ tướng Modi, hai nước đã nâng tầm quan hệ, từ "đối tác chiến lược" thành "đối tác chiến lược toàn diện".

Trên lĩnh vực thương mại, doanh nghiệp hai nước có thể sẽ ký một số thỏa thuận về xây dựng một khu khai thác than đá tại Việt Nam và cùng phát triển một hải cảng. Năm 2017, tổng trao đổi mậu dịch giữa hai nước đạt 7,6 tỉ đô la, tăng 40% so với năm 2016.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)