Nhật tăng cố vấn quân sự thường trực đến Việt Nam, Malaysia và Philippines (RFA, 08/03/2018)
Chính phủ Nhật Bản quyết định cho tăng cường số lượng cố vấn quân sự thường trực tại các quốc gia đối tác trong khu vực, nhằm cân bằng và theo dõi các hoạt động gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hình minh họa. Lực lượng tuần duyên Nhật và bài diễn tập ngoài khơi ở Yokohama hôm 27/10/2016. AFP
Mạng Liberty Times loan tin vừa nêu vào ngày 7 tháng Ba, cho biết thêm một số những viên chức diện đó của Tokyo sẽ được cử đến Philippines, Việt Nam và Malaysia để hợp tác với chính phủ của 3 quốc gia này trong lãnh vực tình báo liên quan đến hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Theo truyền thông Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật gửi các tùy viên quân sự chính thức đến 3 nước trong vùng Đông Nam Á, đồng thời cũng gia tăng số lượng lên 2 sĩ quan quân sự đến mỗi quốc gia, thay vì chỉ là 1 như dự định ban đầu.
Bên cạnh việc phối hợp về tình báo, các tùy viên quân sự của Nhật Bản cũng sẽ chịu trách nhiệm liên quan đến an ninh của Đại Sứ quán Nhật tại 3 quốc gia đó.
Liberty times còn cho biết Nhật cũng đang chuẩn bị cung cấp cho quân đội Philippines 3 máy bay TC-90 mới để giúp cho Phi theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trong lãnh thổ nước này được tốt hơn.
**********************
Ấn Độ dùng Việt Nam để tiếp cận Tây Thái Bình Dương (VOA, 08/03/2018)
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 8/3 nhận định rằng thông qua chuyến thăm New Delhi của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang vào tuần trước, Ấn Độ muốn tận dụng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam để tiếp cận Tây Thái Bình Dương, tìm cách kìm tỏa Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, 2/3/2018.
Mặc dù truyền thông Ấn Độ cho biết chuyến thăm của ông Trần Đại Quang là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ Việt - Ấn, nhưng chuyến thăm này đã được báo chí phóng đại, Tờ Hoàn Cầu Thời báo cho biết.
Chuyến đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ấn Độ hôm 2/3, chỉ vài tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ đã được thay đổi thành chính sách "Hành động hướng Đông" sau khi ông Narendra Modi nhậm chức thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014.
Trả lời báo chí Ấn Độ, ông Quang nói Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong triển khai chính sách "Hành động hướng Đông", đồng thời Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.
Tờ báo Trung Quốc nhận định Việt Nam là một đối tác quan trọng của Ấn Độ trong việc thực hiện chính sách này. Động lực thúc đẩy mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam chính là tìm cách kìm tỏa Trung Quốc về thế chiến lược và an ninh.
Thủ tướng Modi thăm Việt Nam vào tháng 9/2016.
Ấn Độ và Việt Nam thống nhất hợp tác cùng nhau vì "một khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương rộng mở, nơi chủ quyền và luật lệ quốc tế được tôn trọng", Thủ tướng Narendra Modi nói hôm 3/3, trong bối cảnh Hà Nội và New Delhi tìm cách hợp tác nhằm đương đầu với việc Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Theo Reuters, ông Modi nói như vậy trong một tuyên bố chung với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang sau cuộc hội đàm cấp cao ở New Delhi. Hãng tin này nhận định rằng Ấn Độ đang tìm cách kiểm soát sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Bắc Kinh đang tiến hành các dự án về cầu cảng và nhà máy điện ở các nước quanh Ấn Độ như Pakistan và Sri Lanka, buộc New Delhi phải kiếm tìm đồng minh mới.
Theo Reuters, trong một loạt các biện pháp tăng cường hợp tác trong khu vực, Ấn Độ đã kín đáo cải thiện mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam.