Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/03/2018

Điểm báo Pháp - Châu Á lo ngại "hoàng đế đỏ Trung Hoa"

RFI tiếng Việt

Châu Á lo ngại "hoàng đế đỏ Trung Hoa"

Thời sự Châu Á hôm nay được các báo Pháp chú ý nhiều với hai sự kiện chính : Quốc hội Trung Quốc hôm qua, 11/03/2018, đã thông qua sửa đổi Hiến pháp để Tập Cận Bình có thể nắm quyền mãn đời và cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong-un – Donald Trump sắp tới, cùng nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra.

chaua1

Ông Tập Cận Bình bỏ phiếu trong cuộc biểu quyết ngày 11/03/2018 về sửa đổi Hiến pháp cho phép ông làm chủ tịch suốt đời. Reuters/Jason Lee

Báo Le Figaro chạy tựa chính trang nhất "Trung Quốc : Hoàng đế mới" cùng với bài xã luận mang tựa đề "Ham muốn đế vương". Trong nhiều góc độ xung quanh sự kiện, Le Figaro có bài viết đáng chú ý : "Hoàng đế đỏ" làm dấy lên "vòng cung lo âu" khắp Châu Á.

Bài báo nhận xét, vào lúc ở Bắc Kinh vị "hoàng đế đỏ" mới Tập Cận Bình khẳng định quyền lực không chia sẻ, thì các nước láng giềng đang lo sợ đến một Trung Quốc bá quyền ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực được cho là ngã tư chiến lược mới của thế giới. Tờ báo dẫn nhận định của Jeff Kingston, giáo sư đại học Temple University, Tokyo : Đối diện với Trung Quốc, một vòng cung lo ngại đang hình thành từ New Delhi đến Tokyo và qua đến Canberra.

Theo tờ báo, việc sửa đổi hiến Pháp để mở đường cho chủ tịch Trung Quốc trị vì đất nước vô hạn định đang làm khơi dậy những ký ức của thời các hoàng đế Trung Hoa, thời mà các nước trong vùng phải đến Tử Cấm Thành nộp triều cống.

Bài viết nhận thấy Tập Cận Bình đã lấy "giấc mơ Trung Hoa" làm khẩu hiệu chủ nghĩa dân tộc nhằm đặt lại đất nước đông dân nhất thế giới vào vị trí tiền tiêu. Tờ báo nhắc lại, cụm từ "đại hồi sinh dân tộc Trung Hoa" đã được lặp đi lặp lại tới 27 lần trong văn kiện về chính sách đối ngoại của ông Tập tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vừa qua. Mục tiêu là khép lại một thế kỷ rưỡi Trung Quốc bị phương Tây coi thường, kể từ cuộc chiến tranh nha phiến năm 1842.

Theo bài báo, không còn là ý tưởng "trỗi dậy hoàn bình" để trấn an các láng giềng như Hồ Cẩm Đào, ông Tập chủ động tấn công hơn trên trường quốc tế, cứ tấn tới nếu cần thiết, theo kiểu sự đã rồi. Bài báo dẫn chứng : Trên Biển Đông, ông Tập biến 7 bãi đá thành đảo nhân tạo, trang bị trên đó các phương tiện quân sự hiện đại nhất, bất chấp công ước Liên Hiệp Quốc, nhằm xác quyết chủ quyền ở các vùng biển đang tranh chấp với những láng giềng như Việt Nam, Philippines hay Malaysia. Hải quân Trung Quốc theo sát từng chiến hạm của hải quân Mỹ hay nước ngoài tuần tra trên vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 90%.

Tờ báo viết tiếp : Vào thời của mình, Đặng Tiểu Bình kêu gọi Trung Quốc trỗi dậy, nhưng khá nhún nhường với chủ trương "chờ thời". Cái thời đó đã đến với Tập Cận Bình.

Chuyên gia kinh tế Châu Á của tập đoàn tài chính Natixis tại Hồng Kông Garcia Herrero nhận định : "Trung Quốc không tôn trọng các quy định cạnh tranh quốc tế, mà lại muốn xuất khẩu mô hình của mình sang các nước láng giềng". Trong khi đó, chuyên gia Jeff Kingston nhận định "Nam Á đang bị cắt nhỏ, suy yếu và ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc".

Le Figaro diễn giải : Đó là hình ảnh của Malaysia hay Thái Lan, những nước đã tặng cả thị trường đường sắt cho Bắc Kinh. Cam Bốt, Lào, những nước nhỏ, đã dễ dàng chấp nhận thành vệ tinh của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam kháng cự gay gắt với người hàng xóm khổng lồ thì trở nên lẻ loi trong ASEAN. Còn tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì đã để Manila ngả về phe Bắc Kinh.

Theo giới quan sát, đó là chính sách "chia để trị" của Trung Quốc. Chỉ còn lại Nhật Bản, chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng ngăn chặn bàn tay thao túng của Trung Quốc trong ASEAN nhằm tìm kiếm thế cân bằng chiến lược.

Bài báo trích dẫn nhiều ý kiến của các nhà phân tích cho rằng điều chủ yếu là Bắc Kinh đã tận dụng thời cơ ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống Mỹ với một chiến lược rối tung đối với khu vực này.

Chuyên gia Kingston nhận định : "Trung Quốc nhắm tới sức mạnh kinh tế để giành ảnh hưởng chính trị, nhưng Trung Quốc cũng có trong ống tay áo lá bài tủ quân sự". Các nhà chiến lược trong khu vực đánh giá, dù hải quân Mỹ hiện còn bỏ cách xa Trung Quốc về công nghệ, nhưng thế thượng phong đó sẽ bị phá vỡ trong nay mai, dẫn tới những đảo lộn địa chính trị lớn trong vòng hai thập kỷ tới.

Thượng đỉnh Kim-Trump, hoài nghi và hy vọng

Đề tài Châu Á đang rất nóng là cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Đây là hồ sơ quốc tế chính của nhật báo công giáo La Croix qua hàng tựa : "Những thách thức của một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Kim-Trump".

Hôm 9/3 vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận lời mời của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vào tháng 5 tới. Cuộc đối thoại này có thể sẽ mở ra khả năng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh như vậy sẽ đòi hỏi những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng và khẩn trương.

La Croix đặt ra những câu hỏi xung quanh sự kiện mà cả thế giới đang chờ đợi này :

Thượng đỉnh Kim–Trump sẽ diễn ra ở đâu ?

Địa điểm cho cuộc gặp là yếu tố đầu tiên rất quan trọng phải được Bình Nhưỡng và Washington thống nhất. Sự lựa chọn sẽ cho thấy phần nào thiện chí và tâm trạng của mỗi bên. Khả năng cuộc gặp diễn ra ở Bắc Triều Tiên là lý tưởng cho Bình Nhưỡng, nhưng chắc chắn Washington sẽ không dễ gì chấp nhận cũng giống như chiều ngược lại Kim Jong-un khó có thể chấp nhận thân chinh đến Mỹ. Tờ báo đưa ra một loạt địa danh có thể : Bàn Môn Điếm, trong khu phi quân sự hai miền Triều Tiên ; Genève, Thụy Sĩ (quốc gia trung lập nơi Kim Jong-un từng du học) ; Thụy Điển (nước vẫn làm đại diện cho Hoa Kỳ ở Bình Nhưỡng), thủ đô Mông Cổ Ulan Bator hoặc trụ sở Liên Hiệp Quốc…

Các trừng phạt Liên Hiệp Quốc đã có hiệu quả để dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh này ?

Washington thì muốn hiểu là như vậy. Nhưng theo La Croix, thực tế không đơn giản như vậy, vì chế độ Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng hy sinh lớn hơn để không chịu nhượng bộ gì. Điều cốt lõi của vấn đề là : "sau khi đã chứng tỏ sức mạnh, Kim Jong-un giờ ở thế mạnh để đối thoại với Hoa Kỳ".

Bắc Triều Tiên thực sự muốn gì ?

Theo La Croix, từ hơn hai chục năm qua, Bắc Triều Tiên đã nhắc đi nhắc lại điều họ muốn là đối thoại "bình đẳng" với Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng mong chờ một sự thừa nhận về ngoại giao. Chấp nhận đối thoại với Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng mong muốn an ninh của họ được bảo đảm, vì thế đây sẽ là vấn đề trọng tâm của cuộc thương lượng tới.

Thực sự Mỹ muốn gì ?

Theo La Croix, đòi hỏi chính yếu của Washington là : Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân, ngừng chương trình tên lửa đạn đạo. Để đạt được điều đó cần phải có những bảo đảm vững chắc mới hy vọng thuyết phục Bắc Triều Tiên.

Ai sẽ đóng vai trò "bảo đảm" hay "đỡ đầu" trong trường hợp đạt thỏa thuận ?

Theo tờ báo, chỉ có Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ mới có thể bảo đảm cho một thỏa thuận, dưới bất kỳ hình thức nào. Các tác nhân khác có thể nhảy vào cuộc chơi, nhưng chỉ để hợp thức hóa tiến trình lâu dài và tế nhị này.

Bắc Kinh hay Moskva có thể đóng vai trò "bảo lãnh" cho tiến trình bảo đảm an toàn cho chế độ và lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Sự nghi kỵ cố hữu của Bình Nhưỡng với Washignton khiến phải có những người "đỡ đầu" có trọng lượng để củng cố sự tin cậy cho Bình Nhưỡng. Nếu tiến trình giải trừ hạt nhân diễn ra, thì điều không thể thiếu là sự can dự của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA). Những chi tiết can thiệp của cơ quan này cũng phải được thương lượng rất kỹ.

Ngoài ra, ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể nhảy vào cuộc, vì đó là tác nhân trung lập nhất trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tóm lại, sự kiện lịch sử trên nếu diễn ra, sẽ mang lại mức độ hy vọng và hoài nghi như nhau.

Đảng cực hữu Pháp : Bình mới rượu cũ

Về tình hình chính trị nội bộ Pháp, sự kiện chiếm trang nhất các báo là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia - FN (Front National) muốn đổi tên mới thành Tập hợp Quốc gia - RN (Rassemblement National), sau những thất bại và rối ren kể từ cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017.

Các báo Pháp đều có chung một ngờ vực và đặt câu hỏi : Phải chăng đây chỉ là sự thay đổi trong sự tiếp nối ? Liệu có sự thay đổi căn bản nào trong đường lối của đảng cực hữu, vốn đã bị nhiều tai tiếng trong dư luận báo chí Pháp này ?

Nhật báo Libération khẳng định lại, từ FN sang RN không có gì khác trong bản chất, chỉ là thay tên và vẫn là sự tiếp nối mà thôi.

Về phần Le Figaro, tờ báo được cho là thiên hữu, cũng tỏ nghi ngờ sự thay tên. Tờ báo ghi nhận, bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng vừa được bầu lại, vẫn tiếp tục nghĩ rằng chỉ cần nói như trước để được lắng nghe theo cách khác.

Dịch tự động thông minh hơn

Kết thúc mục điểm báo hôm nay xin dành cho một thông tin về cải tiến công nghệ trên Le Figaro. Các nhà nghiên cứu đang áp dụng đưa mạng lưới tế bào thần kinh nhân tạo để cải thiện công cụ dịch tự động trên internet.

Những người sử dụng internet thời nay có lẽ không ít lần sử dụng đến ứng dụng dịch tự động trên Google. Đôi lúc kể cũng tiện lợi cho trao đổi thông tin, nhưng nhiều khi cũng cho ra những kết quả chuyển ngữ khôi hài. Sắp tới đây, các nhà nghiên cứu sẽ đưa hệ thống trí thông minh nhân tạo vào để giải quyết các vấn đề tồn đọng của dịch tự động vốn chỉ dựa trên thống kê đơn thuần ngữ liệu để giúp cải thiện chất lượng của việc dịch.

Phần mềm dịch tự động hiện có không ít, nhưng DeepL là ứng dụng dịch tự động mới hoàn thiện hơn rất nhiều, sử dụng trí thông minh nhân tạo, nhưng mới chỉ giới hạn việc chuyển ngữ trong khoảng 12 ngôn ngữ. Trong khi đó Google dịch tự động đến nay vẫn chuyển ngữ cả trăm ngôn ngữ, nhưng chất lượng thì còn nhiều điều phải nói. Hy vọng với tiến bộ công nghệ ngày nay, không bao lâu nữa, rào cản ngôn ngữ sẽ không còn là trở ngại cho giao lưu và sự hiểu biết lẫn nhau của con người.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 548 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)