Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/03/2018

Điểm báo Pháp - Tập Cận Bình Chủ tịch suốt đời

RFI tiếng Việt

Chủ tịch suốt đời : Tập Cận Bình đại nhảy vọt hay đại thụt lùi ?

Hôm 05/03/2018, ngày Quốc hội Trung Quốc họp nhằm hợp thức hóa việc ông Tập Cận Bình làm chủ tịch suốt đời, hầu hết các báo Paris đều bàn luận về vấn đề này.

tcb1

Chân dung ông Tập Cận Bình trên đường phố Thượng Hải, Trung Quốc, 24/10/2017. Reuters/Aly Song

Trong bài "Cuộc đại nhảy vọt của Tập Cận Bình", tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro nhận xét, cánh cửa đã mở ra cho nhân vật mà tư tưởng được ghi vào Điều lệ Đảng, ngang hàng với Mao Trạch Đông. Năm 2023, ở tuổi 69, ông Tập không chỉ ở lại thêm một nhiệm kỳ, mà còn có thể tại vị vĩnh viễn.

Việc định chế hóa tính chất độc tài của quyền lực Tập Cận Bình song hành với sự quay lại của hiện tượng tôn sùng cá nhân lãnh tụ, và việc bổ nhiệm một loạt chức trách Nhà nước, sau khi ông Tập đã đưa hàng loạt người của mình vào những chức vụ cao trong Đảng, dập tắt mọi lực lượng đối lập.

Sự ngả sang chế độ kiểu phong kiến này đánh dấu một bước ngoặt to lớn đối với các nguyên tắc mà Đặng Tiểu Bình đã vạch ra để tránh một cuộc Cách mạng văn hóa thứ hai. Đảng cộng sản từng tái khẳng định độc quyền lãnh đạo một cách thô bạo, sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Đổi lại là sự lãnh đạo tập thể, người giữ chức vụ cao nhất không được giữ ghế quá 10 năm ; đồng thời giảm bớt kiểm soát ý thức hệ trong kinh tế xã hội, giáo dục và truyền thông. Tất cả nay đã trở nên lỗi thời.

Trung Quốc mở cửa không có nghĩa là dân chủ hóa

Tập Cận Bình cũng chôn vùi ảo tưởng của phương Tây, là việc chuyển sang chủ nghĩa tư bản sẽ khiến Trung Quốc tiến đến một nền kinh tế thị trường, thiết lập Nhà nước pháp quyền và chấp nhận một số dạng thức dân chủ. Nhưng nay đã chứng tỏ chủ nghĩa tư bản và công nghệ không củng cố được dân chủ tại Trung Quốc, mà là độc tài núp sau bộ mặt ngụy dân chủ.

Sự tham gia của Trung Quốc vào hệ thống trao đổi và thanh toán tiền tệ thế giới, không phải là hội nhập, mà là đối đầu trực diện với các giá trị phương Tây. Quyền lực đang gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc không nhằm ổn định thế giới mà nhằm tranh giành vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Tập Cận Bình biện minh việc nắm quyền vô thời hạn của mình bằng sự cần thiết phải cải cách mô hình kinh tế Trung Quốc, với thuận lợi là Donald Trump đã tự làm suy giảm các công cụ tạo thành sức mạnh Mỹ.

Sự chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng giá rẻ sang tăng trưởng chất lượng hơn, hướng về tiêu dùng nội địa và dịch vụ, là điều bắt buộc.

Nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ưu tiên của ông Tập lại là củng cố quyền lực. Nay ông phải cố gắng đấu tranh chống tình trạng nợ nần, tín dụng đen, ô nhiễm, nghèo đói ; quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và thực hiện tham vọng vượt qua Hoa Kỳ, đặc biệt trong lãnh vực trí thông minh nhân tạo.

Tham vọng bành trướng và rủi ro của quyền lực tuyệt đối

Chiến lược toàn cầu của Trung Quốc để trở thành đại cường số một thế giới vào năm 2030 đang được tăng tốc. Chiến lược này dựa trên bốn trụ cột : tái khẳng định sự độc tôn của đảng và ý thức hệ ; ưu đãi doanh nghiệp Trung Quốc bất chấp sự thiệt hại của nhà đầu tư nước ngoài ; bành trướng trên Biển Đông, nhất là quân sự hóa các đảo chiến lược ; tăng áp lực lên Đài Loan, mua chuộc các đồng minh của Mỹ tại Châu Á như Philippines, Malaysia. Cuối cùng là xuất khẩu mô hình kinh tế chính trị Trung Quốc thông qua Con Đường Tơ Lụa Mới, huy động 1.000 tỉ đô la liên quan đến khoảng 100 nước.

Tuy nhiên theo Le Figaro, việc quay lại với quyền lực tuyệt đối thời Mao mang lại những rủi ro không nhỏ. Hiện đại hóa nền kinh tế, hướng về dịch vụ có giá trị tăng thêm cao – đòi hỏi kiến thức và sáng tạo, khó thể song hành với việc tăng cường kiểm soát ý thức hệ và đàn áp. Chủ tịch muôn đời theo kiểu phong kiến, độc tài và tôn sùng lãnh tụ gây phản ứng mạnh mẽ trong giới tinh hoa, giới trẻ và xã hội dân sự. Quyền lực vô hạn định có nguy cơ gây ra những cuộc phiêu lưu với bên ngoài một khi gặp khó khăn trong nước.

Khi bỏ qua một bên sự thận trọng của họ Đặng và lao vào cạnh tranh công khai với Mỹ về công nghệ, quân sự và chiến lược, Trung Quốc của Tập Cận Bình gây lo sợ, làm bất ổn quá trình toàn cầu hóa vốn đã giúp cho Bắc Kinh cất cánh.

Le Figaro nhấn mạnh, không có ví dụ nào trong lịch sử cho thấy một cá nhân nào nắm quyền vô hạn định mà có được một kết cục có hậu.

Bước đại thụt lùi của Trung Quốc

Nếu nhật báo cánh hữu mỉa mai gọi đây là bước đại nhảy vọt của ông Tập, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan trong bài "Tập Cận Bình, tân độc tài lạc hậu" trên Le Monde lại nhận định, đây là một bước đại thụt lùi của đời sống chính trị nước này.

Chuyên gia Cabestan gọi là "sự Putin hóa" của ông Tập. Tuy nhiên khác với tổng thống Nga, Tập Cận Bình nay gom một lúc đến ba chức vụ, vì không có hạn chế nào đối với chiếc ghế tổng bí thư và chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự đi thụt lùi lại 100 năm, vào thời kỳ mà Viên Thế Khải (Yuan Shikai, 1859-1916) tìm cách xưng đế. Quyền lực ông Tập được củng cố, nhưng đến đâu, và ông có thể cải cách như đã hứa ?

Đảng cộng sản hoạt động như mafia

Đã đành vừa loan báo, việc sửa đổi Hiến Pháp đã gây phản ứng rộng rãi trên mạng xã hội (và bị kiểm duyệt ngay). Trong nội bộ đảng cũng bất đình, vì biện pháp này được loan báo lúc Trung ương Đảng chưa thông qua. Nhưng từ sau Đại hội 19, Tập Cận Bình đã mạnh lên, khống chế được đa số trong 25 ủy viên Bộ Chính trị. Và nếu có một vài tiếng nói phản kháng trong Quốc hội kỳ này, ông Tập có thể trông cậy vào Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), dự kiến sẽ là chủ tịch Quốc hội.

Theo tác giả, Tập Cận Bình có thể thành công, vì hiện không có lực lượng nào đủ mạnh để thách thức ông. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục tuy chậm hơn, tiêu thụ và dịch vụ tăng tiến, quá trình hiện đại hóa Nhà nước tiếp diễn, xã hội ngày càng phó mặc cho Tập gia gia độc tài chính trị.

Tuy ổn định trước mắt, nhưng chế độ Trung Quốc có thể duy trì tình trạng này lâu dài ? Chuyên gia Cabestan cho rằng việc sửa đổi Hiến Pháp đi ngược lại các quy định xưa nay, làm tăng thêm sự mập mờ, độc đoán thậm chí mafia trong đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng như tất cả các hội kín, đảng có thể kéo dài nhiệm kỳ của "bố già" hiện nay, nhưng không thể bảo đảm sự chuyển giao quyền lực một cách minh bạch và êm ái.

Hòa giải liên Triều : Mỹ phải làm khán giả

Cũng liên quan đến Châu Á, Le Monde nhận định "Washington bị hai nước Triều Tiên cho đứng bên lề".

Tờ báo cho biết, hôm 02/03/2018 là ngày làm việc cuối cùng của Joseph Yun, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên. Nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm quyết định về hưu, về mặt chính thức "vì lý do cá nhân", nhưng thực ra do người chủ trương đối thoại này đã đụng chạm với đường lối cứng rắn của Nhà Trắng.

Ông Yun đã phục vụ trong suốt ba thập niên, là kênh gặp gỡ không chính thức với phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc. Ông ra đi sau khi Victor Cha, ứng viên chính cho chiếc ghế đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bỏ trống từ một năm qua, bị Nhà Trắng từ chối. Ông Cha - cũng chẳng phải là "bồ câu" vì đã từng tham gia chính quyền ông Bush – đã dám phê phán lý thuyết "đánh cho sặc máu mũi", tức đánh phủ đầu Bắc Triều Tiên, trong khi Seoul chỉ cách vùng phi quân sự có 50 km.

Hai sự ra đi này cho thấy ngoại giao Mỹ đang phải đứng ngoài lề, vào lúc một đường điện thoại khẩn đã được thiết lập giữa hai nước Triều Tiên. Nay Mỹ chỉ còn hy vọng ông Moon Jae-in không nhượng bộ Bình Nhưỡng quá nhiều. Hoa Kỳ không còn cách nào hơn là phải nhìn nhận khả năng can thiệp quân sự là không tưởng, và buộc lòng chấp nhận con đường đối thoại mà ông Moon đã mở ra.

Trump và chiến lược của người điên

Le Figaro nhìn sang nước Đức láng giềng, đăng ảnh bà "Merkel, thủ tướng chân đất sét". Việc đảng SPD bỏ phiếu đồng ý liên minh giúp cho bà Angela Merkel tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư, nhưng uy thế của bà yếu đi hơn bao giờ hết.

Về thời sự nước Pháp, nhật báo La Croix chạy tựa "Bure, rác thải nguyên tử đầy rắc rối". Cuối tuần qua, nhiều người dân vùng Meuse lại xuống đường phản đối dự án chôn rác thải hạt nhân tại đây, đã được tranh cãi từ hơn 30 năm qua.

Libérationnói về "Cuộc phản công của Hidalgo", đô trưởng Paris thuộc cánh tả đang bị chống đối, chủ yếu vì việc cấm xe hơi sử dụng con đường vòng quanh sông Seine ở nội đô Paris.

Về kinh tế, nhật báo Les Echos chạy tựa "Chiến tranh thương mại : Bóng ma của sự leo thang".Hồ sơ của tờ báo liệt kê sáu câu hỏi để hiểu quyết định gây sốc của ông Trump, cho biết Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu trả đũa, và thị trường tài chính bị rối loạn vì lo sợ.

Trang nhất của Le Monde nói về "Thương mại : Chiến lược của Châu Âu trước Donald Trump". Theo tờ báo, các sản phẩm Mỹ xuất sang Châu Âu có tổng trị giá khoảng 2,8 tỉ euro sẽ là đối tượng bị đánh thuế, trong đó có những tên tuổi mang tính biểu tượng : quần jean Levi’s, mô tô Harley-Davidson.

Bài xã luận của Les Echos mang tựa đề "Trump, hay chiến lược của người điên" cho rằng với việc đánh thuế lên thép và nhôm, Donald Trump dường như đã quyết định mở rộng sang lãnh vực kinh tế chiến lược mà ông đã áp dụng với Bắc Triều Tiên.

Được gọi là "madman strategy", chiến lược mà cặp bài trùng Nixon-Kissinger từng vạch ra trong chiến tranh Việt Nam thập niên 70, nhằm làm cho địch thủ không biết đường nào mà lần, và tin rằng mình có thể làm mọi thứ.

Phương Tây không thể mù quáng

Quyết định của tổng thống Trump mang ý nghĩa chính trị, gởi đến các công nhân Mỹ và giới lobby về thép, vốn hiện diện không ít trong chính phủ ; tuy nhiên theo Les Echos, lại không mang tính kinh tế bao nhiêu. Nếu trừng phạt các nước "chơi không đẹp" - như Trung Quốc vì tài trợ xuất khẩu - là chính đáng, việc ngáng chân các nước tuân thủ luật lệ là không thể hiểu được. Ông Donald Trump nói : "Có ít Chevrolet ở Berlin hơn là Mercedes ở New York". Nhưng phần còn lại của thế giới có thể đáp trả : Amazon và Google, cũng như Coca Cola hiện diện khắp nơi.

Tất nhiên Châu Âu không thể mãi đóng vai "thằng khờ trong ngôi làng toàn cầu". Và quan trọng nữa là phải siết chặt hàng ngũ trước chính sách mị dân của Donald Trump, vì ông đã vận dụng đến một văn bản từ năm 1962 nhằm bảo vệ lợi ích Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh. Vào lúc Tập Cận Bình tự trao cho mình quyền lực suốt đời, Vladimir Putin tung hoành ở Syria, Lybia và không mấy giấu diếm ý đồ tác động lên bầu cử tại các quốc gia dân chủ, sự chia rẽ của phương Tây, theo Les Echos, còn tệ hơn cả sự vô trách nhiệm. Đó là sự mù quáng !

Thụy My

 

Quay lại trang chủ
Read 507 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)