Châu Á và Trung Đông : Mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn vũ khí (RFI, 14/03/2018)
Chiến sự mà ai cũng chứng kiến hằng ngày tại vùng Trung Cận Đông, tình hình căng thẳng triền miên ở Châu Á, đặc biệt là ở vùng Biển Đông bắt nguồn từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, đây là những nhân tố làm lợi cho các nước sản xuất vũ khí trên thế giới. Trong bản báo cáo công bố ngày 12/03/2018, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển đã xác nhận tình trạng nói trên bằng những số liệu cụ thể, cho thấy là trong vòng 5 năm gần đây, cả hai khu vực Á-Úc và Trung Cận Đông đã mua 74% lượng vũ khí bán ra trên thế giới.
Triển lãm vũ khí Châu Hải (Zhuha), Trung Quốc, 12/11/2012. Reuters/Bobby Yip
Theo ước tính của SIPRI, từ năm 2013 đến 2017, ở cấp độ toàn cầu, lượng vũ khí bán ra đã tăng bình quân 10%, với Hoa Kỳ vẫn là nước bán được nhiều nhất, chiếm 34% thị trường, theo sau là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc… Về phần các khách hàng, Ấn Độ đứng đầu danh sách các nước nhập vũ khí nhiều nhất, theo sau là Saudi Arabia.
Sự kiện Ấn Độ và Saudi Arabia đứng đầu danh sách nước mua vũ khí tiêu biểu cho xu thế chung của việc mua bán vũ khí trên thế giới trong thời gian gần đây.
Vùng Trung Cận Đông nổi bật với đà tăng chóng mặt của lượng vũ khí mua vào : tăng bình quân 103% trong 5 năm qua. Trên bình diện khối lượng, số vũ khí mà Saudi Arabia mua vào đã tăng 225%, với nước Mỹ là nhà cung cấp hàng đầu, theo sau là Anh và Pháp.
Tuy nhiên, theo SIPRI, nếu tính về khối lượng vũ khí, chứ không phải là đà tăng, thì Trung Cận Đông - với 32% tổng lượng vũ khí bán ra trên thế giới - còn thua vùng Châu Á và Châu Đại Dương, đã mua đến 42% số vũ khí bán ra trên toàn cầu.
Tình hình căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc, đã thúc đẩy Ấn Độ lao vào công cuộc hiện đại hóa quân đội. Vì không có được một ngành công nghiệp vũ khí đủ sức đáp ứng nhu cầu, Ấn Độ đã phải đi mua của nước ngoài, chủ yếu của Nga, nước chiếm 62% thị phần vũ khí Ấn Độ.
Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là Ấn Độ cũng bắt đầu mua vũ khí Mỹ, với một khối lượng đã tăng gấp 5 lần vào năm ngoái, 2017, so với 5 năm trước đó.
Theo chuyên gia Siemon Wezeman thuộc viện SIPRI : "Căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc đã làm cho nhu cầu của Ấn Độ đối với các loại vũ khí nặng ngày càng tăng, vì đây là những thứ mà bản thân nước Ấn không thể sản xuất".
Đối lập với Ấn Độ, Trung Quốc đang trở thành đại gia cả trong lãnh vực nhập khẩu lẫn xuất khẩu vũ khí. Trong thời điểm 2013-2017, Trung Quốc là nước đứng hàng thứ năm trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí trên thế giới, nhưng đồng thời cũng đã vươn lên đứng thứ năm trong số quốc gia xuất khẩu, với số lượng bán ra tăng 38% trong thời gian 5 năm gần đây.
Ghi nhận đáng chú ý của SIPRI : Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Miến Điện, nơi mà quân đội bị Liên Hiệp Quốc tố cáo là đã tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya. Thị phần vũ khí Trung Quốc tại Miến Điện lên đến 68%, trong lúc Nga chỉ còn 15%. Ngoài ra, Bắc Kinh còn là nhà cung cấp vũ khí chủ chốt cho Pakistan (70%), hay cho Bangladesh (71%).
Báo cáo của SIPRI cũng không quên đề cập đến Việt Nam. Hà Nội đã trở thành bạn hàng quan trọng thứ ba của vũ khí Nga, chỉ thua Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong giai đoạn từ 2011-2015, SIPRI đã từng ghi nhận rằng Việt Nam xếp hàng thứ 8 về nhập khẩu vũ khí trên thế giới. Đà tăng mua vũ khí vẫn tiếp tục đều đặn, với các nguồn cung cấp ngày thêm đa dạng.
Từ 2013 đến 2017, theo cơ sở dữ liệu của SIPRI, Việt Nam mua vũ khí từ hơn một chục nước khác nhau, đi đầu là Nga, theo sau là Belarus, và đứng thứ ba là Israel, mà loại pháo phản lực EXTRA đã thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây khi có tin là Việt Nam đã đặt loại vũ khí đó trên một số thực thể ở Trường Sa (Biển Đông).
Ngoài ra, danh sách các nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam còn bao gồm Séc, Slovakia, Ukraina, các nước Đông Âu cũ, hay Hàn Quốc, Ấn Độ.
Xu thế mới được SIPRI ghi nhận là Việt Nam bắt đầu nhận vũ khí từ Mỹ, cụ thể là năm 2017, đã tiếp nhận một số vũ khí Mỹ trị giá 54 triệu đô la, cụ thể là một chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của Tuần Duyên Mỹ, và 6 xuồng tuần tra cao tốc mới Metal Shark.
Trọng Nghĩa
******************
Trọng tâm của thượng đỉnh ASEAN - Úc sẽ là tranh chấp Biển Đông (RFI, 14/03/2018)
Tờ nhật báo The Australian hôm nay, 14/03/2018, cho biết cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Úc cuối tuần này tại Sydney sẽ bàn về tranh chấp Biển Đông, và ASEAN sẽ ra một thông cáo nêu rõ lập trường chính thức của khối này trước những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền lên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói chuyện với một đơn vị quân đội Úc, ở Brisbane, Australia, 14/03/2018. AAP/Dan Peled/via Reuters
Thủ tướng Malcolm Turnbull đã mời lãnh đạo nước Đông Nam Á đến Sydney để dự Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN-Úc trong hai ngày 17 và 18/03. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là lãnh đạo duy nhất của Đông Nam Á không đến dự thượng đỉnh này.
Theo The Australian, các quan chức của Úc xác nhận là thông cáo của ASEAN công bố sau Thượng đỉnh Sydney sẽ đề cập đến tranh chấp Biển Đông, nhưng chưa biết là ngôn từ của thông cáo này sẽ mạnh mẽ như thế nào. Thông cáo của ASEAN cũng có thể sẽ tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua luật quốc tế và đối thoại, đồng thời ủng hộ việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC).
Ngoài vấn đề Biển Đông, Úc cũng sẽ kêu gọi các nước ASEAN ngăn chận việc Bắc Triều Tiên tránh né các trừng phạt của quốc tế, nhằm duy trì áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Thượng đỉnh Sydney cũng sẽ đặt trọng tâm vào việc chống khủng bố. Úc dự trù sẽ ký với ASEAN cuối tuần này một hiệp định nhằm khuyến khích các nước Đông Nam Á sửa đổi luật chống khủng bố cho đồng bộ với nhau, trong bối cảnh mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang gia tăng sự hiện diện ở khu vực này.
Về quan hệ song phương Úc-Việt Nam, theo dự kiến, ngày mai, tại Canberra, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đại diện Việt Nam ký hiệp định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Úc.
Thanh Phương