Trung Quốc, Philippines thảo luận các dự án chung ở Biển Đông (VOA, 21/03/2018)
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm thứ Tư 21/3 hoan nghênh "thời kỳ hoàng kim" mới trong các quan hệ với Trung Quốc, bất chấp những bất đồng về Biển Đông. Hai bên đang thảo luận khả năng tiến hành các dự án phát triển chung trong vùng biển tranh chấp.
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Chito Romana, phát biểu tại một diễn đàn Biển Đông ngày 19/2/2018 tại Manila. (AP Photo/Bullit Marquez)
Ông Cayetano lên tiếng tại Bắc Kinh sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương cho hay hai nước sẽ thảo luận về các dự án "thăm dò dầu khí ngoài khơi".
"Qua cách này, những sự tranh chấp về chủ quyền biển sẽ không còn cản trở sự phát triển của các quan hệ song phương, mà thay vào đó Biển Nam Trung Hoa sẽ trở thành một nguồn để phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước".
Trung Quốc và Philippines từ lâu kèn cựa với nhau về chủ quyền các hòn đảo và rạn san hô trong Biển Đông và từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn theo đuổi một đường lối cứng rắn liên quan tới các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc.
Bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì hôm thứ Ba 20/3, ông Tập tuyên bố trong một bài diễn văn hùng hồn mang nặng tinh thần dân tộc tại cơ quan lập pháp chỉ có tính cách lễ nghi của Trung Quốc. Ông tuyên bố : "Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của nước này trên hầu hết Biển Đông, trong một vụ kiện do chính phủ tiền nhiệm tại Philippines khởi tố".
Tuy nhiên, đương kim Tổng thống nước này, Rodrigo Duterte, hối thúc việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, giảm nhẹ tầm quan trọng của các cuộc tranh chấp về lãnh thổ, đồng thời yêu cầu viện trợ và cổ vũ cho đầu tư từ Trung Quốc.
Đánh đổi lại, Trung Quốc giảm áp lực đối với ngư dân Philippines, và đang làm việc với 10 nước thành viên ASEAN để đạt một bộ quy tắc ứng xử hầu tránh xung đột xảy ra trong một khu vực nơi qua lại của các thương thuyền vận chuyển hàng hóa trị giá ước tính lên tới 5 nghìn tỷ đôla hàng năm.
Ngoại trưởng Cayetano cho hay Tổng thống Duterte sẽ dự diễn đàn kinh tế khu vực Boao trên đảo Hải Nam vào tháng tới, ông nói thêm rằng Philippines cũng nóng lòng chào đón ông Tập chính thức tới thăm Philippines.
Ông Cayetano nói : "Mối quan hệ giữa hai nước chúng tôi đang ở trong thời kỳ vàng son, và đang lấy đà, chúng tôi giờ đã sẵn sàng để đối mặt với nhiều thách thức hơn".
Ngoại trưởng Cayetano bày tỏ tin tưởng rằng Bắc Kinh và Manila sẽ tìm ra "một khung pháp lý phù hợp" để giải quyết bất đồng liên quan tới Biển Đông.
******************
Philippines bàn các dự án phát triển chung với Trung Quốc (RFI, 21/03/2018)
Ngoại trưởng Philippines hôm nay, 21/03/2018, bắt đầu công du Trung Quốc trong bốn ngày. Mục tiêu chính là đàm phán về các dự án phát triển chung ở Biển Đông. Trong chính giới Philippines, nhiều người lo ngại chính phủ Duterte nhân nhượng với Bắc Kinh trong các đàm phán bí mật.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (phải) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 21/03/2018. Parker Song/Pool via Reuters
Theo AP, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) chiều hôm nay, 21/03/2018, và dự kiến gặp tân phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của lãnh đạo Tập Cận Bình trong, ngày thứ Sáu, 23/03. Trước chuyến đi, trả lời báo giới, lãnh đạo ngoại giao Philippines cho biết các tranh chấp chủ quyền sẽ là vấn đề được thảo luận, và hai bên sẽ cố gắng tìm kiếm các khuôn khổ pháp lý cho phép "phối hợp khai thác, thậm chí trong khi vẫn bất đồng" về chủ quyền.
Ngoài Biển Đông, ngoại trưởng Philippines cũng sẽ thảo luận với Bắc Kinh về xuất khẩu nông sản, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tình hình chống Hồi giáo cực đoan ở miền nam đảo quốc. Đây là chuyến công du Trung Quốc thứ hai của ông Cayetano kể từ khi nhậm chức.
Dự án của chính quyền của tổng thống Duterte là phối hợp với Trung Quốc khai thác dầu khí chung tại một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông (mà Manila gọi là Biển Tây Philippines), gây rất nhiều lo ngại trong chính giới nước này.
Đầu tháng này, quyền chánh án Tòa Án Tối Cao Philippines, ông Antonio Carpio, cảnh báo thỏa hiệp hiện nay của Manila với Trung Quốc - theo phương thức đồng sở hữu (co-ownership) - có thể dẫn đến việc Philippines mất "một nửa khu vực đặc quyền kinh tế" vào tay Bắc Kinh.
Philippines tuần tra tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh kiểm soát
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng thông báo phi cơ Philippines thường xuyên tuần tra tại nhiều khu vực do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông.
Theo bộ trưởng Delfin Lorenzana, mỗi lần máy bay Philippines đi vào những khu vực này, họ đều nhận được cảnh báo "đã đi vào không phận Trung Quốc". Ông Delfin Lorenzana khẳng định không quân Philippines tiếp tục thi hành phận sự, bất chấp các cảnh báo. Cũng nhân dịp này, lãnh đạo quốc phòng Philippines thông báo quân đội nước này bắt đầu sử dụng các máy bay Cessna và phi cơ không người lái ScanEagle, do Hoa Kỳ viện trợ mới đây, trong hoạt động tuần tra trên biển.
Trọng Thành