Nhật triển khai đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên từ Thế Chiến II (RFI, 07/04/2018)
Lần đầu tiên từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, chính quyền Nhật Bản vào hôm nay 07/04/2018 đã chính thức đưa một đơn vị thủy quân lục chiến vào hoạt động. Nguyên nhân thức đẩy Tokyo khởi động trở lại Lực lượng tinh nhuệ này là mối lo ngại trước Trung Quốc.
Thủy quân lục chiến đầu tiên của Nhật trong Lữ đoàn Đổ bộ triển khai nhanh tập trận chiếm đảo ở Kyushu. Ảnh ngày 07/04/2018. Reuters/Issei Kat
Theo hãng tin Anh Reuters, lễ ra quân của đơn vị thủy quân lục chiến này đã được tổ chức tại một căn cứ quân sự gần Sasebo, trên đảo Kyushu ở miền tây nam Nhật Bản, với sự hiện diện của 1500 thành viên thuộc đơn vị mang tên chính thức là Lữ đoàn Đổ bộ triển khai nhanh.
Trong hoạt động đầu tiên của mình, các binh sĩ của lữ đoàn thủy quân lục chiến Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận tái chiếm một hòn đảo bị kẻ địch chiếm đóng.
Đối với thứ trưởng Bộ quốc phòng Nhật Bản Tomohiro Yamamoto : "Trong tình hình khó khăn về quốc phòng và an ninh ở vùng xung quanh Nhật Bản, phòng thủ các hòn đảo của quốc gia là nhiệm vụ cấp bách".
Theo Reuters, việc thành lập trở lại binh chủng thủy quân lục chiến nằm trong nỗ lực tăng cường Lực lượng trên biển của Nhật Bản, song song với việc trang bị thêm vũ khí thiết bị như tàu chở trực thăng, tàu đổ bộ, các loại xe lội nước tấn công. Nhật Bản cũng muốn mua thêm loại máy bay chiến đấu F-35B để có thể tác chiến từ các tàu sân bay trực thăng Izumo và Ise, hoặc từ các đảo nhỏ.
Mục tiêu của việc tăng cường võ trang là nhằm răn đe Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng sức mạnh trên biển, liên tục đòi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Trọng Nghĩa
*********************
Nhật kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên kể từ Thế chiến II (VOA, 07/04/2018)
Nhật Bản hôm thứ Bảy đã kích hoạt đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên của mình kể từ Thế chiến thứ hai để chống lại quân xâm lược chiếm đóng các đảo của Nhật Bản dọc rìa Biển Hoa Đông mà Tokyo lo sợ dễ bị Trung Quốc tấn công.
Binh sĩ của Lữ đoàn Cơ động Thủy Lục thuộc Lực lượng Tự vệ trên bộ của Nhật Bản trong một buổi lễ kích hoạt đơn vị tại Căn cứ Ainoura ở Sasebo, trên đảo Kyushu ở tây nam Nhật Bản, ngày 7 tháng 4, 2018.
Trong một buổi lễ được tổ chức tại một căn cứ quân sự gần Sasebo trên đảo Kyushu ở tây nam, khoảng 1.500 thành viên của Lữ đoàn Cơ động Thủy Lục (ARDB- Amphibious Rapid Deployment Brigade) mặc đồ ngụy trang đứng xếp hàng bên ngoài giữa trời lạnh và gió, Reuters tường trình.
"Trong bối cảnh tình hình quốc phòng và an ninh ngày càng khó khăn xung quanh Nhật Bản, việc phòng vệ các đảo của chúng ta đã trở thành một nhiệm vụ trọng yếu", Tomohiro Yamamoto, phó bộ trưởng quốc phòng, nói trong một bài phát biểu.
Các binh sĩ tiến hành một cuộc diễn tập giả chiếm lại một hòn đảo xa xôi từ quân xâm lược, diễn ra công khai trong 20 phút.
Việc thành lập lữ đoàn thủy quân lục chiến này gây nên tranh cãi bởi vì các đơn vị thủy lục có thể thể hiện sức mạnh quân sự và có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Nhật Bản, những người chỉ trích cảnh báo. Trong hiến pháp hậu Thế chiến thứ hai của mình, Nhật Bản từ bỏ quyền phát động chiến tranh.
Lữ đoàn này là thành phần mới nhất của một Lực lượng thủy quân lục chiến đang phát triển, bao gồm các tàu chở máy bay trực thăng, tàu đổ bộ, máy bay chở lính cánh quạt nghiêng Osprey và xe tăng tấn công đổ bộ, nhằm răn đe Trung Quốc trong khi nước này ra sức giành quyền tiếp cận dễ dàng hơn đối với vùng Tây Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang vượt qua Nhật Bản về chi tiêu quốc phòng. Năm 2018, Trung Quốc - nước có tuyên bố chủ quyền đối với một nhóm các đảo không người ở mà Tokyo kiểm soát trong vùng Biển Hoa Đông - sẽ chi 1,11 ngàn tỉ nhân dân tệ (176,56 tỉ đôla) cho Lực lượng vũ trang của mình, hơn gấp ba lần Nhật Bản.
Việc kích hoạt 2.100 thủy quân lục chiến ARDB đưa Nhật Bản tiến gần hơn tới việc tạo nên một Lực lượng tương tự như Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh Hoa Kỳ (MEU) có khả năng hoạch định và tiến hành các hoạt động trên biển cách xa căn cứ của mình.
******************
Nhật tái khởi động Lữ đoàn Thủy quân lục chiến để chống lại Trung Quốc (CaliToday, 07/04/2018)
Sự thành lập lữ đoàn Thủy quân lục chiến Nhật Bản đang gây tranh cãi bởi vì các đơn vị đổ bộ có thể sẽ được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Nhật Bản, các nhà phê bình cảnh cáo.
Lữ đoàn Thủy quân lục chiến - Ảnh minh họa Photo Credit : SCMP
Nhật Bản hôm thứ Bảy đã khởi động đơn vị Thủy quân lục chiến đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai được tổ chức để chống lại những sự xâm lược các hòn đảo của Nhật Bản dọc theo bờ Biển Đông mà Tokyo sợ hãi là bị tấn công bởi Trung Quốc.
Trong một buổi lễ được tổ chức tại một căn cứ quân sự gần Sasebo ở đảo Kyushu phía tây nam, khoảng 1.500 thành viên của Lữ đoàn Đổ bộ Cấp tốc (ARDB, Amphibious Rapid Deployment Brigade) mặc quân phục ngụy trang xếp hàng bên ngoài trời trong thời tiết lạnh, gió.
Lữ đoàn Thủy quân lục chiến diễu hành - Ảnh minh họa Photo Credit : SCMP
"Trong bối cảnh quốc phòng và an ninh ngày càng khó khăn xung quanh Nhật Bản, việc bảo vệ những hòn đảo của chúng ta đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng", Tomohiro Yamamoto, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu.
Lữ đoàn Thủy quân lục chiến đã thi hành một cuộc diễn tập công khai 20 phút lấy lại một hòn đảo hẻo lánh từ kẻ xâm lăng.
Lữ đoàn này là một trong thành phần mới nhất của Lực lượng Thủy quân lục chiến đang phát triển, bao gồm các chiến hạm mang trực thăng Osprey, tàu đổ bộ tấn công và xe tăng tấn công lội nước, nhằm ngăn chặn Trung Quốc trong việc chiếm đóng Tây Thái Bình Dương.
Sự khởi động của đơn vị 2.100 quân nhân ARDB sẽ đưa Nhật Bản tiến gần hơn tới việc tạo ra một Lực lượng tương tự như một Đơn vị Thám sát Thủy quân lục chiến (MEU-Marine Expeditionary Unit) Hoa Kỳ có thể lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động trên biển xa cơ sở của nó.
"Họ đã chứng minh được khả năng kết hợp một MEU đặc biệt. Nhưng để có được một năng lực vững chắc, khả năng của MEU đòi hỏi nỗ lực phối hợp, "Grant Newsham, một nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản nói. "Nếu Nhật Bản để tâm đến chiến lược này, trong một năm hoặc một năm rưỡi nó có thể có một khả năng hợp lý".
Newsham, người đã giúp đào tạo các Lực lượng Thủy quân lục chiến đầu tiên của Nhật trong vai trò một Đại tá liên lạc viên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được giao cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF-Ground Self Defense Force). Ông cho biết Nhật Bản vẫn cần một đơn vị đổ bộ chung với hải quân để điều phối các hoạt động cũng như nhiều tàu đổ bộ và thiết bị quân dụng.
Lữ đoàn Thủy quân lục chiến tập trận - Ảnh minh họa Photo Credit : SCMP
Các nhà lập kế hoạch quân sự Nhật Bản đang cân nhắc một số bổ sung đó. Các nguồn tin cho biết, Không lực Tự vệ (ASDF) muốn có F-35B để hoạt động từ mẫu hạm mang trực thăng Izumo và Ise, hoặc từ các hòn đảo dọc theo Biển Đông Trung Quốc.
Tháng trước, Hoa Kỳ đã vận chuyển máy bay F-35B cho các hoạt động trên biển hổ trợ chiến hạm tấn công đổ bộ USS Wasp, có trụ sở tại Sasebo. Cảng Kyushu cũng là nơi có chiến hạm Ise của Nhật Bản và gần với căn cứ của ARDB.
Một cách riêng biệt, GSDF có thể thi hành các tàu đổ bộ nhỏ lên đến 100 mét để vận chuyển quân và thiết bị giữa các hòn đảo và từ tàu đến bờ, hai nguồn tin quen thuộc với cuộc thảo luận nói. Một khó khăn là Lực lượng Bộ binh Nhật Bản đã ngưng hoạt động kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.
"Khái niệm là đưa Lực lượng võ trang và thiết bị quân dụng lên những chiếc tàu lớn tới hòn đảo chính Okinawa và sau đó phân tán chúng sang những hòn đảo khác trên các tàu nhỏ hơn", một nguồn tin cho hay và đã yêu cầu không được nêu tên vì họ không được phép nói chuyện với cơ quan truyền thông.
Ngọc Thạch (Theo SCMP)
*****************
Singapore và Hoa Kỳ tập trận ở Biển Đông (RFI, 07/04/2018)
Hai tàu chiến của Singapore hôm qua 06/04/2018 đã tham gia cuộc tập trận phối hợp vận động đội hình với Hải Quân Mỹ tại vùng nam Biển Đông, thuộc hải phận quốc tế. Nhật báo Straits Times hôm qua đưa tin như trên.
Ảnh minh họa : Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt qua eo biển Malacca trên đường đến Singapore. Ảnh chụp 01/04/2018. Reuters
Hai chiến hạm Singapore - chiếc RSS Suprême thuộc lớp hộ tống hạm Formidable, và tàu hộ vệ tên lửa RSS Valiant - sẽ tham gia một cuộc thao diễn dự trù kéo dài hai ngày với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sampson và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill.
Trên Facebook, Hải quân Singapore thông báo cuộc tập trận còn bao gồm các bài tập như khai hỏa tấn công mục tiêu là một cái bong bóng, tập phòng không và đổ bộ trực thăng. Khu vực tiến hành tập trận phối hợp vận động đội hình là một vùng tập trận truyền thống của Hải Quân Singapore.
Bài tập phối hợp vận động đội hình cho phép hải quân hai nước tăng cường học hỏi, hiểu biết lẫn nhau, cải thiện khả năng tương tác. Hải quân Singapore và Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận chung, kể cả bài tập phối hợp vận động đội hình, từ những năm 1970.
Hải quân Singapore cũng thường xuyên tổ chức tập trận phối hợp vận động đội hình với tàu chiến của các nước tới thăm viếng Singapore. Trong những năm gần đây, Hải quân Singapore đã tập trận như vậy với một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Pháp. Đợt tập trận phối hợp vận động đội hình gần đây nhất được tiến hành với Hải Quân Hoàng Gia Úc khi cả tàu chiến của hai bên cùng đi qua eo biển Malacca hồi tháng 03/2018.
Thùy Dương