Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/02/2017

Trung Quốc : tỷ phú sợ, đi cửa sau, sợ không được vào Mỹ

tổng hợp

Chống tham nhũng tại Trung Quốc : Giới tỷ phú nơm nớp lo sợ (Thanh Tra, 07/02/2017)

Trốn chạy ra nước ngoài, mất tích một cách bí ẩn, bị bắt giữ, tống giam, xét xử vì tội danh tham nhũng… đó chỉ là một vài nét phác họa cơ bản về những gì mà nhiều tỷ phú ở Trung Quốc phải đối mặt, khi mà cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn đang được đẩy mạnh.

tq1

Tỷ phú Xiao Jianhua vừa đột nhiên "mất tích" hồi cuối tháng 1 vừa qua ngay tại Hồng Kông. Ảnh : Zuma Press

Theo thống kê mới nhất, Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới : 594 người. Trong số này, rất nhiều người là chủ các doanh nghiệp và trở nên giầu có nhờ sự phát triển của nền kinh tế nói chung ở Trung Quốc. Cũng có không ít người giầu lên nhờ sự "nâng đỡ" của các quan chức biến chất nhận hối lộ, bảo kê. Những tỷ phú này biết rất rõ phải làm gì không những để tồn tại mà còn để phát triển, giầu lên một cách nhanh chóng. Thế nên, họ tìm mọi cách làm quen, kết thân với các quan chức, càng cấp cao càng tốt, để sau đó biếu quà (hiện vật, tiền mặt…) nhằm tìm sự nâng đỡ, bảo kê của các quan chức. Tuy nhiên, mối quan hệ kiểu này rất nguy hiểm, như con dao hai lưỡi, bởi khi các quan tham bị điều tra, bị bắt và bị truy tố về tội tham nhũng, hối lộ, thì những tỷ phú quen thân với các quan chức này sẽ đứng ngồi không yên, bởi họ hiểu trước sau gì cũng sẽ bị cơ quan chức năng "sờ" tới. 

Khi sự "trợ giúp" không còn, các doanh nhân tỷ phú cũng bắt đầu đối mặt với hàng loạt khó khăn, gian khổ trong kinh doanh, buôn bán, thậm chí doanh nghiệp của họ có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào với muôn vàn lý do khác nhau, mà lý do thông dụng nhất hiện nay là gây ô nhiễm môi trường.

Con dao hai lưỡi

Một khi quan chức nào đó bị xử lý vì liên quan đến tham nhũng, hậu quả của nó là một loạt đại gia theo đó mà lao đao. "Nếu bạn còn được "bảo kê" bởi một quan chức chính quyền thì bạn còn kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng nếu quan chức này bị bắt giam, thì sự "bảo kê" ấy sẽ trở thành mối nguy hại đối với chính bạn. Nói tóm lại, sự "bảo kê" của quan chức chính quyền là con dao hai lưỡi, rất dễ gây bất lợi cho những ai muốn làm giầu một cách bất chính", giáo sư Jean Pierre Cabestan, Đại học Hồng Kông nhấn mạnh.

Giáo sư Jean Pierre Cabestan đưa ra một vài ví dụ điển hình. Trường hợp tỷ phú Xiao Jianhua, người Canada gốc Trung Quốc, bỗng nhiên "mất tích" bí ẩn hôm 27/1 ngay tại Hồng Kông. Tỷ phú Xiao Jianhua được cho là có mối quan hệ khá thân thiết với một quan chức trong ngành Tình báo Trung Quốc vừa bị cách chức để điều tra vì tham nhũng. Hay như trường hợp của Guo Wengui, đại gia trong lĩnh vực bất động sản, cũng phải trốn chạy ra nước ngoài từ năm 2015 đến nay, vì những quan chức "bảo kê" cho tỷ phú này bị "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một trường hợp khác là tỷ phú Xu Ming, người được cho là rất thân cận với đại quan tham Bạc Hy Lai. Khi Bạc Hy Lai bị "ngã ngựa", tỷ phú này đã bị bắt giam và bị chết trong tù hồi cuối năm 2015.

Còn nhiều trường hợp tỷ phú khác, đang ăn nên làm ra, tiền bạc rủng rỉnh bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra các quan chức được cho là có mối quan hệ thân thiết với họ. Nhiều người cho rằng, hễ ai lọt vào danh sách 100 người giầu nhất Trung Quốc thì phải dè chừng, bởi thực tế đã chứng minh, có rất nhiều trường hợp những tỷ phú bị điều tra, bắt giữ vì tham nhũng, hối lộ, biển thủ đều từng được nêu tên trong danh sách "tử thần".

Hồng Kông không còn là điểm "trú ẩn" lý tưởng

Việc một loạt quan chức cấp cao ở nhiều cấp chính quyền, nhiều lĩnh vực ngành nghề bị xử lý vì tội danh tham nhũng, hối lộ đã khiến không ít tỷ phú, đại gia phải lao đao. Nhất là khi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng trở nên gắt gao càng khiến giới quan chức trở nên thận trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định quan trọng, bởi họ hiểu rằng những quyết định của mình rất dễ khởi nguồn cho những món quà tặng, dưới nhiều hình thức rất tinh vi. Tất nhiên, dù dưới hình thức nào, các quan chức vẫn rất dễ dàng nhận ra được món quà nào là tình cảm chân thành và món quà nào là quà hối lộ, nhưng đôi khi, họ không cưỡng lại được những món quà mang tính chất hối lộ.

Về phần doanh nhân, doanh nghiệp, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang khiến họ lo sợ, bởi những người "bảo kê" cho họ lần lượt bị điều tra, truy tố. Họ tìm mọi cách để thoát khỏi lưới bủa vây của chiến dịch chống tham nhũng, trong đó có việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở cho doanh nghiệp của họ. Trong những địa điểm này, nhiều doanh nhân đã tìm đến Hồng Kông, vì họ hy vọng ngành tư pháp ở đây "thoáng" hơn so với đại lục. Thế nhưng, trái với suy nghĩ và dự định của nhiều tỷ phú, Hồng Kông giờ không còn là mảnh đất "dễ thở" cho những người muốn làm giầu nhanh chóng nhờ sự "trợ giúp" của các quan chức biến chất.

Bằng chứng rõ ràng là với tỷ phú Xiao Jianhua. Hay trường hợp của 2 anh em đại gia bất động sản ở Hồng Kông là Thomas Kwok và Raymond Kwok cũng nhiều lần phải ra đối chất trước tòa án vì cáo buộc hối lộ. Thậm chí, cũng hồi tháng 1 vừa qua, cựu Đặc khu Trưởng Hồng Kông nhiệm kỳ 2005 - 2012 Donald Tsang, 72 tuổi, bị đưa ra xét xử vì cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ.

Những vụ việc này cho thấy, Hồng Kông giờ không còn là địa điểm lý tưởng cho những người muốn làm giầu nhanh chóng theo kiểu "ăn xổi".

Nhật Minh

*******************

Ông Donald Trump bơ, Trung Quốc tìm cách đi cửa sau (Tin tức 24h, 07/02/2017)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch sẽ tiếp cận Tổng thống mới của Mỹ sau khi bị công khai ngó lơ.

Nikkei Asian Review ngày 3/2 có bài viết "Kênh tiếp cận Donald Trump từ phía sau của ông Tập Cận Bình" dẫn các thông tin ngầm từ một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh cho biết, sau các buổi gặp mặt của Chủ tịch Tập bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) kênh liên lạc với Tổng thống Mỹ có thể được thiết lập mà không phải bằng các tuyên bố cấp Nhà nước công khai.

Theo tờ báo Nhật, kênh ngầm giúp ông Tập có thể tìm kiếm quan hệ ngoại giao suôn sẻ với Hoa Kỳ, là một Ban Cố vấn Đại học Thanh Hoa, trường cũ của Chủ tịch Trung Quốc.

tq2

Tỷ phú Stephen Schwarzman, Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược và chính sách do Tổng thống Mỹ thành lập, đồng thời là thành viên Ban Cố vấn của Đại học Thanh Hoa- trường cũ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh : Bloomberg.

Cụ thể, Đại học Thanh Hoa là nơi kết nối ông Tập Cận Bình với ông Stephen Schwarzman, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Blackstone và một số người khác trong một bữa ăn trưa bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos.

Chủ tịch Trung Quốc từng học ngành kỹ sư hóa chất tại trường đại học này từ giữa năm 1970, còn Schwarzman nằm trong Ban Cố vấn của Học viện Quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa.

Schwarzman bỏ một khoản tiền lớn thành lập quỹ học bổng mang tên ông để thu hút các sinh viên nước ngoài sang Mỹ học đại học. Công ty của Schwarzman khá nổi tiếng với giới doanh nghiệp Trung Quốc với cái tên Hắc Thạch (Đá đen). Khi Bắc Kinh thành lập Quỹ Đầu tư Trung Quốc (CIC) năm 2007, CIC đã đầu tư 3 tỉ USD mua gần 10% cổ phần của Blackstone.

Thời điểm đó người dẫn dắt CIC là ông Lâu Kế Vĩ, sau này là Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho đến khi được điều chuyển sang bộ phận tham mưu khác giúp ông Tập Cận Bình về kinh tế - tài chính gần đây.

Cũng cần phải nói thêm, Giám đốc điều hành Tập đoàn Blackstone- Schwarzman hiện nay cũng là Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược và chính sách được Donald Trump thành lập để quân sư cho ông.

Ông Tập Cận Bình dường như thấy Schwarzman như một nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đối thoại sắp tới.

Đây là lý do ông Tập Cận Bình muốn gặp Schwarman tại Davos ngay trước lễ nhậm chức của Donald Trump. Rõ ràng, Trung Quốc đang tìm cách "mua" Schwarzman.

Nói riêng về Diễn đàn Chiến lược và chính sách của ông Donald Trump, thành viên ở đây đều là những ông trùm kinh doanh sừng sỏ. Một trong số đó cũng là thành viên của Ban Cố vấn của Học viện Quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa được nhắc ở trên. 

Ban Cố vấn của Học viện Quản lý kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa đóng vai trò quan trọng trong quan hệ kinh tế Trung - Mỹ, được thành lập năm 2000. Chủ tịch danh dự của Ban Cố vấn là ông Chu Dung Cơ, tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, có tầm nhìn kinh tế và vẫn còn ảnh hưởng đáng kể sau khi về hưu.

tq3

Ông Tập Cận Bình gặp gỡ ông chủ Facebook Mark Zuckerberg.

Hàng loạt các công ty liên doanh công nghệ và liên kết với các quỹ đầu tư phương Tây mọc lên như nấm sau mưa sau khi Ban Cố vấn trên được thành lập.

Ngoài Schwarman của Tập đoàn Blackstone nêu trên, còn có Mary Barra - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành General Motors, Dimon của JPMogan cũng là thành viên của Ban cố vấn.

Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, từng là Chủ tịch và Giám đốc điều hành Goldman Sachs ; Lloyd Blankfein, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Goldman Sachs ;

Tim Cook, Giám đốc điều hành hãng Apple ; Mark Fields, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ford Motor ; Mark Zuckerberg, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Facebook ;

Jack Ma Yun, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba Holding ; Terry Gou, người sáng lập - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Foxconn Technology ; Nobuyuki Idei, cựu Chủ tịch hãng Sony.

Ban Cố vấn không chỉ là một đội toàn "ngôi sao" hàng đầu - những ông trùm kinh doanh toàn cầu, mà còn có nhiều quan chức Trung Quốc đương nhiệm.

Đó là các ông Vương Kỳ Sơn - Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, Chu Tiểu Xuyên - Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Lưu Hạc - cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình phụ trách Tiểu tổ lãnh đạo kinh tế - tài chính, Phó Thủ tướng Mã Khải và Thống đốc tỉnh Sơn Đông Quách Thụ Thanh.

Nước Mỹ tự mâu thuẫn hay giúp nhau hưởng lợi

Với vai trò là Chủ tịch Diễn đàn Chiến lược và chính sách của ông Donald Trump, doanh nhân Schwarzman sau bữa ăn trưa với Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết, ông đã được Chủ tịch Trung Quốc đảm bảo rằng, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Và người đứng ra làm cầu nối cho chính sách của Trung Quốc tới Mỹ, ông Schwarzman sẽ góp phần làm giảm bớt những chính sách gây căng thẳng của chính quyền Mỹ tới Bắc Kinh.

Đặc biệt, là khi từ lúc nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có kế hoạch nào cho một cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình khiến giới quan sát cho rằng, Tổng thống Mỹ đang có những bước đi đối đầu một cách rõ ràng với Trung Quốc.

Ông Trump còn bổ nhiệm Giáo sư Peter Navarro, Đại học California có quan điểm phê phán Trung Quốc quyết liệt, làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia.

Navarro là tác giả cuốn sách "Cái chết bởi Trung Quốc", ông nhấn mạnh rằng, việc mua hàng Trung Quốc không khác gì giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự của họ.

Hội đồng Thương mại quốc gia nhiều khả năng trở thành trung tâm chỉ huy các giao dịch thương mại Mỹ - Trung.

Sự hỗ trợ sau lưng của Trung Quốc tới Schwarzman - người dẫn dắt Diễn đàn Chiến lược và chính sách sẽ đối đầu hay hỗ trợ Hội đồng Thương mại quốc gia với nhà lãnh đạo chống Trung Quốc gay gắt ? Những cú đấm kinh tế đặc biệt nào đối với Trung Quốc sẽ diễn ra dưới thời ông Donald Trump ?

Kim Hoa

*********************

Người Trung Quốc và ám ảnh những năm tháng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ (Người đưa tin, 07/02/2017)

Giống các công dân Hồi giáo bị Tổng thống Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ trong những ngày gần đây, người Trung Quốc cũng từng phải chịu một tình trạng tương tự trong quá khứ.

Tổng thống Trump hồi cuối tháng 1 đã ký một sắc lệnh cấm người dân từ các quốc gia Hồi giáo như Iraq, Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong thời gian 90 ngày tới.

Trong tuyên bố của mình, ông Trump nói rằng đây là hành động rà soát lại để đẩy lùi nguy cơ khủng bố ra khỏi nước Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra sự tranh cãi lớn trong lòng nước Mỹ về những gì mà các phương tiện truyền thông gọi là sự phân biệt đối xử với người nhập cư.

tq4

Phố người Hoa ở Mỹ trở thành điểm du lịch cho nhiều du khách.

Đối với nhiều người trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ, quyết định cấm nhập cảnh các công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gần đây của Tổng thống Donald Trump khiến họ nhớ về những điều mà họ từng trải qua trong quá khứ. Nói chính xác hơn, chính những người Trung Quốc mới là đối tượng từng trở thành mục tiêu của chính sách nhập cư mang tính phân biệt đối xử.

Một số nhân vật người gốc Hoa có uy tín ở Mỹ đang cảnh báo chính quyền Washington không nên lặp lại những sai lầm họ đã phạm phải hơn một thế kỷ trước. "Chúng tôi sẽ xem lệnh cấm này của Trump như một chương đáng xấu hổ trong lịch sử nước Mỹ", Bill Ong Hing, giáo sư luật tại trường Đại học San Francisco và là người hoạt động bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ nói với tờ Aljazeera.

Giáo sư Hing cho hay, nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi người gốc Á cũng đang lên tiếng kêu gọi chống lại sắc lệnh di trú gây tranh cãi của ông Trump dù bản thân họ không phải là đối tượng có trong danh sách.

Đối với nhiều người trong cộng đồng người Hoa ở Trung Quốc, những điều này đối với họ không có gì xa lạ. Đạo luật Mỹ Scott trong cuối kỷ XIX từng cấm người Trung Quốc trở lại Mỹ sau khi về quê hương thăm gia đình dù nhiều người đã có giấy phép cư trú và làm việc ở quốc gia này nhiều năm.

"Có hàng trăm người Trung Quốc từng bị chặn tại cảng San Francisco giống như nhiều người từ các quốc gia Hồi giáo bị mắc kẹt ở các sân bay vài ngày qua", Gordon H Chang, giáo sư lịch sử Đại học Stanford so sánh. Quyết định mà Mỹ đưa ra khi đó là một số số các Đạo luật sửa đổi nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc, nơi mà Mỹ gọi là hỗn loạn, bần cùng - bởi nhà Thanh khi đó đang bị xâu xé và trở thành thuộc địa của nhiều nước. Đạo luật Scott đã ảnh hưởng tới cuộc sống của 20.000 người Mỹ gốc Hoa trong nhiều năm.

Người Trung Quốc, hay các nhà sử học sau này nói rằng đạo luật mà chính quyền Mỹ đưa ra chỉ là vỏ bọc che đậy cho sự yếu kém của kinh tế đất nước chứ không phải lo ngại những hệ lụy từ việc nhập cư của người Hoa. Quyết định nói trên được ví như một hành động nhằm "loại trừ" cộng đồng người Hoa trên đất Mỹ.

Chinatown - Phố người Hoa ngày hôm nay xem như là địa điểm vui chơi giải trí, nơi mà những người Mỹ gốc Hoa tụ họp lại thành cộng đồng với nhau, sinh sống và buôn bán các mặt hàng tạp hóa, các loại thực phẩm, đồ nữ trang đặc trưng cho du khách. Tuy nhiên trong quá khứ, cộng đồng này phải chịu sức ép từ những sức ép từ nhiều cộng đồng người khác, bao gồm cả người da đen.

Đạo luật "loại trừ" người Hoa được bãi bỏ hơn sáu thập kỷ sau đó trong chương trình nghị sự ngoại giao của Washington với Bắc Kinh. Sue Lee, người đứng đầu trung tâm Lịch sử Xã hội người Hoa ở Mỹ cho biết, vào năm 1943 mọi thứ đã thay đổi sau khi Trung Quốc trở thành một đồng minh của Mỹ chống lại Nhật Bản trong Thế chiến II.

Nỗi đau quá khứ và nguy cơ hiện tại

tq5

Mỹ từng có những đạo luật chống người Trung Quốc trong quá khứ.

Đạo luật chống người Trung Quốc trong quá khứ được thông qua bởi cựu Tổng thống Mỹ Chester Alan Arthur trong năm 1882, với thời hạn ban đầu là 10 năm. Nhưng đến năm 1892, nó đã được gia hạn một thập niên nữa, và đến 1902 đạo luật này trở thành vô hạn.

Tổng thống Arthur dù chỉ phục vụ một nhiệm kỳ bốn năm, nhưng quyết định này vẫn được duy trì đến 12 đời tổng thống sau đó, bất kể việc Mỹ và thế giới đã trải qua rất nhiều biến động, thay đổi. Nhiều ý kiến đang cảm thấy lo ngại khi tiền lệ như vậy có thể lặp lại với chính sách của Tổng thống Trump với khả năng áp dụng không chỉ là 90 ngày mà trở nên vĩnh viễn.

Cũng giống như thời điểm hiện tại khi các cuộc phản đối của những người Hồi giáo trên nước Mỹ nổ ra ở nhiều nơi, cộng đồng người Hoa phẫn nộ với chính sách áp đặt của chính phủ Mỹ trong quá khứ đã có những hoạt động phản đối trên diện rộng. Một điều khoản trong đạo luật "chống Trung Quốc" từng bắt buộc mỗi người gốc Hoa phải luôn mang theo ảnh nhận dạng của mình mọi lúc mọi nơi.

"Đạo luật Geary năm 1892 yêu cầu nguời Trung Quốc ở Mỹ phải mang ảnh nhận dạng cá nhân trên người ở mọi nơi, nếu không mang theo, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất", Giáo sư Chang kể lại. Tuy nhiên đã có "hàng chục ngàn người từ chối thực hiện bằng cách từ chối đăng ký làm ảnh với cơ quan của Mỹ".

Một cách khác mà người Hoa dùng để "lách luật" đó là vào năm 1906, trận động đất lớn ở San Francisco gây ra một đám cháy thiêu rụi toàn bộ giấy tờ sổ sách công. Nhiều người Trung Quốc đã đến Mỹ bằng cách mang theo "giấy chứng nhận con cái" và tự xưng là con của người dân Mỹ nơi đây. Look Lee - ông nội của Sue Lee là một trong những người đến Mỹ theo cách như vậy. Trong khi điều này khiến ông nội của Sue phải giữ bí mật nhiều năm thì bản thân cô cảm thấy tự hào khi coi đây là một lời nhắc nhở về khao khát phục hồi lại sự thịnh vượng của cộng đồng người Hoa trên đất Mỹ.

Tuy nhiên những năm tháng sau đó cộng đồng này vẫn phải cố gắng bảo vệ bản thân mình trước những quyền lợi ít ỏi mà nước Mỹ dành cho họ. "Một trong những điều người Mỹ gốc Hoa đã làm là chiến đấu. Chúng tôi đi thưa kiện và đứng lên chiến đấu cho quyền lợi của mình. Chúng tôi cũng có những luật sư luôn đứng về phía mình", Sue nói.

Những điều mà nước Mỹ từng làm trong quá khứ với cộng đồng người Trung Quốc giờ đây không còn được nhắc nhiều đến trong các cuộc thảo luận phổ biến về lịch sử nước Mỹ. Sue Lee và giáo sư Chang cho hay, mặc dù có lời xin lỗi chính thức từ chính phủ Mỹ, những người cùng dân tộc với họ đã không nhận được khoản bồi thường nào trước sự đối xử mà họ phải chịu đựng. Trong khi đó những người Mỹ gốc Nhật đã nhận được những khoản bồi thường khi họ bị giam giữ trong Thế chiến II.

"Chúng tôi không nhận được những bù đắp khi đạo luật bãi bỏ giống như những cộng đồng người khác dù chúng tôi bị đối xử không công bằng", Sue Lee nói.

Quốc Vinh

Quay lại trang chủ
Read 693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)