Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/03/2018

Khu vực Đông Á và Đông Nam Á khó yên bình

Tổng hợp

Trung Quốc lại trì hoãn đề nghị của Mỹ đòi trừng phạt Bình Nhưỡng (RFI, 03/03/2018)

Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày 02/03/2018 tiết lộ : Trung Quốc vừa trì hoãn một đề nghị của Hoa Kỳ, yêu cầu một ủy ban trực thuộc Hội Đồng Bảo An đưa vào danh sách đen 33 chiếc tàu, 27 công ty vận tải biển và một cá nhân Đài Loan, bị buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh đã cản trở mà không nêu lý do.

asie1

Ảnh minh họa : Tàu Bắc Triều Tiên Mangyongbong-92 ở cảng Donghae, Hàn Quốc, ngày 06/02/2018. Reuters/Song Kyung-Seok

Theo hãng tin Anh Reuters, Hoa Kỳ đã chuyển đề nghị này lên Hội Đồng Bảo An vào tuần trước, nhưng Trung Quốc đã trì hoãn đề xuất của Mỹ và không giải thích. Theo Reuters, động thái trì hoãn thường được đưa ra khi một thành viên Hội Đồng muốn có thêm thông tin, nhưng đôi khi có mục tiêu gạt bỏ hoàn toàn đề xuất.

Ủy Ban Trừng Phạt Bắc Triều Tiên của Hội Đồng Bảo An vận hành theo nguyên tắc đồng thuận, và nếu đề nghị của Mỹ được thông qua, thì toàn bộ số tàu bị đưa vào danh sách đen, trong đó có 19 chiếc của Bắc Triều Tiên, sẽ bị cấm cập cảng trên toàn thế giới, trong lúc tài sản của 27 hãng vận tải biển và cá nhân Đài Loan sẽ bị phong tỏa.

Reuters ghi nhận là đề xuất trừng phạt được Washington đưa ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường sức ép để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc ngăn chặn việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Vào tháng 12/2017, Washington từng đề nghị bổ sung vào danh sách đen 10 chiếc tàu khác. Ủy Ban chỉ đồng ý với bốn tên. Theo các nguồn tin ngoại giao, chính Trung Quốc đã bác bỏ việc trừng phạt 6 chiếc tàu còn lại.

Trọng Nghĩa

***************

Úc tăng cường hiện diện tại Biển Đông (RFA, 02/03/2018)

Úc chia sẻ quan tâm của Hoa Kỳ về hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực tranh chấp Biển Đông.

asie2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/2/2018 - AFP

Mạng philstar.com của Philippines vào ngày 2 tháng 3 dẫn nguồn một báo cáo trên tờ Wall Street Journal về việc Úc cho gia tăng hiện diện hải quân của nước này tại Biển Đông trước những quan tâm về vấn đề ổn định khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Marise Payne của Úc từng điều trần trước Quốc Hội Canberra về sự bất an đối với khả năng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Úc trình bày với Thượng Viện là Úc tăng cường sự hiện diện Hải Quân tại Biển Đông trong vòng 18 tháng qua, dù rằng không tham gia chiến dịch tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành tại đó.

Biện pháp tăng cường sự hiện diện Hải Quân Úc tại khu vực tranh chấp Biển Đông được nói rõ nằm trong kế hoạch chú trọng mạnh mẽ đến vấn đề an ninh và ổn định tại vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Tại cuộc gặp vào cuối tháng hai, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Đông. Người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ cám ơn phía Úc ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ tại vùng biển này.

Tờ Australian loan tin là Trung Quốc thực hiện biện pháp được gọi là ‘đóng băng ngoại giao’ với Úc sau khi thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra luật về sự can thiệp của nước ngoài vào Úc, cũng như cho tăng cường sự hiện diện hải quân tại Biển Đông.

Bắc Kinh cho ngưng một số chuyến thăm cấp bộ trưởng và hoãn các cuộc công du của thủ tướng Turnbull cũng như ngoại trưởng Julie Bishop đến Trung Quốc.

Theo kế hoạch trong tháng ba, thủ tướng Malcolm Turnbull sẽ sang Bắc Kinh nhưng hiện chưa có cập nhật gì về chuyến đi này. Còn chuyến đi Hoa Lục theo dự kiến của Ngoại trưởng Julie Bishop vẫn chưa được xác định cho đến sau kỳ họp quốc hội Trung Quốc.

Mạng Hoàn Cầu Thời Báo từng gọi Australia là một ‘thế lực tiên phong chống Trung Quốc’ trong số các nước Phương Tây.

*****************

Biển Đông : Philippines tiết lộ 2 vùng khai thác chung với Trung Quốc (RFI, 03/03/2018)

Sau khi loan báo quyết định đàm phán với một công ty Trung Quốc để cùng khai thác dầu khí với Trung Quốc, Philippines ngày 02/03/2018 đã tiết lộ vị trí hai vùng được chọn, trong đó có một vùng là nơi tranh chấp từ lâu giữa hai nước.

asie3

Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), thuộc vùng đặc quyền kinh tế Philippines. wikipedia

Phát ngôn viên của tổng thống Duterte, ông Harry Roque, xác định rằng khu vực được đề nghị đồng khai thác là hai lô mang ký hiệu SC-57 và SC-72, giấy phép thăm dò do bộ Năng Lượng Philippines ban hành. Cả hai nơi này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến lô SC-72 ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một nơi tranh chấp từng được Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye công nhận vào năm 2016 là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, trong phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc theo bản đồ "đường Lưỡi Bò".

Khu vực này từng được chính quyền Manila giao cho tập đoàn Philippines PXP Energy thăm dò khai thác, nhưng tàu khảo sát của tập đoàn này đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi.

Theo chính quyền Manila, hai nước vừa đồng ý lập một ủy ban đặc biệt để tìm giải pháp cho việc hai bên có thể cùng khai thác một vùng tranh chấp mà không cần phải giải quyết vấn đề chủ quyền.

Riêng về lô SC-57, theo hãng Reuters, vào tháng 9 năm ngoái, Manila đã cho biết có một dự án thăm dò dầu khí với sự cộng tác của tập đoàn dầu khí hải ngoại Trung Quốc CNOOC và một công ty Canada.

Vùng này nằm ngoài vùng biển tranh chấp, và gần các mỏ dầu và khí đốt chính của Philippines, bao gồm các mỏ Malampaya, Nido, Cadlao và Matinloc.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 650 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)