Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/03/2018

Ai giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên : Bắc Kinh hay Washington ?

Tổng hợp

Trung Quốc không cố thay thế Hoa Kỳ (RFA, 08/03/2018)

"Trung Quốc không mong muốn thay thế Hoa Kỳ trên trường quốc tế". Đây là lời cam kết của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 3.

Phát biểu đưa ra được nói nhằm cố gắng giảm bớt quan ngại trên thế giới về tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

btt1

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 8 tháng 3 năm 2018. AFP

Ông Vương Nghị cho biết đường hướng của Trung Quốc hoàn toàn khác với một quốc gia đã có sẵn truyền thống cường quốc. Ông khẳng định "Trung Quốc càng phát triển thì càng đóng góp nhiều hơn cho thế giới".

Theo AFP, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bên lề Kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc Khóa 13. Chương trình nghị sự được cho biết 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc sẽ trao cho Chủ tịch Tập Cận Bình một nhiệm vụ gần như vô hạn để thực hiện tham vọng một nước Trung Hoa trỗi dậy.

Tham vọng của ông Tập Cận Bình không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Ông đã nêu rõ tầm nhìn của mình về việc đưa Trung Quốc vào trung tâm các vấn đề thế giới, một vị trí phản ánh tên Trung Quốc : "quốc gia trung tâm".

Đáp trả lại những đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng để có một phản ứng thích hợp và cần thiết.

Ông nói thêm rằng quan hệ Mỹ - Trung nên là đối tác chứ không phải đối thủ.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói sẽ "quyết tâm bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông", nơi bị chồng lấn chủ quyền lãnh thổ với Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng gợi ý về những hậu quả đối với các nước không tuân thủ quy tắc và hành xử theo các tiêu chuẩn hành vi Bắc Kinh mong đợi như Đài Loan.

Trung Quốc không công nhận hòn đảo tự trị là một quốc gia độc lập, do đó ông Vương Nghị đã cảnh báo rằng chính phủ Đài Loan phải đi theo cách nghĩ của Trung Quốc nếu muốn hưởng "sự phát triển hòa bình".

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã trở nên xấu đi kể từ cuộc bầu cử tổng thống Thái Anh Văn, người đã từ chối thừa nhận cái gọi là "sự đồng thuận năm 1992" rằng chỉ có một Trung Quốc mà không nêu rõ Bắc Kinh hay Đài Bắc là đại diện hợp pháp .

Bên cạnh đó, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc đến chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nhật Shinzo Abe đến Bắc Kinh.

Đồng thời hoan nghênh bước đột phá rõ rệt về vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn như là một "bước quan trọng đi đúng hướng".

**************

Donald Trump bắt buộc phải xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên (RFI, 08/03/2018)

Tổng thống Mỹ Đề nghị đối thoại trực tiếp về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đặt chính quyền Washington trước một bước ngoặt ngoại giao lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể kéo dài tình trạng trì trệ, bế tắc, và buộc phải ra tay. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào ?

btt2

Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Reuters

Theo giới chuyên gia, có một điều chắc chắn là Washington bị bất ngờ trước đề nghị đối thoại trực tiếp về hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bằng chứng thấy rõ là thái độ kềm chế bất thường của chủ nhân Nhà Trắng khi ông phát biểu : "Tôi không muốn nói nhiều về những việc mà chúng tôi vẫn còn chưa biết rõ".

Dù chưa có nhiều thông tin cụ thể về đề nghị của Bắc Triều Tiên, nhưng khi tiếp các đặc sứ Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un dường như cam kết là có thể "tạm ngưng"các chương trình vũ khí gây tranh cãi, đổi lấy việc mở lại đàm phán với Hoa Kỳ. Thậm chí, Bắc Triều Tiên còn sẵn sàng ngưng hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, nếu như Hoa Kỳ bảo đảm an ninh và từ bỏ mọi hành động quân sự, ý định lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.

Washington đón nhận đề nghị của Bình Nhưỡng với thái độ cẩn trọng. Cho dù tổng thống Mỹ đánh giá tình hình là "lạc quan", nhưng nội bộ chính quyền Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ thiện chí của Bắc Triều Tiên. Bởi vì, kinh nghiệm từ 27 năm qua cho thấy mọi cuộc thương thuyết đều "xôi hỏng bỏng không". Bắc Triều Tiên luôn tìm cách xóa bỏ mọi thỏa thuận đạt được với Hoa Kỳ.

Do đó, theo quan điểm của một cựu quan chức Hội đồng An ninh, phụ trách về Châu Á, dưới thời tổng thống Barack Obama, được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng trên thực tế đang tìm cách gieo mối bất hòa giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời dùng chiêu bài thương lượng để kéo dài thêm thời gian.

Bình Nhưỡng biết được rằng Seoul và Washington bất đồng trong cách tiếp cận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một bên thì chọn "củ cà rốt", còn bên kia thì thích "cây gậy". Nếu như Hoa Kỳ kiên quyết "đóng sập cửa" với Bắc Triều Tiên, điều đó có nguy cơ đè nặng hơn nữa lên mối quan hệ Mỹ - Hàn cũng như việc áp dụng nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt.

Vẫn theo phân tích của AFP, đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng có thể còn làm cho sự chia rẽ trong nội bộ Mỹ thêm sâu sắc, giữa một bên là cố vấn an ninh quốc gia, H. R. McMaster, chủ trương đường lối cứng rắn và bên kia là lãnh đạo bộ quốc phòng, James Mattis, ủng hộ chính sách ôn hòa hơn.

Mặt khác, nếu cứ cho là đề nghị của Kim Jong-un là nghiêm túc, thì vào lúc này, Hoa Kỳ cũng khó có thể tiến hành các cuộc thương lượng trực tiếp, bởi vì hiện nay, Mỹ không có đại sứ tại Hàn Quốc, không có đặc sứ chuyên trách về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, rồi sự thiếu vắng chuyên gia tại bộ Ngoại giao.

Theo các quan chức Mỹ, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, thì gần như không thể lựa chọn giải pháp quân sự. Mọi cuộc tấn công nhắm vào Bắc Triều Tiên đòi hỏi một sức mạnh quân sự có quy mô lớn và chắc chắn ngay lập tức, đe dọa sinh mệnh của khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ và hàng triệu thường dân Hàn Quốc trước sự "trả đũa" của Bình Nhưỡng. Do vậy, ngoại giao dường như là cách chọn lựa tốt nhất.

Giờ đây, dù quyết định có là gì đi chăng nữa, đánh hay đàm, các quyết định của Donald Trump, đã được đặt trên bàn của phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, buộc Hoa Kỳ phải hành động để thoát ra khỏi những năm tháng bế tắc kéo dài trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đầy gai góc này.

Minh Anh

********************

Đặc sứ Hàn Quốc sang Mỹ thông báo về đề nghị đàm phán của Bắc Triều Tiên (RFI, 08/03/2018)

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, được AFP trích dẫn, cho biết, hôm 08/03/2018, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Chung Eui Yong, lên đường sang Washington gặp các quan chức cao cấp Mỹ, trong đó có cố vấn an ninh Mỹ H.R.McMaster và ngoại trưởng Rex Tillerson, để thông báo về đề nghị đàm phán của Bắc Triều Tiên.

btt3

Ông Chung Eui Yong (P) cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc trong cuộc gặp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh do KCNA công bố ngày 06/03/2018) Reuters

Sau chuyến công du Bình Nhưỡng, hôm thứ Ba, 06/03, ông Chung cho biết là có một thông điệp của Bình Nhưỡng để chuyển cho Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc khẳng định là Kim Jong-un sẵn sàng đề cập đến hồ sơ hạt nhân, nếu không còn có "các mối đe dọa về an ninh đối với Bắc Triều Tiên" và an ninh của chế độ Bình Nhưỡng được bảo đảm.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc, đồng minh trụ cột của chế độ Bình Nhưỡng, đã kêu gọi Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhanh chóng đối thoại với nhau.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ngày hôm nay, bên lề khóa học Quốc Hội, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề trên bán đảo Triều Tiên là một bước đi quan trọng đúng hướng. Và Trung Quốc "kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên hãy tiếp xúc và sớm tiến hành đối thoại".

Về phần mình, thủ tướng Nhật Bản tỏ thái độ thận trọng. Tuyên bố trước Quốc Hội Nhật Bản, ngày hôm nay, ông Shinzo Abe nghi ngờ là Bắc Triều Tiên muốn tranh thủ thời gian và đòi Bình Nhưỡng phải có những "biện pháp cụ thể". Lãnh đạo chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh : "Đàm phán để đàm phán là vô nghĩa và chúng ta sẽ không bao giờ buông lơi các trừng phạt chỉ vì Bắc Triều Tiên tỏ ra cởi mở trong việc đàm phán".

Còn trong lĩnh vực xã hội, hôm qua, phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tại Geneve, ông Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc phụ trách hồ sơ nhân quyền Bắc Triều Tiên, tuyên bố có khả năng mở đối thoại về nhân quyền với Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Triều Tiên tiếp xúc với Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để giúp đỡ giải quyết "các vụ được cho là bắt cóc" và "tham gia vào đối thoại khu vực của xã hội dân sự về hòa bình và ổn định". Theo AFP, Bình Nhưỡng hiện vẫn đòi giải quyết vụ 12 phụ nữ Bắc Triều Tiên được cho là bị bắt cóc tại Trung Quốc hồi tháng Tư 2016 và được đưa sang Hàn Quốc.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)